Saturday, November 29, 2014

MƯA CHỦ NHẬT


Thuở nhỏ tôi thích mưa. Thích đi trong mưa. Thích ngắm mưa rơi từ trước hiên nhà. Thích những dòng nước mưa chảy ven đường, hạt mưa làm nổi lên những bong bóng, và tôi thả vào đó chiếc thuyền xếp giấy...
Tôi cũng thích nhìn những em bé trần truồng lông nhông tắm mưa, hồn nhiên, tươi sáng. 
Và tôi thích tiếng mưa rơi trên mái. Tôi thường nghĩ, sau này lớn lên có nhà, sẽ làm một phòng có mái tôn để khi mưa, nghe tiếng nhặt thưa trên đó mà vui...

Và bây chừ. Nhà thì làm kiên cố với mái ngói, mái bằng. Mưa ở miền trung thì ầm ì, xối xả. Nước không còn những dòng chảy trước nhà cuốn theo bong bóng và những con thuyền giấy, mà là những giòng sông ngập ngụa, đen xì, rác rến. Xe cộ lại qua chết máy, người người ướt đẫm, vất vả, thấy mà thương. Cũng không còn những trẻ nhỏ lông nhông tắm mưa nữa. Tuổi thơ bây giờ là đua nhau các cours học thêm, hay ngồi trên máy vi tính, hay cha mẹ giữ rịt, đâu dám thả ra đường, bao nhiêu bất ổn. Nhất là lúc đang mưa...

Hôm nay mưa sớm chủ nhật. Không làm gì nên nằm nghe mưa. Lại thấy cái mưa sao tê tái vậy. Tê tái vì thấy lòng thấm đẫm nỗi buồn. Cái buồn trước tiên là nhớ mấy đứa con đã tung cánh bay đi xa lắc. Con cái. Phải được giáo dục nên người. Ở nước ta, cái nền giáo dục có lẽ không phù hợp lắm với hiểu biết riêng, nên chắt chiu dành dụm cho con ra nước ngoài ăn học. Và khi đỗ đạt, phải tập hành cho tương thích cái học chứ. Vậy là sau nhiều năm học. Các con trưởng thành, lại phải tập làm người ngoài xã hội. Lại biền biệt. Và, lại thương, lại nhớ biết bao...  Mưa càng đào sâu thêm nỗi nhớ!

Nằm nghe mưa hay nghĩ ngợi đủ thứ, nhất là những gì đã qua. Buồn nhớ mẹ cha không còn. Nhớ lúc nhỏ trời mưa, mẹ hay cho ăn cơm với cá thính. Trứng chiên. Nước lớn lại có cá lòng toong kho với lá nghệ, chan nước mắm ngon, ăn hết biết. Nhớ ba vất vả nuôi con cái, nuôi họ hàng. Bây chừ mình khá giả không còn ba mẹ để phụng dưỡng. Nghĩ mà thương, nghĩ mà buồn. Thấy mình bất hạnh!

Lại nghĩ đến bạn bè. Thấy sao đời mình bè nhiều, bạn ít. Nhớ những thằng bạn đã ra đi khi chưa được mang chữ thọ. Nhớ những đứa thân thì xa tít tắp, thằng gần thì lạt nhách lạt nhe... Mưa hay muốn có bạn tâm giao châu đầu uống rượu!

Và hay nghĩ đến cuộc đời. Sắc sắc không không. Có đó mất đó. Vô thường! Mà sao con người ta cứ đắm say trong cái vô thường đó. Để phụ bạn, phụ tình, để tranh giành, đấu đá. Để ôm đống tài sản kết xù. Rồi một sáng vào tù. Rồi một chiều bệnh hoạn. Tôi có hai người thân quen là một điển hình. Một người treo cổ. Một người đang vật lộn với cái chết. Tiền của, nhà cửa, đất đai..., còn nguyên đó, chất chồng!...

...nên bây giờ không muốn mưa nữa. Mưa buồn thúi ruột. Muốn một chút nắng để lòng phơi phới hơn, yêu đời hơn, bớt nhớ nhung hơn!

Già rồi nên chỉ mong điều gì nhẹ nhàng, êm ái. Không muốn nặng lòng!...

Thursday, November 27, 2014

TẠ ƠN

Hôm nay thứ năm tuần thứ tư tháng 11, 
lễ tạ ơn trên đất Mỹ
Dẫu ý nghĩa là tạ ơn đức chúa lòng lành, hay tạ ơn người tù trưởng da đỏ tốt bụng 
hay tạ ơn trời cho mùa màng bội thu

Thì lễ tạ ơn vẫn là một ngày lễ lớn 
để con người biết tạ ơn nhau
Để chúng ta biết sự tồn tại của mình 
là có trên có dưới có trước có sau, 
có thượng đế, có đồng bào, có những người tốt bụng
Để ta hiểu nhiều hơn trong cuộc sống
Không chỉ có oán thù căm giận
Không chỉ có cái xấu gieo rắc mọi nơi
Không chỉ có lạnh lùng và vô cảm...

Và để có một ngày thứ năm tuần thứ tư tháng mười một
Trước ngày chúa giáng sinh
Trước khi một năm khép lại
Chúng ta dành một ngày tĩnh tại
tạ ơn nhau...

Cho tôi được tạ ơn mẹ cha đã cho tôi hiển sinh trên mảnh đất này
đã cho cho tôi cơm áo và trí tuệ
và cho tôi hành trang đứng lên 
kiêu hãnh làm người
Cám ơn anh chị em bè bạn
đã cho tôi ghét vui buồn giận
biết người thành tâm biết kẻ dối lừa
Cám ơn đời đã cho tôi những nắng những mưa
những  bập bềnh thân phận
trên bờ bãi lênh đênh...

Và cho tôi được cám ơn em
Đã cho tôi mây trời và nắng nhẹ
Để tôi biết yêu đời và biết làm thơ
Để tôi biết mộng mơ và biết quên thù hận
Biết cõi đời mênh mông bất tận
Ta với người xin sống để yêu nhau!...

NQC, 28.11.14

Chuyện rất ngắn có thật

Mấy ông dạy lái xe ô tô ở thành phố tôi nỗi tiếng là hay nói năng thô lỗ với những người đi học lấy bằng. Đã từng có một người quen tôi, con một ông tướng, Giám đốc một công ty xây dựng, học lái xe, bị người hướng dẫn quát nạt vô lễ. Anh đã bực mình mắng xối xả, rồi xuống xe bỏ về, bỏ học.

