Sunday, September 27, 2015

Lan man trên những đám mây

Nguồn: news.zing.vn

Tôi đang ngồi trên tàu bay bay đi Sài gòn, đang trên những tầng mây. Nhìn qua ô cửa sổ, mây như những ngọn núi chập chùng, trắng xoá...

Sài gòn, cái tên tưởng sẽ vĩnh viễn gắn với thành phố đã từng được vinh danh là hòn ngọc viễn đông, nay đã đổi thành tên của một người, có lẽ cho giống với những thành phố đổi tên ở nước Nga Xô Viết cũ... Sài gòn thân yêu của tôi ngày xưa chừ đã đổi thay biết mấy! Ngày xưa dân số chưa tới 4 triệu. Nay đã gấp hơn 3 lần . Ngày xưa đi qua quận tư, đi đến Gò Vấp, đi hết Phú Lâm là hết SG, đi nữa chỉ là lau sậy hoang vu... Bây chừ thì ngùn ngụt... 

Hồi xưa, cụ Huỳnh Thúc Kháng từng có một câu đúc kết chỉ có 6 từ mà gói ghém hết tính cách người dân ba miền thật tài tình. Đó là: Bắc trí. Trung dũng. Nam nhân. Nay Bắc vẫn trí, nhưng trí trá nhiều hơn. Nay vào Nam, nào tìm đâu ra được chữ Nhân. Mà nếu người nam gốc còn giữ Nhân chắc họ không tồn tại được. Giáo dục đảo lộn. Trật tự đảo điên. Tính cách con người làm sao giữ được!..

Nói dài dòng để lan man đến những áng mây. Ngày xưa còn bé, tôi thường mộng mơ theo những áng mây, những áng mây bồng bềnh trên trời cao. Tôi thường ngửa cổ ngắm nhìn và chờ đợi sẽ có một cô tiên hiện ra trên đó, sẽ có một tiên ông dài râu phe phẩy phất trần... Và, những đám mây có khi hiện hình thành con gấu, có khi là con trâu, có khi là con hổ... Con hổ đang ví bắt con nai. Bỗng một chốc, con nai biến thành con chó, và con hổ biến thành con mèo, rồi hai con quyện vào nhau, biến thành ông già với đôi mắt xếch... 

Tôi cứ mộng mơ và dệt bao câu chuyện thần tiên trên những đám mây. Tôi mơ có ngày mình sẽ bay lên trên bầu trời. Mình sẽ đứng trên những chòm mây, như những tiên ông...

Rồi khi được ba cho đi tàu bay lần đầu tiên. Tôi hồi hộp lắm. Chiếc DC3 bay dần lên cao. Kìa xa xa vô số là mây. Chiếc tàu bay bay vào trong đám mây khổng lồ. Lòng tôi lo sợ. Và chút tò mò. Không biết điều gì xảy ra. Mình có gặp mây không? Có những con rồng ẩn trong ấy không?... Và rồi mây như những bóng sương mù bên cửa sổ. Và rồi tàu bay chui ra khỏi đám mây, bỏ đám mây ở xa. Mây vẫn tụ trắng xoá như núi chập chùng. Nhưng trong lòng tôi đã tan tành hết những mộng mơ, những suy tưởng về mây... Mây chỉ là bụi, là sương. Mây đâu có phải như núi trắng để tiên ông, tiên bà về ngự...

Hôm nay bay trên những đám mây. Lòng chợt nhớ về những mộng mơ thời thơ ấu mà lòng bâng khuâng, bởi hôm nay là rằm trung thu tháng tám. Trung thu thế kỷ 21 này có em bé nào nhìn trăng còn thấy có cây đa, chú cuội? Thấy rõ ràng như tôi ngày xưa ngẩn ngơ mê mẫn những đêm rằm và ước ao được nắm rễ một gốc cây đa mà bay lên trăng?...

Chiếc DC3 với chuyến du lịch hàng không đầu tiên đã xoá những mộng mơ về mây trong tôi. Rồi khi tuổi niên thiếu chưa qua, những chiếc Appolo đã xoá luôn hình ảnh chị Hằng và chú Cuội. Thì hơn 50 năm sau bây giờ, giữa một thế giới rõ ràng, mạch lạc và thực dụng, làm sao bắt các em mộng mơ thấy được chị Hằng với lại cây đa ?!!!

Vật đổi sao dời. Đời là những hợp tan. Và những đám mây có lẽ là hình ảnh rõ nét nhất của sự hợp tan. Mới đó là tiên là phật là con gấu con rùa. Bỗng tan thành khói, thành...mây!

Bay trên những đám mây. Nghĩ lan man. Chẳng có chủ đề nào. Đúng là LAN MAN TRÊN NHỮNG ĐÁM MÂY...


