Saturday, June 25, 2016

Chị Hy

       Chị Hy, sơn dầu trên bố
          Nguyễn Quang Chơn

Thursday, June 23, 2016

Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm

Nghe hoài, đọc hoài kinh Kim Cang ghi lời Đức Phật thuyết giảng cho Tu Bồ Đề. Kinh cao siêu quá. Nhiều thầy quá. Nhiều sách quá. Nhiều giảng luận quá...

Mình tù mù. Mình lơ mơ... Ông Lục Tổ Huệ Năng đang nấu bếp. Nghe câu kinh này hoát nhiên đại ngộ. Mình nghe đi nghe lại, nhớ nhớ quên quên. Đọc lộn tới lộn lui..., khi thì ưng vô trụ sở, lúc thì ưng trụ vô sở, lúc thì kỳ tâm sinh nhi...

Khổ, đã học Phật thì phải có duyên mới tới được. Ông cứ lo làm business, đi mây về gió, hợp đồng ký tới ký lui hàng trăm tỷ. Lúc thì chơi gôn, lúc thì nhậu nhẹt, lúc nữa masage..., thì tâm duyên ông ở đâu mà nhập được vào Phật pháp? Mà, biểu ông "vô sở trụ" thì làm răng đây? Ít ra ông cũng phải trụ vào chuyên môn, vào pháp luật, vào những hợp đồng mẫu..., và vào niềm tin đối tác nữa chứ. Vô sở trụ. Rồi vô sở đắc. Rồi vô sở hành. Rồi vô sở...tùm lum thì sẽ đi đến đâu. Chưa đắc đạo đã phải vào vòng lao lý chắc!...

Đức Phật dạy thì quá đúng rồi. Vì chư tướng có đó mà mất đó. Dựa vào những cái thoắt ẩn thoắt hiện đó thì sao mà đến Như Lai được. Nhưng Phật dạy Tu Bồ Đề, chư thiện nam tín nữ là để làm người, thành bồ tát, thành Phật, chứ không phải thành...đại gia, thành...business gia, đặc biệt, trong bối cảnh Việt nam ta nay. Vô pháp, vô nhân, vô đạo...

Phàm làm người. Cái tôi là lớn nhất. Nhớ câu thành ngữ Pháp "cái tôi là cái đáng ghét!"  Quả thật vậy. Ai cũng có cái tôi. Ai cũng có cái ngã. Và thường thì cái tôi của mình to quá. To hơn những cái tôi người khác. Chính vì thế mà. Muôn sự đua tranh. Không ai chịu thua ai!...

Chấp ngã. Chính là những nỗi hằn học. Những ghen ghét, bực dọc. Cái tôi bự làm cái ngã to. Cái ngã to làm cái tính ích kỷ, tự kỷ lớn. Thấy mình là cây đinh của vũ trụ, nhân vật trung tâm của mọi nhà. Vì vậy. Ai góp một câu phật ý. Ai phê một chữ không hài lòng. Ai nói một điều không thuận nhĩ. Là nổi sùng lên, nổi giận lên, nổi điên lên. Cái tôi bùng lên như một cơn kình nộ. Kẻ có chức có quyền thì ra oai bắt nạt. Kẻ có chữ có nghĩa thì miệt mài buông rủa. Kẻ bình thường thì trợn mắt phùng mang... Cái tôi lớn thường làm cho con người nhỏ đi. Và, thường mất hết bạn bè. Làm mình cô độc...

Đức Phật 49 năm đi giảng đạo rồi người cũng phủ nhận người. Cũng phủ nhận pháp. Cũng nói rằng ta có nói cái gì đâu, có giảng một chữ nào đâu. Bởi Phật ở trong các ngươi thôi. Pháp ở trong trí huệ ngươi thôi. Cư sĩ thành Phật đã đành, kẻ ăn mày cũng thành Phật, đồ tể buông dao chẳng cũng thành Phật đó sao!... Vậy hà cớ gì ông lại là cây đinh vũ trụ. Là chân lý của mọi người. Bởi chấp ngã như vậy nên mới sanh ra thập tự chinh, nên mới sinh ra chiến tranh lạnh, nên mới sinh ra IS. Nên mới khổ đau!

Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm! Vậy thì trụ vào cái chi để sống đây? Trụ vào ngay câu vô sở trụ. Vào ngay "sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị" vậy!

Để không hoa mắt, hoa tâm trong cõi thường hằng! Để yêu đời, yêu người và hỷ xả, thanh tịnh...