Một người bạn khác, nay là thứ trưởng, cầm tay lái thao tác chậm chạp, bị mắng. Sao ông ngu vậy? Cái đầu ông chắc chỉ có bả đậu thôi, chứ không dung nạp được gì! Bạn tôi chỉ cười không nói.

Một học viên khác bước đến nói nhỏ với hướng dẫn viên. Anh biết ông đó là ai không? Giáo sư, tiến sĩ, viện trưởng đại học thành phố chúng ta đó!

NQC, 27.11.14

Monday, November 24, 2014

Tháng 11 với những tình thân


Có một tựa đề phim mà người ta hay dùng để nói với nhau về một sự mong đợi:  BAO GIỜ CHO ĐẾN THÁNG 10. Nhưng sao với tôi, tháng 11 thường có những cuộc hạnh ngộ!

Năm 2010 Đinh Cường về chơi. Năm 2011, Đặng Tiến, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Tường Thiết, Bửu Ý ghé thăm, 2013 ĐC triễn lãm tranh ở Huế, Đà lạt với vô số bạn bè. 2014 năm nay, nhà văn Phạm Thành Châu từ VA, blogger Trần thị Nguyệt Mai từ Ohio về...

Phạm Thành Châu, nhà văn mà như ĐC nói, không muốn ai biết mình là nhà văn, nên anh về VN im hơi lặng tiếng. Một chiều nhận cuộc điện thoại lạ, nghe, Phạm Thành Châu đây, mới biết anh về!

Phạm Thành Châu vốn vậy. Hiền lành. Ít nói. Trầm mặc. Anh vốn là quan hành chính của chế độ Cộng Hoà, là phó quận trưởng một quận ven đô Huế. Anh người Hội An lại phải lòng gái Huế nên chọn Huế làm quê hưong và chơi với nhiều văn nhân thi sĩ Huế. Cuối cùng anh định cư ở Virginia. Rảnh, anh tự nhiên viết chơi và bỗng thành văn sĩ. 

Truyện ngắn anh viết hay lắm. Thiệt mà ảo. Giả mà chân. Ai đã từng cầm cuốn sách của Phạm Thành Châu. Mới đầu cứ ngỡ đọc chơi chơi cho vui, mà rồi đố ai dứt ra được. Chuyện này chuyện nọ, chuyện đó chuyện kia, cứ rù rì rủ rỉ bên tai, khiến ta phải đọc một mạch. 

Ai mà khó ngủ. Nghĩ rằng đọc truyện PTC để chán mà ngủ là một sai lầm. Tôi đã thức nguyên mấy tiếng đồng hồ trên chuyến bay từ VA về SFC và rồi đêm đó cũng thức gần đến sáng để đọc hết mấy cuốn sách anh đã tặng, làm  sao mà bỏ dở được nửa chừng! Ở Mỹ mà sách Việt ngữ bán hết và còn được tái bản thì thật là kinh! Hai tập truyện ngắn của anh rất được nhiều người truyền tay nhau đọc. Đó là GỞI HUẾ và LÝ LẼ CỦA TRÁI TIM.



Chị Trần Thị Nguyệt Mai. Lần đầu tiên tôi gặp. Và chắc cũng nhiều vị đầu tiên như Cao Thoại Châu, Lê Văn Trung, Nguyễn Quốc Thái, ... gặp.

Nguyệt Mai nhỏ người. Luôn cười. Đôi mắt cận trẻ thơ. Một người yêu văn chương, hội hoạ một cách vô tư, rất hiếm. Chị giúp anh Trần Hoài Thư làm THƯ QUÁN BẢN THẢO. Việc làm của anh Trần Hoài Thư và chị là một việc làm không kinh tế nhưng thật đáng trân trọng. Vài mươi năm sau, khi đất nước cần đến những tư liệu đầy đủ cho một nền văn học nước nhà, như bây giờ chúng ta sưu tầm những tác phẩm thời đầu thế kỷ 20, thì lúc ấy, mới thấy công lao của anh, chị là rất lớn!

Anh Châu về Hội An, về quê vợ Huế. Rồi ghé ĐN thăm tôi. Tôi đưa anh đi quanh ĐN, ăn tối thật vui với Trần Phương Kỳ. Cứ ở đâu có TPK là ở đó có tranh luận, có rôm rả, ồn ào...

Rồi vẽ anh. Vui. Tiếc là thời gian ở miền trung của anh quá ít. 

Nhà văn. Dường như ưa phiêu bạt. Anh lại lên Đà lạt. Lại xuống Qui nhơn, lại về Phan Thiết ... Thôi, say good bye anh qua phone vậy!

Nguyệt Mai trước khi về VN đã email đầy đủ hẹn gặp nhau sáng thứ hai tại cà phê Bean, công viên Hoà Bình, trước nhà thờ Đức Bà, với đông vui các nhà văn, nhà thơ, đã già, đã cũ của miền Nam trước 1975 như NQT, CTC, LVT, NM, Elena, NSB..., hơn chục người. Có người biết nhau, có người không. Nhưng kêu tên ra thì mọi người đều ngưỡng mộ lẫn nhau. Dễ chi hội ngộ!...

Và, cám ơn TTNM để có buổi cà phê đầu tuần giữa Sài gòn thật dễ thương, thật nhẹ nhàng của những con người cá tính khác nhau, nhưng gần nhau trong văn chương, trong chữ nghĩa, và, một cử chỉ đẹp thường thấy trong giới là, tặng sách cho nhau! 

Cái ba lô của tôi lúc đi thì trống rỗng, lúc về thì đầy ắp, nặng bởi sách. Cái chữ, cái tình bao giờ cũng nặng, không thể nhẹ, không thể hời hợt được đâu!

Chị NM có đặc biệt là không dùng phone, chị chỉ dùng email nên khó cho nhau khi muốn liên lạc tức thì. 

Sáng thứ bảy. Tôi hẹn chị cà phê đường Lê Lợi.  Tôi và chị đến đúng giờ, nhưng mỗi người ngồi mỗi quán hai bên trái, phải của toà nhà và... chờ nhau. Không có phone làm sao gọi chị. Chợt điện thoại lạ reo. Thì ra chị nhờ phone một người khách gọi giùm...

