Saturday, March 25, 2017

Duyên



Hình như trong sách Phật. Đời là duyên. Tình là duyên. Sắc là duyên. Có duyên thì kết tụ. Vô duyên thì ly tan. Nói đến duyên, tôi lại nhớ chị Duyên, một người con gái nhỏ nhẹ, nên thơ, mà cái tên đã bị "đóng cứng" trong văn học nước nhà trước 1975 bởi những văn nghệ sĩ tài hoa bậc nhất bấy giờ, đó là Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang..., chị là Bùi Thị Duyên, mà mới đây, cũng nhờ duyên của anh Đinh Cường, chị Trần thị Nguyệt Mai mà tôi được quen biết, người thơ của thi sĩ NTN tôi hằng ngưỡng mộ...

Chị là người gốc Bắc, dĩ nhiên rồi, vì nào "Cô em bắc kỳ nho nhỏ..", "Duyên của tình ta cô gái bắc"...ai cũng đã biết, nên chị có muốn là người Nam thì cũng không được nữa rồi! Nay chị và anh Tùng, một kiến trúc sư tài hoa, có một gia đình rất êm ấm ở Michigan. Anh chị cũng rất lãng mạn, văn nghệ, và rất...giang hồ, thường xuyên rong ruổi miền xa mỗi khi có dịp. Năm 2014, tôi nhận email chị TTNMai giới thiệu "có vợ chồng Tùng Duyên về VN, có ghé ngang ĐN, anh Chơn rảnh gặp cho vui". Tôi thì vốn mê bạn bè. Vậy là xin email, cho số phone để hẹn. Nào lại "tuỳ duyên". Anh chị về đi theo tour nên cũng không chủ định được ngày giờ. Và khi anh chị phone thì tôi đang ở đất Bắc. Vậy là...vô duyên!...

Tháng 6.2015, anh Đinh Cường mổ prostate, tôi và anh Lữ Quỳnh bay từ SJ lên thăm. Máy bay delayed mãi đến 23:00 mới về đến KS. Vừa check in đã nghe phone tiếng "cô gái Bắc". Anh Chơn ở đâu Tùng Duyên ghé chơi. Trời. Thật chân tình. Anh chị sợ chúng tôi đói nên đến đón đi ăn. Thôi khuya rồi. Ghé 7 Eleven mua cái gì đó nhè nhẹ và ít bia rồi hẹn sáng mai cùng thăm hoạ sĩ ĐC...

Chị Duyên quả xứng để...làm nàng thơ cho chàng thi sĩ tài hoa NTN. Ở tuổi U60 chị vẫn còn dáng vẻ trẻ trung, hồn nhiên với đôi mắt sáng như cười, tóc cắt tém gọn gàng, tươi vui. Chiếc foulard khoác hời làm dáng, cho chị một nét thanh xuân nhẹ nhàng mà kiêu sa..., thật đúng vẻ Bắc kỳ. Nhưng nhìn kỹ chị, tôi thấy chị cũng là người dễ khóc, chẳng biết có đúng không...

Chiều hôm sau chúng tôi gặp nhau ở Sài Gòn Quán với hoạ sĩ Đinh Cường và anh chị em văn nghệ vùng Virginia, Maryland. Vui lắm. Trong cuộc hội ngộ này. Lần đầu tiên chúng tôi gặp những người mà cứ hằng "kiến kỳ thanh" trên email, trên blog, bây giờ mới..."kiến kỳ hình" như anh Nguyễn Minh Nữu với chiếc xe màu lá mạ, anh Phùng Nguyễn tạp chí Da Màu, anh Phạm Cao Hoàng "đất còn thơm mãi mùi hương"....

Đang vui. Anh Phùng Nguyễn hỏi. Chị tên Duyên. Vậy chị phải biết Nguyễn Tất Nhiên với người con gái tên Duyên. Rồi anh PCH cũng chêm thêm mấy câu chuyện nhỏ về NTN. Đặc biệt anh Nguyễn Minh Nữu, người mê và thuộc nhiều thơ NTN, say sưa về chàng thi sĩ đa tình này. Và, bỗng dưng, chủ đề quay sang nhà thơ tài hoa mệnh bạc...

