Wednesday, July 3, 2013

Tiếp Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason, Virginia, tại Đà Nẵng,


13:00 chuông điện thoại reng. “Mạnh Hùng đây, mình đang ở ĐN. Làm việc với sở ngoại vụ một chút, khoảng 15 giờ là free về KS…., gặp nhau chút nhé…”

Giáo sư Ngyễn Mạnh Hùng, năm 28 tuổi đã là tiến sĩ ở Mỹ, ngoài  30 đã là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch miền Nam Việt Nam. Sau 1975 ông sang Mỹ và giảng dạy tại đại học George Mason đến bây giờ. Ông có nhiều tác phẩm và bài bình luận trên nhiều thời báo quốc tế về quan hệ quốc tế và đặc biệt về Đông Nam Châu Á. 
Bao giờ cũng vậy. Giọng điện thoại của giáo sư bao giờ cũng  ngắn gọn và vội vã. Mặc dầu khi thuyết trình hoặc viết, ông rất chậm rãi, cẩn trọng…

Nhớ yêu cầu của anh, tôi thử gọi điện cho ông Nguyễn Bá Thanh,  trưởng  ban Nội chính Trung ương, Bí thư  Thành  ủy Đà Nẵng. Có ông Nguyễn Mạnh Hùng , giáo sư về quan hệ quốc tế đại học George Mason Virginia đưa sinh viên về ĐN thực tập, rất muốn gặp ông, không  biết  ông có thể tiếp được không? Vẫn với phong cách rất NBT. Được, mời 7 giờ tối tại nhà riêng, nhé!

Thật là hạnh phúc! Như vậy là điều GS mong khi về ĐN được trực tiếp diện  kiến ông NBT, chính khách “hot man”  mà báo chí trong và ngoài nước đã  nói đến nhiều, nay  mình đã  may mắn sắp xếp được.
15:00 tôi đón ông tại sở ngoại vụ ĐN. Vẫn tác phong nhanh nhẹn và vui tính. Giáo sư Hùng trông trẻ hơn tháng 6/2012, khi tôi thăm ông bên Mỹ. Trời ĐN cũng như  hiếu khách. Sáng nay mưa lâm thâm buồn và lạnh, chiều chợt trở nắng và ấm hơn…

Tôi nói chương trình sẽ đưa anh đi thăm một vòng ĐN và tối sẽ gặp ông NBT. Anh vui lắm. Anh đưa tôi bản prochure triễn lãm tranh Đinh Cường ở Huston tháng 10 do ĐC gởi và cuốn thơ văn Khói Hồ Bay  của Nguyễn Tường Giang con trai út nhà văn  Thạch Lam (Tự lực văn đoàn) đề tặng thật là cảm động,  và anh cũng thông báo tình hình stroke của họa sỹ Đinh Cường làm tôi hoảng hốt. Hèn gì, thư gởi cho ĐC ngày đầu năm không thấy trả lời. Gọi điện cũng không nghe anh thưa máy.

Họa sỹ Đinh Cường, ngày 27/12/2012 cùng chị Nhung vợ anh đang  dùng cơm tại nhà luật sư Dũng, bỗng anh  gục xuống bàn. Phải gọi cấp cứu và đưa vào bệnh viện địa phương, sau đó phải dùng trực thăng đưa vào bệnh viện lớn hơn và hôm sau mổ cấp cứu để  lấy máu tụ trọng não.
Anh Hùng cho biết hiện giờ anh Cường đã có thể đi lại và đang tập đi lên cầu thang!
Trời. Niềm vui gặp nhau chưa được bao nhiêu đã hòa trong cái buồn man mác của nỗi lo bạo bệnh của  người anh thân yêu khác…
….
Đưa anh Hùng đi thăm ngôi chùa Linh Ứng trên núi Sơn Trà. Tôi nói với anh. Ông Bá Thanh nói rằng, sống phải có tín ngưỡng để cho con người sống thiện hơn. Ông Bush, ông Clinton qua VN còn đi nhà thờ huống chi dân mình. Vì vậy ông ủng hộ  tự do tín ngưỡng. Khuyến khích các tôn giáo thân thiện nhau và trên ngôi chùa được các mạnh thường quân cả nước chung tay xây dựng với tượng Quán Thế Âm lớn nhất nước này, người dân tin rằng Đà Nẵng có Phật hộ trì nên 5,6 năm nay từ khi khánh thành, đã  không có cơn bão lụt lớn nào đi qua  thành phố!