Sáng cuối tuần SG đẹp của mùa nắng, với một chút ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc HN thổi vào nên gió hiu hiu và nắng nhẹ vàng...

Cà phê chỉ có hai người nên nhiều chuyện để hỏi, để nói. Cũng như lâu rồi ĐC nói với tôi. NM là ai moi cũng chẳng biết. Nhưng NM đã lưu trữ tất cả những tranh, bài viết của mình. 

Và, cho đến cuối năm 2013, TQBT in tập CÀO LÁ NGOÀI SÂN của ĐC và TTNM mang lên VA tặng anh. Anh mới nhận biết được người!




Ôi. Những người yêu nghệ thuật, văn chương có đâu bạc bẽo. Thắm đậm cái tình đó chứ!!!

Rồi dùng xe máy chở NM đi giao sách. Lại gặp những cây đa cây đề. Lại cười khoái hoạt với nhau. Lại thấy cuộc đời luôn có những mầm vui!...

Tháng 11. Mong sao những tháng 11 cứ đầy những tình thân. Những tình thân ngày càng hiếm hoi, mỏng mảnh. 

Xin hãy mãi còn. Xin đừng tan biến!...

NQC, thân tặng PTC, TTNM, ĐC

Friday, November 21, 2014

Sài gòn tháng 11


Ồn ào. Ồ, đó Sài gòn!
Rủi mà tĩnh mịch?
Như đờn không giây!

Người từ trời đông, trời tây
Về tìm nhau
Kể chi ngày, chi đêm
Lắng nghe tiếng gọi thân quen
Của hồn thu thảo 
Mông mênh thuở nào...

Sài gòn vẫn cứ ngọt ngào
Vẫn ngà ngọc, vẫn dạt dào tình thân...

Người về bâng khuâng bước chân
Nắng mưa, mưa nắng như gần như xa
Lặng im nghe bóng tuổi già

Gặp nhau lại chuyện câu cà, câu kê...
Sài gòn rộn rã bốn bề
Mà người người vẫn cận kề cùng nhau?

Sáng. Ly cà phê giọt sâu
Chiều. Ly bia nặng tiếng sầu tìm quên

Tìm nhau tự cõi mông mênh
Nắng ôm giọt nắng bên thềm. Có đau???

Gởi Sài gòn, gởi nhiệm màu
Gởi cho nhau đến ngàn sau. Cũng là...

NQC, 21.11.14
Tặng NM, DC, DNM

Friday, November 14, 2014

Nguyễn Quang Chơn tự vẽ mực tàu trên giấy,


Trời chuyển sang đông, mưa buồn rả rích...
Thành phố buồn giữa những thân quen 
Thành phố buồn với cơn mưa đêm
Thành phố buồn với ánh đèn vàng, người trong mưa bước vội...
Và ta buồn với tháng năm cằn cỗi
Bạn bè, người thân, bên những hư hao...

Chén rượu một mình uống mãi không say
Chợt nhớ mình còn mình với sương tóc nhạt phai
Chợt nhớ mình còn mình với tình yêu dâng hiến
Chợt nhớ mình còn mình dẫu bao nhiêu đau điếng
Chợt nhớ mình còn mình với giọng điệu  quen thân...

Chợt nhớ có bút lông
Chợt nhớ có mực tàu
Sao không vẽ mình một bức mực tàu trên giấy

Một bức để gởi bạn bè
Một bức để nhớ lúc
Buồn trong mưa
Tịch mịch
Thương người
Thương mình
Thương những cuộc chia tay!...

Bút lông, mực tàu, ghi nhanh nét hình hài
Của một người,
Đang sống...

ĐN, NQC, Nov. 14,14

Thursday, November 13, 2014

Bất hạnh hay hạnh phúc

Tôi bất hạnh hay tôi hạnh phúc? Khi tôi chưa kịp lớn thì cha đã qua đời vì rượu triền miên. Còn mẹ tôi một thân nuôi 2 con nhỏ, nuôi mẹ chồng già yếu,  nuôi em chồng tật nguyền...

Chúng tôi sống với một nỗi buồn của con nhà nghèo khó, với nỗi mặc cảm của đứa trẻ không cha, với mẹ đầu tắt mặt tối tự sáng tinh mơ đến tận giữa khuya...

Tôi thương chị tôi vừa học, vừa quần quật giúp mẹ. Tôi hận gia đình nội tôi giàu có nhưng luôn miệt thị mẹ tôi như người ở đợ. Tôi xót mẹ tôi nước mắt lưng tròng, còng lưng đút từng miếng cơm cho mẹ chồng, chăm sóc em chồng dưới sự chì chiết của người cô, ông chú...

Tôi tự nhủ mình phải vượt lên số phận. Phải học. Phải thành người. Phải giúp cho mẹ được một ngày sung sướng. Phải cho gia đình nội không dám coi thường...

Có những đêm, hai chị em chúng tôi ôm nhau mà khóc. Khóc vì sao mình bất hạnh. Khóc vì sao mẹ mình khổ thế...

Nhưng mỗi khi nhìn ánh mắt mẹ sáng lên niềm vui khi chúng  tôi mang về cho mẹ những mảnh bằng danh dự về kết quả học tập. Những cuối năm mang phần thưởng về nhà. Mẹ mắt rưng rưng,  hôn lên trán, lên tóc, chúng tôi lại tràn ngập niềm yêu thương và mãnh lực sống...

Tôi yêu mẹ. Mẹ thấp bé. Nhưng tình mẹ to lớn xiết bao. Tôi yêu mẹ. Mẹ nghèo. Nhưng lòng mẹ bao la hơn biển cả!...

Vào lớp mười. Tôi được chọn vào trường chuyên. Biết mẹ sẽ không lo nỗi học phí. Tôi tự liên hệ với những chương trình hỗ trợ học sinh miền trung nghèo khó. Và, từ đó, tôi được sự tài trợ hằng năm của những tấm lòng từ thiện. Và, từ đó, tôi cũng biết yêu cuộc đời hơn, yêu con người hơn...