Té ra trong bàn tiệc. Ngoài anh ĐC và tôi, và chắc chắn là thêm anh Tùng nữa, không ai biết Duyên này chính là Duyên nàng thơ đã đi vào văn học sử nước nhà. Rồi đến đoạn cao trào. Mọi người bình bài "Duyên của tình  ta cô gái Bắc" với khen chê dữ dội. Đặc biệt là mấy câu " nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang, nhớ duyên dáng ngây thơ mà xảo quyệt...", trời ơi, một chút rượu vang đỏ và một chút hứng tình, câu nhớ câu quên, các anh sôi nỗi luận bình, tôi nhớ chị Duyên bào chữa, thật ra bài thơ gốc không phải đúng như vậy, rồi chị đọc, mà có ai nghe đâu. Anh ĐC vẫn im lặng không nói gì. Tôi lẳng lặng theo dõi chị. Tôi thấy chị cúi đầu. Khoé mắt ươn ướt lệ ( hay là tôi tự nghĩ thế). Tôi lén chụp chị bức hình. Lát sau, lúc chia tay tôi nói nhỏ. Chơn thấy rồi đấy nhé. Chị cười buồn...

Chị Duyên làm thơ ít nhưng thơ chị nhẹ nhàng , lời thơ chị giản dị, chân tình. Chị cũng vẽ. Chị thích vẽ chì đen. Vẽ những chân dung bè bạn...

Cuối năm âm lịch vừa rồi chị một mình xuống thăm mẹ ở San Jose. Tôi và Tâm qua ăn tết với Dũng Như. Lại "tuỳ duyên". Chúng tôi gặp nhau trong cà phê Lovers với nhà văn Lữ Quỳnh, hoạ sĩ Trương Vũ, vợ chồng nhà thơ Hải Phương. Thật là vui. Lần này thì mọi người đều đã biết. Duyên này chính là "Khiến người tên Duyên, đau khổ muôn niên...." (PD)
      Từ trái qua: L.Quỳnh, chị Quận, Hải Phương, NQC, Duyên, Trương Vũ

Nguyễn Quang Chơn
ĐN, 22.3.17


Sunday, March 19, 2017

Sông Hàn, chiều



          Chiều sông Hàn. Internet

Chiều bên ni Sông Hàn
Ngó qua bên tê Hà Thân. bát ngát (*)
Nước một màu ngăn ngắt. con thuyền trôi
Em bên tôi. chiều xuống
Giọt nắng rơi. vàng quyện gót chân...

Chiều sông Hàn. bâng khuâng
câu chuyện cũ
Mỗi ngày mấy chuyến phà qua
"Con gái quận ba
không bằng bà già quận một" (*)
Chừ Hà Thân trở mình chót vót
Phố xá cao tầng nghiêng ngó biển. mênh mông...

Em bước nhẹ hư không
Dáng rủ sông Hàn mơ bóng
Bãi bờ vi vu tiếng sóng
Ngược thời gian đếm tuổi đời trôi...

Bao nhiêu năm mới được đổi dời
nhà chồ dột nát
Đói nghèo ngột ngạt
Sinh kiếp mong manh...
Rồi chừ,
Những nhịp cầu vàng tím đỏ xanh
Nối bước chân nhanh
Kẻ qua người lại
Rộn rã sáng chiều ngược xuôi mê mải
Quán xá ầm ào ấp áp nỗi vui...
...
Chiều bên ni sông Hàn 
Ngó qua bên tê Hà Thân 
ươm nắng
Sơn Trà lẳng lặng
Mẹ dịu hiền áo trắng mây vương (**)
Rắc cam lồ cứu độ biển quê hương
Đã mấy đau thương
Biết bao hoạn nạn
Một chút máu xương loang trên đầu sóng 
Biển Đông buồn 
ủ vọng 
bến Hà Thân...

Chiều. Em bên anh 
không nói
Tháng năm vòi vọi
Đường xuôi gối mỏi,
Bàn tay gầy ghém gói yêu thương
Bóng ngả tà dương
Vô thường lặng lẽ

Chiều. sông Hàn,
Rơi nhẹ
một hạt sương....

