Monday, February 29, 2016

Ngày 29 tháng 2


29 tháng 2. ngày đặc biệt
Bốn năm mới có một lần
Như em một người đặc biệt
Gặp nhau. một đời trầm luân
Như bạn một người đặc biệt
Kết thân. rồi hận không quên...

Thế gian. Bao nhiêu đặc biệt
Bao nhiêu gặp rồi lại xa
Đời ta bao nhiêu đặc biệt
Buồn vui. Dặt dìu cỏ hoa...

29 tháng 2. Mười sáu
Giọt rượu uống hoài không say
Tháng hai. tháng ba. tháng bảy
Tháng nào đời già ngơ ngây
Mà cứ mộng tình mây bay
Vẽ vời. hân hoan. hoa mỹ
Buồn. Có ai đâu hay!...

Tháng hai 29. đặc biệt
Bốn năm mới có một lần
Dẫu bốn mươi năm lận đận
Dẫu bốn ngàn năm ngu ngơ
Dẫu bốn triệu năm lợ cợ
Cũng xin một ngày vu vơ!...

Cũng xin một ngày vu vơ
Nhìn em bước qua đồi cỏ
Con chim thôi hót thẩn thờ
Con ngựa dậm dật đôi vó
Anh u ơ buồn. ngồi làm thơ!...

Cũng xin một ngày thẩn thờ
Chẳng biết mưa hay là nắng
Chẳng biết đời đen hay trắng
Để anh khóc giữa đêm trăng
Mà trăng chết từ lâu lắc....

Nguyễn Quang Chơn
29.02.16
Tặng vô cùng...

Sunday, February 28, 2016

Huyền thoại và vô danh


(Rút từ facebook của Tuấn Khanh)

Nhà ga Kami-Shirataki, Nhật, sẽ đóng cửa vào tháng Ba này, và mở ra một ký ức văn minh hết sức ấm áp cho nước Nhật cũng như cho thế giới. Nhà ga nhỏ nằm ở thị trấn Engaru, thuộc vùng nông thôn của Hokkaido, đã đột nhiên lừng danh từ 3 năm nay với việc duy trì phục vụ cho một hành khách duy nhất, là một nữ sinh đi học hàng ngày.

Câu chuyện Cơ quan Đường sắt Nhật Bản họp và quyết định duy trì hoạt động đầy thua lỗ này với mục đích là giúp cho một nữ sinh không gặp khó khăn trên đường đến trường trở thành huyền thoại trong thế giới hiện đại, vốn đang nghèo khó sự chia sẻ và lòng bác ái. Nhìn về nhiều phía, nước Nhật quả là đầy huyền thoại, và con người ở đất nước này cũng rất thông minh để biết cách tạo nên những huyền thoại lưu danh hậu thế.

Những câu chuyện như vậy trên trên giới thật hiếm hoi. Một phần vì đức năng đủ để tạo nên truyền kỳ không dễ, một phần khác là không phải những câu chuyện nào cũng được nhân gian biết đến. Chuyện nhà ga Kami-Shirataki làm tôi nhớ đến người lái đò ở Cồn Sơn, Cần Thơ. Vùng đất miền Tây lặng lẽ và hiền lành này nếu được ai đó viết lại, cũng là một chuyện truyền kỳ đáng ngưỡng mộ trong cuộc sống này.

Để đi đến vùng cây trái xanh tươi cây trái Cồn Sơn, phải đi qua một con sông. Phương tiện duy nhất nối hai bờ là chiếc đò của chị Bé. Người phụ nữ có nước da ngăm đen, dáng người cục mịch nhưng khoẻ mạnh này mỗi ngày lái hàng chục chuyến đò miễn phí cho dân chúng ở Cồn Sơn, từ 5g sáng cho đến 9 giờ tối. Rất nhiều chuyến, chị chỉ chở một học sinh, thậm chí chỉ một con vịt được gửi qua bên kia bờ.

Chị Bé trên dưới 40 tuổi. Cũng không ai biết nhiều về chị, dù chị nhẳn mặt mọi người. Học trò xuống đò ra phố trốn học đi chơi, thế nào cũng bị chị gọi méc. Người đi làm công nhật bỏ bữa không đi, chị đã lo hỏi có bệnh không. Công việc của chị gần gũi đến mức ít ai nhớ người phụ nữ rất hay mắc cỡ, luôn im lặng này, đã tự mình dựng nên một con đò, rồi sống một cuộc đời miệt mài với những chuyến đưa đò không cần lấy lại với dân chúng. Từ năm chị Bé 15 tuổi, khi nhận ra qua con sông là chuyện khó của nhiều người, chị gom góp của cải và âm thầm chọn cho mình cuộc đời đưa đò như vậy.