Một câu chuyện mà có lẽ sẽ đi theo tôi suốt cả cuộc đời, là ngày tôi vào đại học với điểm thủ khoa của sinh viên nghèo. Làm sao có thể vào Sài gòn học được với gia cảnh của tôi. Nhưng những tấm lòng nhân ái của đời đã giúp tôi. Tôi lại được học bổng. Giúp tôi tự tin mà bước lên đường!...

Chuyện kể này chỉ xảy ra trong khoảnh khắc nhưng chẳng bao giờ tan được trong hồn tôi. Đó là ngày nhận tiền hỗ trợ. Không hiểu sao, người ta đưa cho tôi hai phong bì dính đôi. Vậy là tôi có được số tiền gấp đôi. Tôi biết đây là sự nhầm lẫn. Tay tôi run. Lòng tôi hoảng loạn, giằng xé. Trả lại hay không trả lại? Lấy hay không lấy? Chúng tôi từ nhỏ đã được mẹ dạy không lấy cắp, không tham lam, không làm hại người..., nay, tôi lấy số tiền này, thì liệu một người bạn nghèo như tôi có bị thiệt hay không? Trí óc tôi  kêu gào. Lương tâm tôi dày xéo.... Nhưng, với một thằng học trò nghèo như tôi lúc đó. Ngày mai lên đường vào Sài gòn biết bao trắc trở, khó khăn, không mẹ cha, không hàng họ..., món tiền trên là một gia tài... Lại thêm mẹ. Mẹ tảo tần!...

Vậy là tôi chọn sự im lặng. Nhưng tôi chờ đợi. Nếu người bạn nào đó trong 10 người chúng tôi không được nhận, tôi sẽ đến sẻ chia cho bạn. May thay, người ta đã có dự phòng bổ sung. Tất cả đều ổn. Chỉ lòng tôi không ổn!...

Số tiền đó tôi về tặng mẹ một nửa. Còn lại, làm hành trang cho cuộc trường chinh. Trước khi lên đường, tôi ghé ngôi chùa gần nhà. Thắp hương quì trước đức Thích Ca Mâu Ni. Lạy Phật. Chắc người thương nên đã cho con thêm ít lộc. Con xin hứa với người sẽ sống tốt. Sẽ làm việc thiện và sẽ giúp người nghèo để trả món nợ này!...

Những năm tháng học tập tại Sài gòn. Chị tôi sáng bánh mì khô. Trưa bánh mì không. Tối bánh mì lạnh. Vậy mà chị cũng ra trường với điểm tối ưu. Và mỗi tháng gởi cho mẹ được mấy triệu đủ cho mẹ sinh sống. Rồi chị được học bổng học  cao học ở châu Âu...

Đến lượt tôi. Nếu không có những tấm lòng hảo tâm, chắc tôi không theo hết chương trình đại học. Tôi được học bổng. Tôi vừa học vừa làm. Vừa tham gia chương trình hổ trợ học sinh nghèo của một giáo sư trong trường. Nỗi ám ảnh của lần cầm tiền người cứ mãi theo tôi...

Tôi ra trường. Một công ty lớn nước ngoài tiếp nhận. Tôi làm việc ngày đêm. Cuộc sống tôi đã ổn. Chương trình từ thiện của giáo sư tôi cũng phát triển mạnh. Tôi lại có nhiều dịp trao học bỗng cho những học sinh nghèo hiếu học. Tôi thay chị mỗi tháng gởi tiền cho mẹ chi tiêu. Sự băn khoăn, trăn trở trong tôi cũng đã nguôi dần...

Mai đây chị tôi sẽ về. Chị sẽ có công việc tốt. Tôi cũng sẽ có một chút vị trí trong công ty. Chú Út tật nguyền đã được chú cô bảo lãnh sang Mỹ. Bà nội già yếu rồi sẽ chết. Bên nội sẽ bán nhà chia nhau. Mẹ sẽ cô quạnh...

Nhưng mẹ ơi. Lúc đó con và chị sẽ xin chuyển công tác về quê hương. Sẽ xây cho mẹ một căn nhà. Căn nhà nhỏ vừa cho mấy mẹ con mình sinh sống!

Và, một chiều nào đó chúng con về. Trên tay một nụ hoa hồng thắm. Sẽ nói với mẹ. "Mẹ có biết hay không?  Biết gì? Biết là, biết là, CON YÊU MẸ KHÔNG?!!"


Monday, November 10, 2014

Chuyện rất ngắn: CON NGƯỜI

Rồi ông cũng ra đi. Ông chọn cách đi rất dũng cảm. Đó là tự treo cổ tại quê hương  xa xôi của ông, vùng chiêm trũng Bắc kỳ. Chắc ông đã suy nghĩ, tính toán lâu lắm mới ra quyết định này...

Vậy là ông đi đôi tay thanh thản. Gia tài ông còn lại đồ sộ lắm, bởi ông từng là TGĐ, chủ tịch một tập đoàn lớn của nhà nước. Cuộc đời ông suôn sẻ, tốt đẹp, với những nước đi an toàn, vững chãi. Tính tình ông điềm đạm, mềm mỏng, khôn ngoan. Gia đình ông đủ đầy với những đứa con hiếu thảo...

Ngày về hưu ông không sốc như nhiều người. Chỉ có điều một căn bịnh ác tính âm ỉ lâu nay bây giờ mới phát. Ông phải đụng đến dao kéo và hoá chất xạ trị. Tinh thần ông suy sụp từ đây. 

Ông nhìn lại đời mình. Cái chi ông cũng có. Nhà cửa, bạc tiền, danh vọng, quyền thế. Vậy mà xin một chút sức khoẻ, sao khó quá lắm thay!

Vài năm chịu đau đớn bởi căn bệnh hiểm. Ông mới thấy tất cả chỉ là phù du. Tất cả là vô nghĩa nếu phải  kéo cuộc sống tàn tạ giữa cái tuổi mà lẽ ra ông phải được an nhàn, tận hưởng...

Bệnh ông cũng có thể kéo dài thêm được vài năm nữa nếu ông sang Mỹ chữa trị. Nhưng liệu có ích chi một vài năm nữa hay không???

Vì vậy để cho khỏi ồn ào tai tiếng. Ông về quê cha đất tổ. Ông viết những điều tâm huyết để lại cho vợ con, rồi ông mượn một sợi dây kết liễu đời mình. 

Ông đã đi bình an như thế!

