Thursday, February 26, 2015

Du lịch Dubai


Như thường năm. Tết đến. Lo bàn thờ cha mẹ, tổ tiên xong là đi du lịch cho qua mấy ngày tết ồn ào. Năm nay nghỉ dài. Chúng tôi chọn tour Dubai. Từ ĐN không có chuyến bay trực tiếp đến Dubai nên phải quá cảnh qua Singapore khiến chuyến bay khá dài. Lúc đi mất hơn 10 giờ. Lúc về gần 20 giờ. Lâu bằng đi qua Mỹ!

UAE là các tiểu vương quốc hồi giáo gồm 7 nước Ả Rập. Nằm trên cát bỏng sa mạc mà dưới cát là dầu. Tạo hoá ưu tiên dầu cho hai nước Abu D' habi và Dubai. Những nước khác không có dầu nên đành phụ thuộc !

Máy bay đáp xuống phi trường Dubai. Nhìn thấy hàng ngàn người rồng rắn chờ làm thủ tục nhập cảnh mà kinh! Dòng người đổ vào Dubai để du lịch. Để làm việc. Chứ dân số Dubai chỉ có 2 triệu người. Dân bản địa chỉ có 20%. 50% là Ấn độ. Còn lại là dân tạm cư của hơn 200 quốc gia đến đây sống và làm việc. Một đất nước nhỏ xíu trên sa mạc. Mùa hè có khi lên đến 50oC có gì mà hấp dẫn mọi người, mọi nơi???

Đi nhiều nơi. Có lẽ thủ tục nhập cảnh UAE là chậm nhất. Chờ sốt ruột hơn một tiếng đồng hồ mới thoát ra được mà về khách sạn. Lên phòng đã 23:00 địa phương. Tức 2:00 sáng VN...

Buổi sáng dậy sớm một chút. Định lang thang. Bước ra khỏi khách sạn. Thấy gió và bụi cát bay mù trời, cứ nghĩ chỉ là một trận cuồng phong. Nào ngờ gió mãi, cát mãi..., cát bám mọi nơi mọi chỗ. Thì ra là bão cát sa mạc! Trời. Nghe hoài nay mới thấy. Nhớ những câu chuyện rải rác đâu đó ngày xưa đọc. Những đoàn người lầm lũi trong sa mạc sợ nhất là bão cát. Cát sẽ lạnh lùng vùi lấp từng sinh mạng từng chặp, từng chặp, đến khi hết thở trong tuyệt vọng.... Ở đây. Bão thì bão. Mọi sinh hoạt trên phố cũng bình thường. Các cô than phiền bụi bẩn và không chụp được hình đẹp với Dubai! (về VN rồi mới biết trận bão cát này đã cướp hàng trăm ngàn đô la từ một cây ATM tặng cho người dân trên đường phố Dubai)

Dubai thật ấn tượng. Đường phố đẹp đẽ sạch sẽ. Nhà cao tầng đủ kiểu đủ vẻ. Những toà tháp vút cao, thăm thẳm giữa bầu trời như tháp Burj Khalifa, cao nhất thế giới với độ cao 828 mét, nơi tôi đi thang máy lên tầng 124, cao 452 mét chỉ mất đúng một phút đồng hồ. Khách sạn 7 sao cánh buồm Burj Al Arap với những kỷ lục thế giới. Những toà tháp uốn éo vặn mình. Những toà tháp nằm nghiêng như muốn đổ... Quá nhiều những kiến trúc độc đáo. Cái gì cũng thuộc loại nhất thế giới, và vẫn còn đang tiếp tục thành hình những cái nhất khác. Thành phố như một đại công trình với hàng ngàn cần cẩu xây dựng vươn cao!...

Nhìn từ trên cao. Nơi nào không có đường xá, nhà cửa thì là cát sa mạc. Mùa hè, nhiệt độ ngoài trời ban ngày có khi 50oC. Vậy mà vẫn có những sân golf cỏ mượt tiêu chuẩn quốc tế. Vậy mà vẫn có những vườn hoa tươi mát, những dòng suối nhân tạo lượn quanh. Những bể cá lớn nhất thế giới với muôn loài thuỷ sinh. Nước ngọt được lọc từ nước biển và nước cho trồng trọt phải dùng công nghệ cao của Israel, tiết kiệm từng giọt...

Công trình đảo cọ cũng là một kỳ tích. Công trình tuyệt đẹp, sang trọng và đã mang thêm cho Dubai 20.000 km2 đất đai lấn biển. 

Đứng trên vịnh Ba tư. Nhìn con sóng xô trên bờ đá. Chợt nhớ những câu chuyện Á rập huyền bí cổ xưa với chàng Sinh Bá, với những đoàn thương gia lầm lũi cùng lạc đà băng qua sa mạc hoang vu, hấp dẫn tuổi thơ tôi...


Bây chừ cũng sa mạc đó mà sao khác trong tưởng tượng. Chỉ hơn 25 năm xây dựng. Dubai, Abu D' Habi đã là điểm đến của bao con người, bao công ty nổi tiếng trên thế giới. Đất nước hình như không chịu dừng ở đây. Dầu đã cho họ tiền bạc. Và họ đã dùng tiền bạc để chuyển hướng phát triển cho đất nước. Dubai sẽ không lệ thuộc vào dầu nữa khi hàng năm hơn 10 triệu du khách đổ vào đây. Khi tất cả các công ty giàu mạnh của Âu, Mỹ, Đức, Nhật cũng xây nhà máy, lập nghiệp nơi đây. Khi hàng triệu con người tài giỏi của hơn 200 quốc gia đổ về đây tìm việc...

Không thấy cảnh sát ngoài đường. Không có trộm cắp. Không có người ăn xin. Không có gây gỗ đâm chém nhau...  Người dân sống lương thiện hiền hoà. Không cửa hàng, siêu thị nào bán thịt heo, sản phẩm từ thịt heo. Tuyệt nhiên không bia rượu, ngoại trừ những khu vực dành riêng cho khách nước ngoài. Ngày năm lần, tiếng đọc kinh coran rền vang trong siêu thị, những nẻo đường. Những cô gái áo choàng trùm kín chỉ lòi đôi mắt đẹp to, trang điểm rất kỹ. Những anh chàng áo chùng trắng mang trên đầu vòng mũ chụp vầng trăng, đeo đồng hồ rolex, lái xe Ferrari hay Lamboghini, đẹp nhưng những...ông hoàng!

Đại thánh đường Hồi giáo ở Abu d'habi là một kỳ quan với đá, vàng, thảm và pha lê! Quốc vương Abu d'habi bỏ tiền hơn một tỷ đô la Mỹ xây dựng để mọi công dân đều có thể vào đây làm lễ. Mọi du khách đều có thể viếng thăm với điều kiện khắc khe về y phục. Đàn ông đàn bà đều phải quần dài, giày bít mũi. Đặc biệt phụ nữ phải có khăn choàng bịt tóc. Áo không được quá mỏng. Váy không được cao trên mắt chân. Quần không được quá bó gợi những đường cong cơ thể. Security nhìn từng người khách và sẵn sàng không cho vào nếu không tuân thủ. Và công ty du lịch đó sẽ bị nhà nước khuyến cáo vì không thông báo đủ thông tin cho du khách! Ôi, thánh Ahla!...


Được trải nghiệm ngồi xe vượt sa mạc như những tay đua xe địa hình, rồi về làng du mục ăn món ăn truyền thống Ả rập. Xem múa bụng, xem múa xoay truyền thống. Đêm sa mạc lạnh. Phải có rượu mới đúng chất dân du mục. Ô. Đây rồi. Một quày bán rượu cho du khách. Giá đắt gấp ba lần Việt nam. Nhưng có rượu. Có tiếng nhạc dập dìu. Có điệu múa cổ xưa. Cô gái lắc ngực. Lắc mông. Lắc bụng. Con lạc đà ngoài kia ngất mõm đứng chờ. Đêm Ba Tư. Trên sa mạc gió từng cơn thổi lạnh. Lòng du khách lâng lâng...

Nguyễn Quang Chơn
26.02.15, kỷ niệm Dubai

Wednesday, February 18, 2015

Đoạn ghi phút giao thừa

Những nén hương thơm. Những tàn tro bay. Những thì thầm khấn vái. Không gian lúc giao mùa, lúc giao thời bình yên, thiêng liêng, như phảng phất những linh hồn phiêu linh, như có nụ cười reo giữa không trung, như có nỗi buồn hoà bay trong gió!...

