Sunday, March 21, 2021

MÁ TÔI

Hôm nay giỗ lần thứ 24 của má. Má họ Lê, người làng Lệ Sơn, Hoà Tiến, gần barrage An Trạch, là con út một gia đình 9 người con, có 2 anh trai võ nghệ cao cường...


Má đẹp, nước da trắng, lanh lẹ, thương người, tính tình thẳng thắn. Hồi còn trẻ, rất nhiều trai làng theo đuổi, mối mai, nhưng má chẳng ưng ai, mà chỉ chọn ba tôi, người làng Dương Sơn, cách Lệ Sơn khoảng 3 cây số, khi ông...”liều” lên xem mặt (Lệ Sơn có gái mỹ miều, ổng thương ổng nhớ, ổng liều ổng đi). Ba tôi cao gần 1,8. Đẹp trai và hiền khô. 


Ngày đi hỏi vợ, nhóm trai làng tụ tập định phá đám. Hai cậu của tôi cầm cây đòn xóc ra tận đầu làng đón. Mấy cậu thanh niên thấy ớn nên rút lẹ. Đêm trước ngày cưới, họ mang gậy gộc đến gây rối. Cậu Đội, anh trưởng trong nhà bước ra, tay không đánh nhau. Ông hạ từng người và sử dụng món khoá tay sở trường tuyệt kỹ, bẻ ngoặt tay đối thủ ra sau lưng, nằm kêu la, không rục rịch được ( món võ này sau tôi có xin cậu truyền dạy nhưng cậu không bày, ngay cả mấy anh con của cậu cũng không, và đã thất truyền). Một đòn xóc của đối thủ đã xé rách một cánh mũi của cậu, để lại một vết sẹo kỷ niệm cả đời. Cậu Út tên Tùng võ nghệ còn cao hơn. Cậu theo Việt Minh chống Pháp, bọn Pháp gọi cậu là con hùm xám Lệ Sơn, treo giải thưởng lớn cho ai bắt sống được cậu. Trong một trận càn, cậu bị sốt rét nằm dưới hầm bí mật rên lớn nên bị phát hiện và bị bắt. Giặc giam cậu ở một trại gần cầu Đỏ, tuyên bố sẽ trói cậu giữa chợ, mỗi ngày thẻo một miếng thịt cho đến khi chết. Cậu cắn lưỡi tự tử, Pháp vứt xác cậu xuống dòng sông Cẩm Lệ...


Má về làm dâu Dương Sơn trong gia đình 3 trai một gái, ba tôi là con trưởng, mẹ mất sớm, ba lo toan hết việc nhà. Má nội trợ cơm nước chợ búa, được làng trên xóm dưới yêu mến, các em cảm phục...


Khoảng những năm 50, hai chú tôi đi theo Việt Minh. Ba đưa gia đình vào Tam Kỳ sinh sống. Ba làm đủ nghề để phụng dưỡng cha già, nuôi một bầy con nhỏ, tôi được sinh ra ở đây. Sau ba định hình ở nghề thầu xây đê đập, nổi tiếng khắp miền Nam. Tại đây má sinh thêm 4 người con nữa vị chi là 13, phần do chiến tranh phần do dịch bệnh, chỉ còn lại 7 anh chị em, 3 trai 4 gái...


Nhà tôi lúc đó đông đúc bà con và người làm. Đến bữa ăn là phải đếm người, đếm con. Má sắp xếp công việc đâu ra đó. Đặc biệt là mỗi khi có việc lớn cần sự chỉ đạo khéo léo như kê kích dọn dẹp di chuyển đồ đạt vào mùa lụt mỗi năm. Má đối xử với hàng xóm vô cùng chân tình, thân ái. Có câu chuyện mà bây giờ những người con của một nhà láng giềng mới kể, khiến chúng tôi rất tự hào về má. Ấy là bác hàng xóm có chồng mất sớm tần tảo nuôi con, có người chị gái buôn bán giàu nhất thị xã. Mùa khai giảng năm học mới, bà xuống mua vở học cho con nhưng thiếu mấy đồng, bà chị ( dì ruột sắp nhỏ) không cho thiếu chịu, bà khóc, về mượn má tôi. Má tôi liền tặng tiền mua đủ cả “ram” vở về dùng, còn mua áo quần mới cho các con bác hàng xóm nữa. Má tốt đến nỗi hai mươi năm nay, Minh, con cô Mười gần nhà, năm nào cũng nhớ ngày giỗ má, từ Tam Kỳ chạy xe máy ra thắp hương ngày giỗ!...