Đám bạn bè đến viếng. Mấy đứa lầm bầm. Sao anh làm vậy. Tôi đây. Dẫu một ngày vẫn phải hơn người. Vẫn phải vượt lên. Thà phụ người chứ không để người phụ mình. Thà mang tiếng gian hùng để còn hơn thiệt hại bạc tiền!...

Với họ. Hình như không có già, không có bịnh và không có chết!

NQC, 11.11.14


Thursday, November 6, 2014

Lan man chuyện già


Quy luật sinh lão bệnh tử không ai thoát được, mặc dầu đôi khi thứ tự cũng được thay đổi, hoặc ngắn gọn các bước, tỷ như, sinh tử, sinh bệnh tử, sinh lão tử...nhưng bao giờ cũng sinh rồi mới tử. Sinh thì không ai muốn. Tử thì không ai mong. Nhưng thói đời, người ta thường mong sao không bệnh, không lão. Gặp nhau thường chúc sức khoẻ, chúc trẻ mãi không già....

Đã biết là quy luật rồi mà có những người một sớm mai về, nhận quyết định nghỉ hưu bổng thấy hụt hẫng, muộn phiền, huyết áp tăng...

Chán chường, phẫn hận, họ không muốn biết là mình đã già, cần nhường chỗ cho lớp trẻ phía sau...

Tuổi già cũng làm suy nghĩ con người khác khi còn trẻ.

Lúc trẻ, có những tư tưởng lãng mạn, như mong khi già, sẽ kiếm một mảnh đất xa nơi phồn hoa đô hội, trồng cái cây, nuôi con gà, con cá. Bạn bè ở thành phố về chơi, hái cây trái, luộc con gà, rót ly rượu cay nồng tiếp bạn... Nghe cứ thảnh thơi, đẹp đẽ, như những câu chuyện đạo lão bên Tàu!...

Mà rồi, chuẩn bị già thì cái bịnh ập đến, vậy là bệnh viện, tiệm thuốc gần nhà là cái sát sườn, là cái ưu tiên. Quan trọng hơn con gà, chén rượu, vườn cây...

Già thì ngay đi cái xe đạp ra đường cũng sợ, nói chi đi xe máy, xe hơi. Vì vậy có muốn thăm bạn bè xa xa thì phải nhờ con, cháu. Mà con với cháu cũng bận bỏ xừ, khéo lại làm phiền chúng nó nên thôi, lại bó gối nhớ nhau. Làm nhà điền trang, mong tiếp đãi bạn, mà cả năm không thằng nào tới. Ra vô hai vợ chồng già. Không bịnh đôi khi cũng bịnh. Bịnh buồn!

Già mà còn khoẻ. Còn tập thể dục, thể thao. Còn ăn, còn uống, còn ngủ tốt, là tốt. Nhưng bạn bè chung quanh đâu phải  ai cũng vậy. Chiều rảnh buồn bốc phone gọi bạn rủ lai rai. Nhưng người thì bận giữ cháu. Đứa thì mới khám sức khoẻ về, bác sỹ cấm cử đủ thứ, đặc biệt là rượu bia. Thằng thì gout. Thằng thì huyết áp. Đứa nọ tiểu đường.... 

Quy luật là vậy rồi. Anh già mà anh vẫn khoẻ thì anh cứ chơi mình anh, đâu phải ai cũng khoẻ được như anh. Tuổi già kiếm bạn nhậu cũng khó!

Trẻ thì hay coi thường cái chết. Cứ như những anh hùng hảo hán, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Rượu nốc từng tô. Thuốc phi từng gói. Ai can cũng không nổi.  Đến lúc già thì lại lo chết. Lại bỏ tiền mua thuốc bổ, thuốc tăng lực, thuốc trường sinh, nói đến chữ chết là mặt mày xanh lè, lo sợ...

Già thì lại càng ít bạn. Phần thì cuộc đời tẩy rửa sạch dần những nhãn mác dán trên con người. Cuối đời là lòi ra hết bản chất, nên xa. Lại nữa, tuổi trời cũng kéo đi không ít bạn hữu nên số lượng ít dần. Và không ít kẻ èo ọp, ốm đau, vặt vẹo..., nên bạn bè thưa thớt!

Hồi còn trẻ vẽ vời mộng mơ đủ thứ cho tuổi già. Nào sẽ làm những chuyến "phượt" khắp mọi nơi trên đất nước. Nào sẽ lang thang núi đồi để chụp ảnh, để vẽ. Nào sẽ tìm hiểu ẩm thực mọi miền đất nước. Nào sẽ....

Nhưng khi về già, cái chân lại mỏi, cái tay lại run, cái mắt lại mờ, cái răng lại rụng... Thì than ôi, ước mơ để lúc về già sẽ thế này thế nọ, mãi mãi cũng chỉ là mơ ước, viển vông!..

Bởi vậy. Lúc này đây, khi chuẩn bị già. Cái chi cũng còn tốt, còn khoẻ thì hãy đến với nhau đi. Bạn bè còn ăn được thì mời nhau ăn. Còn uống được thì mời nhau uống. Còn đi được thì rủ nhau đi. Tám chuyện trên trời dưới đất thì cứ tám nhưng đừng làm tổn thương nhau. (tuổi già hay bị chạm lắm). Đừng lợi dụng bạn bè và hãy rộng rãi với nhau một chút. Bởi biết đâu, ngày hôm sau, bạn mình không còn nữa, hay mình cũng đã phải ra đi. Bạc tiền, nhà cửa, xe cộ ... lúc đó chỉ là con số không vô nghĩa!...

Mỗi người một số phận nhưng phận già, phận bịnh thì ai cũng như ai. Nên, cần cảm thông và cần chia xẻ. Đừng chê trách. Đừng hắt hủi ai. Bởi hôm nay mình khoẻ, nhưng ngày mai, rồi mình cũng thế thôi mà!

Nguyễn Quang Chơn
08.11.14

Wednesday, November 5, 2014

Chuyện rất ngắn: KINH DOANH

Tên ông Thành. Ông là một người nổi tiếng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, nằm vùng ở trên quê hương cằn cỗi miền trung mãi đến ngày 29/3/1975

Ông đã từng là tỉnh uỷ viên, là trưởng một ban quan trọng trong chiến tranh nhân dân. Địch gọi ông là Thành tàng hình vì ông thoắt ẩn thoắt hiện. Một đôi lần được chỉ điểm, địch bố ráp vây quanh, ốp đến nơi chỉ có một mụ đàn bà đẻ đang nằm bên bếp lửa với đứa con đỏ hỏn! 

