Friday, September 25, 2020

Nghĩ gì về những bài phát biểu tại kỳ họp kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức Liên Hiệp Quốc...

Kỳ họp kỷ niệm 75 năm thành lập của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York ngày 22/9, đã cho thấy tác động của đại dịch COVID-19 to lớn ra sao. Bài phát biểu được nguyên thủ quốc gia các nước stream on line. Tất cả bởi một kẻ khủng bố vô ảnh, vô hình, mà WHO gọi là virus Corona!...


Khi bắt đầu bài phát biểu, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhìn về phía phòng họp của Đại hội đồng LHQ, nơi 193 quốc gia thành viên LHQ  chỉ cử 1 nhà ngoại giao đại diện được phép ngồi dự. Họ phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.

trump-and-tap-1600912012667487370279.jpg


Ông Tổng thư ký Guterres dáng dấp như một nhà giáo, tỏ ra lo sợ chiến tranh giữa hai cường quốc nhất nhì thế giới. Ông kêu gọi mọi người cùng nhau ngăn chận...


 “Chúng ta phải làm mọi thứ để tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới. Chúng ta đang đi theo một hướng rất nguy hiểm...”


Ông chia sẻ:


"Trong một thế giới bị đảo lộn, căn phòng này của Đại hội đồng LHQ nằm trong số những cảnh tượng kỳ lạ nhất. Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cuộc gặp thường niên của chúng ta đến mức không còn nhận ra được nữa" 

Từ nhà trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump đã gởi đến một bài tham luận chát chúa, lên án TQ đã mang virus corona đến cho thế giới. Ông kêu gọi TQ phải trả món nợ này. Xin trích một vài đoạn phát biểu của Dnald, lượm lặt trên mạng:


"Tôi rất tự hào được phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, 75 năm sau khi kết thúc Thế chiến II và thành lập Liên Hiệp Quốc.


Chúng ta một lần nữa đang bước vào một cuộc chiến toàn cầu vĩ đại. Chúng ta đã phát động một trận chiến mãnh liệt chống lại kẻ thù vô hình: Virrus China cướp đi vô số sinh mạng tại 188 quốc gia.


Tại Hoa Kỳ, chúng tôi đã tiên phong về các biện pháp điều trị cứu người, giảm tỷ lệ tử vong 85% từ tháng Tư. Nhờ những nỗ lực của chúng tôi, ba loại vắc-xin đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. Chúng tôi đang sản xuất hàng loạt các loại vắc-xin này trước để có thể chuyển chúng cho người dân.

Chúng ta sẽ đánh bại virus. Chúng ta sẽ kết thúc đại dịch. Và chúng ta sẽ bước vào một kỷ nguyên mới của sự thịnh vượng, hợp tác và hòa bình chưa từng có.

Khi chúng ta theo đuổi tương lai tươi sáng này, chúng ta phải buộc quốc gia đã phát tán virus này ra thế giới phải chịu trách nhiệm: Trung Quốc!

Trong những ngày đầu virus bùng phát, Trung Quốc đã phong tỏa đi lại nội địa, trong khi vẫn cho phép các chuyến bay rời Trung Quốc – và đầu độc thế giới.”


Ông cũng lên án tổ chức y tế thế giới đã bị TQ kiềm toả để thông tin sai lệch về đại dịch. Lên án TQ đã phá hoại môi trường không khí và môi trường biển. Ông cũng yêu cầu LHQ phải quan tâm giải quyết các vấn nạn như chủ nghĩa khủng bố, áp bức phụ nữ, cưỡng bức lao động, buôn lậu ma túy, buôn người và cưỡng ép bán dâm, đàn áp tôn giáo và thanh trừng sắc tộc đối với các nhóm thiểu số tôn giáo...Toàn là những điều TQ đang làm tại nước họ và những sắc tộc lân cận đang bị họ cưỡng bức như Tây Tạng, Ngô Duy Nhĩ...


Bên cạnh, ông cũng ca tụng những thành tựu nước Mỹ đã đạt được trong 4 năm ông làm tổng thống. Thông báo rằng vũ khí chiến tranh của đất nước ông đang rất mạnh, mạnh không ngờ. 


“Chúng tôi đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vũ khí của chúng tôi bây giờ là ở cấp độ tối tân mà chúng tôi chưa bao giờ có trước đây, thẳng thắn mà nói là trước đây chúng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có được vũ khí như thế!”


15 phút sau đó là bài phát biểu của Tập Cận Bình. Tập phát biểu thật hiền từ, trái ngược với bài phát biểu trước đó của Trump: “TQ không có ý định gây chiến tranh hay chiến tranh lạnh với bất kỳ nước nào”. "Chúng tôi sẽ tiếp tục thu hẹp sự khác biệt và giải quyết tranh chấp với nước khác thông qua đối thoại và đàm phán", và kêu gọi các nước hợp tác với WHO để chống dịch...


Đại diện phía Đông Nam Á, có hải biên ở biển Đông, tổng thống Indonesia cũng tỏ ra lo ngại chiến tranh. Ông Joko Widodo nhấn mạnh: "Chiến tranh không có lợi cho bất cứ ai. Chẳng có nghĩa lý gì khi ăn mừng chiến thắng giữa đống đổ nát. Chẳng có nghĩa lý gì khi trở thành cường quốc kinh tế lớn mạnh nhất trong một thế giới đang sa lầy".

....

Qua cuộc hội nghị này chúng ta thấy sự khác biệt rất lớn trong quan điểm các nước. Và thật sự vai trò của LHQ trong mấy thập niên gần đây chỉ là bù nhìn. LHQ có làm được gì khi ngăn Mỹ đánh Cosovo, đánh Irag, đánh Libiya? Lực lượng mũ nồi xanh chỉ là lực lượng vô dụng, là sự du lịch quân đội của các nước, và biết đâu, là những đoàn quân tình báo của các quốc gia...


Tôi không thích bài phát biểu của ông Trump trên diễn đàn này với sự khoe khoang thành tích nước Mỹ trong thời gian ông cầm quyền một cách khá trơ trẽn, nhưng có lẽ ông cần cho mọi người trên thế giới và dân chúng ông biết điều này, khi cuộc bỏ phiếu bầu nhiệm kỳ hai của ông chỉ còn 2 tháng nữa. Nhưng tôi đồng quan điểm với ông trong yêu cầu TQ phải trả nợ cho thế giới về vụ phát tán Vorus Vũ Hán, về ô nhiễm môi trường và những tệ hại khác cho nhân loại mà họ đã gây ra...


Tôi cũng thông cảm cho ông Widodo khi chiến tranh xảy ra trong khu vực. Đất nước tôi đã quá đau khổ trong chiến tranh. Tuổi của tôi đã chứng kiến hầu hết những quằn quại trong chiến tranh và đau đớn trong hoà bình...