Nguyễn Quang Chơn
23.6.16
Lan man lời kinh

Wednesday, June 22, 2016

Hoa cẩm chướng

                  Sơn dầu trên bố
             Nguyễn Quang Chơn

Đi thăm nhà thơ Phạm Ngọc Lư


Nhà thơ Phạm Ngọc Lư sinh 1946 tại Huế, tốt nghiệp ban Hán văn, đại học văn khoa Huế, dạy học tại Tuy Hoà. Ông làm thơ hay và nổi tiếng từ trước 1975. Bài thơ nhiều người biết nhất là "Biên Cương hành" ông viết năm 1972, đăng đầu tiên trên Văn. Giọng thơ hào sảng, bi hùng, gần gần với Tây tiến của Quang Dũng nên rất được nhiều bạn đọc, thanh niên, lính tráng ưa thích... Sau 1975, anh về ngụ cư Đà nẵng. Anh vẫn làm nhiều bài thơ rất hay về thân phận, bè bạn, quê hương như "Đề thơ trước mộ Thanh Xuân", "Quá giang tự vịnh", "Ngập ngừng trông núi"...

Sau tết Bính thân 2016, anh phát hiện mình đau nhức trong xương và có một khối u nơi cổ. Khi mổ khối u và sinh thiết. Bệnh viện phát hiện anh bị cancer phổi. Vậy là anh phải vào bệnh viện ung bướu ĐN chữa trị, rồi hoá trị....

Tôi yêu quí thơ anh mà chưa gặp anh, và cũng không ngờ rằng anh đang sống ĐN. Gần đây nhận email Trần Thị Nguyệt Mai, nói anh PNL bệnh nặng, đang điều trị ĐN, báo để anh đến thăm. Lúc đó mình đang bận việc nơi xa...

Hôm nay chủ nhật. Đà nẵng trời còn nắng dữ, trốn mình trong phòng vẽ. Chợt nghĩ, không biết lát sẽ tìm thăm PNL từ đâu?!!!... Đang quệt những vệt màu thì nghe phone. "Sư thầy" Đỗ Hồng Ngọc gọi từ SG. 

"Alo. Anh Ngọc khoẻ không? Khoẻ. Đang làm gì đó? Dạ vẽ. Dữ hỉ. Kỳ này hứng chi mà chuyển sang tĩnh vật, vẽ nhiều hoa vậy? Dạ, em không có hoa thật nên vẽ hoa tưởng. Anh lúc nào cũng nhiều hoa bên mình nên đâu cần vẽ. Hì hì, mình đang có chuyện muốn nói với Chơn. Phải chuyện anh PNL bị bệnh không? Ủa. Sao tài vậy, đang định báo Chơn đến thăm xem bệnh tình ra sao. Nghe nặng, mình lo? Dạ, em cũng đang định chiều nay đi thăm mà không biết ở bệnh viện Đa khoa hay bệnh viện Ung bướu? Mình có số nhà và số phone đây...."

Đúng là thần giao cách cảm. Đang muốn tìm đường thì có người chỉ đường ngay!

Reng, reng.... "Alo, xin lỗi phải người nhà anh PNL?" Một giọng Huế nhẹ nhàng dễ thương. "Dạ không. Anh nhầm số rồi ạ". Thật đúng như ĐH Ngọc nói, tên Phạm Hà Giao của số phone này là con anh Lư nhưng trai hay gái mình không biết đó nghe. Cái tên PHG ni nghe cũng rất "femal" giống Đỗ Hồng Ngọc lắm!..

Kiểm tra lại thì ra mình bấm nhầm 0935... thành 0930...,và rồi thì cũng gặp Giao, con trai anh, và biết số phòng, rồi đến thăm anh...

Anh Lư vẫn tinh anh lắm mặc dù đã hai lần trải qua hoá trị. Tóc vẫn còn nhiều. Đôi mắt vẫn nhìn sâu vào hồn người. Vóc dáng vẫn sư phạm... Chị Quí, vợ anh vui mừng đón khách. Bệnh viện còn mới, sạch sẽ. Anh chuyện trò hóm hỉnh, thần sắc tươi vui...

Trên đầu giường có hai cuốn Thư Quán Bản Thảo số 70, phát hành tháng 6, 2016. Anh bảo, mấy anh chị bên Mỹ sợ mình đi sớm nên in gấp để mình còn đọc, được đọc trước khi đi cũng vui lắm Chơn! Cái tình văn nghệ anh em xưa thật là đáng quí. Nay từng người lần lượt ra đi. Biết là luật tử sinh sao vẫn bùi ngùi!...

Thấy anh vui, mình mời anh xuống canteen ngồi. Anh uống sữa, mình một lon bia. Ngoài sân, những nhóm thanh niên thiện nguyện làm văn nghệ hát hò cho bệnh nhân vui..., anh lấy bút ký lên TQBT tặng mình, tay hơi run nhưng nét chữ còn đẹp lắm!


