Wednesday, October 28, 2015

ĐÊM GIỮA MỘT MÌNH



Dòng sông đến mát trong (*). dòng sông trôi đi mất
Để lại chút phù sa mặn ngọt. trên hòn sỏi rêu xanh...
Bạn đến thật nhanh. Bạn đi sao vội
Chiếc lá cuối thu rơi. vời vợi
Người ngồi im. đếm bước chân qua...

Bước chân khẽ khàng trước cửa
Xa rồi. còn sót lại một bông hoa
Nở. dịu hương. để nửa đêm ngồi nhớ...
Tiếng còi tàu. ôi tiếng còi tàu
Loang về đâu....

Loang về đâu. ôi những vệt màu
Xanh thẳm mộng mơ
Vàng tươi nhung nhớ
Xanh ngát dòng sông 
Nụ cười long lanh nắng
cánh dã quỳ Đà lạt
hạt mưa Sài gòn
mảnh trăng hạ huyền chong chanh Huế
Ai mang đi rồi?

Còn lại
Tiếng quạ kêu đêm
Giữa cánh rừng Natick
Lặng im...

NQC
27.10.15
Thân kính tặng anh ĐC trong nỗi nhớ bạn bè

(*) ý thơ ĐC

Friday, October 16, 2015

Tâm thiện và nghề nghiệp


Con người ta luôn có hai cái tâm. Tâm Thiện và Tâm Ác. Hai cái tâm này hay đối kháng, có khuynh hướng lấn lướt lẫn nhau, dày xéo lòng người. Khi làm được việc thuận với đạo lý, nghĩa tình, thì lòng vui, thanh thản. Khi làm những việc sai với nhân nghĩa lễ trí tín, thì lòng dạ bồn chồn, ray rức không yên...

Đó là nói về những con người có kiến thức, có lương tâm. Loại người này luôn muốn trau giồi, rèn giũa bản thân để cái tâm thiện ngày càng lớn lên, triệt tiêu cái tâm ác, để sống đời hạnh phúc với mình, với người.  Còn những kẻ ích kỷ, tham lam, luôn muốn chiếm đoạt của cải người khác, giành thế thượng phong và lợi lộc cho mình, hạng người này tham lam ích kỷ đến nỗi sẵn sàng bán đổ bạn bè, giết người, hại vật, thì không bàn đến!...

Trong cuộc mưu sinh. Có rất nhiều nghề. Nhưng xét cho cùng cũng có thể gom lại trong ba nghề chính. Đó là nghề Kinh Doanh, Nghề Y và Nghề Giáo.

Nghề Y và nghề giáo là hai nghề phải có cái tâm thiện mới hành nghề được. 

Một thầy thuốc mà cái tâm không thiện. Khám chữa bệnh nhân mà lòng chỉ mong sao lấy thật nhiều tiền, vừa khám bệnh, vừa bán thuốc. Thậm chí nuôi bệnh để kiếm tiền....Y đức không có, thì người thầy thuốc ấy không thể là lương y được mà có thể gọi là ác y, y tham, lang băm... Bởi, lương y phải có tấm lòng như từ mẫu, phải ghi nhớ nằm lòng lời thề Hippocrates, Qui Ước Đạo Đức Ngành Y của WMA. Tâm thiện và nghề Y không được cách xa nhau mà phải luôn trao dồi để sát cánh bên nhau. Có như thế cái sứ mệnh thiêng liêng của người làm nghề y mà đời trang trọng dành cho chữ THẦY, Thầy thuốc, mới được thực hành xứng đáng. 

Nghề giáo cũng thế. Người thầy trên bục giảng mà cái tâm không thiện. Không hết lòng với học trò, thì họ không thể xây dựng cho xã hội những con người trí tuệ, tài năng, đạo đức. Cái tâm bất thiện của họ chỉ đào tạo ra một lũ người ăn bám, phá hoại, một xã hội mất lương tri...

