Wednesday, October 28, 2020

NHẬT KÝ MOLAVE, TẬP CUỐI...

Ngày 28/10/20


8:30. Gió mạnh. Mưa to. Ti vi mất tín hiệu. Không biết do đài truyền hình mất điện hay dây cáp đứt. Thông tin bị gián đoạn. Bạn ở Quảng Ngãi gởi hình cát chạy đá bay, những mái nhà gần biển tơi tả. Bạn ở Tam kỳ livestream, mưa to, gió cuốn những hàng cây oằn mình...Ông anh ở Huế nhắn tin nước Huệ bình an...


9:12 phút sáng. Mở internet. Bão đang vào, giảm 2 cấp, giật cấp 12, sẽ quần ĐN đến 4 giờ chiều. Bầu trời lúc sáng lúc tối. Mưa lúc nhạt lúc đậm. Gió từng cơn. Chắc đang rất mạnh ở Bình Định, Quảng Ngãi...


Co ro trong căn hộ tầng cao. Phía trước là sông Hàn. Biển. Sơn Trà. Xa xa là Ngũ Hành Sơn, cù lao Chàm...vẫn đang mờ mịt...


9:45. “Hắn”vô thật. Mưa không lớn. Gió giật từng cơn, gào thét. Sông Hàn sóng cuộn. Cây cối hai bên bờ oằn mình. Tôi nhìn trời qua vách kính kín. Sơn trà mù mịt. Biển mất dạng ngoài xa. Ti vi không tín hiệu. 


10:05. Gió vẫn ào ạt. Không biết vùng Bình Định, Quãng Ngãi thế nào. Nghe Lý Sơn gió mạnh nhà cửa tan hoang từ sáng sớm!...


Không có ti vi, nhặt nhạnh thông tin trên internet:


@ 9h40: Tại QL1A đoạn qua thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế lực lượng chức năng đã lập chốt ngăn phương tiện đi qua hầm Hải Vân đến địa phận Đà Nẵng. Tuyến đường bị chặn khiến các phương tiện dồn ứ dài nhiều km. Dự kiến khoảng 15h chiều nay, lực lượng chức năng sẽ thông đường để phương tiện tiếp tục lưu thông. 


@ Đà Nẵng gió lớn, nhiều cây xanh đổ rạp. Tại đường Hàm Nghi, có người liều lĩnh ra đường bị gió thổi ngã phải bỏ xe bên đường tránh bão


@ Quảng Ngãi: 314 nhà bị tốc mái, hư hỏng


@ 9h40: Tại Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam, sóng biển tiếp tục dâng cao, gió giật càng lúc càng mạnh, kéo theo sóng biển tràn qua cầu tàu, vượt lên bờ áp sát các nhà xã đảo. Người dân được tập trung tại các đồn biên phòng và các cơ sở tránh trú để đảm bảo an toàn. Ở Hội An, nước sông Hoài dâng lên ngập đường Trần Phú nhiều cây kiểng ngã đổ...


@ Đường sá Đà Nẵng mịt mù, nhiều cây bậc gốc, nhiều bảng hiệu bị xé rách tả tơi 


@ Qui Nhơn nhiều cây xanh gãy gập, nhiều bảng hiệu quảng cáo rơi đổ trên đường


@ 10 h 00: Mưa to, gió lớn tiếp tục trút xuống khu vực Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Sóng biển cao 2-3m liên tục ập vào bờ biển Hoà Hải


@ Gió tăng cấp, biển động dữ dội. Dọc đường ven biển Nguyễn Tất Thành ĐN, nhiều điểm sóng đánh tạt qua bờ kè, cao cả mét. Người dân vẫn bất chấp, ra xem...


(hết tin)


10:15: điện cúp


10:45, trời hửng sáng phía Đông. Gió vẫn ầm ào. “Quy trình” lộn xộn. Lộn xộn vì lúc tới, lúc ngưng. Lúc lao xao lúc lặng. Lúc mưa ào ạt lúc tĩnh không!...


11:00, mệt rồi. Chuẩn bị cơm trưa. Chắc lại làm ly rượu thuốc, chờ em Môn La ồn ã đi qua, chút thôi mà...


14:00, nghe chừng như gió mạnh nhất từ sáng tới chừ. Mưa vẫn mịt mù. Nghe bạn bè nhắn tin một số nhà lớn bên quận 3 bị vỡ kính, bung cửa. Một số nhà trong thành phố bi tốc mái, bay tôn. Tivi vẫn không có tín hiệu, chắc đường cáp đã bị đứt. Cửa đóng kín, gió mạnh, mở ra cũng khó. Thôi thì nằm yên nghe gió rít ngoài kia. Mong 2, 3 tiếng đồ hồ nữa rồi gió sẽ nhẹ dần. Môn La vào rồi Môn La sẽ ra. Mong không có em Môn nào đến nữa....