Mình bảo, anh tặng Chơn sách thì Chơn tặng lại anh dessin nhé. Rồi thì lấy bút của anh và lật trang bìa cuối ký hoạ nhanh. Anh PNL hiện ra vẫn lắng sâu, bi tráng của một "Biên Cương Hành"...

Mấy người bệnh ngồi xem trầm trồ khen giống. Rồi một anh xin một chân dung. Mình ừ nhưng không có giấy. Anh chạy vào caisser xin được một tờ giấy kẻ ô học trò. Thôi kệ. Mình vẽ, rồi thấy anh cầm bức hoạ rơm rớm nước mắt cảm ơn, nói, sẽ bảo con đóng khung, sau này treo trên bàn thờ làm kỷ niệm! Mình thấy lòng vui mà không khỏi bâng khuâng xao xuyến bồi hồi!...

Chia tay anh Phạm Ngọc Lư. Bốn giờ rồi mà chiều vẫn chưa tắt nắng. Gió phía biển thổi vào mát lạnh. Chụp cùng anh một bức kỷ niệm. Nói với anh. Buồn và vui. Ôi cuộc đời. Buồn và vui bất chợt. Nói với chị Quí, em sẽ còn lên thăm, sẽ còn chơi với anh! Nhiều lần, lâu nữa!...


Nguyễn Quang Chơn
Đà nẵng, ngày của cha 19.6.16

Saturday, June 18, 2016

Lại ba Tàu!


Hôm qua lại một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu ba Tàu tông nát, cướp giựt tài sản. Mới hôm kia, chúng kéo vào một bar ĐN ăn chơi nhảy nhót quậy phá um sùm rồi xách tiền Việt ra đốt, chỉ chịu thanh toán bằng nhân dân tệ. Rồi tháng trước, chúng làm náo loạn sân bay Cam ranh... Lại ba tàu. Mệt cho bọn này quá. Hôm nay ra đường, đi đâu cũng thấy chúng nghênh ngang, ngứa mắt. Thật là, đã đến lúc như Hưng Đạo Đại Vương nói : 

Huống chi, ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau.

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm....


Tục ngữ Việt nam ta có câu: "bán anh em xa mua láng giềng gần". Và vua chúa ta từ Đinh Lê Lý Trần Lê Nguyễn cũng đã biết điều đó. Chúng ta luôn giữ chuẩn mực mối quan hệ láng giềng đằm thắm. Thế mà chẳng dưới triều đại nào, từ Hán Nguyên Minh Thanh Mao, thằng láng giềng không phiền nhiễu chúng ta! Máu của chúng đã từng nhuộm đỏ dòng Như Nguyệt. Xác của chúng đã từng làm nghẽn sông Nhị Hà. Thây của chúng đã từng chất thành đống, thành gò tại Đống Đa... Đầu Ô Mã đã rụng ở sông Bạch Đằng, cổ Liễu Thăng đã đứt tại ải Chi Lăng, hồn Nghi Đống còn lang thang trên dây treo trên cây đa Ngọc Hà, ống đồng cầu phao sông Nhị đã cứu mạng Thát hoan, ấn tín vua Tàu còn bừa bãi trên đường chạy thoát thân của Thống đốc lưỡng Quãng Tôn Sĩ Nghị...


Ấy vậy mà đến thế kỷ 21 này. Khi thế giới là một màn hình phẳng. Mọi người từ đông sang tây, chỉ vươn vai là đến gần nhau. Thì lại chúng. Bọn ba tàu. Mà là tàu cọng. Cùng chung một ông thầy Các Mác, Lê Nin. Cùng xây dựng mục tiêu Cọng sản, xây dựng thế giới đại đồng, tốt đẹp hơn cả thiên đường...! lại đi làm những trò bẩn thiểu, hèn hạ còn hơn bọn bất lương, du thủ đối với nước Nam ta..


Trên biển, bao đời nay lãnh hải đã khắc chia. Nay chúng tự vẽ một đường lưỡi bò bao trùm hết biển phương nam. Rồi xây đảo nhân tạo, cảng quân sự, rồi vẽ vùng cấm bay, vùng cấm khai thác hải sản, rồi tự động kéo dàn khoan dầu ra khai thác!...


Trên bờ. Chúng hết kéo người sang mua móng bò móng trâu, đến mua đĩa, mua ốc bưu vàng, mua lá khô đào lộn hột..., rồi lại tuồn vào cơ man hàng hoá ẩn tàng những chất bệnh hiểm nghèo, những phụ gia, hoá phẩm độc hại mong tiêu diệt lâu dài sức khoẻ người dân...