Nguyễn Quang Chơn
Sài gòn, rằm Trung thu 2015

Saturday, September 26, 2015

Trung thu và nhi ung thư


Chưa thời đại nào mà bệnh ung thư tràn lan nhiều như vậy trên khắp nơi đất nước. Ung thư không chỉ phát triển ở những thành phố sôi động, ồn ào bụi bặm, mà đến tận những bản làng hẻo lánh, những làng quê thanh bình... Ung thư không chỉ quật ngã những người già 40,50 mà cũng chẳng tha đến những trẻ nhỏ 5,10 tuổi. Các em cũng mắc những bệnh ung thư quái dị mà xưa kia chúng ta chỉ nghe thấy ở những người lớn tuổi như ung thư tử cung, ung thư gan, ung thư phổi...

Thống kê cho thấy Việt Nam là nước có tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh ung thư cao nhất thế giới, đặc biệt là với trẻ em. Hằng năm nước ta có khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư và tỷ lệ tử vong vì bệnh này tới 75%. Thật là kinh khủng!

Xót xa vô cùng khi tối nay, 14 tháng 8 âm lịch, mở thời sự thấy các em thiếu nhi ung thư đang đón trung thu. Em nào em nấy đầu trọc lóc, hồn nhiên trả lời phóng viên: điểm giống nhau của chúng con là không có tóc. Và hồn nhiên trả lời: con ung thư gan. Con ung thư tử cung... Rồi các em hát. Các em múa... Tôi tắt TV, thấy lòng đau quặn thắt!...

Tại sao vậy? Tại sao cái thời của tôi ở miền Nam Việt Nam, thi thoảng mới nghe tới bệnh ung thư. Lúc đó là chiến tranh. Bom đạn. Ô nhiễm. Thiếu thốn. Cực khổ. Bây giờ là hoà bình. Ấm êm. Đầy đủ áo cơm. Mà tại sao ung thư ngày một hoành hành???

Đã có không biết bao nhiêu cuộc hội thảo các cấp về vấn đề này. Người ta đưa ra hàng vạn lý do. Nào là hậu quả chiến tranh, các chất độc hoá học do Mỹ để lại đã đi vào mầm đất, nguồn nước. Do huỷ hoại môi trường. Do phát triển công nghiệp nhanh chóng tạo ra khí thải ô nhiểm. Do dân ta ăn uống không vệ sinh. Do, đủ mọi lý do. Lý do nào cũng là từ người dân. Và người ta đã chỉ dạy lại người dân mọi biện pháp để gìn giữ môi trường. Người ta đòi Mỹ phải bồi thường ô nhiễm chiến tranh. Người ta lùng sục các doanh nghiệp phái sinh chất bẩn...

Chỉ có một lý do chính đáng duy nhất mà các vị khoa giáo áo cao mão rộng đều biết mà đều tránh né. Bởi nói ra thì phải tiêu diệt. Mà tiêu diệt thì phạm vào điều cấm thiêng liêng. Đó là. Dân ta bị ung thư tràn lan. Nước ta tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới. Nguyên nhân chính là từ người anh em mười sáu chữ vàng: TRUNG QUỐC. Chúng ta biết rất rõ. Bệnh tật đến từ cái miệng. Đến từ hơi thở. Mà chúng ta đã mấy chục năm nay thân thiết với người anh em. Trước kia thì họ viện trợ. Sau này thì họ xuất tiểu ngạch với giá rẻ như bèo. Nào thực phẩm. Nào vải vóc. Nào chén bát, đũa muỗng. Nào đồ chơi, sách vở, bút viết... Họ còn gởi những hoá chất nhuộm, tăng trọng, ủ chín, tươi hoá thực phẩm, trái cây... Vậy là nhân dân ta, đặc biệt là trẻ em và nhân dân vùng sâu vùng xa,  ngày ngày ăn thực phẩm Tàu, uống nước Tàu, mặc đồ Tàu, chơi đồ Tàu, học hành với sách vở, bút viết Tàu đầy mùi vị thơm tho. Các cháu ôm ấp, các cháu hít hà, thậm chí còn ngậm bút chì, ăn cho căng tròn, ấp cho đầy giấc...

Không ung thư sao được. Khi nước Mỹ đã cấm nhập hàng loạt đồ chơi trẻ con xuất xứ Trung quốc, khi phát hiện có những chất gây ung thư. Cấm nhập những vật liệu xây dựng của TQ có phóng xạ gây ung thư...

Người anh em hiểm độc này đã tìm cách tiêu diệt dân ta bằng những cách thức đê hèn và tàn độc đó chắc không phải người Việt ta không biết. Nhưng người dân làm sao chặn được việc này nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng kiên quyết ngăn chận những mầm độc ấy, tuyệt đối không cho xâm nhập vào đất nước. 

Để làm quyết liệt những việc này đâu có khó. Bao nhiêu chuyện bí mật tày trời như giết người cướp của, như chống phá chế độ, như mấy gram nha phiến..., chỉ một hai ngày là lôi ra hết, chặn đứng hết. Huống hồ gì hàng ngàn tấn hoá chất, hàng vạn tấn thực phẩm, thuốc men...,ngày ngày tuồn qua biên giới. Chặn dễ như chơi. Nhưng sao không được. 