Sau chiến tranh. Chức vụ lớn nhất ông được đảm nhiệm là bí thư huyện vì thành phần nằm vùng không được tin cậy bằng các đồng chí tập kết trở về. 

Nỗi đau xé ruột của ông không phải là chức vụ, quyền lợi sau chiến tranh, bởi vì, trước sau ông vẫn là người hạnh phúc nhất, sung sướng nhất, trong vòng tay thương yêu của nhân dân, quê hương, đồng đội... Nhưng, chính thằng con trai duy nhất mà ông cấy được năm 1954, theo chủ trương của Đảng, là gây dựng cơ sở miền Nam trước khi tập kết ra Bắc, lại chính là nỗi buồn đau của ông sau chiến tranh cho đến lúc qua đời.

Dâu ông, một cô gái miền Tây xinh đẹp. Da trắng, vóc người cân đối, học giỏi, ăn nói thông minh, hoạt bát, chỉ có đôi mắt đen to sâu róm, lộ một nét gì đó điếm đàng, xảo quyệt...

Hai vợ chồng người con nhờ bán tất cả những đất đai nhà cửa nhà nước cấp cho ông mà giàu có, vào Sài gòn sinh sống. Ông một mình ở quê hương.. Cuối đời, ông phải xin ở trong một chung cư rẻ tiền...

Già yếu ông vào Sài gòn thăm con rồi mất. Hai vợ chồng tính toán, nếu phải khâm liệm và mai táng trong Sài gòn, tiền lo khâm liệm và mua quan tài khoảng hơn hai chục triệu đồng, tiền hoả thiêu cũng hơn hai chục nữa. Hơn nữa, trong đó không mấy người phúng điếu. Nên hai vợ chồng đã quyết định một quyết định thật bất nhân! Tiêm formone và bọc thi thể ông trong bao nilon, thuê xe đưa về quê hương. 

Tổ chức thành uỷ quê hương ông, mà nay các lãnh đạo là con cháu, lính tráng ông ngày xưa, đón ông trong nỗi đau ngút ngàn, khi nhìn một con người, một thủ trưởng, một anh hùng, bọc trong túi ni lông, thân thể nhợt nhạt, bay mùi hoá chất cay mắt....

Và tang lễ đã được tổ chức trọng thể tại nhà tang lễ thành phố với hầu hết các thủ trưởng tới dự, với sự tiếc thương của bà con, đồng đội, gia đình...

Với tiêu chuẩn của ông, nhà nước lo hết, từ A tới Z, không tốn một đồng, lại phụ cấp thêm tiền ăn cho gia đình mỗi ngày, tiền tử tuất....

Thằng con trai và đứa cháu đích tôn mang khăn tang đứng đám. Cô dâu duy nhất vắng mặt trong suốt tang lễ, ngay từ buổi khâm liệm, lễ thành phục ( lễ mặc đồ tang). Di quan nửa đàng cô cởi áo tang trở về khách sạn

Suốt 3 ngày quàn ông, cứ mỗi 6 giờ chiều, cô con dâu đi taxi xuống nhà tang lễ gom lấy phong bì bà con đi đám, về lại khách sạn với mấy  người bạn Sài gòn ra chơi.

Thi hài ông được hoả táng. Tro cốt mang vào Sài gòn. Kết thúc một cuộc đời OANH, LIỆT!

Những người dân quê hương, những đồng đội ông khóc vật vã. Họ đau xót tiếc thương...

Than ôi. Đời anh vậy mà sống vô gia cư, chết vô địa táng! Ôi. Sao thời buổi văn minh này lại còn có những người con kinh doanh xác chết cha mình!...

Nghe đâu người con dâu bảo đây là lần làm ăn cuối cùng với bố chồng. Không được lãi nhiều như mong đợi!...

NQC, 5/11/14

Tuesday, November 4, 2014

Chuyện rất ngắn: Từ thiện

Ông Ba làm nghề sửa xe ở mái hiên nhà người bạn. Ông không giàu nhưng ông rất thương những người nghèo khổ, ngày ngày bộ hành mưu sinh với tấm vé số, với túi ve chai...

Ông phát tâm dâng bình nước miễn phí cho khách qua đàng, để ở vỉa hè với tấm bảng: NƯỚC TINH KHIẾT MIỄN PHÍ. Ông mua một chân đế sắt xi bóng loáng. Một bình nước tinh khiết an toàn. Một cái cốc nhựa sạch sẽ...

Một hôm tôi đi qua. Chiếc xe xẹp lốp ghé vá. Nhân khát, tôi bước ra uống cốc nước. Thấy cái cốc được cột dây chắc chắn với đế. Bình và đế được ràng chắc bằng dây thép. Tôi cười hỏi ông Ba. Làm chi mà bác làm kỹ thế. Cứ sợ mất không bằng!

Ông lão cười khổ. Không chắc chắn như  vậy không được đâu chú ơi. Bà con uống xong cầm cái ca đi luôn. Còn một số chạy xe qua, uống nước xong, tiện tay ôm cả bình, cả đế! Đã mất toi 2, 3 lần rồi nên đành phải thế!

NQC, 3.11.14

Monday, November 3, 2014

Phác thảo

Những phác thảo tưởng như đã quên
Nằm yên trong những bề bộn giấy, màu, trong căn phòng vắng lặng...
Những phác thảo nếu không có một chiều
Mưa cuối thu buồn rả rích
Như mưa mùa đông miền trung...
Không biết làm gì
Loanh quanh
Cùng ly rượu 
Một mình
Dọn lại phòng vẽ
Sào huyệt của riêng mình (*)

Thấy những sketches
Đang ngủ yên...
Chợt dậy

Để nhớ
Rồi thấy
Không gian xưa nguyên vẹn
Người trong tranh vẫn bình an
Thời gian xưa ngưng đọng...

Ngưng đọng thành nỗi nhớ
Nhớ những người ngồi mẫu
Trong tranh...
Ly rượu độc ẩm ngon hơn
Ấm hơn
Một mình,

Xin gởi người
Xa xăm
Lời chúc,

Chúc an lành...