Tiền ngân khố ẩn dưới mác đầu tư nước ngoài chúng đổ vào nước ta xây dựng sòng bài công sự. Xây dựng những nhà máy ô nhiễm. Chúng nhảy vào những cột mốc cơ yếu về quân sự của ta, chúng len lõi vào rừng sâu núi thẳm của ta. Rồi người chúng tràn vào theo những dự án đầu tư, lấy vợ sinh con... Bây giờ đi đâu cũng thấy ba tàu...


Thật là:


Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào!

...


Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung, mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi đây, sau khi dẹp yên nghịch tặc, để thẹn muôn đời, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa?


(*)


Nguyễn quang Chơn

19.6.16

(*) chữ in nghiêng là trích từ "Hịch Binh Sĩ" của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn


Friday, June 17, 2016

Đi hay về

Hôm qua ngồi uống bia với người bạn thân từ SG ra ĐN giỗ cha. Mình cũng vừa đi xa về. Quán bên bờ sông Hàn thơ mộng và gió mát. Những chiếc thuyền du lịch đang chòng chành trên sóng, làm gợi nhớ một tai nạn lật thuyền vừa mới xảy ra...., ly bia lạnh ngon mà bỗng đườm đượm buồn khi hai đứa lan man qua đề tài xã hội, văn hoá, và đời sống...

Người bạn bỗng nhìn xa xăm: "nói thiệt với ông, bây giờ đến ĐN, tôi không biết phải gọi là ĐI hay VỀ". Ôi câu nói chân tình! Tôi nhớ nhiều bạn bè tôi ở khắp địa cầu cũng từng hỏi tôi câu ấy khi thi thoảng họ về VN thăm quê hương...

Sao lại Đi. Phải Về chứ. Có ai nói đi nhà, đi quê ...đâu, phải về nhà, về quê... Và thật sự, những người xa xứ luôn đau đáu nhớ quê. Họ luôn muốn tìm về quê quán cũ để thấy mẹ, thấy cha, thấy anh em bè bạn và, những cảnh cũ người xưa, những món ăn ngày cũ, những ngôi trường ngày thơ...như Bùi Giáng: "Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu. Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa" về, là tìm đến những mộng ban đầu. Nhưng những mộng ban đầu đó nay có còn không?

Cha mẹ già đã không còn nữa. Anh chị em tứ tán mỗi người một nơi, mỗi phương trời. Bạn bè đa số xa xôi. Lòng người cũng nỗi trôi theo thời cuộc. Những phận đời còn tại quê cũng héo hắt long đong... Trường cũ đã đổi tên các du kích, các lãnh đạo đảng, hoặc đã đập bỏ, xây mới..., phố phường đầy sự bất an, hàng quán đầy sự đe doạ. Và hiện tại đây thì biển với thuỷ sản..., cũng là nỗi e dè...

Người trên phố cũng đã đổi thay khuôn mặt, phong cách. Nhiều giọng nói lạ ồn ào, thô bỉ tại những nơi công cọng. Cái văn hoá ngày xưa đã được thay bằng những "văn hoá" mới. Hằn học, vụ lợi, vô cảm... Chùa chiền đều đồng loạt được tu sửa mới to lớn, màu mè. Bước vào thấy lạc lõng với nhiều sư ánh mắt thiếu thiện lương...

Quê hương xa lạ lắm rồi nên biết là về quê hay đi quê đây? Có còn quê chi nữa đâu mà về! Tan nát hết rồi những "mộng ban đầu". Ở xa thì nhớ. Mà về thì thấy mình lạc lõng, lo lắng, bất an ở ngay tiếng nói, dòng sông, bờ bãi, món ăn của chính mình, lại ngao ngán muốn đi...

Đi, hay về lại một nơi quê hương mới, ở đó có những tình thân mới, giọng nói khác, nhưng ấm áp tình người. Tự do, an toàn và thấy mình được bảo vệ bởi pháp luật, bởi nhân quyền...

Ôi bao giờ để những người con xa xứ được quay về và thấy lại đúng quê hương. Quê hương của những giấc mộng ban đầu???....

Nguyễn Quang Chơn
ĐN 18.6.16
Tặng Trần Ngọc Tuấn, Tạ Long Đỉnh


Thursday, June 16, 2016

Tháng sáu trời mưa, ghét Sài gòn, yêu Sài gòn


Mùa hè này thật dữ. Miền Bắc, miền Trung nắng rát. Biển quằn quại. Sài gòn cũng chẳng thua. Tưởng câu thơ Nguyên Sa " tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt", chỉ là kỷ niệm mà thôi!...

Mình vào Sài gòn. Một tháng sáu xa xôi. Chợt cơn mưa chiều đổ xuống, sau cái oi nóng kinh người. Chợt thấy lại đâu đó một Sài gòn mình từng yêu, rồi mình ghét!...