Tập Cận Bình thì như một con chuột đứng trước con mèo Donald. Chuột đã bới thóc, đào hang, gặm nhắm, gieo dịch trong nhà mèo một thời gian dài, giương oai diễu võ cứ tưởng mèo mù. Nay gặp con mèo dữ, mở vuốt chuyển mình. Chuột đành khúm núm (và hiền từ) kêu gọi hoà bình, phản đối chiến tranh!...


Phàm là mèo thì thiên mệnh của mèo là diệt chuột. Phàm là chuột thì bản chất là đào khoét, gặm nhắm, phá hoại, bòn rút, hèn hạ. Cho nên, mèo có vờn chuột thì cũng thật bình thường. Và chuột có co ro chân cẵng, líu ríu phản đối chiến tranh thì cũng chẵng lạ chi. Loại tiểu nhân lúc được thể thì múa máy hùng hồn, lúc kém thế thì cúm rúm, van vỉ, là rất bình thường!...


Và tôi. Tôi không muốn chiến tranh. Nhưng tôi muốn diệt tàu cọng. Tôi ủng hộ ông Trump. Con chuột cọng tàu đã gặm nhắm lở lói, nham nhở mọi mặt, mọi nơi trên đất nước tôi. Đất nước tôi không có mèo. Nên tôi cần ông. “ Mr. Cat Donald”!


Nguyễn Quang Chơn

25.9.20



Thursday, September 24, 2020

Câu chuyện Đồng Tâm: Đúng, sai? Có cần thiết phải xử lý như vậy không?

Chính quyền đúng hay người dân đúng trong việc giành chủ quyền vài chục hecta đất ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội? Thật sự tôi cũng không tỏ tường. Bởi để rõ ai đúng ai sai phải có một trọng tài phân xử, dựa trên tài liệu, pháp luật thanh minh. Bên đại diện cho nhà nước là công an, quân đội, tư pháp, chánh quyền. Bên đại diện cho người dân Đồng Tâm là các luật sư, họ mới được đọc hồ sơ, am hiểu luật pháp. Hai bên phải tranh luận sòng phẳng để đến được kết luận bên nào đúng, bên nào sai. Ở đây, tiếng nói chỉ được nghe từ phía chính quyền. Còn phía luật sư thì không được tranh luận. Vậy sao hiểu được ai đúng ai sai? Biểu rằng, mấy chục hộ dân ĐT đúng thì e quá cảm tính. Biểu rằng, chính quyền nói chính quyền đúng, phải nghe, thì quá độc tài!...


Thôi thì cứ cho là dân sai, và đặc biệt là cụ ông đảng viên cọng sản trên 80 tuổi, người cầm đầu vụ tranh chấp, là sai. Thì việc bắt cụ, đánh gãy chân là đúng hay sao? Và việc đưa công an súng ống đầy đủ, rạng sáng 09/1/20 đồng loạt tấn công nhà ông Kình, bắn chết ông và vì vậy mà 3 cậu sĩ quan công an “sụp hầm” chết là có cần thiết hay không?


Cứ cho là dân ĐT sai, họ đã lấn chiếm trái phép đất quân sự ở đồng Sênh. Họ đã xây dựng nhà ở trái phép trên đất đó. Thì, việc sai trái này chắc đã diễn ra từ rất lâu rồi. Cụ thể là họ đã mấy đời sinh ra lớn lên từ đây. Mà cái sai đó nếu đã không được chính quyền “hợp thức hoá” thì họ đâu có ăn ở bình yên trên đất đó được đã bấy lâu nay. Vậy cái sai là bởi chính quyền. Chính quyền những năm nào thì cũng là chính quyền của nước CHXHCNVN, cũng do một đảng CS lãnh đạo thôi mà. Vậy đảng cũng có sai chứ đâu mỗi dân sai?...


Và trong hiến pháp “đất đai là sở hữu toàn dân”, thì dân có “vặt” một ít đất xây nhà cày ruộng thì cũng giống như bánh trái trong nhà là để các con, rủi có thằng nào “ăn vụng” vài cái bánh thì hắn cũng lỡ nuốt vào bụng rồi, móc họng, moi bụng ra cũng chẳng để làm gì, sao không phạt con bằng cách khác, như sẽ không cho con ăn thêm chè, thêm trái???


Chính quyền có trong tay 362 ngàn ki lô mét vuông đất ( là tôi được học thuộc lòng từ lớp tiểu học, bây giờ còn bao nhiêu tôi không biết). Nay muốn giao vài trăm hecta đất cho công ty quốc phòng làm nhà máy, thì trấu cha chỗ, cần chi phải đến Đồng Tâm. Và nếu cần thiết phải đến ĐT thì “hẹm” đi vài ngàn mét vuông trong cả trăm hecta thì cũng chả “bỏ bèn” gì, chẳng ảnh hưởng gì đến dây chuyền, công nghệ sản xuất...Có cần thiết phải ngay lập tức lập lại trật tự nghiêm minh bằng cả một lực lượng võ trang an ninh hùng hậu của chính quyền như trong thời chiến???


Sao không khoanh vùng lại, tạm thời để đó. Phần xây thì cứ xây. Phần đất tranh chấp thì chỉ đạo cho chính quyền địa phương. Tuyệt đối không được mua bán, đổi cho. Không cấp phép xây dựng trên đó....Sống trên miếng đất mà biết rằng đang bị “bất hợp pháp”, không mở mang, bán mua được, sở hữu mà như vô sở hữu, thì đến hết đời con ông Kình, họ cũng chán mà dọn đi nơi khác, cần gì phải “đánh úp”, tấn công?...


Rồi bắt bớ, giam cầm 29 người dân, rồi đưa ra toà với những khuôn mặt sứt sẹo, ánh mắt thảng thốt hoảng sợ, những hình hài người dân xiêu vẹo..., phỏng được lợi ích gì. Rồi kết án tử hình! Bao nhiêu quan tham đã ăn không biết bao nhiêu hecta đất, hại không biết bao gia đình, để họ sống mà như chết, tham ô cả ngàn tỷ đồng, đã biết, sao không bắt, không nhốt, không tử hình. Giết hai người con cụ Kình, liệu có đáng cho sự nghiệp dài lâu của một đảng mà ông Hồ hằng mong ước là được sống mãi trong lòng dân???


Tối 15/9, mở ti vi thấy tin toà Đồng Tâm, chừng như cô phát thanh viên cũng chẳng đặng đừng phải thông báo tin trên, khuôn mặt cô cũng thoảng một nét buồn. Và lòng tôi cũng nghe quặn thắt!