Nguyễn Quang Chơn, 03.11.14
(*) chữ của ĐC nói về basement của mình





Cám ơn bài thơ

Sáng ngủ dậy sắp chia tay Đà lạt
Mở máy nhìn. Một tin nhắn tới trong đêm
Tiếp tục xem. Một nick name quen
ĐC. Mở thêm vào đường dẫn
Đọc thơ anh. Mặt trời còn ngủ muộn…

Đầu mùa thu. Đà lạt một chút sương
MPK không biết đã lên đường
Như người rừng sáng ra về với núi?
Cám ơn anh bức chân dung vẽ vội
MPK một tối với hơi men
Đã gợi anh một hình ảnh thân quen
Một bài thơ thật chân tình cho bạn
Sáng hôm nay tôi chia tay Đà lạt
Chia tay con đường dốc. Những đồi thông
Chia tay không gian bàng bạc những tài danh
Những gương mặt suốt đời tôi quý trọng


Cám ơn vô cùng bài thơ anh gởi tặng
Từ dessin vẽ vội một kỳ nhân!…

Dalat, Sept 4, 2014
Nguyễn Quang Chơn, tặng a ĐC

Sunday, November 2, 2014

@ Nguyễn Quang Chơn - Đinh Cường về một tác phẩm

Ngày Oct 26, 2014, vào lúc 3:39, Dinh Cuong <hsdinhcuong@aol.com> viết

Một đoạn ghi hay 
Mừng thăm Tokyo ...

Dinh Cuong

-----Original Message-----
From: Chon Nguyen <chonquang1@gmail.com>
To: Dinh Cuong <hsdinhcuong@aol.com>
Sent: Sat, Oct 25, 2014 3:54 pm
Subject: Re: Bài mới post

Ngoài tịch mịch
Như NĐS
Thưa hoạ sĩ,

Hôm nay Tokyo đã nắng
Hôm kia thăm Phú Sỹ trời mưa và mây mù
Không thấy được đỉnh núi 
Tuyết
Như mái tóc người đàn bà
Anna Phượng
Như mây trên Blao

Và hồ Hakone
Sáng sớm lạnh 
Yên,
Không có gì 
Ngoài,
Tịch mịch

NQC, 26.10.14
Đã gửi từ iPhone của tôi

Ngày Oct 26, 2014, vào lúc 0:39, Dinh Cuong <hsdinhcuong@aol.com> viết:

Không thể được 
vì màu đỏ của nhánh hồng 
dù lẻ loi dù nhỏ 
cũng làm tội nghiệp 
những cánh hoa tím dại 
ngoài cửa sổ 
chiều miền núi đồi 
và người thiếu nữ
và không còn gì.
ngoài tịch mịch ....

Dinh Cuong 

-----Original Message-----
From: Chon Nguyen <chonquang1@gmail.com>
To: Dinh Cuong <hsdinhcuong@aol.com>
Sent: Sat, Oct 25, 2014 9:00 am
Subject: Re: Bài mới post

Người phụ nữ hoài vọng ngồi buồn
Nếu có một nhánh hồng lẻ loi bỏ rơi trên sàn gỗ gần cửa sổ thì sao?
Một chút xa xôi. Thương nhớ một người
Một chút đỏ hồng. Điểm giữa xanh điệp trùng
Và nhớ. Những căn nhà ngói đỏ
Nhớ một người vừa đi sau hoa mừng sinh nhật
Đỏ úa của rượu chát...

Thân kính,

NQC


Đã gửi từ iPhone của tôi

Ngày Oct 25, 2014, vào lúc 21:16, Dinh Cuong <hsdinhcuong@aol.com> viết:

Thân gởi Chơn , 
Rất cảm động trước tấm lòng Chơn . 
Mong là cánh cửa sổ bay về được tới Đà Nẵng, 
Thăm chị nhà và chúc an vui, 
Dinh Cuong 

-----Original Message-----
From: Chon Nguyen <chonquang1@gmail.com>
To: Dinh Cuong <hsdinhcuong@aol.com>
Sent: Fri, Oct 24, 2014 7:21 pm
Subject: Re: Bài mới post

Anh. Bức này dành cho em. Cũng như ghi lại kỷ niệm với anh Hoàng và Anh cùng Dũng tháng 6, tháng 7, 2014
Em Chơn

Đã gửi từ iPhone của tôi

Ngày Oct 25, 2014, vào lúc 7:24, Dinh Cuong <hsdinhcuong@aol.com> viết:

Chiều ngoài cửa sổ miền đồi núi


Chiều ngoài cửa sổ miền đồi núi
để nhớ Nguyễn Xuân Hoàng, Có nên ghi chú về một bức tranh khi chỉ vì đốm màu loang ra mà phải viền lại thành khung cửa sổ khung cửa sổ màu xanh indigo rồi khôn...

Bức hoạ trên bàn thờ


Nhìn bức hoạ trên bàn thờ
nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng
Quang Dũng chụp,
Lòng bỗng rưng rưng...

Bức vẽ anh ngày còn trẻ
Par courp với lũ giang hồ Đà lạt chăng?
Hay thời anh làm VĂN?
Hay thời là giáo sư Petrus Ký?

Nhớ khi còn sống anh thích bức hình này
Đôi mắt sâu
Tóc tuổi trẻ bụi đời
Hai cầu vai trên vai áo
Tôi vẽ anh bằng than trên canvas
Dũng mang tặng anh...

Chỉ một bức phác hoạ thôi
Cứ nghĩ để làm kỷ niệm một tình thân
Nào ngờ bây giờ thành bức chân dung trên bàn thờ người đã khuất

Dũng đến làm tuần
Sắp xếp lại giúp gia đình những di cảo của anh trên laptop
Chụp ảnh bàn thờ gởi ba xem
Lòng chợt rưng rưng...

Chúc anh phiêu diêu miền cực lạc
Anh Nguyễn Xuân Hoàng thân thương...

3.10.14 Nguyễn Quang Chơn

Hẹn,


Thu phong một chiếc lá rơi
Cũng nghe rưng rức tiếng đời tử sinh
Rừng thay màu, úa quanh mình
Tuổi chồng chất tuổi, lời kinh vọng về...

Nhớ xưa như nặng câu thề
Vai mang Ý THỨC tuổi kề đôi mươi
SÔNG SƯƠNG MÙ phủ phận người
NHỮNG CON ĐƯỜNG MÙA ĐÔNG lạnh chân trời bơ vơ...

