Tuesday, July 26, 2016

Cám ơn một ngày


Cám ơn một sớm mai thức dậy
Còn thấy ánh mặt trời
Còn thấy vòm lá xanh
Còn thấy nụ hoa nở 
Và có em bên mình...

Cám ơn trưa về bưng bát cơm
Còn nghe mùi lúa mới
Còn thấy giọt mồ hôi
Mẹ cha nồi canh nóng
Hạt gạo thơm vàng trong...

Cám ơn chiều lan man góc phố
Còn gặp nụ cười tươi
Còn thấy bàn tay ấm
Bạn cầm ly bia nâng
Gõ bàn dâng tiếng hát...

Cám ơn một ngày tà dương tắt
Còn nghe hơi thở êm
Hoà tiếng mưa bên thềm
Hồn tĩnh yên để thấy
Giấc kê vàng trong đêm
Để sớm mai thức giấc
Vẫn thấy đời yêu thêm...

Nguyễn Quang Chơn
27.7.16
Một sớm mai thức giấc
Tặng MT


Saturday, July 23, 2016

Đêm cuối tuần ở Hội An


Đêm Hội An. uống rượu một mình
Bên sông Hoài lặng thinh
Bên du khách vô tình
Bên chập chùng hư ảo...

Ta trôi trong lão đão. nghĩ suy
Trong hạnh phúc đời người
Trong có. không. không. có
Trong phúc. hạnh. cô. miên...
Trong ảo. huyễn. đảo điên
cõi ta bà trần thế...

Giọt nước rơi. ngấn lệ
Khoé mắt buồn. Mênh mang...
Biển sóng rủ hoang tàn
Bờ bãi buồn trơ vắng
Cá trơ mắt khóc
Người gập đầu than
Đêm Hội An phố đã lên đèn
Ta
Một mình ly rượu...

Ly rượu buồn không nói
Ta buồn không người chia
Anh vui bên bờ kia
Em cười bên phố nọ
Có còn chi đâu một thuở mơ màng
Ngày nắng ấm...

Dường như đã chết
Chết hết sử kinh
Chết hết sinh linh
Chết hết tự tình
Ta rớt lại
Một mình
Tiếng khóc....

Đêm sông Hoài gió ngát
Mình. uống rượu một mình
Em nhắc một câu kinh
Anh nhắc lại lòng mình
Rồi
Lặng lẽ....
Ngày mai
Rồi
Lặng lẽ...
Lặng lẽ
Buồn...

Nguyễn Quang Chơn
23.7.16
Hội An, tặng MT, PD, TLĐ, TNT

Monday, July 18, 2016

Trời vẫn nắng nóng và cuộc đời vẫn cứ trôi

                 
Biển, dầu, người và cá
                    Oil on canvas
                Đinh Trường Chinh


Hè năm nay miền Trung nóng thật. Mở mắt ra là đã thấy nóng. Thời tiết nóng mà thời sự cũng nóng. Thằng Formosa hết đầu độc dưới biển lại đầu độc trên bờ, hết chất thải lỏng lại chất thải rắn. Góp phần bảo vệ chúng, hết ông phó chủ tịch tỉnh Hà tĩnh, lại đến ông trưởng phòng môi trường xã Kỳ Anh... Tàu trung quốc lại đâm nát tàu cá VN, cướp ngư cụ, đánh đập ngư dân. Người phát ngôn nhà nước ta vẫn lên truyền hình đanh thép tuyên bố cực lực lên án hành động đê hèn đó như bao lần khác. Người trung quốc vẫn nghênh ngang trên các thành phố miền trung như...trên vùng quê của hắn. Miệt thị dân Việt, phát ngôn hỗn láo, đốt tiền Việt, xô xát với người dân, ồn ào, thô tục, vô văn hoá... Lãnh đạo địa phương kêu gọi không phân biệt kỳ thị vì họ cũng góp phần vào "tăng trưởng du lịch vùng", chúng vẫn đến và chúng vẫn đi, vẫn cười cợt ăn uống vô văn hoá hết đoàn này đến đoàn khác...

Ở các nước láng giềng, Philipine đã thắng kiện tàu cọng ở toà án thường trực quốc tế PCA, La Haye về đường lưỡi bò, bắt giữ các tàu trung cọng xâm nhập bãi cạn Scaborough. Nhật bản bắn và nhốt những tàu trung quốc lảng vảng ở Senkaku. Indonesia cũng vậy... Tàu cọng im re nhưng dân Việt nam mà lọt vào vùng "lãnh hải lưỡi bò", "không phận cấm bay", là đâm, là bắn! Và sau đó người phát ngôn nước ta lại tiếp tục phát ngôn!...