Phút giao thừa. Nghĩ gì? Bước những bước chậm trước hiên nhà. Hít cái không khí giao mùa. Nhìn một chiếc lá rơi!

Mùa xuân đến. Những mầm lộc xanh non chớm mở. Cũng có chiếc lá rụng rơi! Mùa xuân bao giờ cũng có. Và ở trong. Còn ẩn chút mùa đông!...

Một ly rượu rót ra độc ẩm. Cay nồng mà thơm lừng. Ta nuốt vào lòng. Một chút rượu. Dễ chi say!...

Ngày mai mồng một. Ồ không. Ta đang cùng mồng một. Mồng một tết Ất Mùi!

Nguyễn Quang Chơn

CHÚC MỪNG NĂM MỚI


Mùa Xuân mới Ất Mùi. Nguyễn Quang Chơn xin chúc bạn bè, anh em gần xa một năm mới bình an, thịnh vượng. 
Chúc sức khoẻ, niềm vui và hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà, mọi dân tộc!...

NGUYỄN QUANG CHƠN

TẢN MẠN ĐÊM 30

Không biết làm chi hết. Rượu cũng chán. Bạn cũng ngán. Đêm cuối năm se lạnh. Đường phố đầy sắc màu. Ta dạo một vòng quanh phố. Rồi về một mình ngồi chờ thời khắc giao thừa...

Những ngày cuối năm chỉ toàn những tin buồn. Một người bà con nổi tiếng ra đi vĩnh viễn chiều 25 và sáng nay đã được đưa về với đất. Hàng ngàn người thương khóc tiễn đưa. Một thằng bạn thời bách khoa mất chiều 27 tại Sài gòn, hôm qua đã hoả thiêu. Đọc báo, thấy chỉ ngày hôm qua, tai nạn giao thông đã cướp đi 26 sinh mạng. Bật TV, thấy bọn chiến binh IS vừa chặt đầu 21 người Syrie theo Thiên Chúa Giáo...

Chợt thấy ngày cuối năm buồn. Làm sao cho bớt nghe chết chóc. Bao giờ cho nhân gian hết những điêu linh?!...

Còn mấy tiếng đồng hồ nữa là sang một năm mới. Giờ này các con ta chắc chưa ngủ dậy để chuẩn bị đi làm. Không biết tết có làm các con buồn, nhớ quê nhà?...

Giờ này tuyết vẫn còn rơi lạnh mịt mù ở miền Bắc nước Mỹ, nơi có những người bạn thân kính đang co ro, gởi email bảo không thấy tết. Giao thừa các anh có thấy lòng xao xuyến, bâng khuâng?...

Chợt muốn làm một cái gì đó cho những giờ phút cuối năm. Như vẽ một con dê. Như hoạ một chân dung..., nhưng sao thấy mệt mõi, biếng lười. Chờ đến 24:00 sẽ thắp hương cúng thành khiến. Cả một năm. Ta chỉ có những nén hương lúc giao thừa là thiêng liêng nhất...

Ngày mai lại sẽ về quê. Nấu một mâm cơm cúng ông bà mẹ cha ngày mồng một. Rồi ra mộ. Ra đình làng. Ra nhà thờ tộc. Lại những nén nhang tưởng nhớ. Những câu chúc khách sáo. Những phong bì lì xì người thân...

Tản mạn đêm 30 như là những câu khai bút. Vẫn còn chút se lạnh ngoài trời và trong trái tim ta. Đêm cuối năm, phút giao thừa...

Nguyễn Quang Chơn
30 tháng chạp, 18.2.15

Tuesday, February 17, 2015

Chuối trong vườn chín, nhớ ba!


Vô tình ra sau nhà cha chiều cuối năm
Thấy buồng chuối lùn chín vàng lặng lẽ
Vui sao với tay bẻ khẽ
Quả chuối thơm trên buồng
Trĩu trên cành
Trái vàng trái xanh...

Chiều cuối năm mong manh
hương khói nhạt nhoà
Lơ thơ lãng đãng âm dương giao hoà
Tôi ngồi trong vườn cha nghĩ về tử sinh nghĩ về nhân thế
Bỗng nhìn thấy một nét vàng,
của buồng chuối chín lúc xuân sang...

Hương chuối ngọt mơn man
Từ môi. Từ cổ. Đến tận dạ dày...
Nhớ những ngày ba còn sống 
vui thay
Nấu ba ăn ngày chủ nhật
Lúc mặn lúc nhạt. Lúc đắng lúc cay
Mà ba vẫn ăn thật nhiều. Vẫn uống thật say
Khen thằng con trai nấu ăn ngon quá!

Chiều cuối năm. Khu vườn êm ả
Con một mình. Nhớ ba lắm
Ba ơi!

NQC, 29 tháng chạp Giáp Ngọ, 17.2.15

Monday, February 16, 2015

Mai trong vườn ba


29 về quê rước ông bà
Cây mai vàng trong vườn ba bỗng nở
Những nụ hoa vàng tươi
Những búp xanh lộc mới
Như thấy ba đứng cười
Chờ con về
đón tết...

Nhớ khi ba còn sống
Hai cha con trồng một hàng mai
Con nói chỉ vài năm nữa
Hoa sẽ vàng từ cổng vào nhà mỗi lúc xuân sang
Và con sẽ đặt tên nhà ta là MAI HOA TRANG...

Chừ ba đã mất
Vườn không người chăm sóc
Mai cũng lăn lóc
theo nắng theo mưa
Theo đời đong đưa...
Theo tháng ngày gió bão
Quạnh hiu
Khắc khoải
Lụi tàn...

Còn một cây duy nhất
Lặng lẽ trong vườn
Dấu nỗi buồn vào đất
chắt mật cho cành
Để một mùa xuân quê mẹ yên lành
Mai bỗng nở...

Những nụ hoa cuối năm rực rỡ
Nỗi yêu người
vui đời
Những cánh hoa mai vàng
tươi roi rói báo
XUÂN SANG!...

Nguyễn Quang Chơn
29 tháng chạp Giáp Ngọ, 16.2.15

CHIỀU CUỐI NĂM

Ta đứng trong chiều cuối năm
Nhìn bên kia đời héo hắt
Đôi mắt em khép chặt
Bờ môi em héo khô
Ta nhìn chiều rơi xuống vũng hư vô
Tiếng chim kêu gọi bầy về tổ...

Ta đứng trong chiều xa xăm
Nghe bên kia đời tiếng gió
Tiếng gió réo ngàn năm
Chập chùng vô vọng
kiếp người
Gởi cho em rời rã nụ cười
Nhành hướng dương cuối khu vườn rũ rượi...

Ta rót trong chiều cuối năm ly rượu
Đánh thức đôi môi đã tàn
Trái tim nguyệt tạnh
Cõi lòng hoang vu
Giọt rượu tràn trong chiều tối âm u
đắng ngắt...

Ta đốt mấy nén hương
Thắp trên mộ cha đã khuất
Trên mộ mẹ lạnh trơ
Chiều cuối năm một ánh lửa vật vờ
Khói tro tàn trong đất
Ta nghe thầm thì tiếng nấc
huyệt mộ sâu...

Chiều cuối năm mờ mịt bến giang đầu
Mưa giăng lạnh
Bước về đâu???

27 tháng chạp, Giáp ngọ, 16.2.15

ĐIẾU VĂN TỘC NGUYỄN BÁ ĐỌC TRONG LỄ TRUY ĐIỆU TIỄN BIỆT ÔNG NGUYỄN BÁ THANH NGÀY 18/2/15

Than ôi,

Đời người như giấc mộng lớn. Chuyện tử sinh là lẽ thường tình. Mà sao vẫn quá đớn đau khi anh ra đi quá vội!

Đất nước đang cần anh. Thành phố đang chờ đợi anh. Nhân dân đang mong  anh mạnh khỏe trở về. Mọi người đang trông ngóng anh với bao thương yêu, tin tưởng. Sao anh vội ra đi!...

Anh Nguyễn Bá Thanh ơi,

Người con đặc biệt của quê hương, của hợp tác xã Hòa Nhơn, của nơi chôn nhau cắt rốn Dương Sơn, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa vang, là chủ tịch, bí thư thành phố Đà nẵng ơi…

Anh là kết tinh của một vùng đất quật cường giữa những cuộc chiến tranh gian khổ. Là người con ưu tú trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Là người cha, người chồng mẫu mực, người anh thân thương, người bạn nghĩa tình của bà con tộc họ, là niềm tự hào, hãnh diện của quê hương…

Mà sao anh lại vội đi để gia đình trống vắng. Để nhân dân mất đi chỗ dựa. Để bạn bè anh em mất đi một tấm chân tình!

