Thursday, April 9, 2015

Thơ ĐINH CƯỜNG Khi nhìn tranh Nguyễn Quang Chơn vẽ mẹ

Mother by Chagall


Thuở mẹ ru
Mẹ ru con ngủ
Con ngủ trên mây
Con ngủ trên mây 

(Trịnh Công Sơn)

Gởi Lữ Quỳnh,

Nhắc mẹ bao giờ cũng cảm động
Cám ơn Chơn đã vẽ mẹ chung
Chiều xuân mẹ về bên thềm cửa
Hay cội anh đào nở mấy bông…

Virginia, April 8, 2015
Đinh Cường

Monday, April 6, 2015

QUA MỸ

Những Việt kiều về thăm quê hương. Thường được bà con, bè bạn quí mến. Đón đưa tận sân bay. Ngày ngày hết thăm nơi này, lại viếng nơi kia. Việt kiều nhớ quê hương, thương kỷ niệm nên muốn đi khắp nơi, muốn ăn đủ thứ. Chỗ nào cũng thích, ăn gì cũng ngon. La cà suốt ngày không thấy chán... Rồi thấy bạn bè anh em chân tình quá nên thường nói câu. Bao giờ có dịp qua bển nhớ gọi mình nghe. Nhớ gọi mình nghe...Quí lắm!...

Mà qua bển. Ở bển hổng giống ở mình. Ở bển mọi người đều tất bật đi làm. Chỗ làm thường lái xe vài tiếng đồng hồ. Ra đi vội vàng từ sáng sớm, chiều về đến nhà là tối mịt. Mà lơ tơ mơ là lay off (mất việc) như không, nên chăm chỉ và kỷ luật lắm. Ở bển đàn ông là vai phụ. Vai chính là đàn bà, trẻ con và súc vật. Nên ở bển ông đi làm ở hãng về nhà rồi thì ông cũng khó đi đâu!...

Mà lại bị nghiêm cấm lái xe khi có men bia. Ở bển đến nhà nhau thường mất vài chục phút lái xe vù vù trên free way, nhức đầu lắm. Ở bển cái chi cũng phải có 
plan (kế hoạch). Ngày nghỉ mà lông bông đâu đó bỏ bê vợ con thì coi chừng, có ngày ra đường mà ở!...

Bởi vậy. Ở bển không như ở ta, bạn bè về là nghỉ, đón tận sân bay, rồi kéo ra quán ngồi nhậu ngất nga ngất ngưỡng, rồi kéo vô karaoke, rồi rủ vào massage..., đi cả ngày về nhà đỏ gay, lè nhè. Vợ có hỏi đi đâu. Ờ, tiếp thằng A ở về Mỹ về. Vợ cũng ok. Ok vì lâu lâu bạn bè ở bển mới về. Mà không ok cũng có được đâu!...

Bởi ở bển bận bịu lắm nên khi nghe người quen ở VN qua là bạn phải xin một ngày ...bịnh để đưa bạn đi...ăn phở. Rồi đi uống cà phê. Rồi...về. Vì hết giờ! Ở bển ăn sáng ăn trưa là một!

Nhậu ngoài đường thì không dám liều vì bị tước bằng lái như chơi. Giỏi lắm thì mời bạn về nhà một tối. Cơm nước thì ê chề, ngon lắm, vì Mỹ mà! Cái chi không có. Cứ order rồi to go về thôi. So với đồng lương bên Mỹ thì một bữa tiệc 100, 200 đô rẻ rề! Mà đối với dân "Việt gian", nhậu ở nhà ở Mỹ thì dzui chi! Vợ và con nghiêm túc quá, đâu có nói bậy được. Đặc biệt là mấy đứa nhỏ đã Mỹ hoá, đâu có chịu nỗi kiểu bỗ bã VN. Ồn ào, nói tục là bị complain (phàn nàn) như chơi. Nhậu mà cứ như họp chi bộ không bằng! Vì vậy nhậu ở nhà Mỹ cũng có khác nhậu ở VN. Ồn ào quá hàng xóm gọi 119 cũng phiền!...

