Thursday, June 12, 2014

Vườn cha sắp thành đại lộ,

Đi xa vừa một tháng. Nhìn lịch ngày 14 âm . Lên xe về quê thắp hương ba mẹ. Để báo cho người,  con đã về, các cháu bình yên. Để nhớ những ngày ba mẹ còn sống, đi đâu về, luôn có chút quà, để ba mẹ mừng khoe với mọi người. Rồi những bữa cơm ấm cúng, thương yêu...

Vườn cha thiếu người chăm sóc vốn hoang tàn... Nhưng hôm nay sao lạ. Cây mận ta trồng năm ba còn sống, hơn năm năm rồi không chịu đơm bông. Cây nhãn trước nhà tuổi đà mấy chục, chưa một lần đậu quả... Vậy mà năm nay. Xoài trái thỏng đầy cành. Mận xum xuê trái đỏ. Nhãn tràn trái mọng. Cây mít cằn cỗi sau nhà cũng treo quả xanh tươi...


Sao mà lạ vậy? Hay cây cũng có tình cảm như người. Cây biết rằng không bao lâu nữa. Cây sẽ thành củi, thành rác. Cây sẽ giã biệt mảnh đất, khu vườn đã bao năm cây chứng kiến buồn vui của làng mạc, của đời người...

Bởi thành phố đã quyết định mở một đại lộ xuyên làng. Sẽ phát triển vùng ngoại ô hiền hoà này thành thành phố sầm uất. Sẽ bê tông hoá, nhựa hoá đường thôn. Xe lớn xe nhỏ sẽ ngày đêm qua lại. Quán xá sẽ mọc lên đầy. Cái làng bình yên nhỏ bé sẽ được hiện đại hoá. Những nông dân tay lấm chân bùn chắc sẽ môi son má phấn với tiền đền bù. Thanh niên sẽ có xe máy mới cáu cạnh  vi vu...

Một đại lộ 32 mét bề ngang sẽ cắt qua đây. Hai bên đại lộ sẽ được chỉnh trang để làm quỹ đất. Đất mất sẽ được nhà nước đền bù theo giá qui định. Nhà mất sẽ được bán lại theo mỗi hộ một mảnh đất vuông vắn 5x25 mét theo giá nhà nước...

Khu vườn của cha hơn 3 ngàn mét vuông tổ tiên để lại không biết bao đời. Bấy lâu vẫn gọi là đất hương hoả. Nay người ta đã đến đo đếm để chuẩn bị đền bù. Thấy bà con chòm xóm tất bật xây tường rào, dựng thêm nhà, sửa cầu tiêu..., mong muốn sẽ lấy được thêm tiền đền bù của nhà nước. Mà tiền đền bù, không biết có đủ để vừa mua đất, vừa xây lại nhà? 

Và, chắc chắn sẽ vĩnh viễn biến mất cái làng quê có con trâu, bãi rạ, có vườn rau, luỹ tre, trước cau sau chuối và lũ chè tàu... Và biết còn không nữa những tình làng nghĩa xóm ơi ới mời nhau vào những dịp mùa, mời nhau bữa cỗ. Nơi đình làng, chén rượu vào ra...

Ôi. Đất nước Việt nam vốn thuần nông. Cổ lai Việt nam vốn với " triết lý cái đình", với tiếng nghé ngọ chiều hôm, khói lam buồn nhớ, với mùi thơm lúa rạ đang mùa, với mùi hăng hắc phân trâu và đất oải.., tiếng tre kẽo kẹt trong gió, tiếng sáo diều vi vu trên cánh đồng mới gặt...


Xã hội VN đâu chỉ phải duy thành thị. Có thị thì có thôn, có phố thì phải có làng. Làng quê chính là hồn người, hồn tổ tiên, đất nước. Làng quê có vườn quê với những cây lâu năm cằn cỗi mang dấu cha già, với từ đường đậm ấn ông cha, với mộ tổ, mộ tiên mà mỗi năm rộn ràng dãy mả, "thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay.."

Nay con đường lớn đi qua. Làng quê thành phố thị. Ruộng sẽ biến thành đất chung cư, biệt thự. Mả mồ cha ông sẽ được di dời qui tập. Để cho được khang trang, để cho được khoa học. Để cho không còn những thôn làng cũ kỹ. Để công nghiệp hoá, hiện đại hoá, và vững chắc đi  lên...

Cây trong vườn dường như cũng có tình cây. Nên năm này bỗng đươm bông kết trái. Kết trái nở hoa một lần. Một lần cuối cho mảnh đất này. Ừ, một  lần. Có vẫn hơn không!..


Tôi ứa nước mắt nhớ lời cha lúc lâm chung. " Ba uỷ thác cho con giữ vườn nhà làm nơi thờ tự. Cố truyền cho các cháu đời sau để chúng biết mà tưởng nhớ đến tổ tiên. Cây có cội. Người có tông. Đừng đánh mất nghe con!"...

Bây giờ đây thưa ba. Con không làm gì hơn được nữa. Nhà nước sẽ cho chúng ta mua lại đất làm nhà. Con sẽ xây lại từ đường. Trong đó có treo những bức hình khu vườn nhà mình rộng đẹp. Nói với các cháu rằng. Ngày xưa. Vườn của ông như vậy đấy!...


Rồi con cũng đi xa như ba. Rồi ngày sau đất đai lên giá. Từ đường nay liệu có còn, hay cũng phải đổi thay thành quán, thành bar, thành nhộn nhịp, nhoà nhạt giữa phố thị đông vui ???

Tất cả rồi cũng phù du. Ba đã một đời  vun xới. Con cũng vài năm giữ gìn. Rồi ba cũng đi. Rồi con cũng mất. Đất nước yêu thương này còn có thể mất, huống hồ chi mấy ngàn mét vuông hương hoả nhà mình...

Dâng cây trái trong vườn cúng ba. Thắp một nén hương để mong hương hồn ba đừng quyến luyến, đừng trách chi con...

Nguyễn Quang Chơn
Dương Sơn, Hoà Châu, Hoà Vang, ĐN
11 tháng 6 năm 2014