Nguyễn Quang Chơn
17.3.17, tặng MT

(*) những câu thơ vô danh. Hà thân thuộc quận 3, ngày xưa qua lại bằng những chuyến phà
(**) tượng mẹ Quan Âm trên Sơn Trà nhìn ra biển
 














Thursday, March 9, 2017

Sài gòn, cà phê Đường Sách

Sài gòn mới có một địa điểm thật thanh lịch, văn hoá, dễ thương. Đó là "Đường Sách". Đường sách nằm trên đường Nguyễn Văn Bình, quận 1. Đoạn đường này dài chỉ chừng hơn 100m, nối bên hông Nhà thờ Đức Bà đến đường Hai Bà Trưng. Ngày xưa, vốn là nơi đậu xe để vào nhà thờ, bưu điện. Nay, nghe nói nhờ sáng kiến của nhà báo Lê Hoàng, thành phố đã sắp xếp đoạn này thành một bên là các quán sách, một bên là cà phê. Chỉ đi bộ. Cấm các loại xe... 

Nhờ có hàng me bên đường thơ mộng. Nhờ các căn nhà cao tầng hai bên che chắn. Con đường bỗng yên tĩnh, mát mẻ, thi vị lạ thường giữa Sài gòn phồn hoa, ồn ào, tấp nập...

Tôi đến cà phê đây sáng hôm nay, 09/3/17, là do anh Đỗ Hồng Ngọc hẹn. Anh Lữ Quỳnh có nhờ tôi chuyển cho anh Ngọc và Nguyên Minh tập sách của anh. "Những con chữ lang thang không ngày tháng". Anh Ngọc hẹn 9:00 mà không nói còn có những ai...

Sợ kẹt xe, tôi đến sớm hơn nửa tiếng. Gặp cậu em là Phó tổng Giám đốc một ngân hàng lớn đang ngồi một mình mời tôi ngồi chung. Một lát thì thấy chị Thu Vàng đến. Tôi giới thiệu tên chị với cậu em. Rất nhanh, cậu vồn vã. Ồ. Chị làm trong ngành vàng hả. Chị Thu ngơ ngác. Thì ra anh chàng này bệnh nghề nghiệp. Anh chuyên về tiền nên thấy "Thu Vàng" sang trọng, tưởng tôi hẹn với một đại gia vàng! May quá. Anh Ngọc đến trễ, chứ không, chắc cậu còn khiếp đảm. "Ồ anh Đỗ. Anh làm trong lĩnh vực hồng ngọc à?" Hồng Ngọc, loại ngọc đỏ quí hiếm bậc nhất kia mà. Kiếm đâu ra!...

Buổi sáng ở Đường Sách thật mát mẻ, thật đẹp và vui. Vui, khi thấy nhiều người trẻ cũng tới đây xem sách, thư giãn. Vui, khi những khách bộ hành qua lại đều có dáng vẻ thư thái, lịch sự, đàng hoàng, góp phần cho con đường thêm đẹp. Có lẽ những chàng trai, cô gái xăm trổ bặm trợn, quần áo hở hang, ngại không muốn đến chốn này!...

Anh Ngọc lại mời cả anh chị Lê Ký Thương, Cao Kim Quy đến nữa. Vậy là quá rôm rả cho cuộc gặp bất ngờ sau một chuyến đi xa. Đủ chuyện nói cười...

Ngồi một lát mới biết "sư thầy" ĐHN lanh lẹ còn hơn mấy thanh niên. Số là. Hôm nay cà phê book Phương Nam đông khách, có một chỗ ngồi đẹp chúng tôi thích, nhưng đã có một cô gái ngồi. Chúng tôi đành phải ngồi một chỗ trống xa xa. Đang ngồi bỗng thấy anh Ngọc đứng lên. Chạy tới bàn đó vẫy tay. Tôi bước qua. Thấy cái ly nước còn chưa dọn. Tôi bảo. Có người mà. Anh Ngọc cười bảo họ thanh toán tiền đi rồi. Trời. Anh ngồi quay lưng lại mà sao anh biết họ đã đi, anh có con mắt tuệ nhãn chắc?...

