Saturday, November 12, 2016

Thứ bảy, đọc thơ Phạm Cao Hoàng và nhớ

Cuối tuần buồn vu vơ
Nhắn thơ thăm anh Ngọc
Gọi người bạn xa lắc
Rồi độc ẩm một ly...

Đời là cuộc phân kỳ
Là mênh mông nỗi nhớ
Nhớ. Luôn luôn là nhớ
Trong mỗi cuộc tử sinh
Từ sâu thẳm tâm tình
Trong vô hình, vô thức!...

Giơ tay mở cuốn sách
Hôm nào Viêm Tịnh tặng
Ngạc nhiên khi tác giả
Là thầy Phạm Cao Hoàng..

Là nhà thơ Phạm Công
Là ông anh khó tính
Ở Scibilia
Ở Virginia
Làm thơ và chụp ảnh
Một đời cùng Cúc Hoa
Mới về mùa thu qua
Ngồi vui Tân Sơn Nhất...

Đọc từng bài thơ xinh
Nhớ sao là năm tháng
Bao mail qua mail lại
Những câu thơ thành hình
Và nhớ những thân tình
Anh em Sài gòn quán
Anh Đinh Cường độ lượng
Anh Minh Nữu rộn ràng
Chị Lãm Thuý cao sang
Anh Phùng Nguyễn dịu dàng
Phạm Cao Hoàng nghiêm nghị...
...
Rồi cũng phải chia tay
Người đi về lối này
Kẻ hoài hoài ngõ khác
Câu thơ như khúc hát
"Còn thơm mãi mùi hương!..." (*)

Còn thơm mãi mùi hương
Trên ngàn dặm con đường
Mai kia mình về đất
Hương tràn ngất niềm thương!...

Nguyễn Quang Chơn
12.11.16
Tặng anh PCH, anh VT, anh ĐHN và nhớ anh ĐC, PN
(*) tên tập thơ PCH tặng "đất còn thơm mãi mùi hương" Thư Ấn Quán xuất bản 8/2016




Đã gửi từ iPhone của tôi

Monday, November 7, 2016

Tản mạn du lịch Nha Trang

Mấy người bạn ở Nha Trang kêu phone, Chơn ơi, làm chi làm hoài rứa, kiếm tiền ít thôi, vô Nha Trang chơi đi. Vậy là mình lên đường!

Tâm lo việc khách sạn, vé máy bay. Chuyến bay mất 1:30' thay vì 50', mới đáp được sân bay Cam Ranh. Té ra, thời tiết xấu, phải lòng vòng trên trời. Và nghe đâu đang có áp thấp nhiệt đới ở biển Đông. Mình vốn tin Phật. Tuỳ duyên! Chuyến đi chơi bất chợt này cũng tuỳ duyên, trời tốt thì "cuốc đất đồng xanh". Trời xấu thì ở nhà "sinh hoạt"!...

Khách sạn Tâm chọn thật hay. Mới xây. Ngay trung tâm. Gần biển. San sát là nhà hàng. Quán sá. Siêu thị mini... Cuối mùa thu, trời mưa từng đợt, mà Nha Trang vẫn nìn nịt khách!..." Nhưng chủ yếu là hai loại . Nga Sô và Tàu cọng. Trời mưa thì Nga mặc áo mưa tiện lợi ra đường. Tàu thì đội dù mà đi. Quán xá đầy đủ tiếng tàu, tiếng Nga. Bar rượu. Nhà hàng. Massage khắp chốn. Vui. Nhộn nhịp! Cứ như góc phố nước ngoài!...

Hai đứa Việt Nam nhà quê chúng tôi thật tội nghiệp, chẳng chịu gout tây, cũng ghét gout tàu. Hỏi lễ tân quán VN nào gần để kiếm món Việt mà ăn. Vậy là phải đi bộ xa xa, thoát cái khu du lịch "ngoại quốc" này thì mới có "nem nướng Ninh Hoà", "bún chả cá Nha Trang", ngon thật là ngon!...