Còn nghề kinh doanh với tâm thiện thì trái ngược nhau, mâu thuẫn nhau. Kinh doanh có nghĩa là lợi nhuận, lợi nhuận là tiêu chí đầu tiên. Làm ra lợi nhuận nghĩa là "một vốn bốn lời", nhiều khi phải "treo đầu dê bán thịt chó". Làm ra lợi nhuận thì phải đóng thuế cho nhà nước. Phải tuân thủ những luật lệ trong kinh doanh nhà nước đặt ra. Mà thuế thì quá chặc, quá cao nên mới phải "lách thuế", "trốn thuế",  "lậu thuế"...


Đã muốn có lợi nhuận thì phải mua một bán mười, thậm chí bán một trăm. Càng lợi càng tốt, bất chấp giá trị thật của sản phẩm là bao nhiêu, bất chấp người mua giàu hay nghèo. Chúng ta thấy rất rõ trong các hãng sản xuất thuốc. Giá trị thật  của một viên thuốc chữa các bệnh hiểm nghèo khoảng vài xu. Nhưng được bán ra trên thị trường hàng chục, hàng trăm đô la Mỹ, như các thuốc chữa ung thư, chữa Aids... Ở đây rất rạch ròi việc bán thuốc và người bệnh. Không có tiền mua thuốc thì chết. Vậy thôi!

Trong thương trường. Cùng tranh giành một việc kinh doanh, một sản phẩm, một dịch vụ,       thì cái anh được, chính là cái người khác mất. Anh thành công, tức người khác thất bại. Vậy là hằm hè. Vậy là oán thù. Đã có không biết bao nhiêu vụ án hại người cũng vì tranh giành lợi nhuận trong việc kinh doanh. Người ta nói thương trường là chiến trường quả thật không sai. Mà chiến trường nào không đổ máu, không chết chóc, đau thương! Chiến trường làm gì có tâm thiện. Tôi không giết anh thì anh giết tôi. Lạnh lùng là vậy. Ác tâm là vậy!...

Có những người bước vào đường kinh doanh khởi đầu với tánh thiện. Tuy nhiên, thương trường không đơn giản với họ, nên khi rơi vào mất mát, thua lỗ, buộc nhà doanh nghiệp phải trốn thuế, phải lừa lọc, phải gian dối..., cái thiện đã mất tự lúc nào một cách tự nhiên...

Bởi tâm thiện với kinh doanh luôn đối nghịch nhau nên nhiều người, khi giàu có trong kinh doanh rồi hay...nghĩ lại. Họ sợ cho việc gian dối, lừa gạt của mình nên... làm từ thiện, mong tâm hồn được cứu rỗi. Làm từ thiện mà cái tâm như thế thì cũng chẳng thiện chút nào!...

Kinh doanh là sát cánh với tiền bạc. Mà "tiền "thì "bạc" lắm. Bao nhiêu cha xa con, anh xa em, bạn bè xa nhau cũng bởi chữ tiền...

Nói vậy, không thể nào kinh doanh với một cái tâm thiện ư? Chỉ người ác mới giàu có, còn người hiền, tâm thiện thì suốt đời nghèo khổ sao? 

Không. Kinh doanh có cái đạo đức của kinh doanh, có cái văn hoá của kinh doanh. Nhiều ngành nghề làm giàu dựa trên kiến thức của mình, như những anh "Hai Lúa" ở miền Tây. Thấy bà con gặt đập vất vả, vậy là anh nghĩ ra máy gặt đập, bán rẻ cho bà con, còn bày cho những cơ sở khác làm. Anh có tiền,  nhưng niềm vui khi giúp đồng bào cởi bỏ được sức lao động, giúp cơ sở cơ khí khác có công ăn việc làm, còn vui hơn những đồng tiền anh kiếm được! Và anh tiếp tục suy nghĩ, sáng chế những máy móc khác, trong công việc khác, để giúp đỡ người dân. Anh bán hàng vẫn có lãi, đủ lo chu toàn cho gia đình, xã hội, nhưng việc kinh doanh của anh đầy ắp tính nhân văn đó chứ. Một cái tâm không thiện sao làm được những điều này!