Ba đi làm xa. Má ở nhà chăm con cái rất nghiêm khắc. Tôi nhớ khi mình học lớp nhì (lớp 4 bây giờ), được đứng nhất lớp, má hứa sẽ tặng một cây viết “pilot”. Được cây viết pilot là oách lắm! Nghỉ hè, tôi vào cầu Tam Kỳ tắm sông cùng lũ bạn, leo lên thành cầu nhảy xuống. Chị thứ sáu ngồi xe lam từ Chu Lai về thấy, mét má, má sai chạy xuống kêu về. Bà bắt nằm dài trên giường, cây roi mây trên tay bà quất. Mỗi roi, bà mắng: “ Nhảy cầu nè, nhảy cầu nè. Pilot nè, pilot nè!...” Những đòn roi quắn đít, một trận đánh để đời, mặc dầu má hay binh tôi mỗi khi bị anh trai đánh những lúc nghịch ngợm, ham chơi chẳng chịu làm bài!...


Má mất bởi căn bệnh hiểm nghèo, ung thư cuống họng. Tôi nhớ năm đó ông thủ tướng PVK về làm việc với các tỉnh miền Trung, tôi được chọn lên diễn đàn đọc bài tham luận, nhà báo Trương Điện Thắng chụp một bức hình tôi với thủ tướng rất đẹp in trang trọng trên trang đầu báo Thanh Niên, má xem rất hãnh diện. Ngày hôm sau chủ nhật, chở bác sĩ vào khám cho má, bác sĩ khen má khoẻ. Tôi nói “mai con đi Quãng Ngãi đàm phán hợp đồng cơ điện lạnh khách sạn Sông Trà, nếu thành công sẽ làm tiệc đãi cả nhà”, má rất vui, nói: “má chờ nghe!” Hôm sau, khi đang soạn hợp đồng thì nghe Tâm báo tin má mất, lúc ấy là 14:30, tôi vội vã quày xe về. Ngày hôm đó đờm tiết ra nhiều quá làm má không thở được, má đi khi mới 77 tuổi. Hợp đồng tôi đã ký được mà má thì không chờ!...


Bao nhiêu năm trôi qua. Má chắc đã tái sinh kiếp khác, mà mỗi lần về quê, gặp người xưa kẻ cũ, vẫn nghe họ nhắc về má với sự thương yêu, lòng kính trọng. Bà con trầm trồ kể về việc đối nhân xử thế của má, nghe mà da diết nhớ thương!...


Nguyễn Quang Chơn

21.3.21

Nhớ má, năm nay giỗ má sớm một ngày vì chủ nhật

Monday, March 15, 2021

Nhóm kỹ sư trẻ: “Tìm lại không gian xưa...”

Chúng tôi lại trở về...nơi ấy. Nơi mà khi chúng tôi mới chừng 24,25, mới tốt nghiệp đại học và chập chững bước vào đời. “Nơi ấy” đã từng đón chúng tôi với sự háo hức “thể hiện” năng lực, với nhiệt tình nóng bỏng của một tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Đó là “Phòng Kỹ Thuật Cảng Đà Nẵng”, số 4 đường Bạch Đằng!...


Nơi đây, ngày ấy, phía sau là xưởng cơ khí, phía trước sát đường Trần Quí Cáp là phòng làm việc của ông PGĐ kỹ thuật, kề liền bên là Phòng của chúng tôi.


Phòng được bố trí 3 gian. Gian giữa là ông trưởng phòng, chú P.N.L. Gian tôi ngồi, sát phòng ông PGĐ, có tôi, kỹ sư điện, một kỹ sư cơ khí (Hoà, sau này là Dũng, Châu, Én, Xinh), một kỹ sư vỏ tàu (anh Huy, phó phòng), một kỹ sư máy thuỷ ( anh Thẫm).

Gian bên kia có một kỹ sư cần cẩu (anh Việt), bốn kỹ sư nâng hạ xếp dỡ (chị Nga, chị Cam, anh Kỳ, anh Hùng)


Vài năm sau, phòng chúng tôi chuyển lên “nhà mới”, tầng 3 của VP Cảng, số 20 Bạch Đằng ĐN, sáp nhập với phòng công trình, lúc này lại thêm những Cảnh kỹ sư xây dựng, Sơn, kỹ sư công chánh...Ông Cảnh sau này rời Cảng, làm TGĐ PMU 85, chỉ huy thi công hầm đường bộ Hải Vân hoành tráng! Toàn bộ không gian 04 BĐ thuộc về Xưởng Cơ Khí...


Được thành lập vào những năm đầu sau 75 nên phòng chúng tôi chủ yếu là các anh chị ngoài Bắc chuyển vào, chỉ có tôi, anh Hoà, anh Dũng (về thay anh Hoà đã ra làm tự do) là “gin nguỵ”, cùng những anh Xinh, Én, Châu. Sau này khi tôi rời Cảng thì giới thiệu anh Ba, học cùng lớp về thay...