Ngày cuối. Thuê chiếc xe máy chở Tâm lang thang tìm về...xứ Việt. Thật là vui khi lên ngã ba Thành. Ghé chùa Long Hoa tìm thăm hoà thượng N.Q, chơi thân từ thuở mình còn oanh vũ, chú mới vào tu! Nay chú đã được gọi là "ôn", trưởng lão trong giáo hội NT!... Vui khi tìm lại khu vườn nhà của ba ngày xưa nay đã mở đường mới khang trang đẹp đẽ. Vui. Khi nhớ những kỷ niệm lúc tuổi thiếu niên hồn nhiên mơ mộng, chạy xe máy lên Đà Lạt tìm một bóng hồng, đi Quy Nhơn thoả sự giang hồ. Ba biết, đánh một trận tơi bời, nhớ mãi!...

Rồi đêm cuối chia tay NT. Tìm một quán thuần Việt quanh khách sạn để nhậu sao mà khó. Sát bên có nhà hàng Việt Hoa. Vào ngồi gọi món. Cô bé phục vụ mang ra một thực đơn bằng tiếng Trung, chào câu "nỉ hảo". Mình bảo chú là người Việt. Cô bé xin lỗi và bảo rằng ở đây chỉ phục vụ món ăn Tàu. Chung quanh. Những thực khách tàu ồn ào, lộn nhộn!...

Một chút buồn và tiếp tục loanh quanh. Mình chẳng thấy quán thuần Việt nào dẫu mình đang ở nước mình! May thay. Có một quán ghi "Quán VN. Món Bắc" với hình ảnh menu trên tường đầy chất Việt. Chỗ ngồi cũng đẹp...

Cậu bé phục vụ trẻ trung, đẹp trai, khoẻ mạnh. Nhanh nhạy, nhiệt tình, hoạt bát. Cậu liên tục chạy ra vào đưa, đón khách. Miệng cười tươi thân thiện. Mình thấy cậu nói tiếng tàu lưu loát. Tiếng Nga khá giỏi. Hết "nị hảo", đến " zờ grat vui che!" (Câu chào). Tôi hỏi. Con học ở đâu ra mà giỏi thế. Dạ, con học ngoại ngữ tiếng Anh đại học NT. Đã đi làm khách sạn mấy năm mà lương ít quá nên ra đây phục vụ. Vừa trau giồi thêm ngoại ngữ...

Quán bắt đầu tấp nập. Chủ yếu khách tàu, thỉnh thoảng vài cô chú Nga ngố hỏi lạo xạo rồi đi. Mình hỏi cậu phục vụ. Quán này chủ tàu hả con? Dạ không. Chủ Việt. Mà chủ Việt ở đây hiếm lắm. Đa số là chủ tàu, chủ Nga. Họ thuê người Việt mình đăng ký kinh doanh, họ trả lương tháng vài chục triệu vậy thôi. Các tour du lịch ở đây cũng vậy. Bọn ba tàu làm hết, lấy danh nghĩa công ty VN. Bọn chúng thuê tour guide  Việt đi theo cho hợp pháp. Nhân viên của chúng mặc áo quần bình thường ngồi chung với khách, hướng dẫn là chính... Rồi cậu bé ngao ngán. Chú thấy đông khách như vậy chứ tiền bạc vào túi bọn nước ngoài là chính chứ du lịch mình có được là bao?

Không biết lời cậu cử nhân ngoại ngữ nói trên xác thực bao nhiêu, chứ việc bọn tàu cọng núp danh nghĩa công ty Việt để làm du lịch trên nước ta đã được báo chí phanh phui nhiều và bản thân tôi cũng biết một vài công ty đã bán đứng tên tuổi cho tàu để chúng mặc sức qua kinh doanh, làm loạn...

Ôi. Đi chơi trong nước. Thấy du lịch phát triển tưởng được mừng. Nghe thấy những sự thật uẩn khúc bên trong. Lòng lại ngao ngán. Thấy buồn! 

Bao giờ thì mới thoát tàu!

Nguyễn Quang Chơn
06.11.16


Thursday, November 3, 2016

Câu chuyện tháng mười

VN có một phim đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế "Bao giờ cho đến tháng 10". Tôi cũng chưa xem phim này, không biết nội dung,  nhưng mỗi khi mong đợi một điều gì vui thì lại buộc câu cửa miệng: "bao giờ cho đến tháng 10!"...