Tôi quen một người bạn là một nhà thầu rất nổi tiếng. Công trình của anh rải khắp nơi trên đất nước. Người ta nói những nhà thầu xây lắp thường làm ẩu, "ăn" bớt vật tư thiết bị công trình nên để lại những sản phẩm kém chất lượng. Thế nhưng ông bạn tôi lại khác. Anh luôn lấy chất lượng và uy tín làm đầu. Có những công trình anh bị lỗ do nhà đầu tư kéo dài thời gian, do biến động giá cả bất thường. Thế nhưng. Đối với anh. Sự cam kết ban đầu và chất lượng là trên hết. Và cuối cùng. Tổng hoà tất cả. Anh vẫn là người thành công. Lợi nhuận hàng năm anh vẫn tăng đều ngay cả khi kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng. Tôi hỏi anh. Lý do vì sao anh thành công. Anh bảo. Đó là cái tâm trong kinh doanh, là sự chân tình và chữ tín! Tôi hỏi. Còn lợi nhuận thì sao? Anh bảo. Công ty hay gia đình. Cũng như đất nước này vậy. Lúc thịnh. Lúc suy. Nhưng phải có cái cốt lõi, đó là văn hoá và đạo đức, nếu mất đi, chỉ có lụi tàn. Làm kinh doanh không chỉ luôn thuần lợi nhuận. Có những lợi nhuận vô hình sẽ đưa lại những lợi nhuận hữu hình to lớn...

Tâm thiện và kinh doanh trong xã hội. Xét cho cùng cũng như tâm thiện và tâm ác trong một con người. Nó luôn đối chọi lẫn nhau. Nó luôn tìm cách lấn lướt lẫn nhau. Nếu chúng ta mê muội. Chúng ta để ác tâm chế ngự thì việc kinh doanh cũng có thể thành công nhưng chắc chắn chẳng thể lâu bền, và thường gây cho ta sự stress, dứt day. Nếu chúng ta tỉnh táo và biết nghĩ suy. Tâm thiện sẽ là một nguồn sáng giúp chúng ta tự tin, nhẹ nhàng trong cuộc làm ăn. Và, điều tuyệt vời sẽ đến với ta là, sự thành công không vội vã nhưng lâu bền. Nếp văn hoá của tâm thiện trong kinh doanh sẽ là nền móng vững chắc cho một doanh nghiệp trường tồn! Bởi. Tài sản kết sù bây giờ đang có, anh giữ được bao lâu khi anh sống đời không đến trăm năm? Sự duy trì và phát triển không nằm ở anh nữa mà là những con người kế nghiệp. Đất kia, biển nọ cũng mất nếu con người không có văn hoá giữ gìn. Tiền bạc sẽ như thế nào nếu đàn em, con cháu không có một cái tâm. Tâm thiện!

Ôi. Đã có biết bao doanh nhân giàu nứt vố, đổ vách phải xộ khám, tử hình. Có biết bao sự nghiệp ngút ngàn, hoành tráng, rồi đời con, đời cháu lại phải tủi hổ ngậm ngùi làm thuê cuốc mướn, lây lất mỗi ngày...Sự trường tồn cho sản nghiệp chỉ có được trong một môi trường kinh doanh có văn hoá, có đạo đức, tâm thiện và nhân văn!...


NQC, 15.10.15

Tuesday, October 13, 2015

Đọc đoạn ghi ĐC. vẽ Nguyễn Quang


Đêm buồn VN thua Thái Lan trận túc cầu world cup
Mở blog PCH có bài Đinh Cường vui với bạn
Tại nhà Nguyễn Quang. với mắm kho quẹt
Chợt vui...

Cám ơn anh Nguyễn Quang
Cám ơn anh Nguyễn Tường Giang
Anh Phùng Nguyễn
Anh Phạm Cao Hoàng...

Các anh luôn ở bên ĐC
Như những người bạn thiết
Để anh Cường quên những ngày chemo mõi mệt
Để anh yêu tha thiết 
Cuộc đời
Để mảnh toile còn tươi thắm sắc màu
Đinh Cường
Trong studio. trong garage làm phòng vẽ...