Ôi đất đai, nhà cửa. Con giết cha, anh giết em, vợ giết chồng..., quá khổ đau!. Và bây chừ trên thanh thiên bạch nhật. Chính quyền giết thêm hai người nữa cho đủ 3, để trả đúng mối thù 3 người công an đã chết. Buồn thay!...


Quyền lực trong tay. Có biết bao nhiêu cách để xử lý hay hơn. Có cần thiết phải mở màn và kết thúc vụ tranh chấp đất đai Đồng Tâm theo cái cách đã làm này không?


16.9.20

Nguyễn Quang Chơn

Tiếng nước...Quảng. “Làm ăn như c...”

Từ nhỏ đã nghe mấy anh chị đùa nhau bằng giọng Quảng rất vui: “Làm ăn như c.., mà thấy mặt là đòi tiền!”...


Chừ mùa covid, học sinh cả thế giới học online. Ở VN, lũ trẻ con được một mùa nghỉ thiệt dài từ tết đến hè, rồi chẳng biết từ hè đến ngày nào...Giữa khi dịch bùng phát nguy hiểm, chỉ vì nguồn kinh phí thi cử quá lớn mà tay thượng thư bộ học cứ phải “nguyện vọng học sinh là được thi THPT”, rồi thì thi đợt một, đợt hai, tốn kém vô bờ, rồi thầy nhiễm, trò lây, làm cả một địa phương cuống quít...Ngoài tiêu tiền tốn kém ra, chẳng có gì mới mẻ, chẳng có gì tốt hơn. Rồi lại bắt tập trung khai giảng, sách giáo khoa lại đổi mới và tăng giá...


Nói ra thì nhiều người bảo tôi ác cảm cá nhân, bảo tôi “thổi tù và hàng tổng”, nhưng thực tế, từ khi tay này mới lên bộ học, phát biểu linh tinh, nhìn cái mặt, phong cách, lối nói, tôi đã...không ưa. Khi nghe giới thiệu chức vụ, tôi càng ngã ngửa. Đúng là hồi đó “nhìn cái mẹt thấy ghét”, rồi thì chừ, “lồm eng như kẹt, mà giữ ghế chẹt, không biết dị mẹt rứa mi?”...


( Làm ăn như c., mà giữ ghế chặt, không biết xấu mặt vậy mày?”) (Thông dịch viên “tiếng Quảng” ở “VPCP”)


Tôi cũng “sân si” thật, nhưng tính tôi hay nói thẳng, nên bị nhiều người ghét lắm! Thì thôi, “Trời sinh con mắt là gương. Người ghét ngó ít, người thương ngó nhiều!” (ca dao)..., ghét quá thì đừng ngó, cũng chẳng cần!...


Rồi lan man chữ “con c”, lại nhớ đến chữ “cái húm”. Hai anh chị Quảng Nam đi làm ăn xa ở tận miền Nam, tết về ngồi bên nhau trên một chuyến xe đò. Đường dài bắt chuyện làm quen: “ Chị năm ni lồm eng ra reng?”. “Năm ni mất mùa, dịch bệnh, tui lỗ to anh ơi. Còn anh reng, có đỡ hơn tui?” “Dạ không, chị lỗ to còn tui đây cũng kẹt cứng!”..., “lỗ to, kẹt cứng” cũng không bằng ông (nguyên) chủ tịch, bí thư thành phố của tôi. Hồi đang lừng lẫy, ổng chủ trì giao ban xử lý một toà nhà công nghệ thông tin đang xây dựng. Ổng muốn có một phòng họp khoảng ngàn người. Chủ đầu tư báo cáo , “dạ thưa anh, phòng họp công trình mình không chứa được ngàn thì cũng được tám trăm”, ông biểu đưa bản vẽ xem, rồi “phán”: “Diện tích nhỏ như cái húm ni mà đòi tám trăm với ngàn!”. Cả hội trường ai cũng cười vui, và phải công nhận ông đúng!...

 

“Nước Quảng” tôi còn có cái từ “nhăn húm” nữa. “Nhăn húm” thì tôi rất ok, nhưng bảo “cái húm” mà nhỏ là tui không chịu à nghen. Hãy nghe nữ sĩ H.X. Hương mô tả trong “Vịnh cô dệt vải”, và “Vịnh cái quạt” của bà:


“Thắp đèn lên thấy trắng phau phau

Con cò mấp máy suốt đêm thâu

Hai chân đạp xuống năng năng nhắc

Một suốt đâm ngang thích thích mau

Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả

Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau

Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ

Chờ đến ba thu mới dãi màu”


“Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa

Duyên em dính dáng tự bao giờ

Chành ra ba góc da còn thiếu

Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa

Mát mặt anh hùng khi nắng gió

Che đầu quân tử lúc sa mưa

Nâng niu ướm hỏi người trong trướng

Phì phạch trong lòng đã sướng chưa …”


“Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả. Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau”, và” một lỗ xâu xâu, mấy cũng vừa”.., thì...còn lâu mà...nhỏ, đúng không, thưa bà con?...


Rồi lan man tiếp kiểu nói của dân Quảng tôi. Số là hiện nay phong trào thơ phú xuất hiện nhiều quá. Người người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Quan lớn, quan nhỏ nào cũng làm thơ, cũng thích trích dẫn thơ... Đến nỗi mấy ông tổng thống Hoa Kỳ, từ Dân chủ đến Cọng hoà, khi thăm VN, tưởng dân này nghiện thơ, nên ông nào cũng bảo đàn em phải trích xuất vài câu Kiều vào trong bài phát biểu của ông...cho hợp “thổ nhưỡng”!...


Ngồi cà phê vỉa hè. Một cụ già cỡ cha tôi, cầm trên tay tờ báo, đọc tới đọc lui, rồi lẩm bẩm:


“ĐM, dân ta cái mẹt khờ khờ

Lồm eng như kẹt, lồm thơ thì tài!...”


Tôi may quá, đã bỏ làm thơ mấy chục năm nay, từ ngày lấy vợ!...


09.9.20

Nguyễn Quang Chơn, rảnh rỗi nói xàm

Tuổi già, làm gì cho hết thì giờ?...

Mấy ông bạn tôi hay nói. Tau bây giờ tỷ phú...thời gian! Tỷ phú tiền bạc: “tiền nhiều để làm gì?” Vậy tỷ phú thời gian: “Thời gian nhiều thì làm chi???”


Ta hãy xét thời gian của độ tuổi U70, cái tuổi mới chớm già. Chớm già, chưa bịnh, mà phải gác kiếm về vườn thì mới...rách việc. Nhất là mấy anh quan nhà nước sùng sục ăn uống, giành giựt, như con sói, con beo. Chợt đến 60, nghỉ cái rụp. Sáng ra, nhớ cái cặp màu đen, cái xe biển xanh, cậu tài xế xun xoe..., quơ tay quơ chân cho đỡ chán, rồi tìm ly cà phê đắng ngắt, rồi về nhà ra dô chẳng biết làm gì, thời gian dài vô tận!...