Anh Thanh ơi,

Trước hương linh anh, chúng tôi ngỡ như anh vẫn đang còn đó. Ánh mắt kiên nghị mà rất nhân từ. Phong thái oai hùng mà như một nông dân. Chúng tôi vẫn thấy hình ảnh anh trong những ngày giỗ chạp, khi anh thăm hỏi ông bác, bà cô, khen những cháu con ngoan hiền học giỏi, giúp đỡ người chòm xóm bệnh tật ốm đau. Hình ảnh anh bình dị ngồi chơi cờ với khách ven đường. Hình ảnh anh kêu gọi mọi người giữ gìn thuần phong mỹ tục. Nhắc nhở mọi người đừng quên tổ quên tiên, uống nước thì phải nhớ nguồn. Mà từ đó, tộc họ ta đã dựng xây được một truyền thống tốt đẹp là nâng đỡ người đi trước, khuyến giúp trẻ theo sau

Anh Thanh,

Dẫu có nói bao nhiêu lời. Dẫu có kể bao nhiêu chuyện. Thì cũng không sao đủ hết những gì tốt đẹp anh đã tiên phong làm, đã mang lại cho quê hương, cho bà con nhân dân Đà Nẵng.

Dẫu có rớt bao nhiêu nước mắt cũng không hết niềm đau của họ hàng, của gia đình thương xót anh…

Hôm nay, trong giờ phút nghĩa tình , trong khắc giây vĩnh biệt. Nhớ một câu đối mà người anh em trong tộc đã viết tặng anh:

KẺ SĨ, ĐÂU MÀNG CHI VƯƠNG BÁ
ANH HÙNG, BẤT LUẬN VẪN DANH THANH

Anh đâu lụy anh hùng. Anh đâu màng vương bá. Anh luôn là người nông dân chân chất Nguyễn Bá Thanh, người chủ nhiệm hợp tác xã của nhân dân. Người con nhân ái, hiền hòa, mộc mạc của tộc họ, quê hương!

Nay chúng tôi, những người anh em Nguyễn Bá, thắp nén hương lòng khóc thương anh. Mong anh yên vui và mĩm cười nơi cõi vĩnh hằng!

Ngậm  ngùi xin tiễn biệt anh!...

13.2.15
NQC

Sunday, February 15, 2015

KHÔNG THẤY TẾT

"Tuyết vẫn mù trời Chơn ơi, không thấy tết"
Email Đinh Cường gởi về mấy chữ
Mà thấy lòng tê tái cả quê hương!...
Anh với cháu, với con, với bạn bè, với chị Nhung đằm thắm tuyệt vời, với tuyết mù trời. Vẫn không thấy tết!

Tôi với cả không gian ấm áp
Nắng xuân tràn. Rộn ràng bánh tét bánh chưng...
Với bạn bè từ khắp chốn về thăm
Với ngựa xe rồn rập ngả tư ngả năm
Mà sao cũng thấy lòng không có tết!

Bởi vì anh ơi con người mình rối rắm
Ngày xuân về con cái mịt mù xa
Dẫu rượu ngon, dẫu thơm ngát thịt thà
Dẫu vợ hiền, dẫu pháo hồng giấy đỏ
Thì vẫn thấy mình bơ vơ trong muôn ngàn lối ngõ
Khi con Như, thằng Dũng biệt đâu rồi!...

Anh không có quê nhà. Tôi con cái xa xôi
Nên dẫu nắng, dẫu mưa, hay tuyết trắng
Thì cõi tận cùng, vẫn thấy mình cay đắng
Với ngậm ngùi. Không có tết. Anh ơi!

Ước gì anh. Trong sát na tuyệt vời
Bạn bè. Anh em. Con cái. Quê hương... Cùng hội tụ

Tết sẽ đến trong muôn vàn tinh tú
Và trong lòng bé nhỏ những trái tim!
Nguyễn Đinh Cường. Nguyễn Quang Chơn. Đâu phải vội đi tìm
Trong tuyết trắng hay trong câu thơ viết buồn 
nhung nhớ TẾT!

Đn, 15.02.15,
NQC, thân kính tặng anh ĐC

Thursday, February 12, 2015

Nguyễn Lương Vỵ, Một Đoạn Ghi


Mỹ Dung là một nàng tiên
Nụ cười bất tuyệt nhân duyên sáng ngời
“(*)
Ngày đưa ông táo về trời
Đi Tam kỳ chơi,
thăm Nguyễn Lương Vỵ
Thi sĩ lãng đãng nhất đời về từ Mỹ
Thi sĩ của âm, u, và những ẩn ngữ tuyệt trù…

Ly bia cuối năm bên người bạn gái Tam kỳ
Mới quen, dịu dàng, da trắng
Chàng thi sĩ ngấm hơi men
Ngấm đôi mắt biết cười và bờ môi duyên
Ngấm giọng nói hiền
Dáng dấp quê hương…

Nên hát nên cười nên ngây ngất càn khôn
Chỉ còn lại thơ và nét chì trên giấy
Nguyễn Lương Vỵ hiền như chàng trai mới lớn
Âm âm u u…

Trưa quê nhà gặp Mỹ Dung
Niềm vui khôn tả một vùng mây bay
Môi thơm má thắm vừa say
Nhìn em bỗng nhớ những ngày xuân xưa
Hôn em nào kể nắng mưa
Để mang thương nhớ cho vừa chân dung
“(*)

Và mang thương nhớ vào giấc mộng
Quên cả đất trời quên cả men xuân
Chàng thi sỹ gục trên bàn
lừng khừng
ngủ
lừng khừng
thi sỹ…

Nguyễn Quang Chơn
23 tháng chạp Giáp Ngọ
Thân tặng anh NLV
(*) thơ NLV

Monday, February 9, 2015

Bức vẽ Modigliani


Phone reo. Trần Phương Kỳ hỏi ông ở đâu?
Mấy thằng đang nhậu. Nhắc đến ông...

Quán cuối năm thật đông
Góc bàn có hoạ sĩ Vũ Dương, nhà văn Trần Trung Sáng, Trần Phương Kỳ và một cô nhà báo trẻ chưa quen...

Chuyện gần chuyện xa chuyện nhớ chuyện quên...
Đến những người bạn ở xa tít tắp
Đến chuyện văn nghệ quê nhà...

Và lại vẽ làm quen
Giấy, chì, than vẽ chân dung cô nhà báo 
Mái tóc dài suối chảy
Cô nàng mừng có tranh treo đón Tết...


Rượu Vodka thơm ngon
Ấm đêm cuối năm
Một cô bé phục vụ ngang qua
Các anh bỗng ồ: Modigliani!
Bởi cái cổ dài da trắng...
Như thiếu nữ của ông và của ĐC
Vậy là tôi lại vẽ,
Cái cổ dài da trắng
Của cô gái trẻ, cuối năm
Cô gái của Modigliani hay của Đinh Cường hay của nghệ thuật...

Biết đã là bức vẽ cuối của năm chưa???

ĐN, đêm 9.2.15
NQC



Gởi hoạ sĩ Đinh Cường

Mất gì đâu chút tình ghi
Mất gì đâu chút lặng, vì nhớ nhau
Mất gì đâu nắng sớm qua cầu
Con chim nhỏ sau nhà riu rít hót...

Mất gì đâu anh những hè nắng xót
Virginia như nung những tình xa
Nhớ sáng lang thang lối nhỏ sau nhà
Cà phê Starbucks Dũng còn chưa ngủ dậy...

Trời nóng anh phải cởi chiếc áo ngoài chỉ còn áo maillot mỏng
Và ngồi dưới hiên nhà lổ đổ từng giọt nắng
Mực tàu, rượu thuốc, người nghệ sĩ
Rãi trên giấy thành chân dung Dũng và cánh rừng buổi sáng
Chị Nhung đi bộ về ghé mắt xem, khen đẹp
Được chị khen là sung sướng lắm rồi!...



Làm sao quên được anh Đinh Cường ơi
Mới đó mà đã hơn ba năm cùng anh trong sào huyệt (*)
Uống rượu cognac xem tranh, say và thấy như những người trong tranh bước ra, cùng uống...
Đêm ngủ thật ngon với những giấc mộng lành....

Mất gì đâu anh. Chỉ một chút tình
Anh ghi lại, cũng thành là kỷ niệm
Đêm cuối năm bên kia anh có lạnh
Ở nơi này nhiều nhung nhớ lắm anh ơi!...