Đêm hôm, nhà ai có sinh nở, chỉ cần ở bên bờ ới chị một tiếng, đã nghe tiếng máy nổ xình xịch chạy tới. Chị Bé không có ngày nghỉ, đến mức bệnh đang nằm liệt, nghe người gọi cần xuống đò, chị cũng lồm cồm ngồi dậy làm công việc của mình không một tiếng cằn nhằn.

Tên thật của chị là Nguyễn Hoàng Dịch Thuỷ. Cái tên đẹp và ý nghĩa như công việc ngày thường của chị. Ở Nhật, người ta giữ lại một nhà ga cuối cho một học sinh. Ở Việt Nam, người phụ nữ vô danh ở miền Tây xô vạt một con sông để chắt chiu một ngôi làng, 49 gia đình với già trẻ lớn bé không họ hàng thân thích gì với chị cả.

Có lúc thắc mắc, tôi hỏi những người chung quanh rằng rồi chị Bé sẽ sống bằng gì với sự cho đi thanh thản như vậy. Người thì nói rằng chị có chỗ giữ xe cho dăm ba khách du lịch, một cái tiệm tạp hoá con. Rồi mấy năm gần đây khi khách du lịch lác đác tìm đến, chị được chút ít tiền đưa đò cho khách. Tiền kiếm được thêm, chị Bé lo chuyện bị phạt vì đưa khách sang sông mà không có áp phao nên dồn mua đủ loại phao, áo… chất đầy trên đò.

Tháng ba này nhà ga Kami-Shirataki dự trù sẽ đóng cửa vì cô nữ sinh tốt nghiệp và vào đại học, sẽ ở lại trên thành phố lớn. Còn con đò Dịch Thuỷ ở miền Tây thì vẫn ngược xuôi, không hẹn ngày nghỉ. Phật dạy rằng gánh nặng lớn nhất trong đời người là yêu thương. Người đàn bà miền quê đó lặng lẽ mang hết những gánh nặng đó trong đời, với nụ cười chai sạm hết sức hồn nhiên. Con đò như đời người, như một công án thiền mênh mông, không màng lời giải.

Có những con người Việt Nam như vậy, như Bồ Tát đời thường, vẫn sống, vẫn đứng giữa mọi người trong từng ngày thường. Họ như những tia sáng le lói soi vào tim người, làm dịu đi những nan đề của đời khiến nhân gian sôi sùng sục học cách đáp trả, học cách bắt lấy thật nhanh danh lợi. Tiếc là họ luôn lẩn khuất trong cuộc sống đang vằn vện hào quang ảo tưởng.

Trong bài “Hai người gian dối trong cuộc chiến 1979” mà báo Petro Times đưa trong ngày 17/2, tác giả có nhắc về hai nhân vật không có thật đã tung hoành trong trí tưởng tượng của nhiều thế hệ Việt Nam là Lê Văn Tám và Nguyễn Văn Bé. Hai nhân vật được dựng lên với nhiều chi tiết vô lý, thậm chí được đưa vào học thuộc lòng trong sách giáo khoa.

Phải chi câu chuyện thấm đẫm tình người như nhà ga Kami-Shirataki hay con đò Dịch Thuỷ ở miền Tây được thay vào cho những nhân vật nói trên, biết đâu sự dữ dội giả tạo ấy trong sách giáo khoa sẽ nhường chỗ cho lòng bác ái và tình thương, cho nhiều thế hệ về sau?

Tôi coi bản video ghi lại lễ hội cướp phết ở làng Hiền Quan, Phú Thọ, bắc Việt Nam trong những ngày tháng Giêng, đầy những cảnh tranh cướp đánh nhau kinh sợ, e còn hơn cả những cảnh trong bộ phim giả tưởng Bụi Đời Chợ Lớn. Những cảnh chém heo lìa đôi oai phong lẫm liệt đến rợn người. Người Việt thật sự chỉ được học sức mạnh của các anh hùng, bao gồm cả những anh hùng bịa đặt? Người Việt chỉ được dạy khao khát sức mạnh như bom và xăng. Một ngày nào đó, liệu chúng ta có còn cơ hội để học về những con người bình thường – những con người không âm mưu danh lợi hay quyền thế, không chà đạp nhau mà chỉ muốn cho đi với sự bao dung như một con đò vô danh?

Wednesday, February 24, 2016

Siêu độ


Cũng rồi. một cuộc tử sinh
Ngày mai hồn sẽ lênh đênh phương nào
Bốn chín ngày. tựa chiêm bao
Rừng xưa. phố cũ. lao xao tiễn người...

Về đâu một kiếp luân hồi
Vết màu loang thẫm cõi trời hoang sơ
Người đi dệt lại giấc mơ
Nơi hồng hoang. Giữa bến bờ mênh mang

Sóng bên sông. Gió trên ngàn
Lời kinh rời rã. Tiếng đàn lặng câm
Đã thôi rồi nỗi trầm luân
Người phiêu diêu nẻo vô cùng thanh không!