Hồi ấy chúng tôi làm việc vui lắm. Phải giữ gìn giờ giấc XHCN. Phải phấn đấu ngoan ngoãn để được lao động tiên tiến. Công việc xong, có rảnh thì nên ngồi tại bàn đọc sách, uống trà. Nếu “dại dột” đi kiếm việc làm bên ngoài để “cải thiện” là bị phê bình là không “nghiêm túc” và mất...”lao động tiên tiến”!...


Chú T.C.C, phó GĐ KT, kỹ sư ở Ba Lan về, đã có thành tích phá bom từ trường ở Hải Phòng (ấy là nghe chú kể vậy), là một con người ham việc, xông xáo, tài hoa, “bao cân” hết các vấn đề kỹ thuật. Chú PNL, trưởng phòng, vốn từ bộ ngoại giao chuyển sang, hiền lành, phong cách sư phạm, không giành giật, bon chen...


Chúng tôi chẳng ai đụng chạm ai, việc ai người nấy làm, dở hay người ấy biết. Tôi thì thân với kỹ sư cơ khí cùng khoá tên L.V.Hoà, sau đó thì N.X.Dũng. Tôi kiêm phụ trách một tổ điện 24 người, mà thật sự chỉ có 10 người, còn 14 người là cầu thủ bóng đá Cảng ĐN, chỉ ghi danh lãnh lương, lừng danh một thời với Hùng, Quang, Đức, Vũ..... Tổ có mấy anh thợ “nguỵ lưu dụng” rất giỏi tay nghề. Vậy là mặc sức mà tung tác. 

Về công việc thì không ai chê chúng tôi được, mà về giờ giấc XHCN, thanh niên tiên tiến thì tôi là hạng bét, luôn luôn bị phê bình dùng thời giờ XHCN để làm việc riêng. Chiều về thì...”có chi khôn.n.n...g” và... nhậu. Bia quốc doanh, bia bock, bia hơi, rượu “rị vô lề”..., không chiều nào không có! Rồi thì đăng ký “sáng kiến cải tiến”. Quá nhiều kỷ niệm vui và “hấp dẫn” trong 8 năm tôi làm việc ở đây. Sau này mỗi lần gặp, bao giờ Nguyễn Xuân Dũng (PTGĐ Cảng) cũng say sưa kể lại những “câu chuyện ngày xưa”, mặc hắn nhơn nhơn rất đỗi tự hào!...


Những câu chuyện vui bây giờ mới kể:


Hoà nhà trên Hoà Khánh, chú Chánh PGĐ kỹ thuật, rất gần gũi, yêu quí với mấy kỹ sư cơ khí, động lực, nên hay rủ Hoà về ăn trưa (chú ở một mình). Hoà kể, có bữa chú kêu “ Trưa ni về ăn với chú cho vui, nhiều đồ ăn lắm mà nhà chẳng có chó, mèo!” Hoà cũng thường về nhà tôi, sau không về nữa, hỏi sao? “Anh em nhà mi ăn nhanh quá, tau ăn chậm, theo không kịp, mà ngồi ăn sót lại một mình, kỳ lắm!” Đúng là tuổi trẻ đầy sĩ diện! 


Chuyện khác, cây bơm xăng của phòng vật tư bị trục trặc, xăng ra nhiều mà đồng hồ đếm ít. Chú Tính trưởng phòng vật tư gọi tôi, bảo kiểm tra, sửa chữa. Tôi vâng lời, tháo bộ đo đếm, để trên bàn mở ra xem, kêu ông Xuân Dũng cùng kiểm tra. Ông Dũng phát hiện một bánh răng nón trong bộ đếm bị mòn, bảo chỉ cần chêm lên vài “yêm” là xong. Tôi bảo để đó tôi giải quyết, rồi báo chú Tính cho tôi một tuần...nghiên cứu! Một tuần sau, ông Dũng chêm bánh răng lên một tí, bộ đo đếm chạy êm ru. Lấy can 20 lít bơm nghiệm thu, đúng y booang! Chú Tính vui lắm, thưởng cho 2 chúng tôi, mỗi thằng 20 lít xăng, quí giá vô cùng. Tôi đăng ký “sáng kiến cải tiến”, được tiền thưởng, rủ ông Dũng vô khách sạn Đông Phương uống bia say mềm, về nhà ổng ngủ mê mệt, suýt mất chiếc xe honda 67 để quên ngoài hiên!...


Liều nhất là chuyện dịch catalogue hướng dẫn sử dụng một hải bàn từ tiếng Anh gần 200 trang của một tàu viễn dương cập Cảng sông Hàn mà tôi nhận dịch, nhờ H.Q. Việt giúp vài chương cho kịp tiến độ (lúc đó tiếng Anh của tôi và Việt mới cỡ bằng B). Không biết tài liệu dịch này có giúp gì được cho mấy ông tài công của tàu, hay đã xảy ra một vụ Titanic nào khác không chừng!...

...