Thông tin bị gián đoạn, nên nhật ký đến đây chỉ còn tiếng gió. Miền Trung vốn không giàu nay lại thêm thương. Sau bão sẽ lại mưa hoàn lưu, nước sông lại dâng, hồ thuỷ điện lại đầy phải xả đáy, lũ lại đột ngột lên. Nhà cửa trôi hết rồi nay chẳng còn chi nữa mà lo. Nhưng cái đói, dịch bệnh sẽ rủ nhau về. Đợt này chính phủ  chỉ đạo quyết liệt. “Bộ chỉ huy tiền phương” thường trực tại ĐN. Ông bộ trưởng NN PTNT như một ông nông dân tích cực, nắm vững vấn đề, làm nhớ ông bộ trưởng Lê Huy Ngọ năm xưa. Nhiều ngàn hộ dân ven biển đã được đưa đi sơ tán an toàn. Thủ tướng nhanh chóng ký quyết định “xuất kho” trên 6 ngàn tấn gạo. Rồi lại người người kéo về miền Trung cứu trợ...


Thôi, không mong chi việc cứu trợ. Chỉ mong đừng có thiên tai, không bị nhân tai. Mong được bình yên cày bừa lao động chân chính mà sống. Ít ăn ít, nhiều ăn nhiều. Chẳng vui thú chi ngửa tay nhận đồng tiền cứu trợ!...


Nhưng mà biết sao được. Ta không biết quý trọng thiên nhiên thì ta phải trả giá. Hôm nay không đủ thì đời cháu con ta tiếp tục. Xin hãy góp lên tiếng nói bảo vệ môi trường, gìn giữ tài nguyên, đóng cửa các thuỷ điện cỏ rác. Trồng lại rừng, khơi thông cống rảnh. Bão có làm đổ mấy cây trên thành phố thì ta trồng cây khác. Có làm gãy mấy trụ điện thiếu sắt thì ta đúc trụ khác đủ sắt hơn. Chớ để nhà tan cửa nát, người mất theo người, của trôi theo của, thì đau xót vô cùng!....



Nguyễn Quang Chơn

14:50, 28/10/20

Tuesday, October 27, 2020

NHẬT KÝ BÃO SỐ 9, MOLAVE TẬP 1

Từ ngày 26.10.20, tất cả các nguồn truyền thông, trong nước, nước ngoài, mạng xã hội, cá nhân, đã ngập thông tin về cơn bão số 9, mang tên Molave dự báo rất mạnh, mạnh nhất trong vòng 15, 20 năm qua...


Ngày 27.10, thông tin càng dữ dội hơn, cấp bách hơn. Đường đi chính của bão sẽ vào Quảng Ngãi vào lúc khoảng 5-7 giờ sáng ngày 28, sức gió cấp 14, 15, ảnh hưởng nặng đến Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế...


8 giờ sáng, trời ĐN vẫn đẹp. Nắng hiu hiu, gió nhè nhẹ, mây mênh mang...Tin trên mạng, trên truyền thông vẫn dồn dập về bão dữ. 9 giờ, thành phố ĐN ra thông báo khẩn, học sinh nghỉ học, công ty đóng cửa ngày 28, người dân cấm ra khỏi nhà lúc 20:00... tin “siêu bão” vẫn liên tục cập nhật, ra rả trên mọi phương tiện, báo, đài, TV, phone, khuyến cáo nhà cấp 4 không trụ được, có khả năng mất điện, cúp nước v.v... Chợ, siêu thị, chen chặt người, hàng hoá tươi sống ra bao nhiêu hết bấy nhiêu. Các cửa hàng bánh mì người xếp hàng dài...


15:00, lấy xe chạy một vòng thành phố. Người người lo chống bão, chằng chéo, gia cố cửa nẻo, mái nhà. Công ty môi trường đổ quân “dọn dẹp” các cây xanh... Biển, sóng không lớn, gió khá mạnh. Một số bạn trẻ làm dáng chụp hình bên sóng với gió bay tung váy. Mấy quán cà phê bên đường, những cô cậu teen teen vẫn tụ tập vui vẻ, dường như họ đang chờ một sự kiện, chơi vui mấy giờ cuối, trước khi quán hàng đóng cửa... Thật khó hiểu với suy nghĩ và hành động các bạn trẻ lúc này....


19:00. TV đưa tin đối phó bão ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà nẵng, Bình Định... Ban chống bão tiền phương đủ bộ sậu phó thủ tướng, bộ trưởng NN&PTNT, thứ trưởng công an, trực chiến tại Quảng Ngãi để trực tiếp chỉ đạo. Ngành hàng không tuyên bố đóng cửa các phi trường miền trung. Nhiều ngàn dân được sơ tán tới nơi an toàn. Gió có vẻ lớn hơn, mưa bắt đầu rơi....


Thành phố lắng yên như chờ đợi một điều gì. Tôi, rót một ly rượu đầy. Những hạt mưa tạt bên hành lang, tiếng gió rú ngoài kia. Người bạn ở Irvine, California gởi tin cháy cỏ ở gần nhà...TV chuyển sang đưa tin đại hội thành công của một số tỉnh thành với hoa, băng rôn rực rỡ, đỏ và vàng, lạc lõng!...


20:15. Thành phố đóng cửa. Bầu trời im ắng. Mưa  nhẹ. Ly rượu tôi gần cạn. Thông tin trên tivi về đoạn đua nước rút của của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Mr. Biden có vẻ đang nhiều trắc trở. Bà Amy Coney Barrett trở thành Thẩm phán Tối cao Pháp viện Mỹ Tiếng hú của gió bên ngoài như dồn dập hơn...


22:00. Mở hờ cánh cửa. Gió lùa vào phòng thổi bay những giấy tờ trên bàn...