Đang tập trung nghe NQC kể chuyện đi Mỹ. ĐHN bỗng bảo "cười đi, cười đi". Mọi người ngơ ngác không hiểu vì sao. Thì ra, bên kia đường, có một cô du khách ngoại quốc  thấy vui giơ máy ảnh hướng về chúng tôi bấm máy. Chao ôi là lanh, hết biết cho anh! Hoạ sĩ Cóc bảo ĐH Ngọc hay bày người ta sống làm sao giữ cái tâm phải yên, mà tâm Ngọc đâu có yên. Lúc nào cũng loay hoay tứ phía, lão ngồi đây mà mắt lão để đâu đâu!.. 0/1 cho ĐHN. Đáng kiếp, người luôn gây chiến tranh với NQC!...

Anh Ngọc. Mọi người đã biết. Ngoài tài bác sĩ chuyên nhi, anh còn nổi tiếng bởi thơ văn, thiền tập và Phật pháp. Anh sống thanh bạch hồn nhiên. Anh thâm hiểu pháp Phật. Anh luôn khuyên mọi người hãy tự phòng bệnh đừng để phải đến bác sĩ. Anh tâm sự với những người trẻ, kẻ già, người bận rộn, kẻ heo heo, làm sao để cuộc sống an vui. Anh hóm hỉnh. Tếu táo..., ai cũng yêu quí anh. Riêng tôi, tôi mệt cho anh lắm vì gặp nhau lần nào anh cũng "tấn công" tôi tới tấp. Dường như chúng tôi khắc tuổi. Không biết có phải anh tuổi Mèo tôi tuổi Chuột, hay anh tuổi Cọp tôi tuổi Heo là lần nào gặp anh cũng gây hấn liên miên? Lần trước vẽ MT. Tôi gởi mọi người xem và nói đây là bức vẽ lần cuối cùng. Vậy là anh lấy ông nhạc sĩ đào hoa lắm bồ HTT ra nói NQC giống HTT, lúc nào cũng "lần cuối cùng, lần cuối cùng rồi thôi...", mà hổng phải dzậy, nhiều cô đào nghe HTT dụ dỗ "một lần cuối" nên mê mệt! (MT mà nghe là chết!) Lần này, anh bảo, bài phú "Học Uy Viễn" của Chơn là Chơn học NC Trứ lúc lấy vợ bé. Vợ hỏi. " tân nhân dục vấn lang niên kỷ? Ngũ thập niên tiền nhị thập tam!"  ( Vợ hỏi chồng bao nhiêu tuổi? 50 năm trước anh mới 23). Anh nói, NQC định học Uy Viễn 73 tuổi sẽ lấy vợ đó, mệt quá cho anh! Tôi bảo, may mà không có MT ở đây, nếu không ĐHN đốt thế nào cũng cháy. Hoạ sĩ Cóc bảo. ĐHN là chuyên gia đốt nhà mình nhưng chưa cháy được. Tôi bảo. May là chị Kim Quy vốn là Rùa Vàng nên không cháy chứ MT hiền lành tâm hồn trong sáng mà gặp anh Ngọc đốt, chắc lìa đời!...


             ĐHN-NQC-CKQ-LKT-TV

Buổi cà phê cà tửng mà vui dễ sợ. Nổi hứng lên tôi xin mấy tờ A4 để sketch nhau chơi. Tôi vẽ anh LK Thương. Vẽ chị TV. Vẽ anh Ngọc. Tôi bảo sẽ vẽ anh Ng. thời sinh viên y khoa. Vẽ xong. Anh Ngọc bảo. Anh sẽ vẽ Chơn năm 73 tuổi. Và anh vẽ trong một phút. Rất có nét lão thành NQC. Tôi bảo. 73 tuổi Chơn chết, đốt thành tro, lấy đâu mà vẽ giống. T Vàng bênh liền. Do anh Ngọc mong Chơn thọ hơn tuổi 73 đó chứ. Kinh. Ngồi với ĐHN, ai cũng bênh anh, nên lần nào tôi cũng phải chịu thua anh trong...ấm ức!