Hơn 30 năm trôi qua, vật đổi sao dời. Xưởng Cơ Khí, phòng Kỹ Thuật của chúng tôi đã là một nhà hàng nhộn nhịp của một “madame” thân thế ngoài Bắc cùng tên với ông trưởng phòng ngày ấy. Những “kỹ sư trẻ” đã mon men tuổi 70, gặp nhau hỏi “có chi khôn.n.n.g..” thì người một chút bia, người chai nước ngọt, vàng son xưa đã xám ngoét cả rồi!....


Hôm nay hẹn tìm lại “không gian xưa”. Chỗ cái bàn chúng tôi ngồi ngày đó, giờ không giấy tờ tài liệu, mà ngào ngạt mùi vị thức ăn, lao xao người phục vụ. Xưởng cơ khí có cái tổ điện thân thương của tôi đã thành nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà hàng 3 tầng. Phía đối diện là Cảng sông Hàn từ cầu 1 đến cầu 7, đã bị xoá, trở thành một hành lang du lịch, một con đường ven sông đẹp nhất Đà Nẵng với những chiếc tàu du lịch, những cây cầu nhiều dáng vẻ, in bóng long lanh trên giòng nước trong xanh....  


Không gian xưa, kỷ niệm cũ, kỹ sư hay công nhân, sếp hay lính, rồi cũng tàn lụi theo năm tháng, nhoà nhạt với thời gian. Tất cả như mây bay trong cõi trời vô định. Còn lại chăng là một chút thân tình hồn nhiên tuổi trẻ, bất biến với thời gian, để hôm nay đây, những câu chuyện râm ran, những trận cười hỉ hả, trên đôi môi héo úa những cụ U 70, mà vẫn xanh tươi như tâm hồn  “những người trẻ”, những kỹ sư rất trẻ năm nào!


Nguyễn Quang Chơn

15.3.21

Bài viết cuối về anh em phòng kỹ thuật Cảng ngày xưa, kính dâng hương hồn chú Lân, tặng chú Chánh, tặng các anh chị trong phòng, mong mãi mãi bình an...

Saturday, February 27, 2021

CON NGƯỜI THỜI CÔNG NGHỆ

Năm xưa, khi đất nước còn bị cấm vận, còn bị cô lập, thỉnh thoảng mấy bà Việt Kiều về nước, trông ai cũng trẻ trung nhiều so với tuổi, da dẻ căng tràn, vòng 1, vòng 3 “đích đáng”! Sau đó năm 95 qua Mỹ, tôi mới thấy mấy bà sao mà giống nhau quá, cứ như chị em sinh đôi. Ai cũng mũi thẳng cao, mắt to 2 mí đậm, ngực tràn lên quá khổ, da căng như con gái dậy thì, dẫu bà nào bà nấy đều đã U50, U 60...thì ra công nghệ dao kéo đã giúp họ...đẹp như nhau!...


Tôi vốn chuộng “natural” nên khá bảo thủ với mấy chuyện này. Sau đó thì VN mở cửa, “công nghệ GPTM” nhập vào đủ dạng, đủ loại, đủ “style” cùng với phim Hàn Quốc hớp hồn giới trẻ. Vậy là đồng loạt áo quần, tóc tai... kiểu Hàn quốc ra đời. Giá thì rẻ vô cùng, và “bác sĩ thẩm mỹ” thì đa dạng vô cùng, nên ai cũng có thể vô “viện” nằm để “rạch”, để “bơm”, để “chống”.... Và bây giờ thì, sau một thập niên đầu thế kỷ 21. Ra ngoài đường, đố tìm thấy một cô, bà nào mà không “tắm trắng”, không xăm mày, không nâng mũi, không xẻ mí mắt, không độn ngực, không dán mông. Và đặc biệt với giới “teen”, ai mà không xăm một chút chi trên người, thì thuộc hàng...lỗi thời, lạc hậu!...


Nơi tôi ở có một quán cà phê “view” đẹp, luôn luôn đông đúc nam thanh nữ tú. Ai cũng đẹp với đủ model, đủ kiểu áo quần đầu tóc. Tôi hay lén bà nhà, rủ bạn ngồi một góc xa xa...để “nghía”. Đã con mắt lắm với những “hot girl” dẫu trời lạnh cở nào thì vẫn váy thật ngắn (nhìn như không mặt quần trong), áo thật hở, da thật trắng và đặc biệt, mũi cô nào cũng cao và thẳng, mắt đo đỏ như khóc, nhưng, có cái chi chi không thật. Một con bướm nhỏ trên bờ ngực, một hàng chữ xinh xinh trên cổ tay, một bông hồng trên gáy, một con chim trên bắp vế. Với khuôn mặt biểu cảm lạnh lùng như người mẫu. Nhìn cũng rất...đáng yêu!...