Xin chỉ tay lên trên để hỏi ông trời!

NQC
Mùa Trung Thu 2015

Wednesday, September 23, 2015

Đinh Cường và Trịnh Cung

Đọc bài viết này của hoạ sĩ Trịnh Cung, chạnh lòng nghĩ về những tình bạn đã tan vỡ vì những giấc mộng phù hoa của  đời người! Lại thấy thương và phục hoạ sĩ Trịnh Cung. Thương vì ông đã không vượt lên được những ảo vọng nhân sinh. Phục vì ở tuổi 80 ông vẫn dám nhận ra mình đã sai lầm đập vỡ chiếc bình cổ tuyệt tác trời cho...

Và lại càng quí trọng nhân cách hoạ sĩ Đinh Cường! Đã có những lúc thân tình nhất, tôi đã hỏi ông về chuyện TC và có ý trách nhẹ vì sao anh có thể tiếp tục..., anh cười nhẹ nhàng, thằng ấy nó thế ...

Anh vẫn viết và nhắc nhở những kỷ niệm của tình bạn thân thiết một thời. Anh vẫn kể TC mới đón vợ qua Mỹ và khoe mới mua một xe hai cửa sport...Anh vui và mừng cho TC như mừng cho mình vậy...

Anh Đinh Cường là vậy. Tự nhiên như anh vốn thế. Hồn hậu. Và, như một Đinh Cường đốn ngộ (*). Để cuối cùng, Trịnh Cung phải thốt lên "thật đáng yêu sao và đáng biết ơn sao Đinh Cường, một người bạn lâu đời hết sức đôn hậu..."

Con trai Quang Dũng, nhân gởi bài viết này của Trịnh Cung cho ba, Dũng trích câu nói của Paul Boese " tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ, nhưng nó có thể mở rộng tương lai..."  

Thật chí lý lắm thay!

Xin cám ơn anh Đinh Cường, anh Trịnh Cung và Quang Dũng...

Nguyễn Quang Chơn
Sài gòn, tháng 9, 2015

(*) Ngô Thế Vinh, "đi vào cõi tạo hình, một Đinh Cường đốn ngộ"

TRỊNH CUNG
Một họa sĩ tiêu biểu
cho trường phái hội họa lãng mạn Việt Nam:
Đinh Cường, một người bạn đôn hậu



Tôi chơi với Đinh Cường khi anh từ Sài Gòn ra học mỹ thuật tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1959, sau khi tôi đã làm bạn với Trịnh Công Sơn tại Huế năm 1958. Từ đó đến nay là hơn nửa thế kỷ. Bộ ba chúng tôi, trước khi Trịnh Công Sơn mất, đã 14 năm, được bạn bè gọi vui là “Les Trois Mousquetaires” vì chúng tôi rất gắn bó từ những năm 18-20 tuổi cho đến ngoài 60, tóc bạc, già yếu. Cũng vì thế, chúng tôi có vô số kỷ niệm trên hành trình giang hồ qua nhiều thành phố của miền Nam Việt Nam. Từ Huế đến Sài Gòn, từ Đà Nẵng đến Nha Trang, từ Sài Gòn đến Bảo Lộc – Đà Lạt – Đơn Dương thời miền Nam chưa bị thâu tóm.



Trên bãi biển Thuận An – Huế, thời sinh viên mỹ thuật 
(tư liệu của Đinh Cường)


Bây giờ, nghĩ lại cũng lạ, ba đứa thuộc ba vùng văn hóa rất khác nhau, một chàng người của kinh kỳ thơ mộng, một gã tỉnh lẻ sinh ra trong làng chài tỉnh Khánh Hoà, dân nẫu chính hiệu “con nai vàng” và kẻ kia tuy gốc Huế nhưng sinh ra ở Thủ Dầu Một, học Pétrus Ký, một tay lịch lãm Sài Gòn chính cống, thế mà chúng tôi rất hợp, rất tri âm tri kỷ. Thân nhau trước khi chúng tôi nổi tiếng, một người chập chững làm nhạc, hai đứa còn lại mới học vẽ, cũng không nghĩ sẽ nổi tiếng. Hồi còn học mỹ thuật, Cường và tôi thuê chung cái nhà gạch cũ nằm giữa cánh đồng lúa trên đường Nguyễn Thị Giang, khúc giữa đường Hàng Me và Nguyễn Công Trứ (Chợ Cống), để ở. Cũng tại đây, nhiều bài thơ của tôi đã ra đời, trong đó có bài Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu mà Trịnh Công Sơn đã phổ nhạc.