Tháng 10.2016 đã qua. Tháng nào cũng vậy. Vui buồn lẫn lộn. Đời người mà. Có cái vui nào không chen lấn nỗi buồn. Có cái buồn nào không len chút niềm vui!...

Tháng 10 là tháng bắt đầu cho quí cuối của một năm kinh doanh, chuẩn bị nước rút cho một cuộc chạy đua về đích... Được nhận những thông tin tích cực về hiệu quả SXKD 9 tháng của công ty PKH mà thấy lòng vui. Vậy doanh số, doanh thu công ty đã vượt mức kế hoạch của cả năm. Anh em nhân viên từ cấp cao đến cấp thấp đều đang miệt mài ở công trường, ở từng bộ phận. Bận rộn. Vất vả. Mà vui!...

Tháng 10, không hiểu sao bạn bè nước ngoài hẹn về chơi nhiều thế. Thằng bạn MPC từ Porland về, bay ra ĐN bù khú mấy ngày, ồn ào mày tau rộn rã. Anh chị Tùng Duyên ở Michigan về VN hẹn nhau trên tình văn nghệ. Thư từ bay qua bay lại. Hết thơ đến hoạ. Vui sao. Thi sĩ Viêm Tịnh từ Huế đi tàu lửa vào tặng một tập thơ, cà phê rồi quay ra. Thằng Ch. ở Thăng Bình bỗng đón bus ra chơi, lai rai tưng bừng rồi lên bus trở về. Thằng H. ở SG về giỗ ông già vợ, rủ vào tận Điện Bàn, nhậu một trận tơi bời rồi lái xe ra, cứ sợ các bác giao thông! T., bạn thâm giao, tri kỷ ở SG chợt nhắn tin rủ nhậu, vậy là ba thằng ngự lâm pháo thủ Đ., T., C lại gặp nhau lai rai đủ điều tiếu ngạo giang hồ. Thật quí! Thấy thằng nào cũng khoẻ. Thằng nào cũng vui... Thằng Kh. ở Porland đặt 5 by pass tim, thằng Đ. ở Hoà Xuân đặt 3 cái, giờ vẫn uống đều, vẫn vui vẻ, ồn ào. Thấy cuộc sống đầy ý vị. Thấy tình bạn thật thân thương!...

    Bạn hữu MPC họp mặt tại Bắc Cali

Mà cũng có cái buồn. Đó là nhà thơ PNL có vẻ yếu nhiều sau mấy cơn hoá, xạ trị. Đó là nhận tin nhà thơ NLU ở Tuy Hoà vướng K. Đó là những cơn lũ lụt tàn sát miền Trung, không bởi tại trời mà bởi tại người. Bởi, thằng Tàu ác độc đã sử bậy chúng ta làm thuỷ điện từ hàng chục năm trước để bán các tourbine, và, thâm độc hơn, đặt trên đầu dân ta những quả bom nước khổng lồ!...Trời nắng hạn thì phải tích nước phát điện, nông dân chết khô. Trời mưa thì phải xả tràn, nếu không vỡ đập, tai hại còn hơn cả sóng thần!...

Viết những lời này khi đêm nay nhìn trên TV. Thấy dân miền Trung, miền Cao Nguyên chơi vơi trong nước lũ. Mọi người kêu gọi quyên góp giúp đỡ. Nhưng. Ông bà có câu. Giúp ngặt chứ sao giúp nghèo. Giúp lần này nhưng cứ mỗi lần mưa thì thuỷ điện lại xả nước. Lại gây lũ. Dân lại đói, lại cực. Chẳng lẽ giúp hoài. Và chẳng lẽ chính phủ không thể không thấy. Không thể can đảm đóng cửa những thuỷ điện chỉ có lợi cho một nhóm người mà huỷ hoại hàng vạn vạn người. Rồi tiếng nói can thiệp của các tiến sĩ, giáo sư ở đâu?!!!


    Lũ miền Trung. Nguồn: tuoitre.vn

Ôi tháng mười. Mình vui cho công ty mình. Mình vui cho bạn bè mình, anh em mình. Còn bao đồng bào của mình khắc khoải, đau thương. Niềm vui ấy liệu có trọn vẹn không? Có còn mong "bao giờ cho đến tháng mười" nữa không đây!...

Nguyễn Quang Chơn
03.11.16



Đã gửi từ iPhone của tôi