Chắp tay niệm với hư không
Cung trời Đâu Suất. Người mong gặp người!
Bá vai. rộn rã tiếng cười
Câu thơ. điệu nhạc. dặt dìu thanh âm...

Rừng xưa đã khép. lặng câm
Lời thiên thu gọi. Mênh mông cõi trời
Ạ à ơi. ạ à ơi
Dran xưa cũng ru hời đâu đây

49 ngày một vòng tay
Tử sinh nối lại tháng ngày đi hoang
Người đi. Bỏ dấu địa đàng
Cõi Di Đà. Ánh thênh thang đợi người!...

Nguyễn Quang Chơn

25.02.16, tuần 49 ngày hoạ sĩ ĐC. Anh sẽ siêu thoát về miền cực lạc, hồn nhiên với nhạc sĩ TCS

In nghiêng là tựa những bài hát TCS

Con chim đỏ


Con chim đỏ đồ chơi reo lên ríu rít khi ai đến gần 
Người bạn tặng cho Dũng dễ hơn mười năm trước
Khi Dũng ở Việt Nam. còn nhỏ xíu
Con chim đỏ nằm im trên nóc máy lạnh phòng khách từ lâu
Thôi hót vì chẳng còn pin
Con chim hiền lành vĩnh viễn giấc ngủ yên...

Đêm. sắp 49 ngày xa hoạ sĩ Đinh Cường
Rót ly rượu. Soạn lại những bức tranh
Nhìn. Để nhớ...

Này là chân dung Dũng, Tâm
Kia là Thung Lũng Hoa Vàng
Nọ là  Hoa Phù Dung
Và kìa góc tường gần tủ lạnh
Có Cô Gái Miền Đồi Núi
Lặng yên. trầm mặc. sầu lắng. u buồn!...

Chợt nhìn thấy con chim đỏ
Có con chim đỏ về hót mừng...
Như lời anh viết chưa lâu
Con chim đỏ
Con chim đỏ trên cánh rừng Natick
Thi thoảng về cùng hoạ sĩ 
Chia những buồn vui...
Con chim đỏ xa lạ
Bỗng bất chợt về đây
Trong căn phòng nhỏ
Chia cùng người nỗi nhớ một tài hoa...

49 ngày cách xa
Buồn dễ sợ
Không biết gì hơn chắp tay cầu tịnh độ
Cầu hồn người vui nơi cõi vô cùng
Có anh Sơn, anh B. Chỉ, anh P. Nguyễn
Với chập chùng bè bạn. Nghe anh!...


Nguyễn Quang Chơn
23.02.16
49 ngày anh ĐC đi xa và con chim đỏ
Chữ in nghiêng là tên tác phẩm của ĐC

Friday, February 5, 2016

Tết không


Có những nỗi buồn chi không biết
Trong những ngày cuối năm chờ tết
Gió vẫn xôn xao và nắng vẫn vàng
Cây cối vẫn xếp hàng. Người vẫn rộn ràng góc phố
Sao nghe lòng lạnh nhạt. trống không!...

Có một khoảng trống mênh mông
Chắn giữa lòng và tết
Thắp trên bàn thờ một cây hương. rót một ly cognac
Khói hương bay tan trên không
Giọt rượu nồng cay thấm từng tế bào
Chấm vệt màu hồng lên nền toile trắng
Tết ở đâu?...

Có một bầu trời xanh trong giấc mơ mòng
Những đứa trẻ cười đùa. tung tăng áo mới
Xác pháo thắm bên thềm
Tiền lì xì cầm tay
Bụi cúc vàng trước cổng
Mùi trầm thơm và tiếng chào rộn ràng năm mới
Ly rượu thứ mười mấy
Cụng
Ngất ngây...
....
Chừ đây
Năm sắp hết
Bạn đã chết
Con đã xa
Châu chấu ngân nga
Nên tết không vào nhà
Tết chỉ đi qua trước ngõ (*)
Ta gói trọn yêu thương. Gởi về vùng xa lắc. San Jose...

Nguyễn Quang Chơn
6.2.16
28 tháng chạp Ất Mùi. Nhớ các con
(*) ý thơ Phùng Quán

Thursday, February 4, 2016

Đối vui chào Tết

Cuối năm Ất Mùi ra đường chộ lão dê già cà chớn. Già chi già chát. Nhìn thấy chán. Đồ già dê!

Đầu năm Bính Thân xuống phố gặp lũ khỉ trẻ phởn phơ. Trẻ chi trẻ lạ. Ngó bắt thèm. Bọn trẻ khỉ!

NQC
27 tháng chạp Ất Mùi

   Nguồn: internet