Sunday, March 21, 2021

MÁ TÔI

Hôm nay giỗ lần thứ 24 của má. Má họ Lê, người làng Lệ Sơn, Hoà Tiến, gần barrage An Trạch, là con út một gia đình 9 người con, có 2 anh trai võ nghệ cao cường...


Má đẹp, nước da trắng, lanh lẹ, thương người, tính tình thẳng thắn. Hồi còn trẻ, rất nhiều trai làng theo đuổi, mối mai, nhưng má chẳng ưng ai, mà chỉ chọn ba tôi, người làng Dương Sơn, cách Lệ Sơn khoảng 3 cây số, khi ông...”liều” lên xem mặt (Lệ Sơn có gái mỹ miều, ổng thương ổng nhớ, ổng liều ổng đi). Ba tôi cao gần 1,8. Đẹp trai và hiền khô. 


Ngày đi hỏi vợ, nhóm trai làng tụ tập định phá đám. Hai cậu của tôi cầm cây đòn xóc ra tận đầu làng đón. Mấy cậu thanh niên thấy ớn nên rút lẹ. Đêm trước ngày cưới, họ mang gậy gộc đến gây rối. Cậu Đội, anh trưởng trong nhà bước ra, tay không đánh nhau. Ông hạ từng người và sử dụng món khoá tay sở trường tuyệt kỹ, bẻ ngoặt tay đối thủ ra sau lưng, nằm kêu la, không rục rịch được ( món võ này sau tôi có xin cậu truyền dạy nhưng cậu không bày, ngay cả mấy anh con của cậu cũng không, và đã thất truyền). Một đòn xóc của đối thủ đã xé rách một cánh mũi của cậu, để lại một vết sẹo kỷ niệm cả đời. Cậu Út tên Tùng võ nghệ còn cao hơn. Cậu theo Việt Minh chống Pháp, bọn Pháp gọi cậu là con hùm xám Lệ Sơn, treo giải thưởng lớn cho ai bắt sống được cậu. Trong một trận càn, cậu bị sốt rét nằm dưới hầm bí mật rên lớn nên bị phát hiện và bị bắt. Giặc giam cậu ở một trại gần cầu Đỏ, tuyên bố sẽ trói cậu giữa chợ, mỗi ngày thẻo một miếng thịt cho đến khi chết. Cậu cắn lưỡi tự tử, Pháp vứt xác cậu xuống dòng sông Cẩm Lệ...


Má về làm dâu Dương Sơn trong gia đình 3 trai một gái, ba tôi là con trưởng, mẹ mất sớm, ba lo toan hết việc nhà. Má nội trợ cơm nước chợ búa, được làng trên xóm dưới yêu mến, các em cảm phục...


Khoảng những năm 50, hai chú tôi đi theo Việt Minh. Ba đưa gia đình vào Tam Kỳ sinh sống. Ba làm đủ nghề để phụng dưỡng cha già, nuôi một bầy con nhỏ, tôi được sinh ra ở đây. Sau ba định hình ở nghề thầu xây đê đập, nổi tiếng khắp miền Nam. Tại đây má sinh thêm 4 người con nữa vị chi là 13, phần do chiến tranh phần do dịch bệnh, chỉ còn lại 7 anh chị em, 3 trai 4 gái...


Nhà tôi lúc đó đông đúc bà con và người làm. Đến bữa ăn là phải đếm người, đếm con. Má sắp xếp công việc đâu ra đó. Đặc biệt là mỗi khi có việc lớn cần sự chỉ đạo khéo léo như kê kích dọn dẹp di chuyển đồ đạt vào mùa lụt mỗi năm. Má đối xử với hàng xóm vô cùng chân tình, thân ái. Có câu chuyện mà bây giờ những người con của một nhà láng giềng mới kể, khiến chúng tôi rất tự hào về má. Ấy là bác hàng xóm có chồng mất sớm tần tảo nuôi con, có người chị gái buôn bán giàu nhất thị xã. Mùa khai giảng năm học mới, bà xuống mua vở học cho con nhưng thiếu mấy đồng, bà chị ( dì ruột sắp nhỏ) không cho thiếu chịu, bà khóc, về mượn má tôi. Má tôi liền tặng tiền mua đủ cả “ram” vở về dùng, còn mua áo quần mới cho các con bác hàng xóm nữa. Má tốt đến nỗi hai mươi năm nay, Minh, con cô Mười gần nhà, năm nào cũng nhớ ngày giỗ má, từ Tam Kỳ chạy xe máy ra thắp hương ngày giỗ!...