Tôi chợt nhớ đến lời một bài hát nào đó: “... Bây giờ người ta nói chuyện đổi thay đổi mắt môi. Và mươi năm sau người ta sẽ nói chuyện thay trí nhớ . Và này em ơi, đến lúc đó con người sẽ sống, sẽ thương và sẽ nhớ qua dung nhan xa lạ, sẽ đi về trong quá khứ không quen ... “ (Những gì còn lại, Nguyên Chương)

 

Quả thật như vậy, bây giờ có thể ta đã không nhận ra khuôn mặt của những người thân mình, mai sau, chúng ta sẽ có thể sống với một tâm hồn, một trái tim xa lạ nào đó, như với một “AI” “hồn Trương Ba, da hàng thịt” chăng?!!!


Nguyễn Quang Chơn

Chủ nhật, 28.02.21

Sunday, February 21, 2021

PLAN DE VIE (Kế hoạch cuộc sống)



Mỗi sáng thức giấc, tôi thường nhẩm đếm xem mình đã ngủ được bao nhiêu tiếng. Buổi chiều nhìn ánh hoàng hôn, biết ngày đã tắt,  tôi luôn nhớ đến một đoản văn tiếng Pháp học thời trung học mà tôi rất thích, đó là “Plan de vie” của Alexandre Dumas (fils)...


“Marche deux heures tous les jours

Dors sept heures toutes les nuits

Couche-toi, dès que tu as envie de dormir

Lève-toi dès que tu t'éveilles

Travaille dès que tu es levé.

Ne mange qu'à ta faim,

Ne bois qu'à ta soif, et toujours lentement....”


“Hãy đi bộ mỗi ngày hai tiếng. Hãy ngủ bảy giờ mỗi đêm. Buồn ngủ thì hãy vào nằm. Thức giấc thì hãy dậy ngay. Dậy và làm việc liền khi ấy. Chỉ ăn khi đói. Chỉ uống khi khát, và luôn luôn chậm rãi...”


Đúng vậy, hồi trẻ học thuộc lòng nhưng lại chẳng để nằm lòng. Ban ngày làm việc cật lực. Đêm ngủ chưa tới 5 giờ. Bạ đâu ăn đó. Gặp đâu uống đó. Cứ quần quật như một con vụ. Bây giờ già rồi. Con cái lớn rồi. Điều kiện kinh tế cũng đã ổn. Mới thấy thấm thía những lời dạy của tiền nhân. Mỗi ngày đi bộ, đếm bước chân của mình như đếm thời gian trôi, hít thở khoan khoái, nở nụ cười chào một người quen ngược chiều, nhìn hàng cây trong tiếng gió xôn xao, thấy lòng mình nhẹ nhõm, quên hết những ưu tư, trái tim đập nhẹ nhàng...


Tối xem tivi một chút, đọc một chút, thấy riu ríu mắt là lên giường. Nghĩ về một điều gì đó tốt đẹp trong ngày rồi thả lỏng toàn thân, việc còn lại là những giấc mơ...Sáng dậy sớm, đếm sơ sơ đã ngủ được mấy tiếng, bảy, hay tám, vậy là khá rồi, nằm yên một chút, ngồi yên một chút, rồi bước xuống giường. Không theo “plan de vie” nữa, vì đâu có việc để làm, ngoài vệ sinh thân thể, xem tin tức..., đón một ngày lên!...Chọn một món ăn sáng nào mình thích. Pha một ly cà phê, chế một ấm trà, chầm chậm, có gì đâu mà vội!...


“Ne parle que lorsqu'il le faut et ne dis que la moitié de ce que tu penses

N'écris que ce que tu peux signer, ne fais que ce que tu peux dire.

N'oublie jamais que les autres compteront sur toi, et que tu ne dois pas compter sur eux.”


“Chỉ nói những gì cần phải nói và chỉ nên nói một nửa những gì bạn nghĩ. Chỉ viết ra những gì có thể ký tên, chỉ làm những điều mình có thể nói. Đừng bao giờ quên mọi người luôn mong nhờ bạn, và bạn nhớ đừng trông mong ở họ...”


Quả là như vậy, tôi đã không học tập điều này, luôn nói hết ra những điều mình nghĩ, nên hay vướng vào thị phi, hay bị người đời lợi dụng. Và cả cuộc đời, mới thấy rằng, chỉ luôn nên trông cậy vào chính mình, đừng hy vọng đợi chờ vào bất cứ ai, kể cả những người thân yêu nhất!...


“N'estime l'argent ni plus ni moins qu'il ne vaut: c'est un bon serviteur et un mauvais maître”


“Đánh giá đồng tiền đúng giá trị của nó, không hơn không kém. Tiền chính là một đầy tớ tốt và là một người thầy xấu”.