0:30, tin tức trên internet, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, vùng mây của cơn số 9 có xu hướng thu hẹp lại nhưng vùng đối lưu mạnh tập trung ở tâm bão nên gió mạnh vẫn còn.


“Mặc dù mây bão đã bao phủ từ Quảng Nam đến Bắc Tây Nguyên nhưng vùng mây gây gió thực sự mạnh vẫn chưa vào bờ. Tuy nhiên khi vào sát bờ, do chịu ảnh hưởng của địa hình nên mây đối lưu không phát triển, lõi mây bị thu hẹp lại. Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy có những dấu hiệu bão có khả năng suy yếu trong những giờ tới, có thể giảm cấp 13”, ông Năng phân tích. Theo ông, khoảng 2-3h sáng, là thời gian gió mạnh nhất, tới hết chiều 28/10 mới bắt đầu quá trình suy giảm. Thông tin, đã có 2 tàu cá ở Bình Định bị chìm chưa tìm thấy với 26 thuyền viên...


1:30 28/10, gió từng cơn nhưng không mạnh lắm. Mưa cũng nhỏ. Molave. Em ở đâu?


3:30. Vẫn thế. Cô bạn đời của tôi bên cạnh vẫn say giấc hồn nhiên....


5:10. Giờ này bình thường là đi bộ dọc sông Hàn. Gió khá lớn. Mưa nhỏ. Trời  hưng hửng sáng, hé cánh cửa, trên trời lững thững những đám mây trắng. Theo “kế hoạch”, 5 đến 7 giờ Molave dô. Chừ chưa thấy chi ồn ào, chắc em dô trễ. Dô thì dô lẹ rồi ra, nhấp nhấp cả đêm bắt mệt, con khỉ!...


6:00. Mưa lớn mù mịt bầu trời. Gió có vẻ tăng tốc. Dô rồi chăng? Tin trên truyền hình. Bão vẫn đang vào với tốc độ 20-25km/g.  Tại ĐN, gió sẽ  tăng mạnh lên từ 9 giờ sáng đến hết buổi chiều, mưa sẽ lớn từ Huế-Phú Yên. Hết bão mưa sẽ từ Huế ra Hà Tĩnh. Khả năng lũ cũ chưa xong lại lo lũ tiếp! Tại vùng tâm bão Quãng ngãi, gió chỉ khoảng cấp 6. Mưa khá lớn. Vẫn chờ!...


6:50. Hết mưa. Trời sáng, gió vừa vừa. Mưa gió kiểu này thì ĐN xem nhỏ như con thỏ. Nghe tin tốc độ bão đã giảm một cấp và chuẩn bị vào bờ, chuyển hướng vào Tam Quan, Bình Định...


Mưa trở lại mù mịt. Gió tăng!...



Nguyễn Quang Chơn

7:07’, 28.10.20




MÙA BÃO LŨ, NHỚ NHỮNG BÀI HÁT VỀ MIỀN TRUNG TRƯỚC 1975

Nước Việt ta, sự phân chia 3 miền Bắc, Trung, Nam có lẽ có từ triều Minh Mạng, và rõ nét hơn từ thời Pháp thuộc (?).


Nhìn bản đồ, so sánh với dáng hình các cô người mẫu, thì rõ ràng miền Trung là vòng 2 tuyệt đẹp của nàng hoa hậu Việt Nam chân dài miên man, với số đo 90-56-85, và điểm chốt cái eo là Quảng Bình ở ngang cái rún ( rốn)!...


Đúng là như rứa, nhưng trước 1975, dường như người ta mặc định, nói miền Bắc thì là Hà Nội, nói miền Nam, đích thị Sài Gòn, còn miền Trung, chỉ có Huế mà thôi! Sau 75, được định danh, bắc miền Trung là từ Quảng Trị ra tới Ninh Bình, nam miền Trung là từ Huế vô tới Ninh Hoà (?)... 


Mà thôi, không bàn cãi về địa lý, giới gianh nữa, chỉ vì mưa lụt bão giông ở miền trung, lan man dòng suy nghĩ, lan man về những bài hát viết cho miền Trung trước 1975...

...

Nhiều lắm, nhưng với tôi, chỉ có hai ca khúc hay nhất đó là: “Về miền Trung” của nhạc sĩ Phạm Duy và “Tiếng sông Hương” của Phạm Đình Chương. Và người ca hay nhất hai tác phẩm trên, theo tôi, chỉ có Thái Thanh, Lệ Thu (Về miền Trung) và Hà Thanh (Tiếng sông Hương). Còn về nhạc ngữ thì tuyệt vời, khỏi có bàn! (Xin copy dưới đây)


VỀ MIỀN TRUNG (Phạm Duy)


Về miền Trung ! Miền thùy dương bóng dừa ngàn thông

Thuyền ngược suôi suốt một dòng sông... dài

Ôi quê hương xứ dân gầy

Ôi bông lúa, con sông xưa, thành phố cũ

Về miền Trung ! Người về đây sống cùng người dân

Lửa chinh chiến cháy bừng thôn làng điêu tàn

Ðêm hôm nao gió u buồn trên sông vắng

Có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng.

Hò hô hò ! Hò hố hô !

Người đi trên đống tro tàn 

Thương em, nhớ mẹ hương vàng về đâu

Chiều khô nước mắt rưng sầu

Tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi 

Hò hố ! Hò hô ! 