Sketch chân dung Nguyễn Quang
Như một sự tri ân
Như niềm vui chia sẻ!...

Mừng anh Đinh Cường với bao bạn bè yêu dấu, thân thương
Hẹn anh nhé!

"Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau"

NQC, 
14.10.15


Bóng đá Việt Nam (*)

Phùng Nguyễn có một câu viết hay: "cho tôi được hy vọng hướng về quá khứ, để còn có chút niềm tin cho tương lai" 
Con rất thích câu này. 

Phân tích một chút về bóng đá Việt Nam, người ta hay nói nước mình đá dỡ là do tiêu cực, bán độ, bạo lực, lương cao làm mờ chân cầu thủ, không được đào tạo bài bản, thiếu thể lực...

Ôi sao nghe toàn những lý do đầu ngọn.
 
Đội Việt Nam bán độ sao bằng đội Ý, năm 2006 khi Ý vô địch World Cup thì thủ thành Buffon đang chờ án bán độ ở nhà. Các anh vẫn tự tin ra sân và đánh gục tuyển Pháp đang thời hoàng kim với thủ quân Zidane. 

Đội Việt Nam chơi bạo lực sao bằng Colombia. Những năm 1990 sẵn sàng đá bạo lực để lọt vào chung kết world cup. 

Còn nói Việt Nam trả lương cầu thủ trên trời khiến các anh bị bệnh ngôi sao, xin mời xem giải Mỹ nơi các tuyển thủ nhận lương vài trăm triệu dollars, ai cũng được hiển nhiên công nhận là sao nhưng chơi thể thao vẫn hay như thường, huy chương đem về cho quốc gia chắc nhiều nhất thế giới. 

Còn thể lực và kỹ thuật yếu kém? Hãy nhìn Thái Lan, Malaysia, Miến Điện, những hàng xóm thể lực tương đương và có trình độ ngang nhau, lắm khi còn ít được đầu tư hơn mà họ dần dần đều đá hay hơn lên, khoẻ lên. Vậy tại sao đội bóng nhà cứ mãi lẹt đẹt. 

Theo con có một vấn đề ít được nhắc tới là ở mình thiếu cái văn hoá thể thao. 
Các cầu thủ ghen ăn tức ở lẫn nhau, thiếu sự đoàn kết keo sơn trong đội bóng, coi thường huấn luyện viên cố tình không tập theo giáo án hoặc nghỉ tập để tỏ thái độ. 

Một ví dụ nhỏ là trường hợp Lee Nguyễn, cầu thủ Việt kiều thần đồng năm 19 tuổi đã được vào tuyển Mỹ. Anh về Việt Nam đá bóng và bị xếp vào ngồi dự bị là chính. Các cầu thủ chơi chung ghét cái mác thần đồng nên cố tình không chuyền bóng, để xem thần đồng không bóng làm nên trò trống gì. 
Các huấn luyện viên dường như vì chiều ý số đông cũng không sắp xếp cho anh hợp lý. Đối thủ cũng ghen ghét nên không đá bóng mà chủ yếu đá chân tay. Vậy nên anh đành thất thểu về Mỹ để... làm vua phá lưới, cầu thủ xuất sắc nhất năm và sắp tới nghe đâu sẽ đeo băng đội trưởng tuyển Mỹ. Ôi, như vậy có phí phạm nhân tài, cũng vì cái văn hoá ghen ăn tức ở mà ra. 

Rồi Thái Sung, cầu thủ được đào tạo bài bản ở Aspire cùng nhiều danh thủ hiện thời. Được cả CR7 và Messi khen ngợi khi em chơi bóng tại giải trẻ Liên Âu và là cầu thủ xuất sắc nhất giải. Nhưng khi về nước thì bị vùi dập, có lúc phải đi xách nước lau giày cho đồng đội, nay phải đá cho tuyển hạng nhất Gia Lai. Ôi, sao phí tài năng. 