Rồi đến giờ tôi phải lên sân bay. Hẹn với mọi người tháng tư ở ĐN. Tháng tư ĐHN được mời ra ngoài đó nói chuyện. Chắc lại cũng "tâm thân an lạc. Tâm lạc thân an". Chị TV cũng định tổ chức ra mắt đĩa nhạc "Vọng ngày xanh"...

Mong một cuộc gặp thật vui đầu hạ ở miền trung gió cát với các anh chị quí thương, những người chỉ còn mong rủ bỏ hết ưu phiền. Vọng ngày xanh. Và, mong "thả lỏng toàn thân, thả lỏng chưa". Để tìm thấy những ngày tháng còn, êm ả...

Nguyễn Quang Chơn
09.3.17
Viết trên chuyến bay về ĐN sau cà phê Đường Sách
Thân kính tặng anh ĐHN, anh chị LKT, CKQ và chị TV


Wednesday, March 8, 2017

Những kỷ niệm cùng nhà văn Lữ Quỳnh ở San jose

Anh Lữ Quỳnh, tên thật Phan Ngô, người làng Mỹ Lợi Huế, nơi sinh ra đức Từ Cung Hoàng thái hậu. Anh là bạn thân thiết của Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Bửu Ý.. Trước 1975 anh đi dạy, viết văn và đi lính. Giới văn nghệ biết đến anh là người thành lập nhóm Ý Thức cùng với Ngy Hữu, Lữ Kiều ... Những tác phẩm của anh như Cát Vàng, Sông Sương Mù, Những Cơn Mưa Mùa Đông..., vẫn còn được nhiều người tìm đọc. Gần đây nhất (2016), anh in tuyển tập một số văn thơ và những bài viết của bạn bè về anh với tựa đề Những Con Chữ Lang Thang Không Ngày Tháng...

Trong quân đội, anh là sĩ quan quân y, từng đóng ở quân y viện Duy Tân mà nay là BV C 17 ĐN và bệnh viện Quy Nhơn, tại đây đơn vị anh đã từng bất ngờ và vinh hạnh đón nhận, cấp cứu 13 quân nhân anh hùng còn sống sót trên một chiếc bè cao su trôi giạt, trong cuộc chiến Hoàng Sa anh dũng với Trung cộng năm 1974...

Tôi quen anh muộn màng qua các cuộc bày tranh của hoạ sĩ Đinh Cường và qua Quang Dũng, con trai tôi, đang làm việc ở San Jose, nơi anh và chị Kim Nhung đang định cư tại đó cùng gia đình con gái Bê La, trong một căn nhà xinh xắn ở vùng đồi núi yên tĩnh Evergreen đẹp như tranh...
                 Evergreen

Lần này thời gian tôi ở Mỹ khá dài nên có nhiều dịp gặp anh hơn. LQ tính tình điềm đạm. Chân tình với bạn bè. Nhớ lần tháng 6/2015. Tôi sang Mỹ và nghe tin hoạ sĩ ĐC vừa mổ prostate và làm chemo. Tôi rủ anh bay lên VA thăm ĐC. Lúc này LQ vừa qua một cơn stroke nhẹ. Vậy mà nghe nói thăm bạn ốm, anh hớn hở đi ngay. Chúng tôi bay một chuyến bay dài, bị delay và chuyển nhiều chặng bay vất vả. Tôi lo cho anh. Vậy mà động lực bạn bè giúp anh vẫn bình yên...Cuộc vui với ĐC, với bằng hữu qua mau. Chia tay nhau mà ai nấy ngậm ngùi!...

Lần này chúng tôi lại được dự cuộc bày tranh của hoạ sĩ lão thành Trương thị Thịnh " Bảy mươi năm sống với hội hoạ". Lại được gặp anh Trương Vũ từ VA bay xuống lo tổ chức cuộc triễn lãm cho chị gái của mình. Lại gặp chị Duyên từ Michgan về thăm mẹ. Lại gặp nhiều anh em văn nghệ sĩ ở Bắc Cali. Vui làm sao, dẫu trời SJ dịp này thật xấu. Mưa thậm thụt. Gió mù trời. Và lũ...