Mấy anh chị tam, tứ đại đồng đường thì trên có ông bà già, dưới có trẻ nít, bận rộn còn hơn lúc đi làm. Thành phần này thì không nhiều, không kể dô!


Mấy vị vừa rời công việc, đã vội mặc áo “osin”. Lũ con “hiếu thảo” giao cho chăm sóc toàn bộ mấy đứa trẻ. Chợ búa nấu nướng giặt giũ, trưa hoặc chiều chúng về, kiểm tra con cái, mời ông ly rượu, mời bà chai bia. Mỗi tháng chúng trích tiền lương cho ba mẹ vài triệu, gọi là để...ba mẹ tiêu! Thì giờ và trách nhiệm nặng nề lắm, từ sáng đến chiều quần quật, có đi mô được đâu mà tiêu, mà tỷ phú thời gian. Cũng không kể dô!...


Mấy ông bà bịnh tật suốt ngày với bệnh viện, bác sĩ, thuốc men. Ông chăm bà, bà chăm ông, tối tăm mặt mũi, cũng không kể dô!


 “Văn nghệ sĩ” thì thuộc...cõi trên. Họ được thượng đế cho xuống trần gian để...ăn chơi, làm đẹp cho đời. Cái cõi này của họ là cõi tạm. Thức ngủ ăn nhậu..., đều là giờ...sáng tác, giờ làm việc của họ, sướng khổ chẳng ai biết được. Nên cũng chẳng kể dô!


Mấy ông bà con cái trưởng thành, theo nếp sống mới hiện đại. Con cháu ở riêng, cuối tuần, hoặc cả tháng mới về thăm chơi. Hoặc những gia đình cho con đi học nước ngoài, ở luôn bển, lập gia đình bển, công việc bển, thi thoảng gọi “face time” thăm viếng, gởi ít thuốc, ít quà, vài năm mới gặp nhau được một lần. Ông bà cũng bạc tiền đủ, không cần chi con cái, ngày ngày lụi cụi bên nhau. Những trường hợp này mới đáng nên bàn!....


Một ngày 24 giờ. Ngủ giỏi lắm thì 7 giờ, (6 giờ đêm, 1 giờ trưa). Còn 17 giờ. Có 2 giờ tập thể dục, 2 giờ chợ búa, 2 giờ ăn, dọn rửa. Vị chi là hết 6 giờ. Còn 11 giờ, làm chi ta? Một số ông bạn tôi còn 2 giờ cà phê sáng tán gẫu. 2 giờ nhậu buổi chiều, tiêu được thêm 4 giờ. Mà cà phê thì ngày nào cũng được, chớ chiều nào cũng đàn đúm nhậu nhẹt, thì cũng nên xem lại “tình cảnh gia đình” anh ta!...


Tóm lại làm chi thì cũng dư khoảng 7 đến 8 giờ. Ông bạn tôi nói. Tau dành thời gian đi du lịch. Tuyệt. Nhưng du lịch rồi cũng về nhà chớ chẵng lẽ đi hoài...


Ông bạn tôi nói tau đọc sách. Tôi xin bái ông làm sư phụ. Với cái tuổi này không đọc sách được nữa rồi. Tay cầm sách thấy mỏi, mắt đọc chữ thấy nhoà, đầu nhét thêm ý thấy nặng, khó lắm. Ông bảo, tau nghe nhạc. Tôi đố ông nghe nhạc được hai, ba tiếng đồng hồ. Người bảo tau đi thăm bạn bè, người thân. Ối chào, chẵng lẽ ngày nào cũng thăm bạn, người thân. Mà liệu bạn và người thân có vui mừng đón ông tới “giết thì giờ”?...


Cái tuổi, già không già, trẻ không trẻ. Muốn làm việc mà không có việc. Thời gian rảnh mà cứ lẩn quẩn như gà mổ quanh cối thóc, cứ dõi mắt trên ti vi, chơi face book ảo, thì quả là rách việc, mệt mỏi, dễ gây buồn chán, ức chế, bệnh tật!...


Có người hỏi ngược lại tôi. Vậy ông cũng hưu, cũng còn khoẻ, ông làm gì? Thì cũng như ông rứa thôi. Cũng ngủ, ăn, tập thể dục, cũng rảnh nhiều giờ...Nhưng nhờ covid bắt cách ly, không đi ra ngoài, không gặp gỡ ai cả tháng trời, nên “ngộ” ra được một số điều...


Trước hết là trân trọng từng khắc giây “không  corona” hiện tại. Rồi cám ơn trời đất đã cho mình biết ăn ngon, được ngủ yên. Rồi nhận ra rằng hạnh phúc đời người là gia đình, tài sản của người là con cái. Rồi biết rằng xã hội này, ai cũng có mỗi phận người riêng, mỗi người tự xử đời mình. Và thấy rằng mình là mình, bạn là bạn, anh là anh, em là em. Tính tình, quan điểm, yêu ghét khác nhau, nên cũng chẳng chia sẻ được điều gì!...


Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nên xuất phát từ nhận thức bản thân mà có hành động phù hợp, khoái lạc. Như Phật dạy trong bát chánh đạo. Phải chánh kiến. Chánh tư duy. Rồi mới chánh nghiệp. Ta thấy, ta suy nghĩ, rồi ta mới làm. Thấy đúng, suy nghĩ đúng, thì việc làm ta đúng. 8 giờ, hay 10 giờ, ta cũng vẫn thấy khoan khoái vô cùng. Lúc ấy ta không cần hỏi, thời gian nhiều để làm gì, và hỏi cũng chẳng để làm gì, bởi ta không quan tâm đến thời gian nhiều hay ít. Covid dạy ta cách tiêu thời gian cuộc sống trong ý niệm riêng, cho ta, không phải cho người, nên ta thấy mọi chuyện nhẹ nhàng....


Rồi học Trần Nhân Tông:

“Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên

Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mích....”


Thả tuỳ duyên, thấy đói bụng thì ăn, thấy buồn ngủ thì ngủ. Cũng đừng lo lắng nhiều cho việc cholesterone, lên ký, lên đường.... Vô lo, thì không nhàm chán...


Nhận biết những niềm vui tự thân mình, đừng tìm chi đâu xa cho mệt, “hưu tầm mích”,  sẽ cảm thấy thời gian này hữu ích, không dư!...


23.9.20

Nguyễn Quang Chơn


Tuesday, September 22, 2020

Buổi tối tình cờ nghe lãnh đạo nói...