Mùa hè vẫn nóng. Biển miền trung đã xác nhận là độc nhưng người ta vẫn tắm, vẫn ăn hải sản, dẫu đâu đó vẫn xảy ra ngộ độc. Nước biển vẫn xanh, sóng vẫn dập dờn...

Ở đâu đó trên vùng cao nguyên tít tắp, thi thoảng thấy bài viết của chị HTV trên mạng xã hội sâu sắc về thời sự, về nhân quyền dầu địa phương vẫn o ép cuộc sống gia đình chị. Trong tù, vẫn nghe thấy anh THDT tuyệt thực đòi chân lý. Trên truyền hình vẫn phát sóng trực tiếp các cuộc thi hoa hậu địa phương với các chân dài, áo tắm, hở vú hở đùi. Cô NT vẫn với vòng eo 56 tuyên bố "bảo em ngu thì được, chứ bảo xấu là em hổng chịu". Báo chí vẫn giật gân "cô ca sĩ HNH đang kẹp đại gia kim cương đi siêu thị". Lũ trẻ nít vẫn má hồng môi đỏ ăn mặt hở hang lên nhảy múa hát hò thi thố "tài năng". Những phóng sự về các cây cầu lắt lẻo trên vùng cao vẫn là cái bẫy chực chờ hại người dân, học sinh qua lại.... Và những dự án siêu biệt thự hàng triệu đô vẫn được mời mọc quyến rũ trên các phương tiện truyền thông. Lũ thiếu gia con nhà giàu vẫn đua nhau sắm siêu xe, tụ tập nhảy nhót hút bồ đà, shisa...

Nắng vẫn cứ nắng. Trung cọng vẫn cứ trung cọng. Cuộc sống vẫn cứ cuộc sống. Thời gian vẫn cứ trôi. Cuộc đời vẫn cứ chảy!...

Những người bạn xa xôi gọi điện hỏi thăm. Nghe tình hình trong nước lộn xộn ghê rứa. Bất an ghê rứa. Định về chơi nhưng đành phải huỷ. Chán quá. Tôi bảo. Ủa vậy tau vẫn sống. Vẫn ăn. Vẫn ngủ. Vẫn chơi. Có sao đâu. Biển bẩn thì mình đừng tắm. Hải sản độc thì mình đừng ăn. Không đủ bản lĩnh như HTV, THDT...thì đừng làm chính trị. Cuộc sống cũng như các chương trình nhan nhãn trên TV 24/24. Mở ra, thấy cái mô hợp thì xem. Cái mô không thích thì tắt. Mình không soạn được chương trình thì đập bỏ TV làm chi. Cái TV nào có tội tình gì. Đất nước có tội tình gì mà không về thăm, mà phụ bạc?

Nguyễn Quang Chơn
ĐN, 19.7.16
Tặng TLĐ, Peter Minh









Sunday, July 17, 2016

Bồ tát đâu xa

    Nguồn: Internet

Hồi nhỏ, có một lần đau răng. Đau quá, tôi ôm cái má sưng vù ra sau hè, trong một chiều hôm nhấp nhá. Nước mắt nước mũi ròng ròng, nhìn ra cánh đồng sau nhà chập choạng ánh đêm. Tôi khóc và cầu Quán Thế Âm Bồ Tát ( ảnh hưởng bởi những câu chuyện cổ tích). Và tôi thấy tự xa, mờ mờ như sương, một hình tượng Quán Thế Âm tay cầm bình cam lồ. Người rảy rảy nước rồi biến mất và tôi cũng hết đau răng!

Từ đó tôi tin có Bồ Tát, có ông Bụt thiêng liêng. Cho đến bây chừ thành thói quen. Mỗi khi gặp khó khăn, tồi đều niệm danh người!...

Lớn lên đọc kinh. Suy ngẫm. Tôi lại nhận được ra bồ tát với một tâm thức khác. Bồ tát đâu xa. Bồ tát chính trong ta. Và nhiều bồ tát lắm trong cõi thường hằng...

Mẹ của Tâm, năm nay 84, bà là người sùng tín. Bà tôn thờ Phật, kính tăng. Một tháng bà ăn chay 18 ngày. Bà chăm sóc bàn thờ Phật lộng lẫy, tráng lệ. Ngày ngày bà vào chùa làm công quả cúng dường. Đại đức, hoà thượng, chú tiểu..., bà đều một lòng thành kính...

