Tuesday, September 15, 2015

Trả lời bài viết về CHẾT của ba

Trên đời này, nếu ai đã từng suy tư, đã từng có chút học thức, hay đã từng yêu cuộc đời này hết mực thì khả năng cao họ đã từng muốn...chết. 

Điều đó đến rất tự nhiên, khi xã hội càng phát triển, con người có được cuộc sống sung túc và đầy đủ thì người ta muốn chết. 

Ở Pháp và Thuỵ Điển, tỷ lệ tự tử rất cao trong giới trí thức trong đó có cả học sinh, sinh viên. Lập luận của họ để lại trong những bức thư tuyệt mệnh là: "chúng tôi sống làm gì trong một xã hội đã định sẵn. Học hành, lao động, về già vào viện dưỡng lão, tất cả đã được chính phủ và xã hội hoạch định sẵn cả rồi. Khi đã biết cuộc đời mình sẽ trôi như thế nào thì tại sao chúng tôi không nhảy ngay tới vạch đích chứ. Đằng nào thì cũng chết, sống làm gì cho mệt thân và tốn tiền xã hội." Và thế là họ chọn cái chết. 

Ở Nhật bản, đất nước cực kỳ phát triển về văn hoá và kinh tế ở Châu Á, cũng có một giới trí thức và lao động bậc cao có xu hướng không muốn sống. Tại đây có những cây cầu nổi tiếng vì có nhiều người tự tử, có khu rừng nổi tiếng chỉ mở cửa cho người ta vào tự tử (tìm đọc khu rừng tự tử của Nhật). Những người chọn cái chết theo cách này vì không muốn sống đời sống nghẹt thở công nghiệp cao của Nhật. Một số người trung niên tự kết liễu đời mình vì thấy cảnh sống mệt mỏi của những người già hàng trăm tuổi của đất nước họ. Tựu chung, nhóm người này không muốn trải qua cuộc đời đau khổ kéo dài nên cũng quyết định đi con đường tắt về đích sớm. 

Không chỉ trong giới trí thức, lao động bậc cao, giới nghệ sĩ trong đó có những người thành danh cũng đã chọn con đường tắt này. Vincent van Gogh ở tuổi 37 đã tự kết liễu đời mình khi không còn thấy chất sáng tạo trong tâm hồn và nghĩ mình đã vắt kiệt trí lực cho nghệ thuật. Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên năm 42 tuổi cũng ra đi tương tự tại Nam Cali vì không còn thấy cần sống nữa. Dường như những nhóm nghệ sĩ này chọn cái chết khi thấy mình không còn cống hiến được gì cho đời nữa. 

Vậy thì việc tự quyết định số phận của mình có nên không? Đằng nào cũng chết, vậy tại sao cứ phải sống làm gì? 

Hãy nghĩ cuộc đời là một cuộc chạy việt dã trên đoạn đường lắp máy cuốn, trong đó điểm xuất phát là khi ta sinh ra và điểm cuối cùng là khi ta chết. Ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia chạy trên suốt đoạn đường đời này. Có những người không thèm chạy hoặc nhờ người khác khiêng đi. Họ tới đích trong sự dè biểu vì thiếu cố gắng. Có người thì lại chạy quá nhanh, cố quá sức, và họ kết thúc trong đau đớn chấn thương. Tuy nhiên có những người không những lười chạy mà còn ăn gian lên trực thăng bay ngay tới đích. Họ không những bị chê cười mà còn bị lên án vì chơi trái luật. Luật Sinh Lão Bệnh Tử của tạo hoá đã như vậy rồi, sao còn muốn ăn gian. 

Cách đây hơn 2000 năm có một thanh niên 27 tuổi, có một gia đình viên mãn, sự nghiệp ngời ngời, cũng đã bắt đầu nghĩ về chuyện chết. Nhưng ông không chỉ muốn chết mà còn muốn tìm cách thoát vòng sinh tử đó. Ông thiền tập và đã hiểu ra sự mầu nhiệm của cuộc sống, và khi ông ra đi thì tâm hồn đã được gạn sạch những tham sân si, đã đạt được sự tỉnh thức mà nay ta gọi là cõi niết bàn hay Nirvana. Người thanh niên đó chính là sáng lập viên đạo Phật tên gọi Thích Ca Mâu Ni. Ngài đã đến được cõi niết bàn bằng con đường tu tập. 

Thưa Ba, con viết bài này hầu mong Ba có một suy nghĩ khác về đoạn đường còn lại của cuộc đời. Theo con nghĩ, việc chọn một cái chết cho riêng mình không phải là điều gì ghê gớm nhưng nó đi trái lại quy luật tự nhiên. Và điều gì trái quy luật tự nhiên thì cũng chẳng  hay ho gì. Tại sao Ba không thử thiền tập và mở hồn mình về cõi Phật. Con nghĩ với năng lực trí tuệ của Ba việc tu thành là điều hoàn toàn có thể. Đương nhiên Ba không cần phải làm ngay, tu tập là khi Ba đã thấy đời sống này quá đủ và mình không còn vướng nợ Tang Bồng gì nữa cả. Con nghĩ Ba sẽ biết thời điểm nào là thích hợp. 


Con trai ba

Nguyễn Quang Dũng
Sept 15,15