ĐN, 09 Feb, 15
Thân kính tặng anh ĐC nhân đọc " chút tình ghi" trên blog PCH và TTNM
(*) anh ĐC gọi vui basement anh ngủ và vẽ là sào huyệt của anh

Thơ ĐINH CƯỜNG Chút tình ghi

bước đi trên lối cũ 
tiếng gió và sự lặng thinh 
( Lữ Quỳnh )


Người buớc qua con suối cạn 
ven đường mòn đầy xanh rêu 
chiều có chút mặt trời rọi 
xuyên rừng cây như ánh lên 

người dừng lại bên cầu gỗ
nhớ ta ngồi lại bên cầu [1]
bạn nằm nơi xa tít tắp 
vườn Biên Hòa nay ra sao 

người đi tiếp thêm đoạn nữa 
quay về ngồi sau mái hiên 
nhớ năm nào ngồi bệt vẽ 
Chơn và Dũng ơi nhớ không 

người cứ nhớ và cứ nhớ 
mất gì đâu chút tình ghi …


Virginia, February  8, 2015 
Đinh Cường 

[1] Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng 
Nghe giữa hồn cây, cỏ mọc hoang vu.
( Hoài Khanh – Thân Phận ) 

Nguồn: blog Phạm Cao Hoàng

Friday, February 6, 2015

TÚC TẮC CÂU CHUYỆN CUỐI NĂM

Vậy là con ngựa vàng đã chuẩn bị cuốn vó, bàn giao thiên hạ cho chú dê núi dễ thương...

Một năm qua, trên thế giới, ở Bắc Hàn, sau khi vứt người chú dượng vào chuồng cho chó đói xé xác, chàng chủ tịch đại tướng trẻ con vẫn hung hăng đòi mở rộng vũ khí hạt nhân, đe doạ cả từ Nam Hàn đến Bắc Mỹ. 

Sa hoàng Nga đời mới ngang nhiên xua quân chiếm miền đông Ukraina, lập nhà nước ly khai, khi tổng thống nước này tuyên bố bỏ Nga theo liên minh châu Âu, để súng đạn ầm ì, dân chết hàng vạn... 

Tàu cọng táo tợn đẩy dàn khoan khủng ra biển đông thăm dò dầu khí tứ tung dẫu đó là lãnh hải Việt Nam hoặc của ai không cần biết, vì đường lưỡi bò nham nhở biên giới tự xưng của chúng đã ôm trọn gần hết biển đông, khiến cả châu Á đều tăng cường lực lượng quốc phòng, phòng thủ sự tham lam bành trướng vô độ của chệt tàu. 

Dịch ebola bùng nổ ở Liberia, Nigeria, làm chết hàng ngàn người khiến cả thế giới rúng động, kinh hoàng...

Tất cả các nước văn minh đều chung tay chống lại bọn khủng bố hồi giáo nhà nước tự xưng IS mọi rợ và tàn độc. Cuộc bắt cóc và cắt cổ, đốt con tin Mỹ, Anh, Nhật, Jordan, cuộc thảm sát toà soạn báo Charlie Hebdo ở Paris khiến cả thế giới bàng hoàng thương xót. Cuộc chiến chống bọn cuồng tín vô lương có lẽ sẽ còn kéo dài... 

Năm 14, con ngựa chạy lông nhông dưới đất mà sao bao con chim sắt gãy cánh trên trời như vụ máy bay Mã lai MBH rơi bí ẩn, MH rơi trên đất nước Ukraina, vụ Air Asia Indo gãy cánh thảm thương... Số người thiệt mạng hàng không toàn năm lên đến số ngàn. Thật là thảm hoạ!

Có quá nhiều. Quá nhiều sự kiện đau buồn hoặc đáng tiếc cho thế giới trong năm 2014. Và, nước Mỹ, Hiệp chủng quốc Hoa kỳ, với vị tổng thống da màu đầu tiên, đã làm nên những điều kỳ diệu... Trước sự hung hăng của tàu cọng, nước Mỹ đã có mặt bên cạnh các đồng minh nhỏ bé ở khu vực để cam kết sự bảo vệ, dẫu chú chệt la lối om sòm: Chuyện châu Á hãy để châu Á xử! Nước Mỹ tuyên chiến và đương đầu với bọn hồi giáo cực đoan IS, trong khi vẫn mở rộng tự do tôn giáo, đặc biệt là hồi giáo trong nội địa. Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ đã vượt qua khủng khoảng. Kinh tế Mỹ đang đi lên, lại đứng đầu thế giới, đưa nền kinh tế toàn cầu hồi sinh! Người dân Mỹ lại có công ăn việc làm, được hưởng nền giáo dục và y tế nhân hậu của một quốc gia hùng mạnh văn minh. Thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến với khai thác dầu đá phiến là món đòn tuyệt kỹ  "nhất dương chỉ" của Mỹ tiêu diệt sự hống hách, chảnh choẹ của tập đoàn dầu khí Trung đông, vả vào mồm Sa hoàng Nga đời mới hung hăng, thủ đoạn. Đưa giá dầu từ 200 xuống còn 50 đô la Mỹ một thùng, trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Và, nước Mỹ tuyên bố sẵn sàng bỏ cấm vận, bình thường hoá quan hệ với Cuba, quốc gia cọng sản, sau hơn 50 năm nước này "cầm súng AK, chĩa vào đít Mỹ, thức, ngủ cùng VN canh giữ hoà bình thế giới..."

Trong nước, theo báo cáo của chính phủ, mọi thành tích đều vĩ đại, đáng biểu dương. Kinh tế tăng trưởng đạt 6%, cao hơn 2013. Ngoại giao mở rộng. Biển đảo, biên giới đều được giữ vững. An ninh quốc phòng được đảm bảo. Lạm phát thấp, chỉ dưới 7%. Nhân dân ấm no, hạnh phúc. Trẻ con được học hành, thuốc men... Thật là một bức tranh đẹp với một chính phủ tài ba. Và Đảng cọng sản đang ráo riết chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ 12 tổ chức vào năm sau. Nhân sự chiến lược, kẻ lên, người xuống, đang sôi động, rộn ràng...

Không biết thực hư kinh tế thế nào nhưng sao nghe bạn bè than vãn quá. Hàng ngàn công ty phá sản. Người thất nghiệp đầy đường. Các quán cà phê lúc nào cũng đầy rẫy thanh niên phì phèo thuốc lá giết thời gian nhàn rỗi. 
Cải cách giáo dục hằng ngày như cải cách món ăn. Dự án đổi mới sách giáo khoa xin ngân sách vài chục ngàn tỷ. Nghe truy vấn quá thì bộ trưởng xin lỗi, bảo báo cáo nhầm, chỉ vài trăm tỷ thôi, thật nực cười! 

Bệnh viện thì bệnh nhân phải nằm tràn dưới đất. Bà bộ trưởng cho rằng lỗi do các con bệnh không đi đúng tuyến! Kết quả xét nghiệm y khoa được sao y hàng loạt, tiêm chủng thuốc quá đát làm hàng chục trẻ nít chết đau thương, oan uổng... 

Đền đài miếu mạo bôi xanh bôi đỏ. Người người chen đạp nhau xin lộc, xin ấn. Tiền nhét đầy tay Phật, tượng thần. Hội thảo nhố nhăng nhố nhít về các con sư tử, con nghê...

Các khoản thuế, phí đều tăng. Bắt đầu năm nay. Người dân lao động bán ngày 20 tô hủ tiếu phải nộp thuế thu nhập cá nhân, trong khi những "hot girls" chân dài, những "ông hoàng bà chúa" ca nhạc khoe khoang y phục, trang sức tiền tỷ vẫn ung dung thuế free!

Tai nạn giao thông cả năm trên 25 ngàn vụ. Tử vong, thương vong còn hơn cả các cuộc chiến tranh đó đây trên thế giới trong năm cọng lại. Mỗi ngày, cứ hơn 25 người bước ra khỏi nhà sẽ chẳng trở về! 

Trộm cắp gia tăng mọi lúc, mọi nơi, nhất là Sài gòn, Hà nội. Ma tuý lan tràn. Tin giết người cướp của hằng ngày đầy trên mặt báo. Học sinh thì sẵn sàng đánh, giết nhau ngay ở tuổi vị thành niên. Trẻ con mặt đồng phục cấp hai đã biết đưa nhau vào khách sạn, nhà trọ, đến cơ sở phá thai... Bằng giả lan đến các quan chức, công sở....

Nguyên tổng thanh tra nhà nước cầm cân nảy mực, khi về hưu thì lòi ra đống tài sản, bất động sản khổng lồ, phạm pháp, mà chỉ bị kỷ luật cảnh cáo nhẹ hều! 