Nên có nhiều người được qua Mỹ mấy ngày. Gọi bạn. Ngày thường thì bạn chịu chết. Busy. Ngày weekend thì trưa bạn đón đưa đến chợ Việt Nam làm tô phở. Ngồi cà phê tán chuyện trước 75 sau 75 rồi về nằm một mình ở nhà bà con hay motel, bước ra bước vô. Tiếng không biết. Xe không có. Mà có cũng không dám lái. Taxi thì không thông dụng. Xe ôm cũng không. Buồn chán lắm... Nằm lên nằm xuống chờ người nhà về, chờ bạn bè rảnh... Buồn, nhiều khi lại trách!...

Trách bởi vì chưa hiểu bên bển thôi. Bên bển khác mình. Mình thì tự do vô lối. Làm nhà nước lương bổng ì xèo, giờ giấc lung tung. Còn bên bển thì tự do có tổ chức. Có pháp luật. Mất job là mất nhà, mất vợ! Vì vậy. Ở bển đâu có kêu đâu chạy đó được. Đâu có muốn nhậu chỗ mô cũng ok. Đâu phải mọi ngày trong tuần đều là chủ nhật. Nên phải cảm thông!...

Qua bển. Muốn vui phải báo trước, phải có kế hoạch cả tháng nghe cha!

Biết rồi thì nếu có qua lại Mỹ, thấy bạn bè dzậy cũng đừng trách cứ, đừng buồn vẩn vơ, tội bạn!...

06.4.15
NQC, nhân có người bạn lần đầu đi Mỹ về than phiền bè bạn

Bức vẽ mẹ

Nhóm bạn kéo đến thăm anh bị ngã xe gãy tay. Anh ngồi đó, cánh tay băng trắng. Mẹ anh một bên, mắt nhìn anh thương xót. Mẹ ra dấu nhắc anh lấy nước tiếp khách. Tóc mẹ trắng xoá. Mặt mẹ nhăn nheo...

Nhà anh theo đạo tin lành. Tôi chưa thấy cặp vợ chồng nào như anh. Hai con đi học ở nước ngoài. Đã bao năm anh và chị chăm sóc ông bà cụ thân sinh anh. Năm kia cụ ông mất lúc 100 tuổi. Năm nay cụ bà cũng vừa 100!...

Đã hơn chục năm, các cụ yếu và lãng, không tự ăn uống, tiểu tiện được. Anh chị phải lo tất cả. Ông bà lúc nhớ lúc không. Và đặc biệt nghiêm khắc với anh chị như những ngày anh chị mới cưới nhau. Cười cũng không được. Ồn cũng không xong. Vắng nhà lâu cũng trách móc. Đút ăn không vừa lòng cũng mắng la!...

Biết chuyện nên tôivẫn thầm phục ở anh lòng hiếu thảo. Nhưng tôi phục chị hơn bởi nỗi phi thường! Nỗi phi thường của nàng dâu đối với mẹ cha chồng! 

Anh bạn tôi ĐC thường tuyên. Đối với tôi, ai yêu quí cha mẹ là anh hùng! Và tôi cũng muốn nói. Anh chị đối với tôi. Anh chị là anh hùng!...

Đêm nay, anh và mẹ tiếp chúng tôi. Mẹ không nói được. Chỉ ra dấu cho anh lấy nước tiếp bạn bè. Mẹ vẫn hiền dịu và nghiêm khắc với anh như. Có lẽ. Khi anh còn tuổi ấu thơ, lúc đưa bạn về nhà. Mặc dầu. Nay anh đã quá 60 và đang rót rượu mời khách!...

Nhìn mẹ. Tôi thấy mẹ đẹp. Mẹ đẹp. Và tôi nhớ mẹ tôi. Và tôi xin anh cho tôi vẽ mẹ!...

Và tôi vẽ mẹ. Tôi đang vẽ mẹ anh. Không. Tôi đang vẽ mẹ tôi. Đang vẽ mẹ anh ĐC. Đang vẽ mẹ anh TCS. Đang vẽ mẹ nhiều lắm bạn bè... Và tôi khóc. Và tôi hát. Tôi vẽ mẹ trong tiếng hát, trong nước mắt. Tôi thấy mẹ bay bay. Tôi thấy tôi hiu hắt. Tôi thấy quanh tôi là bầu trời bồng bềnh. Tôi kéo từng nét thật chậm. Mẹ, mẹ...