Sự thiếu vắng một thứ văn hoá vì tập thể cống hiến hết mình, trân trọng tài năng, đoàn kết vì mục tiêu lớn đã đánh gục đội Việt Nam. Ta lại có cái mặc cảm nhược tiểu sợ đối đầu với đội mạnh, không biết rằng khi ta tự tin chiến đấu và cố gắng hết mình thì điều đó sẽ làm đối thủ chồn chân, dù không chiến thắng cũng không dễ bị khuất phục. 

Huấn luyện viên Thái lan Kiatisuk sau thời gian chơi bóng ở Việt Nam đã bắt được các nhược điểm đó vì vậy đội ông đá với Việt Nam chỉ có thắng mà thôi. 

Ngày nào văn hoá bóng đá chưa có thì dù có đổ tiền rừng bạc biển vào đào tạo nhân tài cũng khó xây dựng đội bóng hay được vì những tài năng ít ỏi được tạo ra nhưng thiếu support và ở trong môi trường luôn bị ghen ghét chắc cũng khó vùng vẫy. 

Mà văn hoá bóng đá nó sinh ra từ văn hoá học đường vì các cầu thủ ai vốn cũng là học sinh, cũng từng đi học. Họ được đào tạo chuyên môn nhưng không được bồi dưỡng nhân cách, đạo đức tốt (hoặc chỉ học đạo đức Hồ Chí Minh) nên sau này bị thiếu hụt văn hoá, không biết cách ứng xử. Điều này HAGL đã cố thay đổi. Họ tạo được lứa cầu thủ hay và có ít nhiều văn hoá, tuy nhiên có vẻ như các em sau khi chơi trong V-league và tiếp xúc với sự vô văn hoá 1-2 năm qua cũng đang dần lụi tàn. 

Thôi đành hy vọng hướng về quá khứ vậy. 

Nguyễn Quang Dũng
13.10.15, trả lời bài thơ bóng đá của ba
(*) tựa đề do NQC đặt

Đêm xem trực tiếp trận vòng loại World Cup Việt Nam-Thái Lan


Xem trực tiếp trận cầu
Việt Nam-Thái Lan. trên sân nhà Hà nội
20 phút mở màn. đã thấy VN mình quá tệ
Nếu không nói là nhu nhược
Chắc quá sợ Thái Lan
Nên các chân sút thật là nhút nhát...

Ôi. Dân Thái tự tin. dũng mãnh
Dân Việt mặc cảm tự ti
Tôi nghĩ gì
Tôi buồn gì?

Tôi nghĩ. ngày tôi mới lớn
Trong đầu tôi Thái Lan chẳng cóc khô gì
Và tôi tự hào VN tôi giữa Á Châu
Hòn ngọc và người dẫn dắt...
Tôi buồn vì. 40 năm sau 1975  tôi lại thành người nhược tiểu...

Tôi nói với Tâm ở 20' đầu trận đấu
Đá thế này chắc tỷ số 4-1 về phía Thái Lan
Mà rồi. Niềm tin xin một bàn danh dự cũng đành tan hoang...
Thua. như bọn trẻ con tồi tệ. Thua ba bàn thắng trắng của Thái Lan
Nhục. Nhục vô cùng. Nhục trên sân nhà uy dũng!..,

Không phải bởi Thành Lương
Không phải tại Công Phượng...

Việt nam 40 năm. chẳng có còn gì...

Ôi. nhớ bao nhiêu giải ngày xưa
Asian. Merkeda..
VN luôn ngẩng cao đầu ngạo nghễ
Buồn làm sao!

"Chắp tay xin hỏi trời ơi
Bao giờ nước Việt tôi thời đổi thay
Đổi chi. Đổi rồng vượt mây?
Dạ không. Xin đổi giống như ngày này đã bốn mươi năm xưa!..."

NQC, 13.10.15

Saturday, October 10, 2015

MƯA GIỮA THU


Mưa. Mưa. Mưa giữa mùa thu
Giữa thu nắng bỏng. Tưởng chừ hạ đang
Mưa đâu chợt đến hoang đàng
Ầm ầm nước đổ. Sấm vang. Ngất trời!...