Sài gòn. Ký ức thời trai trẻ, đẹp nhất đời người. Sài gòn, chàng sinh viên tóc dài, quần loe, ra đường ai cũng mến. Cảnh sát cũng nhân nhượng, bà con cũng yêu thương. Vì sinh viên là rường cột của nước nhà, là những người xuống đường đòi chân lý. Sài gòn trước 1975!...

Và rồi sau đó. Sài gòn vắng bóng đìu hiu. Không đường phố. Không xe cộ. Không hàng quán. Sài gòn e sợ buồn thiu. Chàng trai trẻ về quê theo nhịp sống mới sau khi bị lùa theo những chiến dịch đổi tiền, đánh tư sản, chống tư bản... Cuộc đời đóng lại những mộng mơ...

Rồi 20 năm sau. Sài gòn lại chuyển mình. Lại đổi thay. Sinh động, ồn ào, nhưng không còn như cũ. Sài gòn thay đổi bộ mặt. Hỗn độn. Lộn xộn. Thượng vàng hạ cám lộn tùng xèo. Cái nhân hậu và hiếu khách của Sài gòn vơi đi hết nửa, khi con người SG ra đi hết nửa. Sài gòn đỏ vô tính. Ghét Sài gòn. Hòn ngọc Viễn đông thành hòn đá trong bùn!...

Chiều nay Sài gòn mưa tháng sáu. Ở một nơi xa tít nhà Bè. Một mình nhìn SG nhạt nhoà buồn. Nhớ bạn bè xa. Nhớ anh em gần. Nhớ mấy tuần trước bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ký tặng " một hôm gặp lại" giữa SG. Nhớ cà phê Bean Vương cung Thánh đường với Nguyệt Mai, với Đinh Cường... Nhớ Starbucks với Tâm nhìn dòng người ngược xuôi quanh chân tượng thánh Gióng ngã sáu Sài gòn..., chợt thấy yêu Sài gòn biết mấy. Sài gòn tháng sáu còn mưa là Sài gòn chưa mất. Ta sẽ tìm thấy nhau!...

Yêu Sài gòn!

Tản mạn SG, 16.6.16
Nguyễn Quang Chơn
Nhớ anh ĐC, tặng Bs ĐHN, TTNM, tặng MT

Tuesday, June 14, 2016

Nhân đọc một tên người

Từ trái qua: Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Quang Chơn, Du Tử Lê

Nhân nhận email để biết đúng tên một người
nổi tiếng
Nhà thơ
Nhà ngôn ngữ
Kẻ đa tình
Chàng lãng tử....

Thơ của chàng hàng ngàn bài trôi nổi khắp địa cầu
Trên tủ sách
Trên giảng đường
Trong tim người
Trên giá nhạc...
Trong những căn phòng ồn ã karaoke...

Nhà thơ Du Tử Lê
Có tên thật kêu
Lê Phách Cự
Sao không là Cự Phách
Cho đúng kiếp mạng chàng
Một. Chàng. Lê. Phiêu Du. Cự Phách??

Thôi đúng rồi. Tên cha mẹ đặt cho
Nhưng mệnh số tự trời
Suốt một đời chàng đã rong chơi
Cự phách!...

Nhưng bên kia nửa vòng trái đất
Tên cuối cùng phải đảo thành Phách Cự
Theo
Cách gọi địa phương
Cũng như Nguyễn Lương Vỵ
Đổi thành Vỵ Nguyễn Lương

Đơn giản vậy thôi
Một Chàng du tử họ Lê rất là cự phách
Ở Việt nam rồi sang nước Mỹ
Trở lại nguyên hình Mr. Lê Phách Cự
Rất chịu chơi!

ĐN, 11.6.16
Nguyễn Quang Chơn
Bài viết vui chọc nhà thơ vui tính DTL


Đã gửi từ iPhone của tôi

Thursday, June 9, 2016

Mùng 5 (*)


Mùng 5 rồi! 

Mồng 5 tháng 5 âm lịch được gọi là tết mồng 5, hay tết Đoan Ngọ, hay tết diệt sâu bọ, có lịch sử từ bên Trung hoa...

Mồng 5 tháng 5 còn là ngày giỗ của ông Khuất Nguyên bên Tàu, khi ông buồn vì nước Sở suy vong đã trầm mình ở sông Mịch La thời chiến quốc...

Hồi nhỏ, đối với tôi, tết mồng năm là sướng lắm. Được mẹ cho ăn nào là bánh ú tro trong vắt chấm với đường cát trắng, thơm thơm mùi tro. Ăn mít và thơm (dứa, khóm), ăn xong mùi mít còn vương đầy không gian trong nhà... Mẹ lại còn mua lá mồng năm về nấu nước tắm cho tôi. Mồng năm không ăn thịt gà, chỉ ăn thịt vịt... Còn tôi với lũ bạn thì nghe nói nếu trưa mồng năm, đúng 12 giờ, nuốt sống được một con thằn lằn ( thạch sùng) thì sẽ được sáng mắt, thông minh (!), và tắm sông thì rất tốt. Nên chúng tôi hay trốn nhà kéo ra sông. Còn tìm thạch sùng thì thật khó. Không biết tết diệt sâu bọ có đúng hay không mà bình thường thạch sùng bò đầy nhà. Đến mồng năm thì chúng trốn biệt...