Tôi thật bận với bạn bè khắp nơi. Anh vẫn phải vào ra bệnh viện. Mà hễ có giờ là chúng tôi hẹn nhau. Khi cà phê Lovers. Khi Paloma. Khi nhà anh Quỳnh. Khi nhà Bội Trâm con anh T. Vũ. Khi khu chợ VN...

Một thứ bảy trời hưng hửng nắng. Dũng đưa ba Chơn và bác Lữ Quỳnh lên San Fran thăm hoạ sĩ Duy Thanh. Hoạ sĩ Duy Thanh là hoạ sĩ duy nhất còn sót lại trong "tam kiệt" Ngọc Dũng. Thái Tuấn. Duy Thanh, trong nhóm Sáng Tạo đình đám một thời những năm 50, 60  ở miền nam VN với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Tô Thuỳ Yên.... Không chỉ là hoạ sĩ nổi tiếng, ông còn viết văn, làm thơ và có những nhận định về văn chương, hội hoạ rất sâu sắc. Ngày 30/4, ông đang làm việc ở Nhật Bản. Sau đó qua Thái lan rồi qua Mỹ và thuê một căn hộ nhỏ trên đường Polk đông đúc ở San Francisco, ở từ đó đến giờ. Vợ ông, chị Trúc Liên, một giáo viên nhưng rất đam mê nghệ thuật. Chị cũng viết văn và có những truyện ngắn rất hay. Chị cũng là người chuyên lo sắp xếp, tổ chức các cuộc triễn lãm cho anh mãi cho đến khi anh chị đều già yếu bệnh tật. Nay anh đã bỏ vẽ và bị khiếm thính nặng. Chị thì lúc nhớ lúc quên. Hai ông bà ngày ngày nương tựa nhau ở tuổi 84, 85...

Duy Thanh vẫn rất vui đùa, hóm hỉnh, tiếu lâm. Thật khó mà hiểu được về cái chết, cái sống! Duy Thanh bị ung thư tuỷ từ nhiều năm trước. Bệnh viện đòi chemo. Ông không chịu. Ông nói đằng nào cũng chết. Đưa thuốc độc vào người ông không muốn. Vậy là bệnh viện Mỹ cũng phải chịu thua ông hoạ sĩ già bướng bỉnh. Họ cho ông uống thuốc viên (thuốc này lúc đó chỉ là đang thử nghiệm). Thế mà ông lại khoẻ. Cái đau đớn hình như biến mất. Ông lại chống gậy đi bộ khắp nơi trên phố. Lại hóm hỉnh tếu táo với bạn bè. Suốt mấy năm nay, bệnh viện Mỹ đều gởi thuốc cho ông. Những viên thuốc nhỏ, đóng gói rất đặc biệt, cầu kỳ và nghe nói rất đắt tiền. Duy Thanh cười to vui vẻ. Nước Mỹ vĩ đại. Tôi còn sống hôm nay là nhờ nước Mỹ!...
Từ trái sang: chị Trúc Liên, NQC, LQ, NQD, Duy Thanh
....
Chỉ còn một tuần nữa tôi và Tâm về lại VN. Hai anh em quyến luyến. Anh Quỳnh bảo. Chơn về còn mình vào bệnh viện. Bữa cơm chia tay với anh chị ở khu VN như một cuộc hẹn hò. Hẹn hò gặp lại. Hẹn hò sức khoẻ và hẹn hò hội tụ bạn bè. Với Lữ Quỳnh. Chỉ có bạn bè mới làm anh vui khoẻ. Trong phòng ngủ của anh có treo bức hình chụp thời trẻ 4 người Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Lữ Quỳnh. Nay từng người đã ra đi, chỉ còn lại mỗi anh. Anh nói. Từ ngày Sơn mất. Đêm nao mình ngủ cũng thấy Sơn về chơi. Cười vui như đang còn sống. Rồi anh Cường mất. Mình cũng sợ nên đem bức hình treo ra ngoài thì không còn mơ thấy Sơn nữa. Và. Mình nói Nhung rồi. Khi mình mất. Nhớ treo bức hình này lên bàn thờ của mình để bốn đứa luôn cùng nhau hàn huyên chia sẻ. Ôi những tình bạn cao quý. Tôi nghe, cảm kích mà xa xót trong lòng!....