Đến năm thứ hai tôi bị Thầy Hiệu Trưởng Tôn Thất Đào đuổi học vì vẽ moderne nên phải rời Huế, hết ở chung với Đinh Cường từ đó. May thay, tôi được kiến trúc sư Lê Văn Lắm, Giám đốc Nha Mỹ Thuật Học Vụ cho tiếp tục học năm thứ hai tại trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Đến năm thứ ba, Thầy Mai Lan Phương từ Pháp về, được cử ra Huế thay Thầy Tôn Thất Đào làm hiệu trưởng, tôi lại trở ra Huế học tiếp và tốt nghiệp vào năm 1962. Lúc này, Đinh Cường đã dời nhà xuống Bao Vinh. Tôi về ở chung với Mai Chửng, một sinh viên điêu khắc của trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, ra Huế học tiếp môn Điêu Khắc vì có Thầy Lê Ngọc Huệ, một điêu khắc gia hiện đại, sẽ mang lại cho những học trò trong nước những kiến thức và kỹ năng tiên tiến mà bộ môn điêu khắc trong nước lúc bấy giờ không thể có. Ngôi nhà mà hai chúng tôi ở trọ nằm bên bờ sông An Cựu, đó là nhà của bà dì ruột họa sĩ Nguyên Khai. Ở tại ngôi nhà này, tôi đã vẽ bức sơn dầu Mùa Thu Tuổi Nhỏ, một bức tranh sau đó được Hội Đồng Giám Khảo của Triển lãm Đệ Nhất Quốc Tế Sài Gòn 1962 trao Bằng Danh Dự và được họa sĩ Thái Tuấn khen ngợi đặc biệt trong một bài viết về cuộc triển lãm ấy trên tạp chí Bách Khoa.

Và bộ ba Trịnh Công Sơn – Đinh Cường – Trịnh Cung kể từ năm 1961 không còn thường xuyên gặp nhau ở Huế: Trịnh Công Sơn đi học Sư Phạm Quy Nhơn, Đinh Cường có một cõi riêng ở Bao Vinh, tôi học rồi tốt nghiệp vào năm 1962 và vào thẳng Sài Gòn để lập nghiệp. Trịnh Công Sơn cũng ra trường cùng năm và được bổ đi dạy học trên B’lao.

Năm sau Đinh Cường tốt nghiệp và gặp lại tôi ở Sài Gòn vì Đinh Cường có nhà của ba mẹ tại Tân Định – Sài Gòn. Ba của Đinh Cường là Bác Dõng, một họa sĩ chuyên vẽ các mẫu huy hiệu, các logo có nhiều chi tiết cực nhỏ. Ông có cái bàn nhỏ để sát tường với bộ cọ đặc biệt dành đi những nét tinh vi, một cái kính lúp để nhìn rõ hơn các chi tiết của mẫu vẽ. Ông là một người vui tính và để cho con cái được tự do theo đuổi sở thích của mình. Đặc biệt, vợ ông, mẹ của Đinh Cường, là một bà mẹ hiền hậu, hết mực thương con. Dù không giàu có nhưng bạn tôi, Đinh Cường được bà không để cho thiếu tiền trong túi mỗi khi ra đường. Lúc còn đi học Mỹ Thuật Huế, Đinh Cường đã có xe Vélo Solex, thời này, ở Sài Gòn đã sang lắm rồi huống chi là ở Huế. 

Trong ba chàng ngự lâm pháo thủ chúng tôi, Trịnh Công Sơn và Trịnh Cung là nghèo rớt mồng tơi. Tôi không đủ tiền ăn cơm tháng, phải đi ăn cơm xã hội, cơm giá bèo do nhà nước tổ chức dành cho người nghèo. Hồi đó, quán cơm này nằm bên bờ sông Hương gần chân cầu Trường Tiền, phía phố Trần Hưng Đạo.



Trước ngôi nhà trên đường Nguyễn Thị Giang – Huế
(Trịnh Cung ngồi)


Qua những ngày lận đận của một họa sĩ trẻ, chân ướt chân ráo ở Sài Đô, tôi tìm được một chân dạy vẽ tại trường Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng Sài Gòn, lương dư trả tiền thuê nhà và cơm tháng, còn gửi về cho mẹ nghèo ở Nha Trang mỗi tháng 2.000 đồng và tiêu xài cà phê, hàng quán thoải mái. Chính chỗ ở trọ tôi thuê trên lầu 2 của căn phố nằm bên hông chợ Trương Minh Giảng mà Đinh Cường, Trịnh Cung thường hội ngộ mỗi khi Trịnh Công Sơn từ Bảo Lộc xuống Sài Gòn. Cả ba chúng tôi ngủ trên sàn nhà rộng mỗi bề 3 x 2 m. Nếu hôm nào trong túi quần rủng rỉnh tiền thì chiều xuống là ba đứa lên taxi phóng xuống đường Tự Do làm một chầu cà phê ở Brodard rồi kéo đi ăn tối cơm thố ở Chợ Cũ hoặc sang hơn là cơm Tây nằm ở góc đường Lê Lợi và Pasteur rồi ghé vào Liberty nghe Lệ Thu hát Sérénata và để Trịnh Công Sơn gặp “Thanh Thúy Tàu”.  Còn hôm nào cạn lán thì đi đếm cột đèn dọc phố Lê Lợi rồi ngửa mặt lên trời đêm mà kêu lên: “Sao Trời lại để cho ba kẻ tài hoa này không có tiền đủ cho cuộc vui Saigon by Night đang bắt đầu lên đèn!”