Thời sinh viên đi học ở SG. Gần nhà có mấy gia đình người Hoa. Thấy họ cúng mồng năm lớn lắm. Qua bên chợ lớn. Thấy đúng là " thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay". Nhà nhà cúng khấn, đốt vàng mã, ăn uống linh đình. Các đền thờ người hoa khói hương nghi ngút...

Nhớ thời bao cấp khó khăn. Mồng năm về quê, ba đã ủ mấy trái mít tự bao giờ, chín thơm lừng góc bếp. Cúng ông bà xong, vừa ăn, vừa đem về. Không khí gia đình đầm ấm như ngày cuối năm tết nguyên đán...

Bây giờ đã đi gần hết đời người. Cuộc sống đã đủ đầy. Tết mồng năm chỉ là cái mốc gợi nhớ rằng đã qua nửa năm rồi và thời gian thì vó câu cửa sổ! Tuổi tác lớn, không còn cái háo hức được ăn thịt vịt, mít, thơm, bánh ú tro nữa... Ba mẹ cũng đã ra đi từ lâu. Con cái ở xa vời vợi. Anh chị em mỗi cuộc đời, mỗi nơi cách xa, riêng lẻ. Trái cây ngoài chợ thì nhan nhản bắt mắt. Nhưng coi chừng trái cây tàu. Nhưng coi chừng được ủ chín bởi những hoá chất tàu mà VTV đã làm những phóng sự cảnh báo! Nên thôi, mua vài chục bánh ú tro về đặt bàn thờ. Gọi là để nhớ phong tục. Và cũng để tưởng niệm mẹ, cha...

Năm nay tết Đoan ngọ có quá nhiều sự kiện. Thời tiết nắng nóng. ĐN bị lật tàu du lịch. Cá chết lai rai trên biển. An ninh thành phố dường như bất ổn hơn với mấy vụ cướp táo bạo. Đâm chém. Tự vẫn..., lung tung...

Nên thấy buồn buồn. Rủ Lê Tấn Trưng, ông bạn già đang nuôi mẹ trăm tuổi, về quê thắp hương . Thằng cháu giữ nhà thay ổ khoá cổng đi đâu mất. Gọi phone hoài không bắt máy. Cậu đang có người yêu mới chắc lại về quê bồ ăn chơi mồng năm... Tôi và ông bạn phải trầy trật leo rào vào dâng ba má đĩa thịt vịt, chùm ú tro. Nghĩ thật buồn cười. Thực phẩm quê mình mà không dám ăn, biển quê mình mà không dám tắm, cá quê mình mà không dám bắt, nhà cha mẹ mình..., mà phải leo rào! Rồi rót ly rượu, rồi cười ha hả cho cuộc đời éo le, bất khả tư nghì!

Ôi mùng năm năm 2016, nghĩ đi nghĩ lại, cũng vui!...

Nguyễn Quang Chơn
09/6/16
Dương sơn, ĐN, Tết mùng năm
(*) người miền Trung nói "mồng" là " mùng"

Wednesday, June 8, 2016

Tuesday, June 7, 2016

Tình già


Rồi em cũng phải buồn thương
Khi sợi tóc đổi màu sương mái đầu
Rồi khi hạt bụi mưa mau
Rơi vào khoé mắt nỗi sầu chân chim...

Rồi em. Có lúc im lìm
Nghe cơn đau quặn thân mềm tử sinh
Nhìn quanh chẳng bóng với hình
Đỏ con mắt khóc thấy mình đầy vơi...

Anh ngồi nhìn hạt sương rơi
Cũng nghe vô tận trong lời yêu thương
Có chi đâu. Những vô thường
Môi em dẫu nhạt. Mùi hương vẫn tràn...

Trái tim vẫn nhịp mơ màng
Nụ hoa anh vẫn rỡ ràng tặng em
Vai anh. gối ngủ từng đêm
Câu thơ xưa cũng rủ thêm mộng về

Người đảo điên giấc ê chề
Người say sưa với nỗi về còn xa
Người tan nát cả hoàng hoa
Đời đâu phải chỉ ngọc nga kim tiền!...

Nắng chiều rọi bóng bờ hiên
Anh hôn em giữa bao miền kiêu sa
Thôi em hãy cứ điệu đà
Vẫn là em với bao la yêu kiều
Vẫn là em để liêu xiêu
Hồn anh lạc một cánh diều vẩn vơ...