Hà hớ hơ... Nhớ thương về chiến khu mờ

Biết bao người sống mong chờ

Hát rằng : Hà há hơ...

Nhớ về cố hương yêu dấu xa xưa !


Về miền Trung ! Còn chờ mong núi về đồng xanh

Một chiều nao đốt lửa rực đô thành

Tay trong tay dắt nhau về quê hương cũ 

Không than van, không sầu nhớ.

Về miền Trung ! Người về đây hát bài thành công

Lửa ấm áp bếp nhà ai hồng, đêm trùng

Ðêm hôm nay tiếng dân nồng vang thôn xóm

Có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng

Hò hô hò ! Hò hố hô !

Về đây với lúa, với nàng

Thay bao nỗi khổ tiếng đàn (tôi) mừng reo

Nguồn vui đã tới với dân nghèo

Con sông nước chẩy, tiếng chèo hò khoan !

Hò hố ! Hò hô !

Hà hớ hơ... Tiếng ai vừa hát qua làng

Lúc em gặt lúa trên đồng

Hát rằng : Hà há hơ !

Tiếng cười, tiếng ca trên lúa trên sông.


TIẾNG SÔNG HƯƠNG (Phạm đình Chương)


Miền Trung vọng tiếng

em xinh em bé tên là Hương giang

đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than. 

Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ

bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu.

Hỡi hò, hỡi hò. 

Quê hương em nghèo lắm ai ơi

mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn

Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi

khiến đau thương thấm tràn

lấp Thuận An để lan biển khơi ơi hò ơi.


Hò ơi! Ai là qua là thôn vắng 

nghe sầu như mùa mưa nắng cùng em 

xót dân lều tranh chiếu manh.

Hò ơi!Bao giờ máu xương hết tuôn tràn

quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn 

cho em vang khúc ca nồng nàn.


Ngày vui, tan đao binh, mẹ bồng, con sơ sinh 

chiều đầu xóm xôn xao đón người trường chinh. 

Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên .

...


Vậy đó. Miền Trung bây chừ không chỉ là Huế, để nhớ ngày xưa đi học Sài Gòn, mấy em tưởng miền trung là Huế, nói rằng, “người Huế yêu không thật” (xin lỗi bà con Huế nghe, đã sửa lại rất nhẹ rồi đó!). Rồi 30.4. 1975, đi bên em, nghe loa phóng thanh: “ A lô, a lô, đồng bồ đồng bồ, đúng tốm giờ túi ni tập trung tại ven phòng khu phố nghe phổ biến thông bố của ỷ boan quân quảng thành phố...”, cô bạn hỏi, “họ nói tiếng chi em không hiểu”, tôi phải làm thông dịch viên, từ đó dân Quảng lên ngôi và không bị đồng hoá với dân xứ Huệ!...


Lại lạc mất rồi, quay lại chủ đề, khó có bài ca nào về miền Trung hay hơn hai bài nhạc nói ở trên. Xui quá, hai nhạc sĩ đó đã qui tiên, nếu không, nhân mùa lũ này, sẽ cầu xin hai vị sáng tác giùm hai bài về miền Trung đời mới. Và trong lời bài hát, với PD, xin có câu rằng: “Về miền trung, cả hàng trăm thuỷ điện hoành tung, lũ về đây chập chùng diệt dân, ê chề!...” Và với PĐC, xin ông: “Quê hương tôi, thuỷ điện nay nhiều lắm ai ơi, mùa đông xả nước, hè thời cháy khô, rồi thì, lũ xả mỗi năm ới a, khiến đau thương xuống chà dập bà con ới à, ới à...”


Dạ thưa, với tôi. Hai bản nhạc trên vẫn là bất hủ, và mong rằng, miền Trung đã rộng dài hơn trong địa lý, các nhạc sĩ sẽ có nhiều bài hay hơn về miền trung khô cằn, nhỏ bé. Nhỏ như cái eo cô nàng “yêu không có tiền, cạp đất mà ăn?”...


Thuỷ điện trên đầu. Mưa bão liên miên. Năm mô lũ cũng xả. Rừng rú tan hoang. Yêu miền trung vốn tiền không có, chừ đất không còn, lấy chi để cạp mà ăn đây, ơi miền Trung yêu dấu của tôi !!!???


À ơi, ới à!....


Nguyễn Quang Chơn

Lan man, 26.10.20


MƯA GIÓ, RƯỢU, TẢN MẠN...

Trời miền Trung mưa gió não nề. Bỗng bưu điện đem đến một bưu phẩm. Mở ra thì là hai chai whisky single malt, thằng bạn thân bên Irvine CA gởi tặng. Thật cảm động, rót liền một ly nhâm nhi và bỗng nghĩ mênh mang...


Tôi thật sự không biết rượu có trên trần gian này từ lúc nào. Trong sách thì tự trước công nguyên, người ta đã uống rượu. Và đến nay, buồn, vui, gặp gỡ, xa cách, đưa tiễn, khen thưởng, từ biệt, ma chay, giỗ kỵ, vân vân và vân vân, đều không thể thiếu cái chất cay cay nồng nồng thơm thơm ấy!...


Về hoá học, rượu là alcool gốc OH. Rượu có chứa ethol và methol. Ethol thì tốt mà methol thì xấu. Ai cũng nói rượu có hại mà rượu cũng được bán tràn lan từ vài ngàn đến vài chục triệu đồng một lít. Từ anh nông dân đến vương tôn công tử cũng lai rai với tửu...