" Rồi một ngày nào đó con về, nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu, rồi nói với mẹ rằng, mẹ ơi, mẹ có biết hay không? Biết gì? Biết là, con yêu mẹ không?..."

NQC
ĐN, 06.4.15

GOLFER HỌ GÌ?

Trời đất. Hỏi chi tức cười vậy? Golfer cũng là anh, là tôi, là những người chơi golf. Thì cũng họ Nguyễn, họ Trần, họ Lê, họ Phạm..., sao anh lại hỏi họ gì?!

Tôi thấy dường như các gốp phờ đều là họ Đỗ! Trời nắng thì đổ cho nóng quá. Trời lạnh thì đổ cho cóng tay. Trời hiu hiu thì đổ cho gió. Đổ cho...everything là chuyện thường tình!

Tôi là họ Nguyễn nhưng cũng thường mang họ Đỗ. Đổ vì tôi hay nhậu. Ra sân thường bể tùm lum. Vậy rượu bia chính là thùng rác cho tôi đổ...

Tôi có ông bạn nghiện golf...độ, nhưng swing không ổn. Thắng thì thôi. Thua thì anh đổ cho...gậy! Có tiền nên anh đổi gậy hoài. Cứ ra sân tập, thấy ai chơi hay thì anh mượn swing thử, và thường thì rất đẹp. Vậy là anh đổi gậy. Golf mình,... gậy người mà!

Một ông khác. Tổng giám đốc một công ty lớn. Ông chơi golf nhiều năm mà vẫn ì ạch 25-30 gậy. Chơi với ông nhiều lần tôi thấy ông đổ bắt phiền. Hết đổ cho cỏ. Ông lại đổ cho caddy. Các cháu sợ ông lắm. Một lần tôi phải nói với ông. Chơi golf là tự hoàn chỉnh mình. Phải " tiên trách kỷ, hậu trách nhân" thì mới ok được. Mỗi vị trí trên sân golf là mỗi tình huống khác nhau. Đôi khi mỗi một gang tay cũng đã là  thiên đường hay địa ngục. Vì vậy, anh phải thật bình tâm và nên ra sân tập nhiều hơn để hoàn thiện swing của mình. Và, dường như ông cũng đã nghe tôi nên mấy cuộc chơi gần đây, ông đã bớt dần họ Đỗ!

Đặc biệt là mấy ông chơi độ chuyên nghiệp. Đánh dở không đổ cho ai được nên đổ caddy. Nào là răng không nói cho tau biết phía trước có nước. Nào là răng không bảo cho tau gió thổi từ trái sang. Và thậm chí. Tuổi Hợi của mi xung với tuổi Dần của tau nên mi làm tau bể!

Đổ hình như là thuộc tính của gốp phờ VN. Có ông quan chơi golf. Cú driver của ông slide vô rừng. Ông quay qua thằng bạn. Mi để điện thoại trên xe rung làm tau đánh không được!...

Mới hôm qua đó thôi. Tôi và 3 người bạn ra sân. Một lỗ par 5. Tôi phát bóng đẹp, thẳng và xa nhất. Second shot của tôi cũng thật tuyệt vời. Ba người bạn tôi thì lệch lạc, bunker tùm lum. Còn khoảng chừng hơn 100 yards, tôi hỏi caddy, bao nhiêu xa nữa con. Con bé bảo 120 yrd. Tôi lấy cây sắt số 9. Quả bóng bay ngọt xớt về đúng hướng cờ. Nhưng over tít sang gần tee box hố tiếp theo. Tôi mất cả birdie, cả par trong nuối tiếc. Các bạn chơi hỏi tôi đánh gậy gì. Tôi bảo. Caddy bảo 120 yards và mình chơi gậy số 9. Mọi người ồ lên. Vớ vẩn. Con bé sai bét. Vị trí bóng của anh chỗ đó khoảng 100 yrd là cùng. Mà lại gió xuôi nữa...

Buồn phiền. Tôi đổ. Ừ, gió xuôi. Con bé mới làm chưa thuộc fairway. Và tôi biết mình là Đỗ Nguyễn Quang Chơn!