Một hôm người em Tâm mời qua nhà dự sinh nhật cô em dâu cột chèo với tôi. Đến nơi, trên bàn đầy những món ăn ngon, một bánh sinh nhật to. Bia rượu đủ đầy... Mọi người ngồi vào bàn, riêng má Tâm ngồi riêng ở một bàn xa với mấy món ăn giản dị. Tôi ngạc nhiên. "Ủa, sao má lại ngồi bên đó?"  Bà trả lời: " Hôm nay má ăn chay con ạ". Tôi hỏi: "Mà má ăn chay mục đích để làm gì vậy?" " Má ăn chay để cầu các con khoẻ vui hạnh phúc!" Tôi nói: " Nhưng chiều nay chúng con tề tựu mừng sinh nhật em dâu, mà má lại không chia sẻ, thì làm sao chúng con vui được!" Bà cười tươi: " Ừ má quên, hôm nay má ăn mặn chứ!" Rồi bà đến ngồi ghế bên tôi, gắp miếng thức ăn bỏ miệng. Tay nâng ly nước. " Nào, cụng ly mừng sinh nhật. Dô!"...

Tôi bỏ ly nước, chắp tay vái. Má. Chính má mới là bồ tát viên thành. Con xin đảnh lễ má. Và cuộc vui thật vui, chan hoà trong một gia đình ấm êm đoàn kết!...

Nhớ ba tôi, sinh thời là một nhà thầu đê đập lừng danh ở miền Nam, trước 1975. Những con đập thuỷ lợi ông xây bây giờ vẫn bền vững và  đẹp đẽ với thời gian như đập Tuy Hoà Phú Yên, đập Vạn Giã Khánh Hoà, đập Nha Trinh Phan Rang... Ông là một người giàu có với nhà Sài Gòn, Nha Trang, Tam Kỳ, Đà Nẵng. Thời chiến tranh, hai người em theo Việt Minh ra Bắc, vào chiến khu, để lại vợ và các con. Vùng quê Hoà Châu là nơi "ngày quốc gia, đêm cọng sản", ông phải di cư vào Tam Kỳ lập nghiệp. Ông lo hết. Nuôi cháu, giúp đỡ bà con hàng họ. Nhà tôi mỗi bữa ăn đông đúc phải tới vài chục người. Sau 1975, các em bình an trở về. Ông buông bỏ hết việc làm ăn lúc vừa 54 tuổi, về quê xây lại trên mảnh đất hoang tàn một ngôi nhà xinh xắn phụng dưỡng cha già, cho mỗi người em một miếng đất, xây cho thôn một nhà làm việc, một trường tiểu học. Xin đất xây chùa và ra thành phố thỉnh sư về trụ trì. Ông sống an nhàn ở quê hương như một lão nông, một già làng. Từ một lãnh đạo địa phương đến người nông dân nghèo khó, luôn tìm tới ông xin tham vấn khi gặp vấn đề khó giải. Trước khi mất. Ông còn kịp chống gậy ra khánh thành ngôi đình cổ của thôn mà ông kêu gọi bà con đóng góp trùng tu...

Có lần ông bảo chúng tôi góp tiền đúc đại hồng chung cho chùa. Tôi bảo. Con đến với chùa làng mình. Cúng dường chùa làng mình. Cung kính sư làng mình. Ấy không phải là vì Phật đâu, mà vì ba đó. Ba ở chùa nào, con theo chùa đó. Ba chính là Phật con thờ. Vậy nên, con không muốn bỏ tiền đúc chuông, mà muốn để tiền đó sắm món ăn ngon hằng ngày cho ba. Ông cười nghiêm. Nhưng nếu những quà con đem cho ba, ba không vui. Mà con bỏ tiền đúc chuông cho chùa, ba hạnh phúc, thì con chọn cái nào! Tôi chắp tay vái lạy. Ba đúng là một Duy Ma Cật cõi này!

Và thử xem, trên thế giới có biết bao bồ tát tại thế. Hãy xem một Bill Gates với một tài sản kết sù, được gầy dựng nên bởi trí tuệ, tài năng đích thực. Ông đã giúp đỡ hàng ngàn con người công ăn việc làm. Hàng triệu con người với những phần mềm offices ưu việt và, quỹ từ thiện Bill & Melida Gates đã đem lại bình an cho hàng vạn người ở châu Phi nói riêng và trên thế giới nói chung. Ông không phải nột bồ tát thị hiện là gì!