Ăn tối xong, bật TV với một ly rượu trên tay, 19:09’, đang tin thời sự, thấy ông TBT, CTN, tuổi 76, đang ngồi nói chuyện đâu đó ở bộ Công An. Bên trái là ông thủ tướng, bên phải là bà chủ tịch quốc hội. Bộ chính trị có đầy đủ, chắc là chuẩn bị đại hội bầu đảng viên dự đại hội đảng khoá 13. Ông ngồi, yếu lắm, khi nói cố gắng giữ âm vực, giọng điệu, nhưng vẫn không thể nào che được dấu hiệu của bệnh tật. Ông đang rề rề chỉ đạo những người công an phải “ khiêm tốn, học hỏi dân, vì dân...” ông cũng nói “phải sát cánh cùng quân đội, quân đội và công an là sức mạnh, là lá chắn để bảo vệ chế độ”,..., ông nói mệt mỏi, người nghe căng thẳng, cảm giác như một gia đình đang lắng nghe tiếng nói cuối cùng của người thân...


Tôi chợt nhớ đến cuộc từ nhiệm của ông thủ tướng nước Nhật mới đây. 66 tuổi, đã là một thủ tướng được dân bầu, được dân yêu, gần 8 năm sát cánh cùng dân. Nay đất nước đang cần phải chiến đấu chống covid, chống Trung quốc, chống suy thoái. Ông bịnh đại tràng phải vào bệnh viện nhiều ngày, cảm thấy mình không thể dành nhiều thời gian, nhiều sức lực cho đất nước, bảo vệ nhân dân, ông từ chức! Ông rời bỏ quyền lực một cách bình thản, giản đơn, khuôn mặt ông vẫn nghị lực nhưng biểu lộ cảm xúc như ông đang có lỗi với dân, không hoàn thành nhiệm vụ...


Tôi lại nhớ đến ông tổng thống thứ 45 nước Mỹ, tuổi 74, cao to, khoẻ mạnh, vẫn chơi gôn mỗi khi có thì giờ, một tỷ phú, đang tranh cử chức vụ tổng thống nhiệm kỳ hai với đồng lương zero đồng, sẵn sàng đối đầu với dịch bệnh, với Trung cọng, với Nga xô, với Iran, với Trung đông..., mỗi việc làm của ông đều được thế giới theo dõi và công nhận. “Ông làm mọi chuyện cho nước Mỹ và cho thế giới!”...


Một người 66, một người 74, một người 76. Tuổi tác khác nhau nhưng vị trí xã hội giống nhau, trụ trên đỉnh cao quyền lực của một quốc gia, dầu to dầu nhỏ, dầu mạnh dầu yếu. “Giữ nước, giúp nước, bảo vệ dân, đem lại cuộc sống bình an hạnh phúc cho dân”. Đó là mệnh lệnh tổ quốc giao cho họ. Và từng người đó, tiếng nói của họ, hành động của họ, cách cư xử của họ, có cho người dân một niềm tin, một lòng kính mến, một sự ủng hộ nào không, là tuỳ theo nhân cách, tài năng của họ!


Nguyễn Quang Chơn

21.9.20

Hình ảnh.jpeg

Saturday, September 19, 2020

Tôi và những giấc mơ...


“Đố ai nằm ngủ không mơ...” (PD)


Người ta nói ngủ không mơ là giấc ngủ yên. Ngủ mà mơ là giấc ngủ “bận rộn”, không sâu. Tôi thì hình như từ thuở hồn nhiên con nít, đến tuổi già thậm thụt nơi “tử môn quan”, đêm nào cũng mơ!...


Hồi nhỏ, ban ngày, nhìn lên bầu trời mây bay, nghĩ ra đủ hình hài, câu chuyện, từ con gấu đang rình chú thỏ, đến cô tiên đang thả tóc, giang tay múa điệu nghê thường, đến con cọp đang há mồm doạ Võ Tòng, đến Phật Quan Âm đang khắc trì con sư tử của Văn Thù!...

Và đêm về ngủ, rồi mơ. Những giấc mơ thật dịu ngọt của tuổi thơ. Đôi khi là những cơn ác mộng, những cuộc đánh nhau, hét lên, cuống quýt, giật mình, mồ hôi vả như tắm, tim đập thình thịch, sợ hãi...., nhưng rồi lại trở về với giấc ngủ bình yên, hôm sau không nhớ điều gì...


Hồi nhỏ tôi còn bị những giấc mộng “mộc đè”. Cái giường tôi ngủ nằm dưới một cầu thang gỗ. Nhớ một đêm tôi ngủ sớm, bị một khối lớn vô hình, mỗi lúc một lớn lên, đè lên người, thở không được, kinh khiếp lắm. Mở mắt rành rành, thấy rõ ràng mẹ cha, anh chị đang ngồi chuyện trò, muốn kêu to cầu cứu mà mồm ú ớ không phát ra tiếng được, rồi một lúc “mộc” đi thì vùng tỉnh, trong một tư thế đang quay người ngồi dậy, rất mệt, rất kinh!...


Có những giấc mơ không thể nào quên được là giấc mơ...đái dầm. Mơ thấy đứng tiểu đàng hoàng, mà rồi, ướt đẫm chiếu giường....Giấc mơ đặc biệt thấy mình “bắn máy bay”, giật mình lo lắm, sau thủ thỉ tâm sự với bạn bè, té ra đứa nào cũng vậy!...

...

Quay cuồng với cuộc sống nổi trôi, với bao biến cố cuộc đời. Những giấc mơ cũng hằng đêm xoay vần trong giấc ngủ tôi. Cuộc mưu sinh vất vả không cho tôi những khoảng bình yên mơ mộng. Có một thời gian dài tôi thường mơ thấy một con đường đất, có mương nước chảy qua, có một nhà thờ tin lành nhỏ..., nghĩ mãi mới biết đó là con đường đến trường tiểu học mà tôi hằng đi bộ ngày xưa, thì ra trong tận cùng ký ức giữa giòng đời bận rộn, vẫn đắm chìm một cuộc sống êm đềm hồn nhiên thuở nhỏ...


Rồi sau đó thường thấy những giấc mơ đi học trễ, không có chỗ ngồi, thiếu tài liệu, lo lắng, thì ra là khung trời đại học khoa học Sài Gòn. Phải chăng khung trời êm đềm thơ mộng đó đã đột ngột bị cắt đứt bởi một sáng 30/4, để trong tôi luôn đọng sâu nỗi tiếc nuối, niềm hoài vọng?...


Những giấc mơ mất xe, hồi hộp kinh khủng. Những giấc mơ lạc đường, những khung cảnh hoang vu, những đường đi trắc trở, tim đập thình thịch, lo lắng...


Thi thoảng, có những giấc mơ thật đẹp, thật nhẹ nhàng, thức dậy, nhắm mắt, muốn níu thêm nữa cuộc mơ, thì nó đã bay tuốt luốt, đã là mơ thì bao giờ mới thật???...