Tôi đưa anh đi qua những cây cầu và nói rằng những cây cầu ngoài  dấu ấn thẫm mỹ, đã và sẽ đưa sự giao thương hai bên bờ sông Hàn thuận tiện ngược xuôi…
Giáo sư Hùng. Vẫn với cái sắc bén và thâm trầm cố hữu của ông khi phát biểu chính kiến. Ông nói. Tôi đã có nghe về ông Thanh nhiều và chiều nay, khi gặp các cô trong sở ngoại vụ, thấy các cô giỏi tiếng Anh lắm, đã giới thiệu thành phố rất chuyên nghiệp và rất tự hào về thành phố của mình. Hỏi ra mới biết các cô đó đã  được thành phố tài trợ học bỗng đi học nước ngoài để về  làm việc cho thành phố ít nhất 7 năm. Đây là chính sách đào tạo nhân tài ấn tượng của tôi!

1954, tôi theo cha vào Quảng Nam, sống ở Hội An. Mỗi cái Tết, xe chở tôi và mẹ ra chợ Hàn để mua hàng Tết. Tôi ngồi trên xe nhìn thành phố. Ký ức trong tôi vẫn một thành phố nhỏ bé, nghèo nàn.
Trước 75, công vụ lệnh về ĐN đôi khi. Thành phố ĐN giữa chiến tranh, xô bồ, hỗn độn.

 Sau 75, những lần về làm việc với nhà nước Việt Nam tại Hà nội, Sài gòn. Tôi vẫn chưa có dịp nào về Đà nẵng. Bây giờ ghé ĐN và được anh đưa đi thăm một vòng, cái first  impression (ấn tượng đầu tiên) của tôi là một thành phố đẹp và đáng sống. Thành phố xanh rất nhiều so với những thành phố khác ở VN. Muốn hẹn với anh một dịp không công việc, để cùng anh thư giãn với biển, với bạn bè… Và, tôi muốn nói với anh, vấn đề là ở leadership (sự lãnh đạo).

Rồi ông hỏi tôi. Ông Thanh sắp ra HN làm nhiệm vụ quan trọng anh có lo không? Tôi hỏi sao lại lo? Ông bảo. Theo tôi biết. Chống tham những bao giờ cũng thất bại. Và, nếu ông Thanh không thành công thì thật là đáng tiếc. Tôi đâu biết nói gì, chỉ cười….
Ghé quán cơm niêu. Ông vui lắm. Sao Chơn biết mình thích cơm niêu. Trời ạ. Làm sao ai biết chiều nay trời nắng đẹp?!

Giáo sư ăn ngon lành. Ăn cả phần cơm cháy trong niêu cơm của tôi. Nhìn anh ăn ngon, tôi  nhớ lại bữa cơm mà anh cùng họa sĩ Đinh Cường, giáo  sư Như Hạnh mời tôi tại khu Fall Church Việt Nam, Virginia khi  tôi cùng thằng con trai Quang Dũng từ San Jose lên thăm.
Lại chợt nhớ những ông anh thân thiết!  Nhớ  Họa sỹ Đinh Cường.  Nhớ Giáo sư  Như Hạnh 
Đúng hẹn, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Bá Thanh. Ông đón chúng tôi ân cần, giản dị. Tôi không cần phải giới thiệu nhiều. Hình như ông đã “nghiên cứu” lý lịch anh Hùng rồi nên rất “open” theo phong cách của ông!

Ông Thanh đã xé bỏ bức màn e dè, rào đón thường thấy  bằng cử chỉ thật tự nhiên và rất Quảng Nam. Khi anh Hùng nói là nghe rất nhiều về ông và muốn được gặp ông. Ông Thanh đã thẳng thắn nói về những điều mà báo chí nói tốt,  nói xấu về ông. Thoải mái.Tự tin. Giản dị. Như anh nông dân ngồi kể chuyện vừa cày xong thửa ruộng và đang muốn cày thêm giúp bà con những thửa ruộng tiếp theo…
Giáo sư Hùng và bí Thư Thanh trao đổi nhiều vấn đề. Tôi thấy ông Thanh rất chăm chú nghe giáo sư nói về những quan hệ quốc tế chồng chéo và phức tạp. Nên nhớ GS Hùng đang giảng dạy môn chính sách Hoa Kỳ tại đại học G.M

Không muốn mất nhiều thời gian của ông Thanh, chúng tôi về nhà với một ly rượu nhỏ và nhắc kỷ niệm về  những người thân. Nhấc phone gọi Đinh Cường, anh cũng không nhắc máy, lòng bâng khuâng lo ngại, không vui…
Đưa Giáo sư Hùng  về khách sạn bên kia sông Hàn,  đêm nay là đêm 30 tháng 11 âm lịch. Đúng một tháng nữa là Tết. Thành phố lung linh ánh đèn, sương khuya lành lạnh…
Chia tay . Chúc anh ngủ ngon.
Giáo sư  Hùng nói. Đà Nẵng của anh thật đẹp. Xin cám ơn anh!


Đà Nẵng, 11/01/2013 
Nguyễn Quang Chơn