Phật khuyên không uống rượu, bài giảng pháp đầu tiên với nhóm Kiều Trần Như, ngài đã đưa ra một trong 5 giới là uống rượu (chất gây nghiện). Hồi giáo cấm tiệt uống rượu. Quốc gia Hồi giáo không bán rượu. (Đó là nguyên tắc, còn sự thật ngoài đời thì...ôi thôi!) Vì vậy, đi du lịch tới mấy nước hồi giáo rất bất tiện vì ăn (thịt heo) và uống (rượu, bia). Cơ đốc giáo hình như được phép uống rượu, và chúa Giê Su cũng thỉnh thoảng có...lai rai rượu thánh!...


Đọc truyện tàu thì thiên lủng vụ uống rượu từ Thuỷ Hử, Đông Chu liệt quốc, Tam quốc chí, rượu nhạt nhoà trên các trang văn, truyện kiếm hiệp, truyện kể về các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng...


Ông Võ Tòng uống mấy chén rượu trước khi lên đồi Cảnh Dương giết hổ. Ông Kinh Kha rượu lướt thướt bên sông Dịch trước khi đi hành thích Doanh Chính, ông Lý Bạch say quá nhảy xuống nước ôm trăng rồi died!...


Ở nước ta thì rượu cũng không kém cạnh trong tài tử văn nhân. “Đàn ông không rượu như cờ không gió!” Cờ không gió thì rũ xuống như kim đồng hồ chỉ 6:30, dị òm!... “ Đất say đất cũng lăn quay, trời say trời cũng đỏ gay ai cười?” (CBQ). “Rượu đến trước hiên ta sẽ nhắp...” ( NBK). “...”Nào thơ nào rượu nào địch nào đờn. Đồ thích chí chất đầy trong một túi” (NCT)...


Thử hỏi nghe ông bà nói vậy, sách vở đông tây, đặc biệt là mấy câu chuyện tàu, việc uống rượu khoái hoạt như thế, kiêu bạt như thế, hạo nhiên như thế thì làm đàn ông, có ngu mà không uống rượu!..


Hồi xưa chỉ rượu, bây giờ thêm bia. Ở nước ta, bia do người Pháp mang vào, với thương hiệu đầu tiên tại VN là Larue, bia Con Cọp! Và chính vì bia mà đàn ông VN tuổi sồn sồn bây giờ 80% bụng phệ


Rượu mang đến cho con người nhiều trạng thái. Hoạt bát, văn nghệ, kích động, và, u trầm. Nhớ hồi xưa mẹ kể chuyện sự tích về rượu như thế nào đó mà uống rượu có thể thành văn nhân, thành nhà sư và thành rắn hổ mang!  Bởi thế nên trên mạng bây giờ đầy rẫy tệ nạn rượu vào lời ra rồi đâm chém nhau, đi tù không ít!


Bạn bè gặp nhau, không rượu không vui, đầu tiên là “người uống rượu”,  rồi đến “rượu uống rượu”, phát triển nhanh chóng thành “rượu uống người”. Đến đây thì mới “hoàn cảnh” xảy ra, chửi rủa um sùm, chén tách bay lung tung,  tình bè nghĩa bạn tan hoang!...


Nói thế thôi, chứ có những cuộc rượu đọng mãi trong lòng thành những kỷ niệm đẹp mà suốt đời chẳng thể nào quên. Như bản thân tôi, những cuộc rượu với các nghệ sĩ lớn như VC, PQ, TCS, ĐC, BY, v. v....là những hình ảnh đẹp, những câu chuyện hay, những kỷ niệm tươi tắn, còn hoài, mãi mãi...


Vì vậy nói cho cùng, cái chi ít ít thì tốt, nhiều quá thành xấu. Cà phê, thuốc lá (á phiện), thịt, trứng, cá, sâm, nhung..., tốt thành xấu mấy hồi! Tôi quen một vị rất quyền lực, giàu có. Sinh thời, ông khoẻ như một con gấu, nhưng hàng ngày được dùng những đồ bổ một cách quá mức, như yến, sâm đại hàn, sâm ngọc linh, nhung hươu..., rồi ông mất bất đắc kỳ tử bởi một căn bệnh ngặt nghèo mà tôi đồ chừng do những chất quá bổ tồn đọng phát tán!


Với tôi, đừng nên bỏ rượu. Vườn nhà tôi có cây nhàu sai trái quanh năm, tôi đem ngâm rượu, uống thấy đỡ gân cốt lắm. Ông bạn tôi ở Quảng Ninh gởi vô ba kích tươi, làm sạch ngâm rượu, uống nửa đêm cứ thấy mình như trẻ lại (tự trào quảng cáo tí chơi). Con gái con trai gởi rượu Tây cho ba. Uống vài ly ăn cơm thấy cuộc sống tràn niềm vui. Bạn tặng chai rượu quí. Uống mà rưng rưng nhớ về bao kỷ niệm. Chẳng cũng sướng ru?


Rượu, vậy đó, chẳng khác chi tiền. Tốt xấu là do người sử dụng. Tuy nhiên. Rượu kỵ nhất điều gì các bạn biết không? Kỵ nhất các anh áo vàng chốt chặn dọc đường. Lỡ vui với bạn vài ly, vẫn tỉnh táo lái xe về, mà gặp mấy ảnh đưa cái ống lên bắt thổi, tức thì là xui tận mạng!....