Một vị uỷ viên trung ương, bí thư một tỉnh to đùng, báo cáo thành tích láo để được phong anh hùng lực lượng vũ trang, bị đồng đội lật tẩy, bị tước danh hiệu, lòi bộ mặt gian dối, dị òm! 

Con người đối xử với nhau như thế nào mà Hà nội phải xuất bản sách với tiêu đề " bộ qui tắc ứng xử", để dân theo đó mà ứng xử, cứ như sổ tay tiếng Anh khi đi du lịch không bằng!

Một số vụ đấu tranh nhân quyền bị bắt và trục xuất khỏi đất nước...

Người Trung quốc dựa vào các dự án đầu tư hoặc các dự án tiền vay từ Tàu đã định cư khắp nơi, từ Hà nội, Ninh bình, Thanh hoá, Hà tĩnh, đến Đà nẵng, Tây nguyên...  Chúng lấy vợ sinh con, lập nên những làng Trung quốc. Các dự án giao thông lớn giao cho các nhà thầu trung cọng làm ì xà ì xèo. Một cung đường trên cao ở Hà nội thi công ẩu bị gãy sụp, chết dân, buộc bộ trưởng giao thông phải ra tay phán xử.  Hàng hoá chất lượng rẻ tiền, nguy hiểm của Tàu từ vải vóc áo quần, từ thịt cá rau củ, đến đồ chơi trẻ em... tràn ngập thị trường làm toàn dân lo lắng. Ra chợ không biết đâu là hàng VN, hàng Tàu độc hại. Thuốc tây giả nhập lậu từ biên giới phía bắc mang đủ nhãn mác Mỹ, Đức, Canada..., trái cây lậu bơm hoá chất đưa lên Đà lạt rồi dán made in VN bán cả trong các siêu thị, sân bay... Dân đào gốc cây, nuôi đĩa để bán cho Trung quốc... Ầm bà lằng đủ chuyện nham hiểm, lưu manh, xảo trá của thằng bạn 16 chữ vàng trời đánh!

Trên mạng xuất hiện những trang web với thông tin khá chính xác để bêu xấu lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo. Hết DLB đến QLB, đến CDQL...Thật là vô kỷ cương. Hỗn loạn. Vô trật tự. 

Năm Giáp Ngọ có một vị đầu ngành nổi tiếng quyết đoán, dám nghĩ dám làm, được người dân kỳ vọng là Bao Thăng Thiên Việt nam, đang khoẻ mạnh bỗng nhiên phát bịnh nan y. Vậy là các trang mạng tràn ngập thông tin về việc ông bị đầu độc bằng phóng xạ. Thiên hạ nửa tin nửa ngờ. Nửa thương tiếc, nửa xót xa...

Quay lại với mình. Một năm sao đi nhanh như vó ngựa. Tuổi thì già mà sức chẳng chịu già. Cứ sáng bơi biển. Chiều thể thao. Bạn bè gọi là đến. Bạn kêu nhậu là chơi tới nơi, chẳng từ nan...

Con cái viên thành. Công ty khởi phát!...

Năm con ngựa tưởng cởi ngựa xem hoa mà sao hoa trái thu hoạch um sùm. Các đệ tử cuối năm hoành tráng mua nhà, mua xe, nhìn mà vui! Mới thấy tiếc bao năm mê muội tin theo Nguyễn Nhạc Bất Quần để hoài phí tài trí, sức lực, làm giàu không công cho thiên hạ!

Năm con ngựa văn nghệ tưng bừng. Bạn bè phương xa về thăm. Viết lách. Vẽ vời. Đàn ca. Nhậu nhẹt... Những tâm hồn văn chương nhân ái và vô tư lự, đến với nhau trong trân trọng, thương yêu...

Một năm vui nhiều cũng không thiếu chuyện thị phi buồn phiền, nhưng vốn lòng đã buông, không nặng. Nên ai vấn vương thì cứ vấn vương. Ai nặng lòng thì cứ nặng lòng, không chấp! Bạn bè chung quanh tuổi cũng đã xế chiều. Sân hận, cũng chỉ thế thôi, bạn ơi, đâu có còn chi chút nữa!!!

Trời đã ấm dần những ngày cuối năm. Những gia đình thành kính trước bàn thờ, cúng tất niên. Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay..., làm ta thấy một chút gì thiêng liêng của văn hoá dân tộc vẫn còn. Những tin nhắn gởi nhau chúc mừng một năm mới an khang để thấy lòng người còn ấm áp. Bạn bè, người thân ở xa không thể về quê hương đón tết để bao thương nhớ đợi chờ, thì cũng là một điều tự nhiên trong cuộc sống loài người...

Cuối năm. Trước bàn thờ tiên tổ khói hương bay, xin phò hộ cho một năm mới an lành đến những người thân. 

Xin bạn, xin tôi, hãy đến bên nhau với tấm chân tình. Đừng chấp ngã. Hãy buông! Con dê rừng cũng sẽ phóng rất nhanh không kém gì con ngựa. Chúng ta rồi cũng sẽ mịt mờ. Hơn thua nhau nữa mà chi!

Đêm cuối năm túc tắc kể chuyện. Xin gởi đến tất cả mọi người. Đến bạn bè, anh em, con cái. Đến gần và xa. Đến khoẻ đau và bệnh tật. Niềm mong ước chan hoà hạnh phúc. Bình an. Cả trong và ngoài. Như tựa đề một bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Xin cho TÂM THÂN AN LẠC!

Cuối năm Giáp Ngọ, tháng 2, 2015
NQC

Thursday, February 5, 2015

GOLF VÀ BUSINESS


Rải bước trên sân. Một bạn trẻ hỏi tôi. Theo anh, sự chơi golf với business có gì giống nhau? Tôi trả lời. 100% giống. Này nhé:

Người chơi golf phải đưa bóng vào lỗ với ít gậy nhất. Kinh doanh cũng thế. Anh phải đạt được mục tiêu của anh nhanh nhất. Tiết kiệm nhất!

Caddy của người chơi golf chính là trợ thủ của doanh nhân. Caddy có thể giúp anh mang vác bộ gậy. Chỉ cho anh những chướng ngại trên đường chinh phục lỗ golf. Nhưng caddy không chịu trách nhiệm về cuộc chơi của anh. Business cũng vậy. Thành công hay thất bại. Anh phải là người được hưởng vinh quang hay chịu những mất mát chua cay. Anh tip cho caddy nhiều hay ít cũng giống lương thưởng anh trả cho trợ lý, nhân viên. Trợ lý không chịu trách nhiệm về thất bại kinh doanh của anh.

Mỗi tình huống trên sân golf đều khác hẳn nhau. Anh phải có kỹ năng xử lý tốt mới vượt qua được thì có khác chi chuyện kinh doanh. Không có nghề, không có chuyên môn. Thật khó thành công!

Với golf. Hole in one là thành công lớn với may mắn phần nhiều. Trong kinh doanh một đôi khi cũng vậy. Nhưng trước hết, ít nhất anh phải có kỹ thuật phát được quả bóng lên, cũng như anh phải biết chớp thời cơ và tự tin trong công việc ngoài đời thì may mắn mới tới chứ không phải há mỏ chờ sung! Đừng cứ nói người khác kinh doanh thành công chỉ vì nhờ may mắn!

Trong golf. Sức khoẻ và tinh thần vô cùng quan trọng. Đánh hỏng. Hãy quên nó đi để cho cú đánh tiếp theo tốt hơn. Lăn tăn là hỏng. Số một thế giới như T. W, chỉ một scandal tình ái mà nay không khôi phục được cú đánh của mình. Kinh doanh là phải biết " thua keo này, bày keo khác". Không nản chí. Không bi quan. Không bỏ cuộc...

Bạn có thấy golfer VN đa số đều da đen sạm không? Vì nắng gió, mưa sa đó. Golfer là không ngại trời nắng, trời mưa. Cũng như thương gia. Phải len lõi thương trường. Chịu đựng những biến động bất thường và tìm cách vượt qua. Mà khó khăn thì thường xuyên. Phải ứng biến. Làm kinh doanh mà không lao vào thương trường. Ngồi nhà chỉ tay năm ngón thì có nước mạt. Cũng như ngồi trong phòng chơi golf trên sa bàn, ra sân thì chỉ có nước...ăn mày!