Tôi thường hay mơ gặp bạn bè xa gần, đôi khi đã quên bẵng họ từ thuở nào. Kỳ lạ là chưa bao giờ tôi mơ thấy bạn hại tôi. Giấc mơ nào có bạn cũng vui, cũng có ý nghĩa, dẫu người bạn đó ngoài đời thật sự đã rất xấu, đã gây nhiễu tôi nhiều...


Gần đây, tôi hay mơ thấy người hiền (những bậc tu hành, những trí giả tôi yêu quí). Mơ thấy ba mẹ, anh em, bạn bè đã mất. Những giấc mơ đó thường vui. Dậy rồi, thấy nhớ nhớ thương thương, lòng lâng lâng khoan khoái...


Tôi cũng thích giải mã những giấc mơ. Đôi khi hợp lý, có lúc đúng, có lúc sai, bởi những nghĩ suy, dằn vặt, tranh đấu hằng ngày trong cuộc sống, đêm về, hằn trên vỏ não, tạo những giấc mơ. Và, bệnh tim sùi sụt của tôi cũng dễ tạo ra những giấc mơ. Rồi nhớ nhung, mong ước cũng tạo ra những giấc mơ...


Người ta bảo ngủ mà mơ là không ngủ sâu. Nhiều người sợ ngủ mơ. Nhưng tôi lại thích. Dẫu đó là ác mộng, hay tình mộng, hay ảo mộng, hay...vu vơ mộng....


Mơ, rồi thức, rồi nghĩ, rồi ngủ, rồi quên... Những giấc mơ như nhiều câu chuyện, nhiều bè bạn, nhiều anh em, nhiều kỷ niệm, đêm đêm lặng lẽ đến bên tôi rủ rỉ, bù đắp cho những ban ngày, khi tuổi về chiều đã khuất bóng nhiều người thương, đã lợt lạt nhiều tình thân, đã nhoà nhạt bao nỗi nhớ và phủ đầy những bội bạc đời người!...


Nguyễn Quang Chơn

20.9.20


Thursday, September 17, 2020

Tôi viết về thầy Tuệ Sỹ...

Tôi biết gì về thầy mà viết. Tôi đã đọc được bao trước tác của thầy mà viết. Tôi hiểu được chừng nào thơ, văn, kinh luận của thầy mà viết? Và tôi có ở được bên thầy bao thời gian chuyện trò để biết chi về thầy đâu mà viết?...


Nhưng tôi vẫn hoài nhớ về thầy, lòng thôi thúc, bức bách muốn viết về thầy, mỗi khi đột nhiên rơi những khoảnh khắc thời gian mà như chợt thấy chung quanh hoang vắng mênh mông, không hiểu được mình, không biết làm gì, tư tưởng đảo chao...


Từ trẻ, biết thầy qua những tác phẩm văn học. Sau 75, biết thầy qua những giòng đời, giòng đạo, chuyện thế nhân... Lòng ngưỡng mộ ngày nao nay càng thêm ngưỡng mộ. Và chẳng biết đến khi nào mới có thể diện kiến được vị đại trí, đại hạnh. Khi, thầy như một áng mây. Trôi. Thiên du. Xa vời...


Rồi một duyên lớn từ một người anh lớn, hoạ sĩ Đinh Cường, đã cho tôi được gặp thầy một tối huyền hoặc trong một không gian nhỏ, ánh sáng ấm dịu ở Đào Nguyên Dạ Thảo. Đêm tháng 11. 2013 Đà lạt. Thầy và anh ĐC ngồi bên nhau trao đổi, chuyện trò, tôi ngồi xa hơn cung kính, dưới ánh đèn vàng, yếu mờ. Thầy cũng thật gầy trong tấm áo nâu, nhưng đôi mắt sáng trong đêm và nụ cười như toả nắng...Tôi ký hoạ thầy từ xa. Ánh đèn nhạt nhoà, nét chì run run, thầy ký tên, rồi tôi lặng lẽ đi về. Đêm đó Đà Lạt trở lạnh, một mình đi, tôi nhớ, mai uống cà phê với thầy ở quán Tùng....


Buổi sáng đó thầy đi bộ từ hướng đường Duy Tân (3 tháng 2) với đệ tử H.V, thầy đi từ dưới dốc lên, một mình, đệ tử tụt xa phía sau. Khuôn mặt thầy tươi sáng, gió thổi tà áo nâu bay bay, thầy đi như lướt trên mặt đường. Duyên của người hay sao, đúng giờ đó, tôi cũng đang sang cà phê Tùng, nhưng lại đứng ngắm trời mây trên dốc, cạnh rạp Hoà Bình, vô tình lại được chứng kiến thầy đang...đi. 


Nhìn dáng thầy gần dần, tự nhiên tôi ứa nước mắt, khi nhớ rằng có những lúc thầy phải bộ hành, độc hành từ Bảo Lộc về SG, vì thầy là một “phạm nhân” của chế độ. Thầy không một chỗ ngụ cư, không chùa, không Phật, không tiền, không phương tiện... Đôi mắt sáng ấy, vầng trán mênh mông ấy, nụ cười mở rộng ấy, bước chân thanh thoát ấy, tà áo nâu bay bay ấy, lại đang bên tôi, ấm áp hương cà phê của một quán cà phê sử tích Đà Lạt....


Tôi ngồi bên thầy, cảm thấy mình đang hạnh phúc, thấy cuộc đời ấm áp hơn. Bởi thầy, thầy Tuệ Sỹ, tự thân đã toát ra một hạnh nhân thế, truyền vào người tôi một niềm tin về con người, về cuộc sống, vô ngôn!...


Một tối chờ cơn bão số 5 sắp ập vào thành phố, suy nghĩ miên man, mông lung, và bỗng nhớ thầy. Kính mong đến thầy vạn sự bình an...


A di đà Phật


Nguyễn Quang Chơn


Hình ảnh.jpeg

Monday, September 14, 2020

Câu chuyện Đồng Tâm: Đúng, sai? Có cần thiết phải xử lý như vậy không?

Chính quyền đúng hay người dân đúng trong việc giành chủ quyền vài chục hecta đất ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội? Thật sự tôi cũng không tỏ tường. Bởi để rõ ai đúng ai sai phải có một trọng tài phân xử, dựa trên tài liệu, pháp luật thanh minh. Bên đại diện cho nhà nước là công an, quân đội, tư pháp, chánh quyền. Bên đại diện cho người dân Đồng Tâm là các luật sư, họ mới được đọc hồ sơ, am hiểu luật pháp. Hai bên phải tranh luận sòng phẳng để đến được kết luận bên nào đúng, bên nào sai. Ở đây, tiếng nói chỉ được nghe từ phía chính quyền. Còn phía luật sư thì không được tranh luận. Vậy sao hiểu được ai đúng ai sai? Biểu rằng, mấy chục hộ dân ĐT đúng thì e quá cảm tính. Biểu rằng, chính quyền nói chính quyền đúng, phải nghe, thì quá độc tài!...