Chiều nay anh lại làm thơ
Đón em về giữa bến bờ yêu thương...

Nguyễn Quang Chơn
Tặng Minh Tâm
Đón vợ về từ bệnh viện
06.6.16







Đã gửi từ iPhone của tôi

Friday, June 3, 2016

Sợ Tàu! (*)

               (Nguồn: internet)


Tôi nhớ những năm đầu 1990. VN bắt đầu mở cửa và thị trường biên giới phía Bắc cũng sôi nỗi giao thương. Hàng hoá tàu tràn sang nước ta theo cửa ngõ Lạng Sơn là chính. Việt nam như bị sốt với hàng tàu. Những chén bát đĩa men sứ bóng loáng, giá rẻ, thay thế những bát chén đĩa thô kệt trong nước. Những chai bia Vạn lực tràn ngập các tỉnh phía bắc...Áo quần tàu. Thuốc men tàu. Đồ chơi trẻ con, thực phẩm, rau quả...Cái chi cũng tàu. Ngon, đẹp, bổ, rẻ... Từng đoàn xe tải, xe con đổ xô lên Lạng sơn để mua sắm. Người dân hân hoan vui mừng vì hàng tàu đã đáp ứng được hầu hết các nhu cầu thiết yếu của họ khi nền sản xuất hàng tiêu dùng VN còn loay hoay bò ra từ một cơ chế bao cấp nhà nước lạc hậu...

Rồi ngày thêm ngày, tháng thêm tháng, năm thêm năm. Những anh bợm nhậu phát hiện ra rằng bia tàu rẻ, đậm, nặng, nhưng...gây sinh lý yếu. Bia vạn lực trở thành bia bất lực. Vậy là tẩy chay. Nhưng sự mở cửa bất cân đối thị trường biên giới đã không thể kìm hãm giòng hàng ồ ạt từ phía bắc đổ vào. Hổ lốn, hầm bà lằng trăm thứ vượt biên không kiểm soát được. Những sự lỏng lẽo của luật pháp, của an toàn thực phẩm, hàng hoá... đã tiếp tay cho hàng tàu tràn ngập các lĩnh vực, các ngóc ngách. Việt nam với hơn 70 triệu dân trở thành bãi tiêu thụ các loại rác bẩn, rác sạch của tàu...

Hơn một thập niên với nền kinh tế phát triển rất nóng. Tàu cọng cũng đã vươn ra khắp thế giới về thương mại. Hàng tàu cũng đổ vào Mỹ, châu Âu. Hàng hoá made in China tràn ngập trên kệ hàng các siêu thị, các mall. Dân chúng thế giới cũng hân hoan với áo quần, giày dép, đồ chơi, máy móc tàu giá rẻ... Nhưng, những đất nước văn minh hiện đại cũng nhanh chóng phát hiện ra những hiểm nguy tiềm ẩn trong hàng hoá của Tàu. Những tổ chức an toàn thực phẩm, những tổ chức bảo vệ người tiêu dùng  đã cảnh báo, phát hiện, kiện cáo, tiêu huỷ... Đã có không ít những chiến dịch chống hàng made in China trên toàn thế giới. Và, thật là xấu hổ khi hàng hoá các nước tiên tiến, chữ "made in ..." được in to hãnh diện ở những chỗ dễ đọc, thì hàng của ba tàu lại tìm cách "ẩn mình" ở chỗ lắc léo, khó tìm nhất của sản phẩm. Nhưng rồi, cây kim trong bọc thế nào cũng lòi ra. "Hàng tàu", đã trở thành từ chung cho những sản phẩm kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, hàng bẩn, hàng xấu xa...trên toàn thế giới!

Ở VN ta thì sự lệ thuộc hàng tàu đã đến mức báo động. Nhà nước cũng không thể che dấu bưng bít được khi những trái cây "tàu" để 3 tháng không héo. Khi áo quần "tàu" đầy những "chất  lạ" nguy hiểm bên trong, khi thị trường đầy rẫy, dễ dàng mua bán hàng tấn hoá chất biến thực phẩm hư thối thành tươi ngon. Biến bột cám, nước sông thành cà phê, thành đồ ăn, nước uống tuỳ vị theo hương "tàu". Muốn chi có nấy. Rau quả trồng theo kiểu "tàu" chỉ một hai ngày là thu hoạch. Cây trái ủ theo hoá chất " tàu" sau vài giờ là chín đều thơm ngát... Nhưng thảy đều mang mầm mống ung thư, độc hại!...