Cuối cùng. Golf là môn chơi tự vượt qua chính bản thân mình. Không được gian dối. Việc mình ăn gian trên sân golf, chỉ mình mình biết hoặc caddy biết. Nhưng yêu cầu anh phải trung thực. Đó là văn hoá golf cũng như là đạo đức trong kinh doanh. Golf mà ăn gian bị phát hiện sẽ bị phạt gậy, thậm chí đuổi ra sân. Kinh doanh mà thiếu văn hoá. Có thể mất bạn hàng, thất bát, còn có thể sẽ dính vào pháp luật, tù đày!

Golf có thể chơi một mình. Cũng có thể chơi hai người. Cũng có thể một flight. Kinh doanh cũng thế. Bạn có thể làm ăn một mình. Làm ăn cùng bè bạn. Nhưng phải cởi mở. Chân tình. Fairly thì cuộc chơi mới vui và cuộc kinh doanh mới thành công!

Hôm nay bạn và tôi đang có cuộc chơi đẹp. Bạn thấy không. Cả hai chúng ta đã đều chơi đúng handicap. Vậy chúng ta đã có một cuộc chơi golf thành công. Việc business của bạn chắc chắn cũng đang suôn sẻ!

Năm mới, chúc việc kinh doanh của bạn đi lên, còn handicap bạn đi...xuống !

Thanks,

Nguyễn Quang Chơn 

Wednesday, February 4, 2015

Thư qua một bức hình


Nhìn bức hình trên blog Trần Thị Nguyệt Mai
Nguyễn Tường Giang tóc trắng
Nguyễn Mạnh Hùng trẻ trung
Đinh Cường mập,
Ngày cuối tuần, cuối năm âm lịch,
Thấy lòng vui...

Biết các anh sẽ đi cà phê
Hay Sài Gòn quán
Hay về nhà anh Mạnh Hùng uống rượu
Một khu vườn rộng sau nhà mông lung
Mùa đông, tuyết trắng???

Còn mười ngày nữa thôi anh. Tết đến
Các anh có nhớ quê hương bánh chưng bánh tét
Nhớ hạt dưa mứt dừa mứt gừng
Nhớ trẻ con áo mới tưng bừng
Vòng tay chào ông bà xin lì xì năm mới?...

Anh ơi Tết tới
Cánh rừng sau nhà có nở một cành hoa?
Căn nhà láng giềng có văng vẳng một lời ca
Những lời ca chào mùa xuân mới?
" Xuân đã đến rồi. Gieo rắc muôn ngàn hoa xuống đời..."
Và có thấy xuân tươi?

Trời vẫn lạnh và tuyết vẫn rơi
Đinh Cường vẫn co ro không về hướng còi tàu, Starbucks
Gió vẫn âm u khu rừng Natick
Đàn nai buồn quên ăn?

Anh Nguyễn Mạnh Hùng vẫn cứ băn khoăn
Một hướng đi dài lâu thế giới
Để lập nên một bàn cờ mới
Nào Âu nào Á nào Trung...

Và Nguyễn Tường  Giang tóc trắng lừng khừng
Ừ. Khói hồ bay mây trắng!..

Vui có tin anh Đặng Tiến
Ngày 5 về Việt Nam!...

NQC, thân kính tặng anh ĐC, NMH, NTG 
04.02.14

Thư qua một bức hình


Nhìn bức hình trên blog Trần Thị Nguyệt Mai
Nguyễn Tường Giang tóc trắng
Nguyễn Mạnh Hùng trẻ trung
Đinh Cường mập,
Ngày cuối tuần, cuối năm âm lịch,
Thấy lòng vui...

Biết các anh sẽ đi cà phê
Hay Sài Gòn quán
Hay về nhà anh Mạnh Hùng uống rượu
Một khu vườn rộng sau nhà mông lung
Mùa đông, tuyết trắng???

Còn mười ngày nữa thôi anh. Tết đến
Các anh có nhớ quê hương bánh chưng bánh tét
Nhớ hạt dưa mứt dừa mứt gừng
Nhớ trẻ con áo mới tưng bừng
Vòng tay chào ông bà xin lì xì năm mới?...

Anh ơi Tết tới
Cánh rừng sau nhà có nở một cành hoa?
Căn nhà láng giềng có văng vẳng một lời ca
Những lời ca chào mùa xuân mới?
" Xuân đã đến rồi. Gieo rắc muôn ngàn hoa xuống đời..."
Và có thấy xuân tươi?

Trời vẫn lạnh và tuyết vẫn rơi
Đinh Cường vẫn co ro không về hướng còi tàu, Starbucks
Gió vẫn âm u khu rừng Natick
Đàn nai buồn quên ăn?

Anh Nguyễn Mạnh Hùng vẫn cứ băn khoăn
Một hướng đi dài lâu thế giới
Để lập nên một bàn cờ mới
Nào Âu nào Á nào Trung...

Và Nguyễn Tường  Giang tóc trắng lừng khừng
Ừ. Khói hồ bay mây trắng!..

Vui có tin anh Đặng Tiến
Ngày 5 về Việt Nam!...

NQC, thân kính tặng anh ĐC, NMH, NTG
04.02.14

Tuesday, February 3, 2015

Đặng Tiến -- Con dê chín mùi

Miền thôn dã quê tôi thường nghe câu hát ru em âu yếm và lạ lùng :

Ru em buồn ngủ buồn nghê
Con tằm chín đỏ, con dê chín mùi (muồi)
Con tằm chín đỏ để lại mà nuôi,
Con dê chín mùi làm thịt em ăn.

Lời ru thân thuộc, ngọt ngào lẫn chút huyền bí lảng đảng  giữa những giấc trưa quạnh vắng. Ý nghĩa của nó chờn vờn  trong ánh nắng, gắn bó với bóng tre, đụn rơm, đọt xoài, lá mít. Câu hát dỗ dành giấc ngủ trẻ thơ, phất phơ một ít mộng mị người lớn, là thành phần một thực thể thôn trang. Nó hồi âm  cuộc sống, thực tế và tâm linh. Tách rời khỏi môi trường “một buổi trưa không biết tự thời nào““[1] thì câu hát vô nghĩa, vô lý – trừ phi ta cố công phân tích từng hình ảnh thành biểu tượng, tách lìa ra khỏi trí tưởng đơn giản của nông thôn.

Giáo sư Bửu Cầm, tại giảng đường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, năm 1962, có đưa ra giả thuyết : đây là câu hát vọng lên từ thuyền đò  :

Ru con buồn ngủ buồn nghê
Con này mới théc (ngủ) con tê dậy rồi

Lời ru chập chờn lênh đênh trên sông nước, và ngọn gió vô tình đã thổi lệch đường viền của những âm hao, tạo ra những con dê chín mùi.

***

Năm Mùi, còn gọi là năm Vị : Mùi, Vị (năm, viết với bộ mộc) là hai từ đồng nghĩa, nhưng có thể xem như một từ với hai cách phát âm khác nhau : vị là cách đọc hán việt, mùi là cách đọc việt xưa (hay cổ Hán Việt có từ thời Đường). Còn mùi, vị hiểu theo nghĩa cảm xúc bằng mũi và lưỡi là hai từ khác, và khác nghĩa, tuy cùng một gốc từ nguyên. Ngày nay, trong tiếng Hán Việt,( khong phải thuần Việt) chữ mùi chỉ có nghĩa niên lịch, ngày giờ, còn chữ vị thì thông dụng và kết hợp rộng rãi hơn. Ở Trung Quốc, tiếng Quảng Đông phát âm giống nhau : Quý Mùi (mei6) mùi lai (vị lai), nơi khác phát âm là Vị (wei4). Tiếng Việt nói : At Mùi hay At Vị, nhưng không nói tuổi Vị, giờ Vị.

***

Dê là một biểu tượng phong phú, xuất hiện lâu đời từ thời tiền sử loài người, trong đời sống vật chất và tâm linh. Sách Lĩnh Nam Chích Quái ở chương đầu tiên, về họ Hồng Bàng, đã kể lại rằng từ thời xa xưa ấy, người Việt trong hôn nhân, đã biết « giết trâu dê làm đồ lễ ». Nghĩa là con dê đã được nuôi làm gia súc và sử dụng vào việc tế lễ, nhưng không lấy gì làm bằng. Sử sách ghi lại rằng, thời Hán, 200 năm trước công nguyên, Lữ Hậu đã cấm xuất khẩu ngựa cái và dê cái sang Nam Việt để giới hạn việc chăn nuôi ở phần đất do Triệu Đà chiếm cứ.