Thôi thì cứ cho là dân sai, và đặc biệt là cụ ông đảng viên cọng sản trên 80 tuổi, người cầm đầu vụ tranh chấp, là sai. Thì việc bắt cụ, đánh gãy chân là đúng hay sao? Và việc đưa công an súng ống đầy đủ, rạng sáng 09/1/20 đồng loạt tấn công nhà ông Kình, bắn chết ông và vì vậy mà 3 cậu sĩ quan công an “sụp hầm” chết là có cần thiết hay không?


Cứ cho là dân ĐT sai, họ đã lấn chiếm trái phép đất quân sự ở đồng Sênh. Họ đã xây dựng nhà ở trái phép trên đất đó. Thì, việc sai trái này chắc đã diễn ra từ rất lâu rồi. Cụ thể là họ đã mấy đời sinh ra lớn lên từ đây. Mà cái sai đó nếu đã không được chính quyền “hợp thức hoá” thì họ đâu có ăn ở bình yên trên đất đó được đã bấy lâu nay. Vậy cái sai là bởi chính quyền. Chính quyền những năm nào thì cũng là chính quyền của nước CHXHCNVN, cũng do một đảng CS lãnh đạo thôi mà. Vậy đảng cũng có sai chứ đâu mỗi dân sai?...


Và trong hiến pháp “đất đai là sở hữu toàn dân”, thì dân có “vặt” một ít đất xây nhà cày ruộng thì cũng giống như bánh trái trong nhà là để các con, rủi có thằng nào “ăn vụng” vài cái bánh thì hắn cũng lỡ nuốt vào bụng rồi, móc họng, moi bụng ra cũng chẳng để làm gì, sao không phạt con bằng cách khác, như sẽ không cho con ăn thêm chè, thêm trái???


Chính quyền có trong tay 362 ngàn ki lô mét vuông đất ( là tôi được học thuộc lòng từ lớp tiểu học, bây giờ còn bao nhiêu tôi không biết). Nay muốn giao vài trăm hecta đất cho công ty quốc phòng làm nhà máy, thì trấu cha chỗ, cần chi phải đến Đồng Tâm. Và nếu cần thiết phải đến ĐT thì “hẹm” đi vài ngàn mét vuông trong cả trăm hecta thì cũng chả “bỏ bèn” gì, chẳng ảnh hưởng gì đến dây chuyền, công nghệ sản xuất...Có cần thiết phải ngay lập tức lập lại trật tự nghiêm minh bằng cả một lực lượng võ trang an ninh hùng hậu của chính quyền như trong thời chiến???


Sao không khoanh vùng lại, tạm thời để đó. Phần xây thì cứ xây. Phần đất tranh chấp thì chỉ đạo cho chính quyền địa phương. Tuyệt đối không được mua bán, đổi cho. Không cấp phép xây dựng trên đó....Sống trên miếng đất mà biết rằng đang bị “bất hợp pháp”, không mở mang, bán mua được, sở hữu mà như vô sở hữu, thì đến hết đời con ông Kình, họ cũng chán mà dọn đi nơi khác, cần gì phải “đánh úp”, tấn công?...


Rồi bắt bớ, giam cầm 29 người dân, rồi đưa ra toà với những khuôn mặt sứt sẹo, ánh mắt thảng thốt hoảng sợ, những hình hài người dân xiêu vẹo..., phỏng được lợi ích gì. Rồi kết án tử hình! Bao nhiêu quan tham đã ăn không biết bao nhiêu hecta đất, hại không biết bao gia đình, để họ sống mà như chết, tham ô cả ngàn tỷ đồng, đã biết, sao không bắt, không nhốt, không tử hình. Giết hai người con cụ Kình, liệu có đáng cho sự nghiệp dài lâu của một đảng mà ông Hồ hằng mong ước là được sống mãi trong lòng dân???


Tối 15/9, mở ti vi thấy tin toà Đồng Tâm, chừng như cô phát thanh viên cũng chẳng đặng đừng phải thông báo tin trên, khuôn mặt cô cũng thoảng một nét buồn. Và lòng tôi cũng nghe quặn thắt!


Ôi đất đai, nhà cửa. Con giết cha, anh giết em, vợ giết chồng..., quá khổ đau!. Và bây chừ trên thanh thiên bạch nhật. Chính quyền giết thêm hai người nữa cho đủ 3, để trả đúng mối thù 3 người công an đã chết. Buồn thay!...


Quyền lực trong tay. Có biết bao nhiêu cách để xử lý hay hơn. Có cần thiết phải mở màn và kết thúc vụ tranh chấp đất đai Đồng Tâm theo cái cách đã làm này không?


16.9.20

Nguyễn Quang Chơn

Saturday, September 12, 2020

Nhật ký cách ly

Ngày thứ ba, 4 giờ trước chỉ thị tăng cấp độ cách ly

Thông tin mới từ chính phủ 13:00 hôm nay 30/7. Tất cả các hàng quán tại ĐN đều đóng cửa, miễn “bán hàng đem về” nữa. Vậy là độ giãn cách xã hội đã tăng lên một bậc cao hơn. Cứ như báo động bão lũ, lụt lội vậy. Cứ cấp cao hơn là nguy hiểm hơn! ĐN đã thêm 7 người nhiễm vuhanvirus, đa số là các bệnh nhân từng nằm bệnh viện đa khoa...

Mở mắt cộng đồng mạng đã ầm ào. Con đường Bạch đằng tuyệt đẹp cho người đi bộ, tập thể dục sáng đã bị giăng dây, cấm người tụ tập....

8:00, chúng tôi đi bộ ra chợ Hàn. Chợ Hàn là một chợ “sang trọng” và lớn nhất ĐN, sáng nay thưa thớt, vắng người. Các sạp hàng thịt đã sạch sành sanh. Thịt được gói thành lô vào bao nilon. Hỏi và được biết, các bạn hàng đã dặn trước, nên không còn hàng bán lẻ! Quày hải sản cũng thưa thớt trên sạp. Người ta đã “khoắng” tự lúc nào. Ngang qua các siêu thị, người dân đang xếp hàng 2m, khẩu trang nghiêm túc chờ bước vào mua...

Dân chúng đã có kinh nghiệm ở  đợt cách ly lần trước nên không xôn xao lắm, nhưng dự trữ lương thực luôn là nỗi lo đầu, khi không nên bước ra đường, vào chỗ đông người!...