Nguyễn Quang Chơn

25.10.20, mưa, lan man nhớ bạn




Friday, October 23, 2020

Mưa lũ đi qua chưa, nghĩ gì về các hoạt động từ thiện và các động thái của chính quyền?

Đã hai ngày yên ắng. Không còn thấy những trận mưa như thác đổ, không còn nghe những cơn gió rít kinh hồn. Đâu đó ở Hà Tĩnh lũ vẫn lên, còn các nơi đã rút. Nghe thông tin ngoài xa, một cơn bão mới đang hình thành... 


Dẫu gì, thì biến nạn “lũ lụt miền Trung” cũng đã tạm dừng. Không gian trên mạng cũng tạm yên ắng, trong “khoảng lặng” này, ta nghĩ gì qua trận tan hoang từ Quảng Nam ra tới Nghệ An về các hoạt động cá nhân, đoàn thể, chính quyền?...


Thứ nhất, lũ là do thiên tai hay nhân tai thuỷ điện? Rõ ràng là do xây dựng thuỷ điện đầu nguồn, phá núi, phá rừng, xả đáy, khi mưa về tràn hồ chứa nên gây lũ quét. Vậy mà ngành kiểm lâm vẫn đổ là do biến đổi khí hậu. Truyền thông vẫn không đả động gì đến thuỷ điện. Trách nhiệm vẫn đổ lên đầu ông trời!


Thứ hai sự hy sinh của đoàn cán bộ chiến sĩ tử nạn ở Rào Trăng, trong đó có cả vị tướng chỉ huy quân khu, cả chủ tịch huyện...Họ đã chết rồi, đúng ra không nên nói đến nữa, nhưng sự mất mát như vậy thật sự đáng tiếc! Một đoàn như hành quân ra trận với một vị tướng chỉ huy mà chẳng biết phía trước có gì, đồn trại dừng ở đâu, phải phá cửa một trạm kiểm lâm để dùng cơm chiều và nghỉ qua đêm để rồi lũ xuống cuốn trôi. Phải chăng đoàn quân ra trận chỉ biết hướng của địch mà tiến, chẳng có thông tin, kế hoạch tác chiến gì, chẳng biết gì về đối phương? Phương tiện đầy đủ trong tay, sao không chủ động do thám đầy đủ dữ liệu trước lúc hành quân???...


Thứ ba về việc cứu trợ, chính phủ chi tiền cho các tỉnh với số tiền 300 tỷ đồng. Các cơ quan đoàn thể của chính quyền cũng trích lương lập quỹ. Cá nhân, tập thể nhân dân các nơi quyên góp, cùng đổ về miền Trung. Riêng cá nhân của một cô ca sĩ trẻ xinh đã kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng. Việc gì đã xảy ra?


Thùng tiền quyên góp của quốc hội ghi “Ủng hộ bão lụt miền Trung”. Sao lại ủng hộ bão lụt mà không ủng hộ đồng bào bị lũ lụt? Vấn đề chỉ là từ ngữ, nhưng ở đây là từ ngữ của một cơ quan quyền lực bậc nhất, nơi soạn ra hiến pháp, pháp luật. Nơi kiểm soát văn hoá giáo dục nước nhà. Nên từ ngữ không thể trật, sai....Phải chăng vì thế mà nơi đây đã có những kẻ soạn ra sách học “cánh diều” bá láp cho học sinh lớp 1 mà xã hội đang râm ran?


Thứ tư, những thông tin trên báo chí như “đừng để những kẻ xấu lợi dụng lũ lụt để nói xấu đảng, bôi bác chính quyền”. Đảng mà tốt thì sợ gì ai nói xấu. Sẵn sàng tranh luận với những kẻ nói xấu mình. Chính quyền mà “khoẻ mạnh” thì ngại gì ai bôi bác! Đưa thông tin như vậy, phải chăng là ta (đảng) lo và sợ?


Thứ năm, cái cô ca sĩ, hoặc ai ai đó, quyên góp được tiền bạc trong nước, ngoài nước uỷ thác cho họ đi cứu trợ. Họ làm được cái gì thì kệ họ, họ cho ai nhiều ít cũng tuỳ tâm. Là chính quyền thì hướng dẫn họ an toàn đi đến nơi về đến chốn. Tại sao phải viện nghị định này nọ để bảo họ phải nộp cho mặt trận tổ quốc, cho hội chữ thập đỏ phân chia? Việc cứu trợ cần phải được trật tự, có tổ chức, đúng rồi. Chính quyền sắp xếp, bố trí đoàn này đoàn nọ theo chương trình đăng ký để đảm bảo trật tự, an toàn, chứ không thể dành phần phân phát, dẫu lấy lý do là để công bằng, ai cũng có đủ, thậm chí thu lại để rồi tái phát, là trật lất! Người cho thì có quyền cho. Kẻ nhận người nhiều, người ít là cái số mỗi người. Chính quyền muốn công bằng, lấy tiền hỗ trợ của chính quyền ra phân phát, đừng động đến của dân! Hãy giám sát, nếu ai đó dùng tiền để phát tán thông tin xấu, kích động người dân chống đối chính quyền, thì stop, bắt giam, dễ ợt!...Từ những ý thức sai trái đó, không ít địa phương đã có những hành động, chính sách thật là phản cảm, để cho xã hội lên án ì xèo, có cần thiết phải vậy không?