Ba đi làm xa. Má ở nhà chăm con cái rất nghiêm khắc. Tôi nhớ khi mình học lớp nhì (lớp 4 bây giờ), được đứng nhất lớp, má hứa sẽ tặng một cây viết “pilot”. Được cây viết pilot là oách lắm! Nghỉ hè, tôi vào cầu Tam Kỳ tắm sông cùng lũ bạn, leo lên thành cầu nhảy xuống. Chị thứ sáu ngồi xe lam từ Chu Lai về thấy, mét má, má sai chạy xuống kêu về. Bà bắt nằm dài trên giường, cây roi mây trên tay bà quất. Mỗi roi, bà mắng: “ Nhảy cầu nè, nhảy cầu nè. Pilot nè, pilot nè!...” Những đòn roi quắn đít, một trận đánh để đời, mặc dầu má hay binh tôi mỗi khi bị anh trai đánh những lúc nghịch ngợm, ham chơi chẳng chịu làm bài!...


Má mất bởi căn bệnh hiểm nghèo, ung thư cuống họng. Tôi nhớ năm đó ông thủ tướng PVK về làm việc với các tỉnh miền Trung, tôi được chọn lên diễn đàn đọc bài tham luận, nhà báo Trương Điện Thắng chụp một bức hình tôi với thủ tướng rất đẹp in trang trọng trên trang đầu báo Thanh Niên, má xem rất hãnh diện. Ngày hôm sau chủ nhật, chở bác sĩ vào khám cho má, bác sĩ khen má khoẻ. Tôi nói “mai con đi Quãng Ngãi đàm phán hợp đồng cơ điện lạnh khách sạn Sông Trà, nếu thành công sẽ làm tiệc đãi cả nhà”, má rất vui, nói: “má chờ nghe!” Hôm sau, khi đang soạn hợp đồng thì nghe Tâm báo tin má mất, lúc ấy là 14:30, tôi vội vã quày xe về. Ngày hôm đó đờm tiết ra nhiều quá làm má không thở được, má đi khi mới 77 tuổi. Hợp đồng tôi đã ký được mà má thì không chờ!...


Bao nhiêu năm trôi qua. Má chắc đã tái sinh kiếp khác, mà mỗi lần về quê, gặp người xưa kẻ cũ, vẫn nghe họ nhắc về má với sự thương yêu, lòng kính trọng. Bà con trầm trồ kể về việc đối nhân xử thế của má, nghe mà da diết nhớ thương!...


Nguyễn Quang Chơn

21.3.21

Nhớ má, năm nay giỗ má sớm một ngày vì chủ nhật

Monday, March 15, 2021

Nhóm kỹ sư trẻ: “Tìm lại không gian xưa...”

Chúng tôi lại trở về...nơi ấy. Nơi mà khi chúng tôi mới chừng 24,25, mới tốt nghiệp đại học và chập chững bước vào đời. “Nơi ấy” đã từng đón chúng tôi với sự háo hức “thể hiện” năng lực, với nhiệt tình nóng bỏng của một tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Đó là “Phòng Kỹ Thuật Cảng Đà Nẵng”, số 4 đường Bạch Đằng!...


Nơi đây, ngày ấy, phía sau là xưởng cơ khí, phía trước sát đường Trần Quí Cáp là phòng làm việc của ông PGĐ kỹ thuật, kề liền bên là Phòng của chúng tôi.


Phòng được bố trí 3 gian. Gian giữa là ông trưởng phòng, chú P.N.L. Gian tôi ngồi, sát phòng ông PGĐ, có tôi, kỹ sư điện, một kỹ sư cơ khí (Hoà, sau này là Dũng, Châu, Én, Xinh), một kỹ sư vỏ tàu (anh Huy, phó phòng), một kỹ sư máy thuỷ ( anh Thẫm).