Đoạn này giờ đây đối với ta không còn mấy quan trọng nữa, bởi ở cái tuổi này thì mọi chuyện đã xác lập. Đói nghèo thì vẫn đói nghèo. Đầy đủ thì vẫn đầy đủ. Nếu không tiền thì phải chịu với số phận. Nếu có tiền thì không còn tiện tặn, dành dụm cho nhiều chi nữa. Thích ăn thì ăn, thích uống thì uống, thích cho thì cho. Chỉ cần “thằng đầy tớ tốt” lúc nào cũng còn kề cận bên mình!...


(Bỏ một đoạn)


“Songe à la mort, tous les matins en revoyant la lumière, et tous les soirs en rentrant dans l'ombre”


“Hãy nghĩ đến cái chết, khi mỗi sáng mai nhìn mặt trời lên, và mỗi chiều về chìm trong bóng tối...”


Hồi nhỏ tôi thích nhất đoạn này, có lẽ bị ảnh hưởng sớm bởi sách vở hiện sinh và hàng ngày đối mặt với cuộc chiến tương tàn. Bây giờ thì lại càng thấm thía hơn khi đếm tuổi trời đã trôi đi quá nửa. Buổi sáng nhìn mặt trời lên, nhớ rằng chỉ 8 giờ nữa thôi, mặt trời sẽ tàn lặn về tây. Vậy nhé, nhớ vậy nhé, để có được một ngày dong chơi thật đẹp!...


(Bỏ một đoạn)


“Efforce-toi d'être simple, de devenir utile, et de rester libre.”


“Hãy gắng sống giản dị, làm người có ích, và giữ được sự tự do...”


Câu kết này thì thật tuyệt. Gọn gàng mà sâu lắng. 

Giản dị, cần phải thật giản dị, trong mọi điều sống, từ ăn mặc, cư xử, đi đứng, chơi đùa....

Có ích, già nhưng đừng vô ích, thật là điều khó khăn! 

Và hãy giữ sự tự do. Được không? Tự do với chính mình, tự do với xã hội đầy rẫy nguy cơ, tự do với con cái, cháu chắt, tự do với những ham muốn bản thân? 


Có lẽ muốn giản dị, muốn có ích, muốn được tự do, phải có một thân thể khoẻ mạnh( không bệnh tật), một tinh thần minh mẫn ( không lú lẫn) và một kinh tế vững vàng!....


Nguyễn Quang Chơn

Mười một tháng giêng, 22.2.21, hết Tết!

Thursday, February 18, 2021

Nỗi buồn đầu năm mới

Đầu năm mới mặc dầu gia đình con cái tụ hội vui mà sao cứ thấy lòng nặng trĩu. Mỗi con người dường như có một thần giao cách cảm, hay một sự nhạy bén tâm linh rất riêng cho những người thân. Và thật vậy, chiều nay tôi thật sững sờ khi nghe tin một nhà thơ, một người bạn, một đồng hương, ra đi!...


Anh Nguyễn Lương Vỵ, người Quán Rường. Cha mẹ anh, chú bác anh là những người nổi tiếng của thời cuộc trước 1975. Anh làm thơ và nên danh từ sớm. Chúng tôi, những học sinh Trần Cao Vân Tam Kỳ rất hãnh diện vì có anh. Sau 75, anh đã từng là GĐ một trung tâm văn hoá ở SG, đã giúp đỡ nhiều anh em văn nghệ sĩ, nhưng anh vẫn chọn con đường ra đi....


Nới đất khách quê người, vùng Bolsa, Cali, tôi lại gặp anh. Mỗi sáng anh đều uống cà phê cùng anh Du Tử Lê và mấy người bạn tại đường Westminster. Qua bển, tôi cũng thường ghé, và anh thường về nhà các con tôi uống rượu. Tôi quí anh cái hồn mộc mạc quê mùa xứ Quảng và nụ cười thật hiền lành độ lượng. Sau này các con tôi chuyển lên San José, khi nào tôi qua, anh cũng đều đáp xe đò Hoàng lên chơi. Chúng tôi, anh Vỵ, anh Lữ Quỳnh và tôi sáng trưa thì Lovers Coffee, chiều thì nhà tôi nhâm nhi. Lúc này anh đã ăn chay trường....


Mỗi lần anh về VN, Đà Nẵng là chúng tôi lại “phải” gặp nhau, luôn có anh Trần Phương Kỳ, một nhà văn, nhà thơ, nhà Chăm học. Khi thì ly bia chén rượu, khi thì cà phê, hết bên dòng sông Cu Đê, đến bên bờ sông Hàn. Anh lúc nào cũng cười hiền!...


Mấy năm gần đây thấy anh nhỡ mấy cuộc về thăm nhà dịp Tết, hỏi mới biết rằng anh cũng bị tim như tôi, thêm huyết áp cao. Tôi có gởi thư, hỏi thăm nhưng tin về anh vẫn mơ hồ...


Hôm nay mồng 7 tết. Lòng cứ thấy bồn chồn và buồn bã. Lo sợ nói với các con xa gần là hãy cẩn thận. Và cũng tự nhủ với mình, không biết tai ương gì sẽ xảy ra. Rót rượu uống một mình, uống một mình mà lòng dạ không vơi...