Không biết có phải trời xanh nghe đươc lời than ấy không mà sau khi chúng tôi về căn phòng hẹp bên hông chợ Trương Minh Giảng, đã đi nằm như cá mòi thì có tiếng gõ cửa. Tôi bật dậy, hé cửa hỏi: “Xin lỗi, ông tìm ai?” Trong bóng tối của hành lang, người đàn ông nói giọng Bắc: “Tôi muốn gặp họa sĩ Trịnh Cung để hỏi mua một bức tranh.”

“Dạ tôi đây, mà hiện tôi chỉ có mỗi bức thiếu nữ.” Người khách không hẹn trước nói ngay: “Cho tôi mua ngay!” Tôi muốn bật cười vì quá đỗi lạ lùng, không nghĩ ra có phép lạ như thế nhưng phải nén lại và mời người khách vào lấy tranh. Khi ông ấy hỏi giá tranh, tôi nói: “Bây giờ ông muốn đưa tôi bao nhiêu tôi nhận bấy nhiêu.” Người mua tranh nói: “Tôi chỉ có 1.500 đồng.” Tôi vui sướng cầm tiền và đóng cửa lại. Không ai bảo ai, cả ba đứa đều không nín được nữa, cười như muốn hét rồi mặc quần áo xuống phố dù đêm Sài Gòn đã vào khuya. (Bức sơn dầu này có một câu chuyện, một số phận đặc biệt sau ngày 30-4-1975 mà tôi sẽ kể vào một dịp khác.)

Rồi năm sau, cuối năm 1962, tôi bỏ dạy vẽ, khăn gói lên Đà Lạt theo đề nghị bảo trợ cho tôi một cuộc sống chỉ để vẽ, mọi thứ đều được anh bạn yêu tranh tôi, tên là Thọ, đài thọ. Anh Thọ có đồn điền ở Lâm Đồng và có vài pharmacy ở Sài Gòn, dân du học ở Pháp về. Hồi đó dân chơi Sài Gòn đặt nick cho hai công tử, Lân Simca Đỏ (Hoàng Kim Lân) và Thọ Florid Trắng, đó là chỉ hai chiếc xe mui trần nổi bật giữa Sài Gòn hoa lệ thời 60 của hai chàng. Anh Thọ lớn hơn tôi khoảng 5 tuổi, thuê cho tôi một căn hộ trong biệt thự nằm trên đường Hoa Hồng nay là đường Huỳnh Thúc Kháng, Đà Lạt. Nơi mà ĐC thường đề cập khi anh viết về Đà Lạt một thời. Việc cơm nước, anh Thọ giao cho bà chủ biệt thự này lo toan cho tôi mỗi ngày. Rong chơi và vẽ là nhiệm vụ mà tôi phải hoàn thành, anh Thọ muốn thế. Tôi thật quá may mắn! Và cũng nhờ chỗ ở này mà tôi đã đưa Trịnh Công Sơn và Đinh Cường về ở chung mỗi khi hai bạn giang hồ lên Đà Lạt và sau hai năm ở đó với bao kỷ niệm đẹp, tôi rời về Sài Gòn theo lệnh động viên vào quân trường Thủ Đức. Từ đó Đinh Cường tiếp tục thuê căn phòng ở số 10 đường Hoa Hồng này, cùng ở với Đỗ Long Vân bỏ dạy Văn Khoa Huế, lên làm thư viện tại Viện Đai Học Đà Lạt từ năm 1963 đến 1965, ăn cơm tháng ở nhà phía sau của vợ chồng Hoàng Anh Tuấn. Trịnh Công Sơn hay từ Bảo Lộc về ở lại nơi này. Cũng là thời mà Trung úy Nguyễn Xuân Thiệp, Trưởng Đài Phát Thanh Quân Đội – Đà Lạt, hay ghé mỗi đêm khi ở đài ra.

Căn hộ này, đối với tôi là một bước ngoặt sự nghiệp nghệ thuật quan trọng bậc nhất trong đời tôi. Nơi đã ra đời những Trên Vùng An Nghỉ, Thiên Đàng Của Ấu Thời, Khỏa Thân Hồng, Hoa Cúc Vàng Trên Ghế Mây. Tôi mang ơn anh Thọ nhiều lắm, không biết bây giờ anh đang ở đâu? Căn hộ này còn là một câu chuyện về người đàn bà đẹp, quyền quý, chủ căn hộ, người nấu và dọn cho tôi những bữa cơm theo kiểu Pháp và dạy tôi nghe nhạc cổ điển vào mỗi tối thứ Bảy. Tôi sẽ kể về câu chuyện này vào một dịp khác nhưng cần nói ngay ở đây một chi tiết của câu chuyện: Đinh Cường và Trịnh Công Sơn đã vào quân trường Thủ Đức thăm tôi vào một sáng Chủ Nhật năm 1964 và báo cho tôi một tin dữ: “Bà Nghiên bị giết vào nửa đêm tại phòng khách của biệt thự, máu văng lên bức chân dung toa vẽ bà ấy.”