Và nói chung. Nếu chúng ta loại bỏ hoặc hạn trừ được tham sân si nghi mạn. Biết nghĩ đến những người chung quanh. Yêu thương nhân quần xã hội. Thì chúng ta đã cũng chẳng là bồ tát rồi ư?!!!

Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn linh cảm ứng diệu thông Quán Thế Âm Bồ tát!

Nguyễn Quang Chơn
Mùa Vu Lan 2016, Bính Thân

Saturday, July 16, 2016

Nguyễn Quang Chơn, 25 năm tìm lại

Sắp mùa vu lan nhớ lời mẹ ru


Hồi nhỏ mẹ thường ru tôi bằng những bài ca dao và những câu Kiều. Mẹ cũng ru các em tôi bằng những bài, những câu như vậy. Tôi đã được ngủ ngon từ những bài ru này và thuộc lòng chúng từ khi nào không biết!...

Mẹ hay ru: " chiều chiều nhớ lại chiều chiều. Nhớ nồi cơm nguội, nhớ niêu nước chè. Nhớ hồi lên võng xuống xe. Nhớ bát nước chè, nhớ chén đường non. Nhớ hồi cá trụng y con. Thịt heo y khúc, lòng còn ước mơ. Nhớ hồi rau muống bò bờ. Nhớ hồi lọng võng giăng tơ thuở nào. Nhớ lê nhớ lựu nhớ đào. Nhớ nơi kỳ ngộ bước vào thiên thai!..."

Lớn một chút, tôi thấy câu ru của mẹ có cái gì "không ổn" chỗ " lọng võng giăng tơ" và trong đầu tôi có ý nghĩ "sửa". Tôi đã sửa thành "lọng võng xum xuê thuở nào". Tôi hình dung những võng, những lọng xum xuê xúm xít trước một con người giàu sang danh vọng. Xuống xe lên võng. Cá thì trụng y con. Thịt thì dùng y khúc, mà vẫn còn mơ nhiều hơn, chưa thoả lòng ham muốn!... Vậy nên vọng lõng xum xuê mới đúng. "Giăng tơ" chắc để hợp vần "bờ" ở câu lục trên thôi! Và sau đó, lớn thêm một chút, mới thấy mình dùng từ...nhà quê hơn mấy bà mẹ quê thiệt!

Lọng võng giăng tơ vừa biểu thị cái số nhiều giăng mắc của lọng và võng, vừa một bức tranh đầy màu sắc. Vừa một sự chầu chực mong ước được hầu hạ, mua chuộc... Con nhện giăng tơ ra, con ruồi con muỗi dính bẫy liền! Con người đầy đủ cỡ ấy. Nay lại ngồi nhìn bóng chiều hôm nghĩ đến nồi cơm nguội, nhớ đến ly nước chè giản dị hàng ngày để hối tiếc cái thời nào xum xuê áo mão, thịt thà thừa mứa, một bước xuống võng, một nước lên xe. Để rồi cũng võng lọng trương giăng đó đã làm ta vấp ngã để nay chỉ còn nồi cơm nguội với niêu nước chè. Cái bẫy giàu sang kia thật kinh hồn! Thì rõ ràng "giăng tơ" mới vừa "cao", vừa sâu, vừa đúng vần. Hay hơn gấp mấy lần chữ "xum xuê" thô kệch!...

Rồi một bài khác mẹ ru: " chim xa rừng (thì) thương cây nhớ cội,  người xa người tội lắm người ơi. Chẳng thà không thấy thì thôi. (Chớ) Thấy rồi mỗi đứa mỗi nơi sao đành!..." 
Vậy là tôi sửa liền. "Gặp" chứ sao lại "thấy". Thấy là thấp thoáng thôi. Gặp thì mới là chộ mặt. Mới đúng chớ!...

Năm tháng trôi qua. Càng lớn lên càng thấy mẹ đúng. Mình sai. Thấy, ấy là quán chiếu. Là thấu thị. Là rõ hết nguồn cơn, tâm tình gan ruột. Mà biết đâu cũng đã thấy hết "cái lạ lùng bên trong" của nhau (BG)! "Thấy" mới sâu, còn sâu hơn cả biết, chớ "gặp" thì hời hợt lắm! Thấy rồi thì xa cách mới tương tư, mới chịu không nỗi, mới oán ông trời sao đành đoạn bắt mỗi đứa mỗi nơi. Chứ gặp một chút rồi xa thì chuyện thường tình. Chi đâu mà than với vãn! Vậy là, lạy mẹ, con ngu!