Chợt thấy tin trên mạng, anh đã ra đi. Ly rượu vừa cạn. Buồn quá. Buồn như năm qua nhận tin anh Võ Chân Cửu, một bạn thân của anh trên Bảo Lộc đột ngột qua đời khi tin nhắn qua lại giữa tôi và anh còn mới rợi!...


Anh Vỵ ơi. Biết sống chết có số, mà sao lòng rũ rượi quá anh. Huyền âm. Năm chữ. Những câu thơ hoài hương, hoài bạn, anh viết tặng em. Cái mũ nồi Adidas em tặng khi anh say làm lạc mất lúc về quê nhà, anh còn nhớ không?


Thôi vĩnh biệt, anh Vỵ nhé, huyền âm, ngũ âm, thất âm. Những câu thơ ứa máu, những cung bậc vu vu, không còn nữa...


Em rót thêm một ly rượu nữa đây, ngoài trời bỗng đổ mưa!...


Nguyễn Quang Chơn

Mồng bảy tết Tân Sửu, 18.2.21

Vĩnh biệt anh Nguyễn Lương Vỵ

Thursday, January 21, 2021

ĂN CHỰC

Theo từ điển, ăn chực là ăn ké, ăn bữa ăn mà không được người mời. Nghĩa là cứ chực chực chờ chờ, hễ có dịp là ăn, không tốn tiền. Như vậy, được mời ăn không trả tiền thì không phải là ăn chực. Nhưng mấy đứa em gái trong gia đình tôi vốn nghịch ngợm, thường qui nạp những bữa ăn không trả tiền, cả giỗ quảy mà không phải mua đồ cúng, cũng đều là ăn chực. Bởi vậy cho nên, khi chỗ mô được “free” là chúng nó rất nhiệt tình, hăng hái “thu hoạch”, quên hẳn mình đang “diet”, đang lo vòng hai hơi lớn!...


Tôi có hai bà chị và hai cô em. Đã nội ngoại đầy đủ mà khi tụ họp thì nghịch ngợm như...quỉ sứ. Được “ăn chực” thì vui vẻ ồn ào, hăng say mà...thực. Đã thế còn....” ăn được nói được”....


Dài dòng một chút để kể một buổi gặp mặt bất ngờ cuối năm. Vốn là hai con em đều được “giải cứu” từ Mỹ. Con lớn thì đi chuyến đầu tiên. Con nhỏ đi chuyến vừa rồi có một covid nằm cùng phòng cách ly, vậy là phải nằm hăm mốt ngày với tùm lum xét nghiệm. Âm hai ba lần mới được thả. Về nhà hắn cũng tự giác cách ly. Bà chị đầu năm đi chơi Sài gòn rồi kẹt covid 19 ở ĐN không về được, rồi bão rồi lũ, rồi lạnh..., nên trú luôn nhà con gái SG, chừ gần tết mới về....


Nhân tiện nhiều cái nhân tiện vậy nên tôi mới mời gọi về quê, mấy anh em mừng hội ngộ, bà chị đầu ở Huế, đã gần tám chục, suốt ngày kỵ giỗ, vẫn đáp xe vô chơi. Vậy là đầy đủ sáu người con đứng thắp hương trước bàn thờ ba mẹ. Tôi là chủ xị nên lo việc đặt hàng ăn cho hợp với mấy...cái mỏ. Thằng em út bị down mà tinh quái không kém mấy chị. Khi dọn ăn, cậu hỏi nhỏ, anh Mười có mua bia không?...


Vậy là có buổi...ăn chực. Ồn ào và sạch sành sanh. Bà chị Huế vừa giỗ cha chồng xong, gói theo một khổ thịt heo luộc và mấy cái bánh Huế thiệt ngon. Chị nói. “Tau đem đồ dô để khỏi bị thằng Chơn kêu tau ăn chực, tau con nhà...danh giá mà!...” Vui ơi là vui. Chỉ thiếu cây đàn chớ không chúng nó đã tru tréo, nhảy nhót rồi....


Tôi vốn “bệnh nền” nhiều nên đã lâu không gia nhập hội hè náo nhiệt, bị “chúng” gán cho bệnh “tự kỷ”. Nay thấy mấy chị em vẫn máu me áo quần, nhậu nhẹt, vẫn yêu đời một cách hồn nhiên, lòng cũng thấy vui. Thôi thì cứ mong trời cho bình yên để mời chị em nhà hắn ăn chực vài ba mươi năm nữa mới vui, mới gia đình...đại cát!...



Nguyễn Quang Chơn

21/1/21

Tặng Cưu Hy Vân Vân Chính

Chào ông Donald John Trump

Vậy là ông đã chính thức rời nhà trắng, đón tiếp chia tay ông là những binh sĩ và dân chúng yêu tự do tại khu vực quân sự sân bay Andrew bang Maryland để tiễn ông về lại Florida, nơi gia đình và bạn bè ông đang chờ đón...