Từ khi tôi đi lính rồi đất nước lâm vào khói lửa khủng khiếp, chúng tôi không còn gần gũi như những ngày thanh bình. Đinh Cường và Trịnh Công Sơn có điều kiện gắn bó và duy trì tình bạn vốn rất đẹp đẽ còn tôi lênh đênh theo đời lính nên không còn giữ được những gắn bó tuyệt vời như thủa 20-30 tuổi. Thậm chí, những năm sau ngày 30-4-1975, chính tôi đã làm đổ vỡ tìnhbạn hiếm có ấy như một người đã đập vỡ chiếc bình cổ tuyệt tác vốn là trời cho.





Nay, tuổi chỉ còn vài năm nữa là đến 80, Trịnh Công Sơn đã yên nghỉ nghìn thu, Đinh Cường thì bỏ giận tôi, về Việt Nam cách đây 4 năm, nhờ Thân Trọng Minh nhắn rủ tôi đi ăn cơm, để tôi chọn chỗ. Tôi đã xách đến một chai rượu cognac loại quý để uống mừng sự tái hợp của hai chúng tôi. Lẽ dĩ nhiên là cuộc cụng ly tay ba này không dừng ở đây mà tôi còn mời Đinh Cường dùng bữa tối với vợ con tôi, vợ chồng Dương Nghiễm Mậu, vợ chồng Nguyễn Quang vào tối hôm sau, trước khi Đinh Cường về Mỹ.

Và, chắc các thân hữu đã biết, Đinh Cường gần đây đã nhiều lần làm thơ đề tặng tôi và thường nhắc đến tôi trong các bài viết của anh. Đáng yêu thay và đáng biết ơn thay Đinh Cường, một người bạn lâu đời hết sức đôn hậu.

Cầu cho bạn mau bình phục, tôi hy vọng sẽ về DC thăm bạn vào mùa Giáng Sinh này.
 
Orange County, 12.9.2015 
Trịnh Cung



Tuesday, September 15, 2015

Trả lời bài viết về CHẾT của ba

Trên đời này, nếu ai đã từng suy tư, đã từng có chút học thức, hay đã từng yêu cuộc đời này hết mực thì khả năng cao họ đã từng muốn...chết. 

Điều đó đến rất tự nhiên, khi xã hội càng phát triển, con người có được cuộc sống sung túc và đầy đủ thì người ta muốn chết. 

Ở Pháp và Thuỵ Điển, tỷ lệ tự tử rất cao trong giới trí thức trong đó có cả học sinh, sinh viên. Lập luận của họ để lại trong những bức thư tuyệt mệnh là: "chúng tôi sống làm gì trong một xã hội đã định sẵn. Học hành, lao động, về già vào viện dưỡng lão, tất cả đã được chính phủ và xã hội hoạch định sẵn cả rồi. Khi đã biết cuộc đời mình sẽ trôi như thế nào thì tại sao chúng tôi không nhảy ngay tới vạch đích chứ. Đằng nào thì cũng chết, sống làm gì cho mệt thân và tốn tiền xã hội." Và thế là họ chọn cái chết. 

Ở Nhật bản, đất nước cực kỳ phát triển về văn hoá và kinh tế ở Châu Á, cũng có một giới trí thức và lao động bậc cao có xu hướng không muốn sống. Tại đây có những cây cầu nổi tiếng vì có nhiều người tự tử, có khu rừng nổi tiếng chỉ mở cửa cho người ta vào tự tử (tìm đọc khu rừng tự tử của Nhật). Những người chọn cái chết theo cách này vì không muốn sống đời sống nghẹt thở công nghiệp cao của Nhật. Một số người trung niên tự kết liễu đời mình vì thấy cảnh sống mệt mỏi của những người già hàng trăm tuổi của đất nước họ. Tựu chung, nhóm người này không muốn trải qua cuộc đời đau khổ kéo dài nên cũng quyết định đi con đường tắt về đích sớm. 

Không chỉ trong giới trí thức, lao động bậc cao, giới nghệ sĩ trong đó có những người thành danh cũng đã chọn con đường tắt này. Vincent van Gogh ở tuổi 37 đã tự kết liễu đời mình khi không còn thấy chất sáng tạo trong tâm hồn và nghĩ mình đã vắt kiệt trí lực cho nghệ thuật. Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên năm 42 tuổi cũng ra đi tương tự tại Nam Cali vì không còn thấy cần sống nữa. Dường như những nhóm nghệ sĩ này chọn cái chết khi thấy mình không còn cống hiến được gì cho đời nữa. 

Vậy thì việc tự quyết định số phận của mình có nên không? Đằng nào cũng chết, vậy tại sao cứ phải sống làm gì? 