Thứ sáu, trong biến nạn này, không ít cá nhân, tập thể đánh bóng tên tuổi, đồng thời cũng không ít cá nhân, tập thể lừa đảo, lợi dụng, bòn xén tiền cứu trợ của dân. Thật là khốn nạn. Thật là đau lòng!


Thứ bảy, tại sao không bắt những tư nhân xây thuỷ điện phải bỏ tiền ra, phải trích doanh thu, lợi nhuận để đền bù cho chính quyền, cho nhân dân? Đó là chưa nói đến việc truy cứu những quan chức, bộ ngành đã cấp phép tràn lan cho các thuỷ điện này được ra đời? Tại sao, tại sao họ được bình yên nhìn những gì họ đã gây ra, và hàng ngàn người lương thiện khác lại phải lăn xả vào chia sẻ, cứu nguy, và, chết?...

....

Ở trên là những cảm nghĩ nhanh, giản đơn, cạn cợt, chưa phân tích sâu xa, mà sao đã thấy đau lòng!


Xét cho cùng, khi xảy ra biến cố, thiên tai, ở đâu, cũng phải có chính quyền ra tay và luôn luôn có những tấm lòng từ thiện của người dân sát cánh. Tất cả là đẹp. Là đúng. Còn xấu hay sai, cũng bởi chính quyền, cũng bởi người dân. Mà chính quyền thì chỉ có một, còn người dân thì vạn trạng, thiên hình!....


Nguyễn Quang Chơn

Lan man, tản mạn

22.10.20



Tuesday, October 20, 2020

Từ lũ lụt miền trung, lại nghĩ đến tổng thống Donald J. Trump

Thưa ông Donald Trump,


Miền trung đất nước tôi đang ngập tràn trong nước lũ. Cơn bão số 5, rồi các cơn áp thấp nhiệt đới với những cơn mưa lớn đã gây bao tai hoạ. Hiện nay đã có hơn 128 người thiệt mạng, hàng chục người mất tích, nhà cửa, đường sá, làng mạc bị phá huỷ, tiêu tan không ít. Tiếng kêu vang cõi trời, tiếng khóc động chân mây...


Đã hàng trăm năm nay, miền Trung nước tôi bao giờ cũng mưa bão vào mùa này. Chúng tôi đã quen, nhìn trời là dự đoán được mức độ nguy hiểm và thường “sống chung với lũ”. Sau mùa bão lụt, đất đai lại màu mỡ phù sa, những côn trùng gây hại cho mùa màng lại bị tiêu diệt. Trong ký ức tôi, những cơn lụt thời xa xưa cũng là những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu!...


Thưa ông, nhưng bây giờ thì chỉ có tan thương, chỉ có đau lòng. Chúng tôi không biết lũ đến lúc nào. Mưa sơ sơ là lũ, ít lũ ít, nhiều lũ nhiều. Đất đá trên rừng đổ sập xuống vùng trung du, lũ kéo xuống tận đồng bằng, ngập tràn thành phố..., ông biết vì sao không? Đó chính là sự tác hại của hàng trăm công trình thuỷ điện ở cao nguyên miền trung. Riêng tỉnh Quảng nam đã có 62 thuỷ điện lớn nhỏ. Huế có 6 hồ thuỷ điện con con. Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh..., đếm không xuể!...


Làm thuỷ điện để có điện dùng là đúng rồi. Nhưng làm ở đâu, làm bao nhiêu, công suất chừng nào, lợi ích cho quốc gia đến đâu, thiệt hại đến môi trường cỡ nào, phù hợp với khí hậu đất nước ra làm sao? Tôi nghĩ, phải được những hội đồng qui hoạch quốc gia tính toán, nghiên cứu, đưa ra các phương án cẩn thận, kỹ càng. Ở đây, nhà nhà làm thuỷ điện, người người làm thuỷ điện. Và hàng triệu cây rừng bị tàn phá, hàng ngàn hecta rừng phòng hộ đầu nguồn bị tiêu hoại, mùa nắng thì mạnh ai nấy giữ nước, mùa mưa thì mạnh ai nấy xả nước. Như vậy, ai mà có thể tiên liệu được lũ sẽ như thế nào, sẽ tàn hại đến đâu? Rừng không còn, cây bị triệt hạ, lấy gì giữ đất, ngăn mưa???


Chính quyền vẫn cho là thiên tai. Người dân lương thiện vẫn chung lưng đấu cật hỗ trợ đồng bào, tiếng khóc than vẫn đang vang trời, dậy đất!...


Thưa ông, cũng rất nhiều trí thức, nhân sĩ nước tôi biết rằng thuỷ điện là mưu mô Trung Quốc. Chúng sử làm thuỷ điện để bán được thiết bị made in China vốn rẻ hơn châu Âu, châu Mỹ gần chục lần; để vừa tàn phá núi rừng, vốn là những căn cứ địa chiến tranh muôn đời nước Việt; vừa là treo những trái bom nước, sẵn sàng ngăn cách con đường tiếp vận quân sự Bắc Nam nếu có chiến tranh với chúng...


Ở bên nhau đã ngàn đời. Mưu thâm trung hoa dành cho nước Việt chẵng bao giờ ngơi nghỉ!