Vậy là ông đã thêm một lần vì nước Mỹ vĩ đại mà sẵn sàng hy sinh những gì mình sở hữu cho sự đoàn kết và yên bình xứ sở. Ông ra đi đơn độc nhưng không cô đơn. Có lẽ hơn một nửa dân số thế giới vẫn theo dõi những bước đi cuối cùng của ông từ nhà trắng đến Florida như theo dõi một người anh hùng, một người bạn, hơn là dõi theo buổi nhậm chức tổng thống lần thứ 46 bên phía tây cung điện Capitol Washington DC...


4 năm ngắn ngủi trên vị trí con người quyền lực nhất nước Mỹ, nhất thế giới, thường sẽ đem lại cho các vị tiền nhiệm ông hàng triệu đô la ngày chuyển giao quyền lực. Còn ông, không một đồng lương và sụt giảm cả tỷ đô la trong kinh tế gia đình. Nhưng sự nghiệp ông để lại cho dân Mỹ và nhân dân thế giới trong 4 năm là đáng kính nể vô cùng!...


Bốn năm ông cầm quyền, thế giới không có chiến tranh. Tay khủng bố đầu sỏ nhất bị ông bắn hạ bằng vũ khí tự động từ xa, một vũ khí hiện đại và siêu chính xác của Mỹ.   


Ông đã bắt một kẻ nguy hiểm nhất, trơ tráo nhất, tham vọng nhất thế giới, chủ tịch tàu cọng, Tập CB phải im lặng, nín thở cúi đầu chỉ bằng những bước đi thương mại đầy bản lĩnh...


Ông đã trao cho thế giới một niềm tin về Chúa sẽ bảo vệ quyền tự do, độc lập và dân chủ. Hòn đảo nhỏ Taiwan đã bừng lên sức sống và niềm tin mãnh liệt về con người, về công lý. Đại đa số dân chúng Việt Nam tin rằng bên cạnh ác quỷ còn có thiên thần. Bên cạnh Sa tăn còn có Chúa...


Ông đã cho thế giới thấy được sức mạnh Mỹ, người dân Mỹ kiêu hãnh với đất nước mình, và kinh tế Mỹ đi lên bởi chính tài năng Mỹ...


Ông đã quét gần hết những bàn tay bẩn thỉu mang cờ trung nam hải trên đất nước ông và các nước đồng minh. Đồng đô la của dân chúng Mỹ được sử dụng một cách chân chính và xác thực cho các tổ chức quốc tế thay vì một sự lợi dụng và phung phí suốt bao năm...


Ông chỉ chịu thua, có thể nói như vậy, khi trong một năm cuối cùng tại vị, ông không dập được cơn dịch Vũ hán tấn công đất nước ông. Nhưng không phải hiển nhiên như vậy, thế giới này đầy rẫy nhân tài, mà cho đến nay cũng đành bất lực, vaccine chống Corona chỉ là thử nghiệm, trách gì được ông! Nhưng những bước đầu trong cuộc chiến này trước khi ông rời nhà trắng cũng đã tạo tiền đề cho chính phủ kế nhiệm và niềm tin cho thế giới là dịch sẽ bị đẩy lùi!...


Ông đã trở về Mar-a-lago ở Palm Beach với gia đình như một người anh hùng hy sinh vì nước Mỹ. Ông xứng đáng được kính trọng và vinh danh. Nhiều người nói rằng ông thua cuộc. Nhưng ông đâu có thua. Ông đang thắng đấy chứ. Sự chuyển giao quyền lực một cách bình yên là một sức mạnh của người quân tử. Vinh quang của ông nằm trong tình yêu dân Mỹ và thế giới. Sự câm mồm của TCB trong gần bốn năm qua là chiến thắng vĩ đại của ông. “Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, ông bà VN chúng tôi luôn dạy con cháu như thế. Và ông cũng đã làm như thế. Ông đã vượt lên trên cả những đối thủ “trong nước” của ông là vì thế!


Rất trân trọng ông, chào vị tổng thống thứ 45 oai hùng của nước Mỹ. Khẩu súng colt xoay trong tay chàng cao bồi vẫn còn đạn, chàng thản nhiên bỏ lại vào vỏ, leo lên ngựa, lũng thững đi về vùng núi cao hoang dã trong một chiều hoàng hôn. Ánh nắng chiều soi trên chiếc mũ rộng vành. Những nhánh xương rồng rung rinh trước gió tiễn đưa chàng. Chiếc khăn quấn cổ bay bay. Tiếng vó ngựa lộc cộc. Hình ảnh và âm thanh mới đẹp làm sao!...


Nguyễn Quang Chơn

20.1.21