Lại một bài nữa: ngó lên trên rừng thấy cặp chim đang đá. Ngó xuống dưới biển thấy cặp cá đang đua. Anh biểu em về lập miếu thờ vua. Lập lăng thờ mẹ, xây chùa thờ cha... (Chớ) chữ trung chữ hiếu chữ hoà. Em đố anh ba chữ thờ cha chữ nào? Chữ trung em để thờ vua. Chữ hiếu (em) thờ mẹ. Chữ hoà (em) thờ anh!... Liền...sửa lời ru của mẹ, người nữ hỏi rồi thì phải là câu trả lời phải là của người bạn nam (hoặc chồng) chứ. Sao lại chữ trung em để thờ vua....? Đúng phải là: chữ trung anh để thờ vua. Chữ hiếu anh thờ cha mẹ. Chữ hoà anh thờ em !.. Và rồi hí hố cho là mình đúng!...

Lớn lên lại thấy mình ngu! Ngu thật. Cô gái này thật là ba lém. Đố 3 chữ trung hiếu hoà rồi tiếp luôn. 3 chữ này em thờ như vậy rồi đó, em dùng thờ vua, thờ mẹ, thờ anh rồi đó, anh không được lặp lại đâu nghe. Còn thờ cha em chưa biết dùng chữ nào đây. Anh giỏi nói đi? Cái hay. Cái sâu sắc. Thông minh và nghịch ngợm của ông bà nó nằm ở đó, còn cái vốn văn chương chữ nghĩa và vốn sống của mình bé tí tẹo mà cũng đòi...cải cách!...

Đúng là ngựa non háu đá!

Có một bài nữa mẹ ru mà tôi mê. Càng lớn càng mê và không dám sửa. Đó là " ba với ba là sáu, sáu bảy mười ba. Bạn nói với ta không thiệt không thà. Như cây đủng đỉnh trên già dưới non. Bạn nói với ta chưa vợ chưa con. (Chớ) Vợ con ai (mà) đứng, ở đầu non tê bạn tề? Bạn nói với ta chưa có hiền thê. (Chớ) hiền thê ai đó? Bạn trả lời thề lại cho ta!..."  Đến bây chừ như vẫn còn nghe lời hát ru đượm buồn man mác của mẹ. Lớn một chút hỏi mẹ cây đủng đỉnh là cây gì. Mẹ nói là cây đùng đình. Sau này thấy được cây đùng đình, thuộc loại dừa, buồng trái mọc từ thân, buồng trên mọc trước, buồng dưới ra sau, nên buồng trên già mà buồng dưới vẫn non. 

Mà sao lại dùng cây đủng đỉnh để ví von mà không dùng những từ khác? Thật là. Ta vốn chỉ mới có cảm tình với bạn thôi. Nhưng ngày qua ngày. Bạn cứ đủng đỉnh nhỏ to chuyện yêu thương hứa già, hẹn non. Cái cây (hoặc người) mà trên già dưới non thì thật đáng là ngờ! Bạn còn nói bạn độc thân vui tính. Đủng đỉnh, rủ rỉ mãi nên ta mới tin, mới thương, mới yêu, mới thề thốt (và biết đâu đã trao thân cho bạn)... Đến bây chừ lửa đã thành rơm thì mới lộ ra bạn đã lập gia đình, vợ con đề huề. Thì thôi. Là hết. Ta đã lỡ dại nghe lời ngon ngọt non già đủng đỉnh của bạn, thì cũng là số phận của ta. Thôi thì bạn hãy về với hiền thê của bạn, với con cái bạn. Ta chỉ xin lại lời thề mà một đêm đầy trăng trong vòng tay thương yêu bạn, ta đã lỡ một câu, sẽ cùng bạn đi hết cuộc đời này! Nay ta xin trả lại. Trả lại lời thề này thôi bạn ạ!..

Thật là ứa nước mắt. Một bài ca dao trác tuyệt. Một tấm lòng vô lượng, từ bi!...

Mùa Vu Lan nhớ mẹ. Cám ơn mẹ những bài ru tuổi ấu thơ và xin lỗi mẹ vì những dại khờ!

Nguyễn Quang Chơn
Mùa Vu Lan 2016, Bính Thân