Gian bên kia có một kỹ sư cần cẩu (anh Việt), bốn kỹ sư nâng hạ xếp dỡ (chị Nga, chị Cam, anh Kỳ, anh Hùng)


Vài năm sau, phòng chúng tôi chuyển lên “nhà mới”, tầng 3 của VP Cảng, số 20 Bạch Đằng ĐN, sáp nhập với phòng công trình, lúc này lại thêm những Cảnh kỹ sư xây dựng, Sơn, kỹ sư công chánh...Ông Cảnh sau này rời Cảng, làm TGĐ PMU 85, chỉ huy thi công hầm đường bộ Hải Vân hoành tráng! Toàn bộ không gian 04 BĐ thuộc về Xưởng Cơ Khí...


Được thành lập vào những năm đầu sau 75 nên phòng chúng tôi chủ yếu là các anh chị ngoài Bắc chuyển vào, chỉ có tôi, anh Hoà, anh Dũng (về thay anh Hoà đã ra làm tự do) là “gin nguỵ”, cùng những anh Xinh, Én, Châu. Sau này khi tôi rời Cảng thì giới thiệu anh Ba, học cùng lớp về thay...


Hồi ấy chúng tôi làm việc vui lắm. Phải giữ gìn giờ giấc XHCN. Phải phấn đấu ngoan ngoãn để được lao động tiên tiến. Công việc xong, có rảnh thì nên ngồi tại bàn đọc sách, uống trà. Nếu “dại dột” đi kiếm việc làm bên ngoài để “cải thiện” là bị phê bình là không “nghiêm túc” và mất...”lao động tiên tiến”!...


Chú T.C.C, phó GĐ KT, kỹ sư ở Ba Lan về, đã có thành tích phá bom từ trường ở Hải Phòng (ấy là nghe chú kể vậy), là một con người ham việc, xông xáo, tài hoa, “bao cân” hết các vấn đề kỹ thuật. Chú PNL, trưởng phòng, vốn từ bộ ngoại giao chuyển sang, hiền lành, phong cách sư phạm, không giành giật, bon chen...


Chúng tôi chẳng ai đụng chạm ai, việc ai người nấy làm, dở hay người ấy biết. Tôi thì thân với kỹ sư cơ khí cùng khoá tên L.V.Hoà, sau đó thì N.X.Dũng. Tôi kiêm phụ trách một tổ điện 24 người, mà thật sự chỉ có 10 người, còn 14 người là cầu thủ bóng đá Cảng ĐN, chỉ ghi danh lãnh lương, lừng danh một thời với Hùng, Quang, Đức, Vũ..... Tổ có mấy anh thợ “nguỵ lưu dụng” rất giỏi tay nghề. Vậy là mặc sức mà tung tác. 

Về công việc thì không ai chê chúng tôi được, mà về giờ giấc XHCN, thanh niên tiên tiến thì tôi là hạng bét, luôn luôn bị phê bình dùng thời giờ XHCN để làm việc riêng. Chiều về thì...”có chi khôn.n.n...g” và... nhậu. Bia quốc doanh, bia bock, bia hơi, rượu “rị vô lề”..., không chiều nào không có! Rồi thì đăng ký “sáng kiến cải tiến”. Quá nhiều kỷ niệm vui và “hấp dẫn” trong 8 năm tôi làm việc ở đây. Sau này mỗi lần gặp, bao giờ Nguyễn Xuân Dũng (PTGĐ Cảng) cũng say sưa kể lại những “câu chuyện ngày xưa”, mặc hắn nhơn nhơn rất đỗi tự hào!...


Những câu chuyện vui bây giờ mới kể:


Hoà nhà trên Hoà Khánh, chú Chánh PGĐ kỹ thuật, rất gần gũi, yêu quí với mấy kỹ sư cơ khí, động lực, nên hay rủ Hoà về ăn trưa (chú ở một mình). Hoà kể, có bữa chú kêu “ Trưa ni về ăn với chú cho vui, nhiều đồ ăn lắm mà nhà chẳng có chó, mèo!” Hoà cũng thường về nhà tôi, sau không về nữa, hỏi sao? “Anh em nhà mi ăn nhanh quá, tau ăn chậm, theo không kịp, mà ngồi ăn sót lại một mình, kỳ lắm!” Đúng là tuổi trẻ đầy sĩ diện! 


