Sunday, March 21, 2021

MÁ TÔI

Hôm nay giỗ lần thứ 24 của má. Má họ Lê, người làng Lệ Sơn, Hoà Tiến, gần barrage An Trạch, là con út một gia đình 9 người con, có 2 anh trai võ nghệ cao cường...


Má đẹp, nước da trắng, lanh lẹ, thương người, tính tình thẳng thắn. Hồi còn trẻ, rất nhiều trai làng theo đuổi, mối mai, nhưng má chẳng ưng ai, mà chỉ chọn ba tôi, người làng Dương Sơn, cách Lệ Sơn khoảng 3 cây số, khi ông...”liều” lên xem mặt (Lệ Sơn có gái mỹ miều, ổng thương ổng nhớ, ổng liều ổng đi). Ba tôi cao gần 1,8. Đẹp trai và hiền khô. 


Ngày đi hỏi vợ, nhóm trai làng tụ tập định phá đám. Hai cậu của tôi cầm cây đòn xóc ra tận đầu làng đón. Mấy cậu thanh niên thấy ớn nên rút lẹ. Đêm trước ngày cưới, họ mang gậy gộc đến gây rối. Cậu Đội, anh trưởng trong nhà bước ra, tay không đánh nhau. Ông hạ từng người và sử dụng món khoá tay sở trường tuyệt kỹ, bẻ ngoặt tay đối thủ ra sau lưng, nằm kêu la, không rục rịch được ( món võ này sau tôi có xin cậu truyền dạy nhưng cậu không bày, ngay cả mấy anh con của cậu cũng không, và đã thất truyền). Một đòn xóc của đối thủ đã xé rách một cánh mũi của cậu, để lại một vết sẹo kỷ niệm cả đời. Cậu Út tên Tùng võ nghệ còn cao hơn. Cậu theo Việt Minh chống Pháp, bọn Pháp gọi cậu là con hùm xám Lệ Sơn, treo giải thưởng lớn cho ai bắt sống được cậu. Trong một trận càn, cậu bị sốt rét nằm dưới hầm bí mật rên lớn nên bị phát hiện và bị bắt. Giặc giam cậu ở một trại gần cầu Đỏ, tuyên bố sẽ trói cậu giữa chợ, mỗi ngày thẻo một miếng thịt cho đến khi chết. Cậu cắn lưỡi tự tử, Pháp vứt xác cậu xuống dòng sông Cẩm Lệ...


Má về làm dâu Dương Sơn trong gia đình 3 trai một gái, ba tôi là con trưởng, mẹ mất sớm, ba lo toan hết việc nhà. Má nội trợ cơm nước chợ búa, được làng trên xóm dưới yêu mến, các em cảm phục...


Khoảng những năm 50, hai chú tôi đi theo Việt Minh. Ba đưa gia đình vào Tam Kỳ sinh sống. Ba làm đủ nghề để phụng dưỡng cha già, nuôi một bầy con nhỏ, tôi được sinh ra ở đây. Sau ba định hình ở nghề thầu xây đê đập, nổi tiếng khắp miền Nam. Tại đây má sinh thêm 4 người con nữa vị chi là 13, phần do chiến tranh phần do dịch bệnh, chỉ còn lại 7 anh chị em, 3 trai 4 gái...


Nhà tôi lúc đó đông đúc bà con và người làm. Đến bữa ăn là phải đếm người, đếm con. Má sắp xếp công việc đâu ra đó. Đặc biệt là mỗi khi có việc lớn cần sự chỉ đạo khéo léo như kê kích dọn dẹp di chuyển đồ đạt vào mùa lụt mỗi năm. Má đối xử với hàng xóm vô cùng chân tình, thân ái. Có câu chuyện mà bây giờ những người con của một nhà láng giềng mới kể, khiến chúng tôi rất tự hào về má. Ấy là bác hàng xóm có chồng mất sớm tần tảo nuôi con, có người chị gái buôn bán giàu nhất thị xã. Mùa khai giảng năm học mới, bà xuống mua vở học cho con nhưng thiếu mấy đồng, bà chị ( dì ruột sắp nhỏ) không cho thiếu chịu, bà khóc, về mượn má tôi. Má tôi liền tặng tiền mua đủ cả “ram” vở về dùng, còn mua áo quần mới cho các con bác hàng xóm nữa. Má tốt đến nỗi hai mươi năm nay, Minh, con cô Mười gần nhà, năm nào cũng nhớ ngày giỗ má, từ Tam Kỳ chạy xe máy ra thắp hương ngày giỗ!...


Ba đi làm xa. Má ở nhà chăm con cái rất nghiêm khắc. Tôi nhớ khi mình học lớp nhì (lớp 4 bây giờ), được đứng nhất lớp, má hứa sẽ tặng một cây viết “pilot”. Được cây viết pilot là oách lắm! Nghỉ hè, tôi vào cầu Tam Kỳ tắm sông cùng lũ bạn, leo lên thành cầu nhảy xuống. Chị thứ sáu ngồi xe lam từ Chu Lai về thấy, mét má, má sai chạy xuống kêu về. Bà bắt nằm dài trên giường, cây roi mây trên tay bà quất. Mỗi roi, bà mắng: “ Nhảy cầu nè, nhảy cầu nè. Pilot nè, pilot nè!...” Những đòn roi quắn đít, một trận đánh để đời, mặc dầu má hay binh tôi mỗi khi bị anh trai đánh những lúc nghịch ngợm, ham chơi chẳng chịu làm bài!...


Má mất bởi căn bệnh hiểm nghèo, ung thư cuống họng. Tôi nhớ năm đó ông thủ tướng PVK về làm việc với các tỉnh miền Trung, tôi được chọn lên diễn đàn đọc bài tham luận, nhà báo Trương Điện Thắng chụp một bức hình tôi với thủ tướng rất đẹp in trang trọng trên trang đầu báo Thanh Niên, má xem rất hãnh diện. Ngày hôm sau chủ nhật, chở bác sĩ vào khám cho má, bác sĩ khen má khoẻ. Tôi nói “mai con đi Quãng Ngãi đàm phán hợp đồng cơ điện lạnh khách sạn Sông Trà, nếu thành công sẽ làm tiệc đãi cả nhà”, má rất vui, nói: “má chờ nghe!” Hôm sau, khi đang soạn hợp đồng thì nghe Tâm báo tin má mất, lúc ấy là 14:30, tôi vội vã quày xe về. Ngày hôm đó đờm tiết ra nhiều quá làm má không thở được, má đi khi mới 77 tuổi. Hợp đồng tôi đã ký được mà má thì không chờ!...


Bao nhiêu năm trôi qua. Má chắc đã tái sinh kiếp khác, mà mỗi lần về quê, gặp người xưa kẻ cũ, vẫn nghe họ nhắc về má với sự thương yêu, lòng kính trọng. Bà con trầm trồ kể về việc đối nhân xử thế của má, nghe mà da diết nhớ thương!...


Nguyễn Quang Chơn

21.3.21

Nhớ má, năm nay giỗ má sớm một ngày vì chủ nhật