Từ trái sang: Lữ Quỳnh, Đ Cường, TC Sơn, Bửu Chỉ

Nguyễn Quang Chơn
Sài gòn, 08.3.2017
Thân kính tặng anh LQ, chị Kim Nhung, anh T Vũ, anh Duy Thanh. Tặng NQ Dũng

Tuesday, March 7, 2017

HỌC UY VIỄN


       Tĩnh vật hoa hồng. Sơn dầu trên       canvas  NQC

Hễ biết đủ, đâu cần nhiều vẫn đủ
Cứ thích buông, thì có dịp là buông! (*)
Đời 60 đã diễn mấy phiên tuồng
Tuổi lục thập biết bao lần ngao ngán
Ngựa ngựa xe xe xuống lên đà chán
Cơm cơm áo áo tất bật cũng lưa
Của bao nhiêu thì mới gọi là thừa
Tiền mấy vạn ấy mới vừa cho đủ?

Tự rằng

Chí nam nhi từng bắc nam vùng vẫy
Đường kinh doanh vốn lừng lẫy đông đoài
Ngó lên trên. đã rõ chẳng bằng ai
Nhìn xuống dưới. đà phong lưu rất mực!

Bạn bè thân sơ nghĩa tình đầy đặn
Cha mẹ anh em con cái vẹn bề
Bạc mái đầu. vẫn trọn nghĩa phu thê 
Khác tính khí. giỏi giữ tình đồng đội...
Giúp thế nhân. kẻ trên người dưới
Lo gia đình. trong ấm ngoài êm
Như, Dũng học hành. công việc đã nên
Phúc Khang Hưng vững vàng. thoả lòng mong ước !(* *)

Vậy mà chi 

Chiều chiều tối tối
Sáng sáng trưa trưa
Thân bôn ba với nhịp sống đong đưa
Lòng hối hả cùng giòng đời điệp điệp...?

Nên thôi

Đến vậy là đủ. Đã thế thì buông
Xếp kiếm cung khép lại những bung xung
Tìm phiêu lãng ở một trời mây mới...

Trưa ấm trà. Tối chén rượu
chân tình vài kẻ bạn hiền
Sáng xuống biển. Chiều lên rừng
rộn rã phường chơi mấy hội

Khi trong Nam. Lúc ngoài Bắc
xênh xang tay bút tay đàn
Bữa trời Âu. Hồi đất Mỹ
tình người ấm áp đông tây

Rong ruỗi trời mây. Lời thị phi gát bỏ ngoài tai
Đảo điên thế sự. Kẻ phụ nghĩa coi như chẵng có
Chuyện đời to nhỏ. Đã rong chơi nặng nợ làm chi
Thi hoạ cầm kỳ. Dẫu hay dở mắc gì vướng bận!
Ngày cùng tháng tận
Vứt sân si hận
Không lắm vui mà cũng chẵng nhiều buồn
Thiếu người chơi thì cứ rượu thơ suông
Ngắm trời đất cùng nắng lên mưa xuống...

...

Em ơi. lòng anh đã muốn
Đừng chớ nghĩ suy
Đưa tay ra anh dắt em đi
Trời xanh ngan ngát
Đường vui chim hót
Ngọt mật tim reo
Vẽ yêu thương trên bóng ngả u chiều. sương in mái tóc. 
Anh dắt em đi cỏ hoa mời mọc
Đón xuân tươi trong mấy nẻo vô thường...

(Mùa xuân phía trước. miên trường phía sau... BG )
(Nhân sinh quí thích chí)
(Hồ vi lao kỳ sinh!...) (***)

Nguyễn Quang Chơn
01.01.2017

Tặng M.Tâm, P.Dũng, TN Tuấn, T.L.Đĩnh, N.C.Chánh, P.X.Minh, N.T.Long
(*) ý thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị
(**) tên hai con và công ty sáng lập
(***) thơ Bùi Giáng, Trương Hàn, Lý Bạch

Ghi chú: Uy Viễn tức Uy Viễn Tướng Công, biệt hiệu của nhà thơ Nguyễn Công Trứ