Chuyện khác, cây bơm xăng của phòng vật tư bị trục trặc, xăng ra nhiều mà đồng hồ đếm ít. Chú Tính trưởng phòng vật tư gọi tôi, bảo kiểm tra, sửa chữa. Tôi vâng lời, tháo bộ đo đếm, để trên bàn mở ra xem, kêu ông Xuân Dũng cùng kiểm tra. Ông Dũng phát hiện một bánh răng nón trong bộ đếm bị mòn, bảo chỉ cần chêm lên vài “yêm” là xong. Tôi bảo để đó tôi giải quyết, rồi báo chú Tính cho tôi một tuần...nghiên cứu! Một tuần sau, ông Dũng chêm bánh răng lên một tí, bộ đo đếm chạy êm ru. Lấy can 20 lít bơm nghiệm thu, đúng y booang! Chú Tính vui lắm, thưởng cho 2 chúng tôi, mỗi thằng 20 lít xăng, quí giá vô cùng. Tôi đăng ký “sáng kiến cải tiến”, được tiền thưởng, rủ ông Dũng vô khách sạn Đông Phương uống bia say mềm, về nhà ổng ngủ mê mệt, suýt mất chiếc xe honda 67 để quên ngoài hiên!...


Liều nhất là chuyện dịch catalogue hướng dẫn sử dụng một hải bàn từ tiếng Anh gần 200 trang của một tàu viễn dương cập Cảng sông Hàn mà tôi nhận dịch, nhờ H.Q. Việt giúp vài chương cho kịp tiến độ (lúc đó tiếng Anh của tôi và Việt mới cỡ bằng B). Không biết tài liệu dịch này có giúp gì được cho mấy ông tài công của tàu, hay đã xảy ra một vụ Titanic nào khác không chừng!...

...

Hơn 30 năm trôi qua, vật đổi sao dời. Xưởng Cơ Khí, phòng Kỹ Thuật của chúng tôi đã là một nhà hàng nhộn nhịp của một “madame” thân thế ngoài Bắc cùng tên với ông trưởng phòng ngày ấy. Những “kỹ sư trẻ” đã mon men tuổi 70, gặp nhau hỏi “có chi khôn.n.n.g..” thì người một chút bia, người chai nước ngọt, vàng son xưa đã xám ngoét cả rồi!....


Hôm nay hẹn tìm lại “không gian xưa”. Chỗ cái bàn chúng tôi ngồi ngày đó, giờ không giấy tờ tài liệu, mà ngào ngạt mùi vị thức ăn, lao xao người phục vụ. Xưởng cơ khí có cái tổ điện thân thương của tôi đã thành nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà hàng 3 tầng. Phía đối diện là Cảng sông Hàn từ cầu 1 đến cầu 7, đã bị xoá, trở thành một hành lang du lịch, một con đường ven sông đẹp nhất Đà Nẵng với những chiếc tàu du lịch, những cây cầu nhiều dáng vẻ, in bóng long lanh trên giòng nước trong xanh....  


Không gian xưa, kỷ niệm cũ, kỹ sư hay công nhân, sếp hay lính, rồi cũng tàn lụi theo năm tháng, nhoà nhạt với thời gian. Tất cả như mây bay trong cõi trời vô định. Còn lại chăng là một chút thân tình hồn nhiên tuổi trẻ, bất biến với thời gian, để hôm nay đây, những câu chuyện râm ran, những trận cười hỉ hả, trên đôi môi héo úa những cụ U 70, mà vẫn xanh tươi như tâm hồn  “những người trẻ”, những kỹ sư rất trẻ năm nào!


Nguyễn Quang Chơn

15.3.21

Bài viết cuối về anh em phòng kỹ thuật Cảng ngày xưa, kính dâng hương hồn chú Lân, tặng chú Chánh, tặng các anh chị trong phòng, mong mãi mãi bình an...