Và thưa ông, trong nỗi đau đất nước lúc này, sao tôi lại nghĩ đến ông?


Tôi nghĩ đến ông khi chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ quốc. Ông có được tại nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa hay không thì cả thế giới đang từng ngày theo dõi, chứ chẳng phải riêng tôi. Và ông đã trở lại mạnh khoẻ, mạnh mẽ, khi vô tình vướng nhiễm virus vũ hán vào thời khắc quan trọng nhất của chiến dịch bầu cử, là sự mừng vui của tất cả mọi người. Sự mạnh mẽ của ông lập tức kèm theo những hành động, những tuyên bố của cộng sự ông, ngoại trưởng Pompeo, đã cho thấy chính quyền ông luôn giữ vững lập trường đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại và đưa Trung Hoa trở về đúng thực chất của chúng. Không cho kẻ bất lương thành lãnh đạo, chấm dứt thằng ăn trộm thành đại gia, kẻ lươn lẹo lại vạch một vành đai, một con đường!...


Vâng, tôi nghĩ đến ông, bởi là một tỷ phú hàng đầu nước Mỹ từ lâu, còn bao nhiêu năm nữa để ông sống mà hưởng thụ những của cải, vật chất, cả danh tiếng mà ông đã làm ra trên cõi đời này? Tại sao ông lại phải dấn thân. Không một đồng thù lao. Việc kinh doanh gia đình chững lại, cầm chừng. Đối diện với truyền thông fake, với những lực lượng bị đồng tiền trung hoa mua chuộc. Với những kẻ muốn an nhàn hưởng lợi trong  bàn tay vuốt ve êm như nhung tàu cọng? Rồi ông phải chống trả với một vũ khí sinh học đánh vào ông và đánh cả nhân loại này. Cái tuổi mà ông phải được nghỉ ngơi, ông lại tả xung hữu đột. Vì đâu? Nếu không phải vì nước Mỹ trước tiên, nói riêng, và thế giới nói chung? Mà thế giới thì trong đó có Việt Nam tôi, ông Trump ạ. Ông yêu nước ông thế nào thì tôi cũng yêu nước tôi thế đó. Ông muốn nước ông vĩ đại theo tư duy của ông thì tôi cũng muốn nước tôi vĩ đại theo lập luận của chúng tôi. Vì chúng tôi đã từng vĩ đại rồi thưa ông. Với giặc phương Bắc, chúng tôi đã rất nhiều lần vĩ đại khi chúng phải xô chạy gãy cả cầu, máu nhuộm đỏ hồng hà, thây chất thành núi, thành gò..., chúng tôi đã từng rất vĩ đại...


Nên thưa ông Trump, tôi thấy ngọn cờ ông giương lên lúc này, cũng giống như niềm mơ ước đang dấy lên trong lòng tôi. Ông muốn mọi người thấy sự tàn hại của Trung cọng đã lôi kéo đất nước ông đi xuống, tôi cũng muốn mọi người thấy mưu đồ hiểm độc của Tàu Cọng đã giết hại tàn độc dân chúng tôi, đất nước tôi, những lũ lụt kinh hoàng miền Trung đang là minh chứng....


Tôi muốn thưa với ông rằng. Dẫu ông có thất cử trong vài ngày sắp tới đây, thì ông vẫn không là người thất bại, không là người cô độc. Bởi ông có cả tỷ người tiến bộ cùng suy nghĩ với ông, cùng sát cánh bên ông. Chỉ tiếc là họ không thể cầm lá phiếu để bỏ vào thùng phiếu bầu ông, vậy thôi, thưa ông Trump kính mến!...


Chúa sẽ phù hộ cho ông. Và đang giữa mùa bão lũ miền trung, tôi cũng nguyện cầu cho ông. Ông khoẻ và ông chiến thắng!....


Nguyễn Quang Chơn

20.10.2020

Wednesday, October 14, 2020

Chuyện cổ tích thế kỷ 21


Có em Ngô Minh Hiếu

Quê Thanh Hoá, Triệu Sơn

Mười năm cõng đi học

Nguyễn Tất Minh, bạn mình...


Cả hai thi đại học

Điểm số đáng vinh danh

Hiếu hai tám mười lăm. 

Minh thì hai tám mười

Hiếu chọn Y Hà nội

Minh Bách Khoa ngành tin!...


Minh đã đủ điểm đậu

Hiếu thiếu không hai lăm

Nói chung thì xứng đáng 

Với ngày tháng đăm đăm

Bao nhiêu là gian khó

Rất gian nan tơ tằm!...


Y Hà nội từ chối

Hiếu về Y Thái Bình

Từ nay là xa cách

Minh mười năm bạn mình!...


Cũng vì mạng xã hội

Phê phán quá chừng chừng

Mà hiệu trưởng Hà nội

Đổi giọng xin chào mừng

Mời Hiếu vào trường học

Để đời khỏi coi khinh


Nhưng Hiếu không phải kẻ

Cõng bạn mua cái vinh

Để trường Y bố thí

Như là thương hại mình!


Hiếu chọn học Thái Bình

Mọi người khen Hiếu đúng

Ngài Tổng kiêm chủ tịch

Tặng ảnh Hồ Chí Minh!...


Nguyễn Quang Chơn

15.10.20