Đó là trên đời sống hằng ngày của người dân. Tàu còn lợi dụng 16 chữ vàng và chính sách mở cửa, khuyến khích đầu tư của nhà nước ta để "đầu tư trồng rừng", thực chất là thăm dò rừng rậm núi sâu của ta để tìm khoáng chất, tài nguyên, dược thảo. Vậy là hàng ngàn hecta rừng được tàu soi đếm đo đạc ghi chép suốt...4,5 năm mới lộ mặt phải ngưng. Rồi những dự án đồ sộ men theo vùng biển VN trải dài từ Ninh Bình đến Bình Thuận. Những đại dự án trên cao nguyên Đắc Nông Ban Mê, và vùng Hạ Lào, sát biên giới VN....

Tàu tới đâu công nhân (hay lính nguỵ trang) tới đó. Tàu dụ dỗ gái Việt, lấy làm vợ, sinh con đẻ cái, xây nhà, khách sạn, cửa hàng...

Vậy là đã hình thành những thành phố tàu xí xa xí xố. Ồn ào hỗn độn. Từ đất chiến lược miền cao, đến các tỉnh thành nhạy cảm ven biển...

Tôi đã thấy một đại khách sạn tại một biển miền Trung xây theo hình chiến cụ. Tường nhà được đổ beton dày, chắc. Trong quá trình xây dựng, không một người Việt nào, công ty Việt nào được vào. Sắc thép cement đều nhập từ tàu. Công nhân tàu hàng trăm người buổi sáng tập thể dục đều răm rắp như lính trước khi vô làm việc. Chục năm qua rồi, những công nhân (lính) đó, giờ này chắc đã có quốc tịch VN do lấy vợ VN.  Chẳng phải đây là cơ sở chiến đấu chuẩn bị lâu dài cho mai sau sao?

Rồi thì cướp lãnh hải. Rồi thì xả hoá chất độc hại tận diệt hải nguyên ven bờ...Tàu đã lộ rõ bản chất lưu manh thâm độc, muốn tàn hại dân tộc này, muốn xâm chiếm đất nước này. Bà con người Việt hiền hậu cũng đã nhận ra và quay lưng với thực phẩm tàu, hàng hoá tàu. 

Nhiều cuộc xuống đường của nhân dân biểu lộ lòng mong muốn tẩy chay tàu. Nhưng đã lỡ rồi. Thấp cổ bé họng. Người dân chừ chỉ mong nhà nước có chính  sách linh hoạt khôn ngoan để tránh lệ thuộc vào tàu. Mong hàng Việt đừng bị tráo bằng hàng tàu. Mong luật pháp nghiêm nhặt, cửa khẩu nghiêm minh để loại bỏ những hàng hoá xấu đầu độc người dân. Mong đất Việt nam đừng có phố tàu. Mong biển Việt nam đừng có hoá chất tàu. Mong ngư dân bình yên lướt sóng ra khơi lưới nặng cá đầy...

Tôi thì ngẫm cho đến bây giờ, tôi thấy sợ tàu! Hồi xưa đọc Tam quốc, đọc Xuân thu, tôi hay bái phục những mưu mẹo của các mưu sĩ tàu. Cũng yêu những chính nhân quân tử, ghét kẻ phụ nịnh, điêu toa. Đọc văn chương thi tứ, mê tuý tiên thi thần Lý Bạch, mê cái nhân hậu chúng sinh Đỗ Phủ, thương cái hào tráng, bi hùng của Khuất Nguyên Sở từ...  

Mà bây giờ lại thấy sợ tàu. Sợ đây là sợ cái thâm độc, gian trá của ngươi. Cái lòng dạ ti tiện của ngươi.... Những cái mà người Việt ta đây vốn chính danh đại nghĩa, nhân hậu khoan dung.., sẽ thua, sẽ không theo kịp ngươi. Còn nếu. Ngươi nghĩ rằng sẽ dễ dàng biến nước này thành một tỉnh cực nam của ngươi thì còn lâu!

Nói thực. Nếu không có một Lý Thường Kiệt thế kỷ 21 này qua hỏi tội "châu Ung, châu Khâm" của ngươi thì vẫn còn hàng trăm, hàng vạn Lê Lợi, Quang Trung đang sẵn sàng đập tan mọi âm mưu đê hèn, đen tối của ngươi!...

Ha ha. Ta sợ tàu là ta sợ kẻ tiểu nhân. Chứ còn ta, con cháu Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ thì đâu sợ chó gì cái loài đông dân to xác Bắc phương! Hãy đọc lại lịch sử nước ngươi đi nhé. Hãy xem lại tự thời Hán Nguyên Minh Thanh Mao các ngươi đi nhé!

Đừng thấy ta nói sợ tàu mà huyênh hoang! 

ĐN, 03.6.16
Nguyễn Quang Chơn
(*) Chữ Tàu viết hoa để phân biệt nước China. Sau đó viết thường vì không còn đặc biệt nữa