4 giờ trước khi lệnh giãn cách tuyệt đối bắt đầu. Những xe bánh mì vẫn chờ đợi bán những ổ bánh cuối cùng. Vài cửa hàng ăn vẫn mở hé để giao hàng cho khách. Một ông bạn đã đóng cửa hàng, ngồi trước hiên nhà với ly cà phê đen, điếu thuốc, chào tôi và than “buồn quá anh ơi!”...

“Buồn quá anh ơi”. Buồn thật. Vậy là lại “bế quan toả cảng”. Bạn bè tôi, em út tôi, lại chật vật với nỗi lo làm sao chống chọi gìn giữ công ty sống sót được đây! Tái nhiễm bao giờ cũng dữ dằn hơn. Con virus sẽ mạnh hơn, đa biến hơn. Tỷ như ngày xưa bảo nó sẽ chết khi trời nắng. Bây giờ ĐN không phải đang hè và nắng cháy da cháy cổ đấy sao. Xưa bảo nó chỉ hại đến người già. Chừ mấy cháu sinh viên, nhân viên y tế chẳng phải mới 25,27 đấy sao!...

Đã có những người vô ý thức lên mạng kỳ thị người Đà nẵng. Có kẻ thụ động thì bảo là dịch đã có chính phủ lo, cứ vô tư ăn chơi. Thật là vô tình, vô trách nhiệm. Dịch đến từ Vũ hán. Sao không ngăn chận bọn Tàu. Hàng trăm, ngàn bác sĩ y sĩ, đang rời bỏ gia đình để túc trực trong bệnh viện, trong khu cách ly, nhiễm bệnh lúc nào chẵng hay, lặng lẽ giúp đời. Sao chẵng một lời động viên chia sẻ?

Một lần nữa, chống Vũ hán Corona. Chúng ta phải nghiêm túc với ngoại lai. Phải đồng tâm hiệp lực, nghiêm chỉnh với các chỉ thị của chính quyền địa phương. Chúng ta chẳng phải vì đảng, vì nhân dân gì ráo. Mà vì chính gia đình, con cái, anh em bè bạn chúng ta!...

Mức độ giãn cách xã hội tăng lên một bậc, biết đâu sẽ tăng thêm vài bậc nữa. Người ĐN vẫn kiên cường nhưng chớ chủ quan. Buồn. Nhưng chẵng nản lòng!....

30.7.20
Nguyễn Quang Chơn

Nhật ký cách ly

Cách ly, giãn cách

Cách ly có nghĩa là “cách trở” và “ly biệt”. Tiếng Anh gọi là isolate. Tiếng Pháp đọc là isoler. Dịch nghĩa văn vần là “Anh ở đằng anh, tui đằng tui. Tình nghĩa đôi ta có thế thui!”.  Còn giãn cách. Giãn là...xê ra. Cách là khoảng cách. Tiếng Anh distance, tiếng Pháp distancer. Nghĩa là : “ chàng ở Tương giang đầu, thiếp ở Tương giang vĩ. Cùng ẩm Tương giang thuỷ...”... Như vậy cách ly là...ly cách hoàn toàn. Giãn cách là.... cách nhau một đoạn....

Dài dòng rứa bởi vì từ ngày có con “giũ háng” xâm nhập, hai cái từ ni bỗng nhiên quen thuộc. Và model “khẩu trang”, face mask bỗng nhiên “hot”, được bàn cãi ầm ào trên mạng....

Thành phố tôi đang bị vừa cách ly, vừa giãn cách. Mấy cái bệnh viện trung tâm mà mấy vị mang ký hiệu 416, 417, 418..., viếng thăm đã bị cách ly hoàn toàn, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Phần còn lại thì giãn cách. Đứng xa nhau 2 mét, mặt che kín khẩu trang. Khỏi có bắt tay, ôm vòng thân thương nữa. Tôi và em hàng xóm đứng nhìn nhau thấy hai con mắt!...

Đã có một đợt cách ly và giãn cách rồi nên lần này tâm lý bớt hoang mang, tinh thần bớt chao đảo. Sáng ngày 28/7, tự động các hàng quán “không cần thiết” tự động đóng cửa, tôi đầu tóc dài, chạy vòng quanh không quán cắt tóc nào làm việc. Các quán cà phê, quán ăn treo bảng “hàng bán mang về”, mọi người vui vẻ xếp hàng, cách nhau 2 mét, vợ tôi cẩn thận hơn, đứng cách...2 mét rưỡi!...

Cũng may. Cái “in tẹt nét”, cái “phây xờ bút” không bị cách ly, không bị giãn cách. Nên đi loanh quanh nhìn vào quán xá hoang vắng. Thấy ông chủ một cái phôn, 2,3 người giúp việc, trên tay mỗi người một cái phôn, phận ai nấy biết, chuyện ai nấy nghe. Im lặng, độc lập, giãn cách, có người trầm tư, có kẻ mĩm cười!...

Đâu có cần mở ti vi. Đâu có cần mua tờ báo. Đâu có cần radio. Mở mắt ra là nghe vợ báo cáo. Đà nẵng đã có ca thứ 8. Làng Dương sơn quê ông có một em dương tính. Tôi pha một ấm trà, chưa kịp uống, “phát ngôn viên” riêng đã thông báo tiếp chỉ thị chính phủ, địa điểm không lui tới. Rồi tin xe cán chó. Chó cán xe..., đủ đầy, không thiếu thứ chi!...Tui thấy mình sướng. Cách ly cũng sướng. Lười chảy thây, nằm ngửa một chỗ cũng có đồ ăn, thức uống, lại được cập nhật thông tin nóng bỏng hàng giờ!...

Thôi thì cách ly. Con trai ở nhà con trai. Con gái ở phương con gái. Bạn ở nơi bạn. Tôi ở nới tôi. Miễn là chợ búa, siêu thị đừng đóng cửa. Miễn là điện đừng mất. Internet đừng sập. Smart phone không bị hỏng. Vậy là được rồi, đâu có xa gì đâu. Hãy tập sống ảo với thế giới 4.0, ta và mọi người lại đang cùng nhau chat chit, đang tám vi vu, live tream, nhậu online thoải mái...

Mới có 2 ngày. Còn 12 ngày nữa mới hết đợt 1. Chưa tìm ra thằng F0 là còn khổ. Không biết hắn đang ẩn náu nơi nao. Em Hà nội. Anh Sài gòn. Thôi ráng giữ mình. Còn chúng tôi. Đang sống chung với lũ. Lũ thì cũng lạnh đó nhưng chẳng đến nỗi nào. Còn có phù sa internet, face book, làm ấm áp lòng người!...

Nguyễn Quang Chơn,
Ngày thứ hai giãn cách xã hội
29.7.20