Vào giữa thế kỷ 16, trong bài Đào Nguyên Hành, Phùng Khắc Khoan (1528-1613) tục gọi Trạng Bùng đã tả cảnh nông thôn Việt Nam :

Trâu bò, gà lợn, dê ngan,
Đầy lũ đầy đàn, rong thả khắp nơi.

***

Từ Đông sang Tây, biểu tượng dê phong phú và phức tạp. Từ dê đực sang dê cái hình tượng đã đổi giá. Dê cái là hình ảnh đáng kính yêu trong các huyền thoại phương Tây, là nghĩa mẫu của thần Zeus, là bóng dáng con người gian nan vượt núi trèo non đeo đuổi cuộc sống và lý tưởng ; sừng dê cái biểu tượng sức sản sinh phồn thịnh.

Ngược lại, dê đực tượng trưng cho mãnh lực và nhu cầu tính dục. Một chàng dê có thể đơn thân độc cước phục vụ cho cả đàn dê cái mà không mấy cực nhọc. Trong các xã hội xưa, đạo đức và tôn giáo tìm cách kìm hãm bản năng tính dục, thì sinh lực của chàng dê bị bêu riếu, phê phán, bị sử dụng như một thứ « dê tế thần, dê sứ giả » (bouc émissaire, scape coat) để ổn định xã hội. Trong khi đó, thịt dê vẫn được trân trọng « rượu nồng dê béo » vì được xem như có chất bổ dương. Chê cười dê, nhưng mong khỏe như dê.

Người đàn ông hiếu dục, Tây phương gọi là Satyre, Việt Nam gọi là dê, dê xồm, dê cụ, dê được dùng làm động từ «  dê gái ». Trong trò chơi đánh đề, mỗi con số đề có vẽ hình một súc vật : số 35 kèm hình con dê : do đó « băm lăm » có nghĩa là hiếu sắc. Và hình tượng dê, trong nghĩa tiêu cực, chỉ áp dụng cho đàn ông. Đàn bà thì gọi là ngựa. Nghiệm cho cùng hai con vật đều bị hàm oan. Con người cũng là hàm oan của quyền lực : các đấng thần linh, mẫu hậu, đế vương thì không ai dám nói rằng dê rằng ngựa.

Trong huyền thoại Hy Lạp con dê đực còn là hình tượng của thần Pan, thủy tổ của mục đồng, ngày xưa là kẻ chăn dê ; Pan sống trên non cao, thổi sáo làm bằng ống sậy để tưởng nhớ giọng nói của người yêu đã lẫn hồn vào lau lách. Dê còn làm hình tượng cho Dionyos, thần chủ của rượu nho, mặt nạ và sân khấu, do đó bi kịch, một thể loại văn học lớn lao của nhân loại, tiếng Hy Lạp là tragôidia bắt nguồn từ tragos, nghĩa là con dê đực. Vậy bi kịch là khúc dương ca, nói cho văn chương. Gọi là tiếng be he thì là vô lễ, nhưng không phải là vô lẽ.

Trong tín ngưỡng dân gian, con dê có mặt trong bảng tử vi phương Đông lẫn phương Tây. Trong lịch Trung Quốc, dê tượng trưng cho năm Mùi ; trong lịch phương Tây, Dê tên là Ngư Dương sừng dê đuôi cá : capricorne là một trong 12 chòm sao trên hoàng đạo, ứng vào ngày đông chí ở Bắc bán Cầu : ngày bắt đầu dài. Trong niềm tin dân gian, đây là điềm lành.


***

                                                          
Năm bộ da dê
                                                           Bá lý Hề, năm bộ da dê
                                                           Từ chàng ra đi
                                                           Mổ con gà mái
                                                           Nồi cơm gạo đỏ
                                                           Chừ thương thì thương
                                                           Ngày nay giàu sang
                                                           Chàng quên chăng chàng

Đây là một câu hát trong bộ truyện Đông Chu Liệt Quốc. Bá Lý Hề là nho sĩ nghèo, bốn mươi tuổi phải bỏ nhà ra đi tìm công danh, có lúc phải ăn mày, cuối cùng đi giữ trâu và chăn ngựa cho vua Sở. Tần Mục Công biết tài, muốn rước về, nhưng sợ vua Sở phỗng tay trên, chỉ chuộc bằng năm bộ da dê. Bá Lý Hề về Tần, làm tể tướng, tuổi đã bảy mươi. Người vợ già lưu lạc và nghèo khó, tìm đến xin làm gia nhân, rồi thừa dịp hát bài hát nói trên, kể lại chuyện tiễn chồng ba mươi năm trước và Bá Lý Hề nghe lời hát đã nhận ra người vợ tao khang. Câu chuyện lý thú và cảm động, và chứng tỏ là trước công nguyên, việc nuôi dê đã phổ biến, da dê đã là hàng hóa thông dụng. Dĩ nhiên Đông Chu Liệt Quốc là tiểu thuyết viết sau này, nhưng cũng dựa vào tư liệu lịch sử.
Cùng thời chiến quốc (453-221 trước công nguyên) sách Trang Tử đã có kể chuyên người bán thịt dê nước Sở, có công phò vua, nhưng từ chối công khanh. Sách Liệt Tử, cùng thời, kể chuyện một con dê mất, nhiều người đi tìm, nhưng không kiếm ra vì đường đời lắm ngã rẽ.

Trong điển cố phổ biến, có chuyện vua Tấn Vũ Đế đi xe dê vào hậu cung và các cung nữ rắc lá dâu trộn muối để cho dê dừng lại. Nên Nguyễn gia Thiều (1741-1791) trong Cung Oán Ngâm Khúc đã có câu :

                                                         Phải duyên hương lửa cùng nhau
                                                         Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào

và nhiều lần dùng chữ hán dương xa.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) không cần dùng đến điển cổ ngoại nhập, mà chỉ xử dụng thành ngữ  treo đầu dê bán thịt chó :
                                                         Lận thế treo dê mang bán chó
                                                         Lập danh cỡi hạc lại đeo tiền

(Lận nghĩa là lừa dối, trong từ gian lận, biển lận) câu thơ đồng thời chứng tỏ thành ngữ nói trên phải có từ lâu, và con dê là món hàng phổ cập.

Tuy nhiên trong dân gian, nổi tiếng nhất là chuyện Tô Vũ chăn dê. Thời Hán Vũ Đế (141-87), Tô Vũ đi sứ Hung Nô, bị vua Thuyền Vu bắt giữ, đày lên miền Bắc Hải chăn dê, hẹn khi dê đực đẻ con mới được phóng thích, và loan tin Tô Vũ đã chết. Mười chín năm sau, Hồ Hán giảng hòa, sứ nhà Hán bịa đặt chuyện vua Hán nhận được thư Tô Vũ buộc vào chân nhạn, Thuyền Vu hoảng sợ mới trả Tô Vũ. Trong cõi lưu đày, Tô Vũ đã kết bạn với một con vượn cái. Chuyện Tô Vũ, với nội dung cảm động và nhiều tình tiết éo le đã là một đề tài nghệ thuật, cho nhiều tranh tượng, và điệu hát dân gian.

***

Lê Thánh Tông (1442-1497) đã có hai bài Vịnh Tô Vũ , trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập :

                                                         Biển bắc xuân chầy dê chẳng nghén
                                                         Trời nam thu thẳm nhạn không thông
Phải chăng đây là lần đầu, con dê, và tên dê, xuất hiện trong văn học quốc âm, nếu quả thật là thơ Hồng Đức. Vì bài này lại thấy trong truyện nôm Tô Công phụng sứ, khuyết danh, gồm có 24 bài đường luật, tương truyền có từ thời Mạc, thế kỷ 16, nhân chuyện Lê quang Bí đi sứ Trung Quốc, bị nhà Minh giữ lại 18 năm ở Nam Ninh, giống Tô Vũ ; truyện có những câu hay :

Hơi dê hãy ngấu manh tơi lá
Tuyết nhạn còn in cái tóc lông

Ý nhắc hoàn cảnh người chăn dê sống chung với dê, quần áo đượm mùi dê, lông tóc trắng màu lông nhạn nơi Bắc Hải.