Độc ẩm rượu. ngắm mưa rơi
Trong mưa biết có tả tơi. bao người
Ôm mưa. bao kẻ đơn côi
Dưới mưa. bao kiếp bời bời tử sinh?!!!

Mưa giữa thu. Mưa thình lình
Mưa như nhắn nhủ đời mình. sang đông
Bụi trần. Mưa rủ. Là xong
Đời mình. cuối buổi. mong manh lắm rồi!

Còn nhau. xin giữ nụ cười
Cho nhau vô tận. những lời thiết tha
Đêm nay mưa rủ quanh ta
Nhớ tha thiết nhớ. hoàng hoa. nhớ người!

NQC
10.10.15
Đêm thứ bảy cuối tuần, nhìn trận mưa to

Friday, October 2, 2015

Câu chuyện internet

Source:mynewdesk.com

"Không thể hình dung thế giới sẽ ra sao nếu chợt không có internet!"  Ủa, vô duyên. Bộ đời cha ông ta không internet, thế giới sụp đổ hết rồi sao? Mà, Internet bây chừ như cơm ăn mỗi ngày. Không có cơm thì, có bún, có phở..., nhưng thực tế, hai ngày mà không cơm, thấy thèm ghê gớm!...

Tôi cũng vậy. Hồi trước thì quanh tôi nào desktop, ipad, laptop, iphone,.., lúc nào, ở đâu, cũng phải...internet. Chừ, học cách đơn giản hoá cuộc đời, bỏ hết... Bỏ. Nhưng, internet thì không bỏ được. Bởi kiến thức. Bởi bạn bè. Bởi cõi ta bà thế giới này, đều nằm trong...internet, nên phải giữ lại cái iphone... Sáng ngủ dậy. Switch on và search vào internet là biết hết. Nào ông Obama mới tiếp giáo hoàng, nào ĐC vừa đi ăn trưa với bạn bè về, nào...TTNM vừa bị xoá sạch sành sanh blog...

Nói đến TTNM, lại nhớ mình cũng có cái blog " Góc Bè Bạn". Kinh quá. Bao nhiêu yêu thương. Bao nhiêu bè bạn. Bao nhiêu kỷ niệm đều bỏ trên đó. Rủi như mà bị delete như NM chắc là buồn kinh khủng lắm! Mà cũng chưa kinh bằng cái ông face book. Mình mới ghé phòng tranh người bạn, lấy một bức ủng hộ. Về nhà đã có phone từ Mỹ. Ông mới lấy bức tranh của VD hả. Trời! Răng biết? Cái mặt ông chình ình trên face book kìa! Khổ! Lang thang bờ hồ. Gặp ông bạn nhà báo, hoạ sỹ đang hành nghề. Ngứa tay ngồi ké vẽ chơi. Một người bạn gái quen hồi mổ hồi mô bỗng ngang qua. Vậy là vẽ. Hôm sau có phone bà xã: rảnh ghê hỉ, em út vừa thôi nghe Chơn. Trời. Cái gì vậy? Xem U tube nè! Xem rồi thất kinh! Lạy ông internet, lạy em tôi ở bụi này!

Hôm nay ngủ dậy, thấy Duyên gởi bài "Sóng thần" nói chuyện trang TTNM bị gió cuốn trôi. Lòng tiếc hùi hụi! Mình cũng đã nhiều lần tự  hại mình. Viết cho đã đời mà không "save". Đến khi mõi tay đụng cái nút chi đó là "xoẹt". Mất hết. Muốn khóc mà không khóc được. Cái con khỉ computer với internet ni mệt quá. Vui thì cũng vui mà phiền thì cũng phiền. Chả bù mấy em chân dài cứ muốn nổi tiếng, ồn ào là thi thoảng lộ một vài mẫu da thịt lên mạng hay face book, hay nhờ bạn post lên đâu đó là nghe ào ào đá ném. Là nổi như cồn!...

Internet ơi internet. Yêu thì cũng yêu mi thiệt. Không có mi không biết đời tau ra răng. Mà cũng ghét mi quá internet ơi!!!

NQC
Sài gòn, 2.10.15