NQC, 28.1.15


Sunday, April 5, 2015

MỘT GIỜ TRONG PHÒNG CẤP CỨU BỆNH VIỆN

Vừa từ sân bay bước vào nhà. Chuông điện thoại reo. Một người bạn báo. Anh Tr. vừa bị ngã xe, gãy tay, đang cấp cứu ở bệnh viện đa khoa, anh quen biết nhiều nhờ đến giúp giùm. Tr. là người bạn cùng bơi biển với tôi mỗi ngày, tuổi cũng trên 60. Vui vẻ. Quảng giao...

Tôi chạy vội đến phòng cấp cứu. Tr đang nằm trên giường, vừa ôm cánh tay, vừa la đau oi ói. Anh bảo. Đang đi lên nhà người bạn. Một cậu thanh niên phóng lên kéo tay lái anh làm anh ngã. Anh chống tay và rồi cánh tay như gãy. Cậu thanh niên chạy luôn. Anh gọi bạn đưa đến đây!...

Bác sĩ đã xem cho anh và đưa đi chụp X ray để xem vết gãy để có phương án chữa trị...

Trong lúc chờ kết quả phim và bác sĩ chuyên ngành xuống xem. Tôi ngồi bên động viên anh chịu cơn đau.

Một giờ trong phòng cấp cứu mà sao quá nhiều sự kiện. Một người đàn ông mặt mày be bét máu, đang bất tỉnh. Các y tá, bác sĩ xúm quanh. Anh ta bị tai nạn xe máy. Một ông cụ hơn 80 đang bất tỉnh nhân sự được đưa vào, đưa cụ đi có ông lão khoảng trên 60, chắc là con trai đưa cha vào viện cùng vài bà sồn sồn, chắc con gái hoặc dâu. Cụ ông được bác sĩ xem xét kỹ và sau đó tôi thấy họ banh miệng cụ ra để bơm hay nhét cái gì vào đó. Một cô y tá kéo dương vật ông cụ ra và cố đẩy vào lỗ tiểu một đường ống dài, nối với một túi nilon...

Xe cấp cứu lại đẩy vào một cố gái trẻ. Đi theo là một cô bé trẻ hơn. Bác sĩ hỏi. Cô bé bảo chị này cùng dãy nhà trọ. Đang ngồi bỗng nhiên ngất xỉu. Hỏi tên họ. Chỉ biết gọi chị Quỳnh, còn họ và quê quán ở đâu thì không biết. Tôi thấy bác sĩ soi mí mắt, thăm khám, đo huyết áp..., cô gái vẫn mê man...

Lại đẩy vào một bà cụ khoảng trên 70. Rên hư hử và chỉ nằm nghiêng không nằm thẳng được. Người nhà đưa đi là người con cũng nhăn nheo già nua...

Những tiếng rên đau đớn. Những khuôn mặt lo lắng. Những bóng trắng y bác sĩ chạy qua chạy lại. Những tiếng xe cấp cứu dừng lại, đẩy bệnh nhân vào. Phòng cấp cứu buổi tối cuối tuần thật là căng thẳng, thật là bận rộn, máu và nước mắt và những khuôn mặt âu lo...

Chợt nghĩ về qui luật sinh lão bệnh tử. Tử thì phải tử rồi nhưng mong là đừng phải vào bệnh viện. Một giờ ở phòng cấp cứu thấy sao đời người mong manh mà cũng sao dai dẵng. Người trẻ thì bỗng nhiên ngã chết. Người đã 80, 90 thì được cấp cứu lại sống. Chết hình như cái số. Muốn chết cũng đâu có dễ. Muốn sống cũng đâu có gì đảm bảo. Một người nổi tiếng ở thành phố tôi to như gấu. Khoẻ như voi. Chơi thể thao đam mê. Vậy mà bổng nhiên lòi ra bệnh trọng rồi chết. Chẳng ai tin được. Ngay cả ông chắc cũng vậy!

Một giờ trong phòng cấp cứu. Thấy tử sinh là lẽ vô thường. Nghĩ về mình. Thấy đã tuổi sáu mươi. Đã sống khá đủ. Việc gia đình. Việc xã hội. Việc anh em bè bạn. Cũng đã xong. Có đi thì cũng được rồi. Vui thôi. Xin đừng sống quá dai dẳng như ông cụ, bà cụ mình nhìn thấy tối nay. 

Một giờ trong phòng cấp cứu. Về nhà cứ bần thần, ngẩn ngơ hoài...

NQC, thứ bảy, 4.4.15