Trong Hồng Đức Quốc Âm thi tập, còn có hình ảnh con dê độc lập, đi thẳng từ thiên nhiên vào thi ca, mà không qua điển cố văn học, trong bài Tương Phùng :

                                                         Ong già buông nọc châm hoa rữa
                                                         Dê yếu văng sừng húc dậu thưa

Nếu quả thực là tác phẩm Lê Thánh Tông, hay một người nào khác trong nhóm Tao Đàn, thì câu thơ Việt Nam, từ thế kỷ 15 đã sắc cạnh, súc tích và hiện đại. Nó sẽ tái sinh trong hai câu cuối một bài thơ được gán cho Hồ xuân Hương, đầu thế kỷ 19, Mắng học trò dốt :

                                                         Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
                                                         Lại đây cho chị dạy làm thơ
                                                         Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
                                                         Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa

Hai câu trước chỉ được phần đanh đá. Hai câu sau giàu hình tượng sắc sảo, nhưng không do Hồ xuân Hương sáng tạo ; bà có công điều chỉnh một số chữ nôm tinh vi và tinh quái. Đặc biệt câu cuối hàm súc, đa hiệu. Tách rời khỏi văn cảnh và câu chuyện mắng mỏ người khác, dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa  có thể mang ý nghĩa khác, đa mang chút âm hao u hoài, xa vắng.


***

Ta có từ “lục súc“ để chỉ sáu con vật được chăn nuôi trong phạm vi gia đình nông dân : trâu, ngựa, dê, gà, heo, chó. Nhưng đây là thành ngữ Trung Quốc, có trong sách vở từ thời đầu công nguyên.

Truyện Nôm Lục Súc Tranh Công của ta cũng dựa theo sử sách Tàu, chứ thật ra việc nuôi dê không mấy phổ biến. Trong truyện ngụ ngôn nói trên ra đời tại Huế, vào thời nhà Nguyễn, con dê chỉ được sử dụng trong việc tế lễ :

Dê vốn thật thuộc loài tế lễ
... Để hòng khi tế thánh tế thần,
... Hễ có việc lấy dê làm trước,
Dê dâng vào người mới lạy sau.

Nhưng lịch sử, tình cờ, đã tạo hai hình ảnh dê thật đẹp trong thơ Bùi Giáng và Lê Đạt.

Cuộc kháng chiến chống Pháp đã đưa Bùi Giáng đi “chăn dê một đoạn đời 15 năm ở núi đồi Nam Ngãi Bình Phú“, như ông kể lại trong bài thơ Nỗi lòng Tô Vũ (Mưa Nguồn – 1962). Một bài thơ hay, thi vị và đằm thắm. Đàn dê trong thơ Bùi Giáng tự do nhảy múa, tha hồ be he, bé hé, bế hế, bê hê, tung tăng những bộ lông rực rỡ, trong chiếc vòng nhiều màu sắc do nhà thơ thoăn thoắt bện :

Này em Đen chiếc vòng vàng tươi lắm
Này em Vàng chiếc trắng há mờ đâu
Này em Trắng chiếc hồng càng lóng lánh
Này đây em Hoa Cà hỡi ! chiếc nâu.

Và nhà thơ bỏ công ghi chú : Dê Hoa Cà có sắc lông lổ đổ tía hồng xem như hoa cà vậy. Đẹp vô cùng. Nhất là buổi chiều, sắc lông óng ả dưới nắng vàng – xa xa hình bóng dê rực rỡ bổi bật trên sườn núi xanh lơ. Dê Hoa Cà còn gọi là Dê Sao, vì lông lổ đổ sáng như sao...
... Cái lần đầu, thuở 20 tuổi trao cái vòng ngọc cho vị hôn thê mà không cảm động bằng lần đeo vòng cho dê vậy (tr.151).

Ngẩng đầu lên nhìn anh mờ mắt lệ
Từ lần đầu vòng ngọc tuổi hai mươi
Trao người em trăm năm lời ước thệ
Đây lần đầu cảm động nhất mà thôi.

Vòng em xong, vòng anh dành riêng chiếc
Dành riêng mình – dê hỡi hiểu vì sao ?
Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
Gán đời mình trọn kiếp với dê Sao.

Nhìn anh đây các em Vàng Đen Trắng
Tía Hoa Cà lổ đổ thấu lòng chưa ?
Từ từ đưa chiếc vòng lên thủng thẳng
Anh từ từ đưa xuống cổ đong đưa

Và giờ đây một lời thề đã thốt
Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta
Cao lời ca bê hê em cùng thốt
Hòa cùng lời anh nghẹn nỗi thiết tha.

Về vẻ đẹp của một loài súc vật, và tình người với nó, tưởng trong văn học không mấy khi có những trang đằm thắm và tráng lệ như trong thơ Bùi Giáng.

Mươi năm trước, Bùi Giáng đã tự nguyện đi chăn bò, chăn dê trên rừng núi Trung Trung Bộ. Mươi năm sau, nhà thơ Lê Đạt bị khổ sai làm một việc tương tợ, trong chương trình lao động cải tạo sau vụ án Nhân văn Giai Phẩm, tại vùng đồi núi Chí Linh, Bắc Bộ, từ tháng 8-1958 đến tháng 2-1959. Phải chăng trong thời kỳ này ông đã sáng tác, hay thai nghén bài Ông cụ chăn Dê trong tập thơ Bóng Chữ (1994) mở đầu bằng chân trời mông lung :

Ông cụ mịt mù dê phía núi
Ríu rít làng và khói xóm lưng

Thơ Lê Đạt tân kỳ, đôi khi cầu kỳ, nhưng có nhiều đoạn trong sáng :

Đàn dê bỏm bẻm trăng
Mấy lũn cũn dê con
Chân tân tất trắng
Vểnh râu thang gọi
Be he ông

Bỏm bẻm trăng là một hình ảnh sáng tạo độc đáo, vừa cụ thể vừa thơ mộng, gợi hình : một khuôn mặt già hom hem, nhá bánh tráng nướng, đối lập với đám dê lũn cũn – mà Hồ xuân Hương gọi là “dê cỏn“ - chân tân tất trắng. Từ ngữ “tân tất“ mới mẻ, táo bạo, sang trọng. Có lúc Lê Đạt đồng hóa đàn dê với sao trời, hay “Bóng Chữ“ lay động trên trang giấy

Đếm đi đếm lại
Một con dê trắng... hai con trắng dê
Ba con dê trắng
Dê hằng hà nghìn lẻ vỗ bạch đêm
Ơ những con A, con Bê, con Xê
Con Dê
bản trang trang trắng thảo thơm

Cũng như trong thơ Bùi Giáng, không mấy khi trong ngôn ngữ, bình thường hay văn học, con dê được trọng vọng như vậy.
Và đây là niềm tin cuộc sống, ở vũ trụ và con người, qua tiếng be he đón xuân :

Rừng động xanh
Ai đừng được xuân
Mấy dê non buồn sừng húc gió
Cẫng lên cỡn lên
Be he xuân
                              (tr. 58-61)

Phải đặt bài thơ vào những năm 1958-1959 gian lao của tác giả, đồng cảnh với nhiều bạn văn bạn thơ đồng hội đồng thuyền khác, mới thấy được sức sống mãnh liệt của con người qua văn học và biết trân trọng tiếng nói của văn học.

Từ con dê non ngây thơ khao khát tự do, chết vì tự do, trong truyện ngắn của Alphonse Daudet, đến hình ảnh con dê chon von trên đỉnh núi, tận cùng của dấu thỏ dường dê, chim kêu vượn hú tứ bề núi non, trong truyện Lục vân Tiên, chúng ta tìm thấy một hình ảnh dê hiền lành, kham khổ, nạn nhân của phong tục, lễ nghi và bia miệng.

***

Nhân chuyện dê năm Mùi, chúng ta ôn lại một số chuyện văn học và văn hóa.

Thành ngữ và thành kiến « dê băm lăm » có lẽ chỉ xuất hiện trong dân gian về sau, do ảnh hưởng phương Tây. Trong văn chương truyền khẩu hay văn bản xưa chúng ta không gặp những câu xúc phạm đến dê. Ngược lại những thành ngữ như « treo đầu dê bán thịt chó », hay  « kêu như dê tế đền »  tạo hình ảnh đáng thương một con vật hiền lành, vô tội, oan khuất, bị lợi dụng hay hy sinh -- và từ thuở Hồng Bàng hồng hoang thời nảo thời nao.

Ngược lại, ngày nay chúng ta đang có những bài thơ hiện đại xuất sắc, khôi phục danh tiết cho con dê, mà chúng ta nhớ lại nhân ngày Tết Ất Mùi.

Đồng thời, lần theo « đường dê » -  mà Nguyễn Trãi trong thơ Nôm ngày xưa có lần gọi là « dương trường đường hiểm khúc co que » -  chúng ta ghi dấu vài bước chân trong quá trình Thơ Quốc Âm từ buổi sơ nguyên, đến những bài thơ Việt Nam hiện đại nhất.

Đặng Tiến
Xuân Ất Mùi, 2013




[1] Thơ Huy Cận