Hãy nghĩ cuộc đời là một cuộc chạy việt dã trên đoạn đường lắp máy cuốn, trong đó điểm xuất phát là khi ta sinh ra và điểm cuối cùng là khi ta chết. Ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia chạy trên suốt đoạn đường đời này. Có những người không thèm chạy hoặc nhờ người khác khiêng đi. Họ tới đích trong sự dè biểu vì thiếu cố gắng. Có người thì lại chạy quá nhanh, cố quá sức, và họ kết thúc trong đau đớn chấn thương. Tuy nhiên có những người không những lười chạy mà còn ăn gian lên trực thăng bay ngay tới đích. Họ không những bị chê cười mà còn bị lên án vì chơi trái luật. Luật Sinh Lão Bệnh Tử của tạo hoá đã như vậy rồi, sao còn muốn ăn gian. 

Cách đây hơn 2000 năm có một thanh niên 27 tuổi, có một gia đình viên mãn, sự nghiệp ngời ngời, cũng đã bắt đầu nghĩ về chuyện chết. Nhưng ông không chỉ muốn chết mà còn muốn tìm cách thoát vòng sinh tử đó. Ông thiền tập và đã hiểu ra sự mầu nhiệm của cuộc sống, và khi ông ra đi thì tâm hồn đã được gạn sạch những tham sân si, đã đạt được sự tỉnh thức mà nay ta gọi là cõi niết bàn hay Nirvana. Người thanh niên đó chính là sáng lập viên đạo Phật tên gọi Thích Ca Mâu Ni. Ngài đã đến được cõi niết bàn bằng con đường tu tập. 

Thưa Ba, con viết bài này hầu mong Ba có một suy nghĩ khác về đoạn đường còn lại của cuộc đời. Theo con nghĩ, việc chọn một cái chết cho riêng mình không phải là điều gì ghê gớm nhưng nó đi trái lại quy luật tự nhiên. Và điều gì trái quy luật tự nhiên thì cũng chẳng  hay ho gì. Tại sao Ba không thử thiền tập và mở hồn mình về cõi Phật. Con nghĩ với năng lực trí tuệ của Ba việc tu thành là điều hoàn toàn có thể. Đương nhiên Ba không cần phải làm ngay, tu tập là khi Ba đã thấy đời sống này quá đủ và mình không còn vướng nợ Tang Bồng gì nữa cả. Con nghĩ Ba sẽ biết thời điểm nào là thích hợp. 


Con trai ba

Nguyễn Quang Dũng
Sept 15,15

CHẾT

Tôi thường nghĩ đến cái chết từ thời còn trẻ. Lớn lên giữa bom đạn chiến tranh. Thấy cái phù du của đời người. Trong cái dằn vặt "sống hay không sống" của bao triết thuyết chung quanh... Tôi thường nghĩ về cái chết. Cái lẽ tử sinh...

Rồi cuộc sống cứ trôi như nó vẫn trôi. Và cuộc đời tôi vẫn lăn như mọi cuộc đời... Học hành. Lập gia đình. Có con cái. Làm việc. Kiếm tiền. Bè bạn. Thất bại. Thành công... Tôi cũng vẫn hằng nghĩ về cái chết. Và cũng thường nghĩ về lẽ sống. Sống thế nào để một mai kia chết đi không ân hận.

Mà một đời người, có biết bao nhiêu trạng huống xảy ra. Nhiều khi tình cảm lấn át lý trí. Nhiều khi cái ác lướt cái thiện. Nhiều khi cái ngu muội đen tối phủ lên sự trong trắng..., bởi vậy, dễ ai cho đến khi nhắm mắt xuôi tay mà không ân hận điều gì... 

Nhận thấy mình cũng làm được bao nhiêu điều tốt cho bạn bè, cho gia đình, xã hội. Nhưng cũng không phải là không có những chuyện sai trái bao giờ. Và làm tốt không có nghĩa là được bù đắp bằng những thiện lương mà trái lại, như câu ông bà thường nói "làm ơn mắc oán", nhiều khi còn lắm thị phi, và đến cuối đời, chắc vẫn còn những thị phi...

Phàm ở đời. Sống thì phải vươn lên. Trách nhiệm với gia đình, với xã hội, với bản thân, buộc ta phải phấn đấu không ngừng. Phải mưu sinh. Phải mưu cầu một cuộc sống đủ đầy. Và. Cái ta được thì là cái người khác mất. Cái ta thành công thì kẻ kia thất bại. Vì vậy, sự ganh ghét, nỗi đố kỵ, lòng tự ái của thiên hạ đối với ta là chuyện thường tình. Biết thế, nhưng nhiều khi lòng cũng ủ dột muộn phiền. Nhưng đến cái tuổi lục tuần thì rủ hết. Buồn cũng thế. Phiền cũng vậy. Buông. Xả. Tôi thấy mình nhẹ nhõm. Không giận hờn nữa. Lại nghĩ về cái chết. Chết là hết. Sạch trơn. Sân và hận được cái gì!...