Buồn từ khi biết làm thơ
Vui từ khi biết đợi chờ nẻo không
Con chim vẫn hót bên song
Thương cho chiếc lá thu phong bên trời...

Hẹn mai lại đến bên người
Cà phê lại ấm thơm trời Cali....

NQC, 15.10.14
Kính tặng anh LQ, nhân đọc Lá Thu Phong trên NM blog
Chữ in hoa là tựa sách của LQ


Về lại với nguyenquangchon.com

Đúng hai tháng rưỡi xa người bạn thân thương nguyenquangchon.com. Hôm nay, một chiều chủ nhật, trời đã qua mấy ngày mưa dầm buồn bã. Một chút nắng thu ấm áp, vàng nhạt hiện lên. Tháng 11 đến. Còn đúng hai tháng nữa là hết năm. 3 tháng nữa là tết. Thằng bạn già Sg gởi bài thơ hỏi sao im ắng. Trả lời cho bạn xong mở thử trang mạng của mình. Chợt thấy buồn buồn. Thôi, vào lại mà chơi. Viết, vẽ, ghi lại những tâm sự. Những cảm xúc. Cho vui!...

02.11.14

Bún Tam kỳ, bún bà Lan

Nói đến bún bò, bún giò heo, là người ta thường nghĩ ngay đến BÚN BÒ HUẾ. Món ngon nổi tiếng, đã thường trực trên bản đồ ẩm thực Việt Nam. Ở mỗi địa phương, bún bò Huế đã có biến đổi đôi chút hương vị theo khẩu vị địa phương...

Với tôi, kẻ đã ăn bún bò Huế gốc từ gánh bún mụ Rớt bên Gia Hội trước 1975, đến các quán bún nổi tiếng ở Sài gòn sau này như bún Hưng, O Nờ..., các quán bún ở quận Cam Calif, ở Fall Church VA, quận 13 Paris..., vẫn không đâu ngon bằng bún bò giò heo Tam kỳ!..



Như có lần viết về các món ngon Tam kỳ. Tôi có ý so sánh bún bò Huế ở Huế, giống như những bài thơ của bà Huyện Thanh Quan. Mượt mà, đẹp đẽ, thâm trầm, sâu lắng. Khi đọc thơ bà, muốn ăn mặc trang trọng, đốt một chút hương trầm. Thì bún bò giò heo Tam kỳ lại như những vần thơ của Hồ Xuân Hương. Hết sức cô đọng. Vô cùng súc tích. Nó không song thất lục bát, không Đường luật rườm rà. Đọc thơ bà, ta hay đọc nhanh. Để thường thức những câu cuối đầy ý vị, ngọt ngào. Đọc xong lại mỉm cười thấm thía...

Bún Tam kỳ nhìn rất đơn giản. Không màu mè như bún Huế. Sợi bún mảnh nhỏ. Nước bún trong, ít màu, ít ớt, mà cay nhẹ nhàng, không xé cổ như bún Huế. Khoanh giò thì than ôi. Tuyệt vời không đâu có được. Ở đây người ta không có những khoanh giò to tổ chác của mấy con heo hàng trăm kilo đôi khi nuôi bằng thuốc tăng trọng, mà chỉ là những cục giò nho nhỏ. Nạc nhiều hơn mỡ. Chắc nụi và thơm ngọt! Cắn khoanh giò hầm vừa đến. Không rục. Không dai. Húp cái nước cay cay. Ngọt thơm mùi xương hầm, không bột ngọt. Nghe ngon tự chân răng cho đến cuối dạ dày...

Người phàm ăn như tôi không thể nào đứng lên khi về Tam kỳ mà chỉ ăn một tô bún giò thôi. Phải hai tô. Hoặc hai, ba khoanh giò mới đã thèm!

Tam kỳ ngày xưa có quán bún Dạ Hương ngon mãi đến chừ. Có quán bún gánh buổi sáng bán bên lề đường xuống cầu Kỳ phú. Khoảng 6 giờ,ông chồng chở bàn ghế chén bát xuống và dọn ra. Khách lục tục kéo đến tự ngồi vào bàn. Lấy chén đũa. Pha chén nước mắm chanh ớt cho vừa khẩu vị của mình. 6:30, bà vợ cùng người cháu gánh nồi nước, giò, thịt ra và....múc. Khách quen nên bà đã biết ai ăn thứ gì rồi. Không cần phải hỏi. Cứ thế. Đến 8:00 là hết bún, dọn về...

Đến buổi chiều tối thì không đâu bằng bún bà Lan trên đường Phan Châu Trinh. Bún ngon đã đành. Bà Lan cũng người phúc hậu hiền lành nên vào quán của bà ăn càng thấy ngon hơn....



Bà Lan người Cần thơ. Lấy chồng người Tam kỳ, làm quân cảnh chế độ miền nam, nhiệm sở trong đó. Sau 75 bà theo chồng về quê. Ban ngày ông làm nghề cắt gương kính nối nghiệp cha. Chiều tối bà dọn ra bán bún. Bún của bà ngon đến nỗi nhiều người đi xa, ngang qua Tam Kỳ, cũng cố kéo thời gian đến tối để được thưởng thức tô bún bà Lan. Bún của bà cũng mang đặc trưng bún Tam kỳ. Nước ngọt mà thanh, khoanh giò nhỏ nấu vừa mềm, thơm phức...

Có dạo bà bị bệnh nặng phải vào Sg điều trị. Quán bà đóng cửa mấy tháng. Cả thành phố Tam kỳ xôn xao. Ban đêm như vắng vẻ u buồn. Những người con Tam kỳ đi xa về quê hương tối đến nhậu nhẹt đàn ca với bạn bè xong về ngủ mà cứ thẩn thờ, nhớ...bà Lan, không ngủ được...

Nay bà đã khoẻ. Đã đứng bán bún cho người hâm mộ. Bà vẫn đẹp phúc hậu. Khuôn mặt và nụ cười hiền hậu bao dung...



Cầu cho bà khoẻ mãi để đêm đêm Tam kỳ vẫn thơm ngon nồi bún giò tuyệt diệu!

02/11/14
Nguyễn Quang Chơn, kỷ niệm lần về Tam kỳ với bè bạn thân thương