Sunday, November 2, 2014

Bún Tam kỳ, bún bà Lan

Nói đến bún bò, bún giò heo, là người ta thường nghĩ ngay đến BÚN BÒ HUẾ. Món ngon nổi tiếng, đã thường trực trên bản đồ ẩm thực Việt Nam. Ở mỗi địa phương, bún bò Huế đã có biến đổi đôi chút hương vị theo khẩu vị địa phương...

Với tôi, kẻ đã ăn bún bò Huế gốc từ gánh bún mụ Rớt bên Gia Hội trước 1975, đến các quán bún nổi tiếng ở Sài gòn sau này như bún Hưng, O Nờ..., các quán bún ở quận Cam Calif, ở Fall Church VA, quận 13 Paris..., vẫn không đâu ngon bằng bún bò giò heo Tam kỳ!..



Như có lần viết về các món ngon Tam kỳ. Tôi có ý so sánh bún bò Huế ở Huế, giống như những bài thơ của bà Huyện Thanh Quan. Mượt mà, đẹp đẽ, thâm trầm, sâu lắng. Khi đọc thơ bà, muốn ăn mặc trang trọng, đốt một chút hương trầm. Thì bún bò giò heo Tam kỳ lại như những vần thơ của Hồ Xuân Hương. Hết sức cô đọng. Vô cùng súc tích. Nó không song thất lục bát, không Đường luật rườm rà. Đọc thơ bà, ta hay đọc nhanh. Để thường thức những câu cuối đầy ý vị, ngọt ngào. Đọc xong lại mỉm cười thấm thía...

Bún Tam kỳ nhìn rất đơn giản. Không màu mè như bún Huế. Sợi bún mảnh nhỏ. Nước bún trong, ít màu, ít ớt, mà cay nhẹ nhàng, không xé cổ như bún Huế. Khoanh giò thì than ôi. Tuyệt vời không đâu có được. Ở đây người ta không có những khoanh giò to tổ chác của mấy con heo hàng trăm kilo đôi khi nuôi bằng thuốc tăng trọng, mà chỉ là những cục giò nho nhỏ. Nạc nhiều hơn mỡ. Chắc nụi và thơm ngọt! Cắn khoanh giò hầm vừa đến. Không rục. Không dai. Húp cái nước cay cay. Ngọt thơm mùi xương hầm, không bột ngọt. Nghe ngon tự chân răng cho đến cuối dạ dày...

Người phàm ăn như tôi không thể nào đứng lên khi về Tam kỳ mà chỉ ăn một tô bún giò thôi. Phải hai tô. Hoặc hai, ba khoanh giò mới đã thèm!

Tam kỳ ngày xưa có quán bún Dạ Hương ngon mãi đến chừ. Có quán bún gánh buổi sáng bán bên lề đường xuống cầu Kỳ phú. Khoảng 6 giờ,ông chồng chở bàn ghế chén bát xuống và dọn ra. Khách lục tục kéo đến tự ngồi vào bàn. Lấy chén đũa. Pha chén nước mắm chanh ớt cho vừa khẩu vị của mình. 6:30, bà vợ cùng người cháu gánh nồi nước, giò, thịt ra và....múc. Khách quen nên bà đã biết ai ăn thứ gì rồi. Không cần phải hỏi. Cứ thế. Đến 8:00 là hết bún, dọn về...

Đến buổi chiều tối thì không đâu bằng bún bà Lan trên đường Phan Châu Trinh. Bún ngon đã đành. Bà Lan cũng người phúc hậu hiền lành nên vào quán của bà ăn càng thấy ngon hơn....



Bà Lan người Cần thơ. Lấy chồng người Tam kỳ, làm quân cảnh chế độ miền nam, nhiệm sở trong đó. Sau 75 bà theo chồng về quê. Ban ngày ông làm nghề cắt gương kính nối nghiệp cha. Chiều tối bà dọn ra bán bún. Bún của bà ngon đến nỗi nhiều người đi xa, ngang qua Tam Kỳ, cũng cố kéo thời gian đến tối để được thưởng thức tô bún bà Lan. Bún của bà cũng mang đặc trưng bún Tam kỳ. Nước ngọt mà thanh, khoanh giò nhỏ nấu vừa mềm, thơm phức...

Có dạo bà bị bệnh nặng phải vào Sg điều trị. Quán bà đóng cửa mấy tháng. Cả thành phố Tam kỳ xôn xao. Ban đêm như vắng vẻ u buồn. Những người con Tam kỳ đi xa về quê hương tối đến nhậu nhẹt đàn ca với bạn bè xong về ngủ mà cứ thẩn thờ, nhớ...bà Lan, không ngủ được...

Nay bà đã khoẻ. Đã đứng bán bún cho người hâm mộ. Bà vẫn đẹp phúc hậu. Khuôn mặt và nụ cười hiền hậu bao dung...



Cầu cho bà khoẻ mãi để đêm đêm Tam kỳ vẫn thơm ngon nồi bún giò tuyệt diệu!

02/11/14
Nguyễn Quang Chơn, kỷ niệm lần về Tam kỳ với bè bạn thân thương