Đến tuổi lục tuần. Lúc đã quá "tri thiên mệnh" thì bạn bè cùng lứa cũng "ngộ thiên mệnh" khá nhiều. Lác đác từng đứa rủ nhau về cực lạc. Còn lại, bệnh tật thì nhiều vô kể. Ít ít thì cũng cao máu, cao mỡ. Trung trung thì cũng tim mạch, tiểu đường. Nặng thì u gan, u phổi. Đứa thành đạt thì đã thành đạt. Đứa thất bại thì đã thất bại. Đứa ấm êm thì đã ấm êm. Đứa tan hoang thì chồng vợ một đàng, cái con một nẻo... Ba mẹ, những người tôi một mực kính yêu, cũng dần rủ nhau về với ông bà. Tôi đau đớn khi mình đã đủ đầy, mong được chăm sóc ba mẹ tuổi già bóng quế, chưa được bao nhiêu thì các cụ đã ra đi...

...Tôi đã yêu cuộc đời này như tôi đã yêu. Tôi say đắm biết bao những cảnh đẹp ở những nơi mà tôi đã đến, những văn hoá mà tôi đã tiếp cận, những nghệ thuật mà tôi đã thưởng lãm. Và tôi cũng đã xiết bao hạnh phúc với những tình yêu, tình bạn quanh tôi... Và cũng đau khổ, trở trăn với chiến tranh, với bạo lực, với độc tài vô đạo và với những phản trắc, dối lừa, tàn độc của tình người. Cũng phiền muộn, chán chường biết bao với bạn bè vô ơn, phản trắc, với những ái ố hỷ nộ của đời...

Đời cho tôi nhiều ơn phước. Tôi biết thế và cám ơn trời Phật. Cám ơn ba mẹ. Cám ơn vợ con. Tôi biết mình đã cố gắng rất nhiều, nhưng chính gia đình với sự thương yêu kính trọng, nhân ái độ lượng và gìn giữ những văn hoá đạo đức tự ngàn xưa đã cho tôi sự ấm êm tâm hồn thể xác, để có được đời sống căn bản, viên thành...

Tôi vẫn nghĩ về cái chết. Càng nghĩ nhiều hơn khi một người bạn tôi chống chọi nhiều năm với bệnh tật. Hết SG, HN, Huế đến ĐN. Chịu bao phẫu thuật đau đớn. Vẫn không qua khỏi. Rồi một ông lãnh đạo thành phố khoẻ như con gấu, cùng với nền y học hàng đầu thế giới, đã vật lộn một cách xác xơ với bệnh hiểm, rồi cũng tàn tạ ra đi, bỏ lại bao nhiêu là của cải, sự nghiệp... Tôi cũng nhìn thấy những người đồng lứa tôi vẫn còn lao về phía trước như con thiêu thân để tìm tiền bạc lợi quyền, trong khi mỗi ngày họ vẫn quắt quay với từng nạm thuốc chữa bịnh... Tôi cũng nhìn thấy vợ chồng người bạn tôi, trên 60, vẫn ngày ngày chăm nom ba mẹ già gần trăm tuổi, sống như đời thực vật. Anh chị không làm gì được cả. Suốt ngày vất vả với bà, với ông...

Tôi thấy. Và tôi lại nghĩ về cái chết, cái sống. Sống lâu hay sống đủ. Chờ đợi ngày ra đi vĩnh viễn hay tự quyết định đời mình???

Tôi lại thấy mình đã ôm ấp cuộc tồn sinh này đủ lắm rồi. Gần 40 năm làm việc. Bươn chải. Tranh đấu. Yêu thương. Muộn phiền. Giận hờn. Hạnh phúc... Vợ con đã chu toàn. Cha mẹ đã thiên thu. Ông bà đã chu tất. Xã hội đã tạo dựng tốt đẹp. Phải đến lúc buông bỏ và ra đi....

Tôi chỉ muốn tại thế khoẻ mạnh và vui vẻ đến khoảng 70 rồi cũng khoẻ mạnh và vui vẻ chia tay cuộc đời. Tôi đã từng tâm sự với những người anh lớn "xưa nay hiếm",trí thức,  tuổi cao đức trọng. Rằng, em nghĩ sống khoẻ đến bảy mươi là đủ. Tìm cách ra đi. Đừng để cái bịnh ập đến mà rề rà đau đớn. Và cũng đừng sống quá lâu hơn nữa để phải lê lết cái thân già làm khổ con cháu, người thân. Các anh đã không đồng ý và nói. Đến cái tuổi đó, Chơn sẽ thay đổi suy nghĩ, khác tuổi chừ. Tôi không biết mình có sẽ thay đổi không nhưng cho đến bây giờ. Tôi cũng vẫn muốn xin được sống khoẻ với tuổi đời " trang trắng vỗ tay reo". Sẽ buông bỏ hết mọi thứ. Còn một vài năm rong chơi với mây trời sông nước gió trăng. Rồi. Tìm một cách đi thanh thản nhẹ nhàng. Trở về với cát bụi. Với hư không....

Sài gòn, chớm thu 2015

Nguyễn Quang Chơn