Wednesday, December 24, 2014

PHÚ QUÝ SINH LỄ NGHĨA

Nghe Tâm đang nói phone với bạn học cũ ở Mỹ. " Sao ông lại nói phú quí sinh lễ nghĩa. Con H. đang bán bánh mỳ, thằng B. đang chạy xe thồ..., bọn hắn có phú quí đâu!.."

Mình hỏi, thì ra bạn bè thời trung học lớp T. muốn thành lập quỹ lớp để thăm viếng thầy cô, hiếu hỉ gia đình bè bạn. Tâm thông báo, nhưng người bạn Việt kiều từ chối và bảo, thôi đừng "phú quí sinh lễ nghĩa". Và T. hỏi tôi. Vì sao bạn em lại nói thế?

Ừ. Ông bà ta nói cái gì cũng đúng. Phú quí thì sinh lễ nghĩa. Hiểu như thế nào? Tại sao có chữ "sinh"? Ý ông bà ta nói rằng có được phú quí rồi mới bày đặt sinh ra lễ nghĩa! Chứ khố rách áo ôm thì ở đó mà lễ với nghi! 

Nói dzậy mà hổng phải dzậy!

Những bạn bè tôi chơi từ thuở thiếu thời, đều biết rõ nhau về nhân thân mỗi đứa. Thằng nào con nhà giàu nghèo. Thằng nào học hành giỏi dở. Đều rõ hết. Và cuộc đời trôi nỗi. Không phải đứa con nhà giàu là sẽ tiếp tục đại gia. Không phải đứa học giỏi giang phải là người thành đạt...

Bạn tôi, thằng ni ngày xưa gia đình nông dân chân chất. Lớn lên cuộc sống cũng nhàng nhàng. Bỗng gặp vợ lớn tuổi buôn bán giàu có. Vậy là hắn lên đời. Mặc áo dây đeo. Mang giày Adidas. Đi đâu cũng Ipad, kính râm. Head phone iphone nghe nhạc lim dim. Nói những điều trưởng giả sang trọng. Bạn bè mời nhậu thường đến trễ, cho ra con nhà quí phái!

Thằng nữa nhà tận vùng quê xa. Nghèo lắm. Trung học lên phố ở nhờ nhà ông chú ruột. Vừa học vừa giúp việc. Rất thương. Ra đời được bạn bè, quí nhân giúp đỡ thành công, lên đời thật nhanh. Giao du chừ chỉ những người thành đạt. Ăn uống chỉ những nhà hàng cao sang. Nhà biệt thự xây ở khu nổi tiếng đắt đỏ. Khoe căn bếp đã hàng tỷ đồng. Bạn bè đến nhà thăm được dọn ăn sang trọng. Được giới thiệu toàn thịt cá, gia vị nhập ngoại. Đủ ly tách chén dĩa, dao nĩa các loại sáng choang. Được dặn dò uống ly nào, dùng nĩa nào, chấm gia vị nào, phát mệt!

Còn mấy thằng ngày xưa con tư sản, con quan. Đi học, đi chơi đã có xe hơi, xe máy. Nay cũng vô cùng thành đạt. Con cái đi học nước ngoài. Nhà cửa khắp nơi. Nhưng cứ ưa gặp bạn bè xưa cũ. Vỉa hè là nơi tâm sự. Thi thoảng phải tiếp khách ở nhà hàng lớn thì lo chuồn sớm, để lại trợ lý lo. Chuyện tiền bạc, nhân thân thì như đùa giỡn. Sẵn sàng rút cả chục triệu tặng bạn bè khốn khó như không, mà vỉa hè bình dân vẫn ăn uống ào ào! Hôm qua noel, nhận tin nhắn tôi rủ nhậu thì đang ở Sydney thăm con. Bảo thèm ngồi vỉa hè Sài gòn với ông chơi Noel quá!

Còn thằng từ ông nội rồi đến bố nó ngày xưa nứt tiếng nhà giàu. Sau 75 gần như trắng tay. Nhưng chừ hắn làm ăn giỏi giang. Tiền bạc không làm chi cho hết. Kinh doanh ra tới nước ngoài mà không bao giờ lò mặt lên báo chí. Đi nhậu với tôi chỉ dùng xe máy, toàn chọn quán thường thường văn nghệ. Để dễ nói chuyện tầm phào và khỏi gặp giới làm ăn, đại gia hỏi chào thêm mệt! Có lần tôi mang cá chuồn chiên miền trung vào, nó ăn ngon lành như bị bỏ đói, lại còn xin gói vài con để cho buổi chiều!

Thằng vốn con quan trưởng ty, sau 75 vỡ mộng bác sỹ, dạy học vùng xa bữa đói  bữa no. Nhưng lúc nào cũng thưa gởi nhẹ nhàng, áo quần thẳng nếp, lịch sự đàng hoàng đúng lúc đúng nơi, rất là "lễ nghĩa" !...

Thì ra cái "lễ nghĩa" được sinh ra trong câu trên của ông bà chỉ là để chế nhạo những kẻ trọc phú, một bước chân đất lên ngồi Lexus, BMW. Áo quần giày dép thì phải có hàng hiệu logo, muốn tỏ ta đây quyền quí, bạc tiền, mới kiểu này cách nọ, mới lễ đó nghĩa kia. Thậm chí lập những quỹ từ thiện bạc tỷ thăm giúp khắp nơi để được báo chí đưa hình, đưa tin ầm ĩ. Đó mới là " phú quý sinh lễ nghĩa!", là "trọc phú học làm sang!"

Còn những kẻ vốn là lễ nghĩa từ trong tấm bé. Giờ dẫu có bạc tiền, danh vọng, hay nghèo hèn, thì họ vẫn giữ cung cách cũ. Cái lễ nghĩa của họ là cái tự thân chứ không phải cái mới sinh ra!

Các bạn ra Huế, gặp các mệ chị gánh hàng rong bán bún, xôi, chè..., vẫn nón bài thơ, áo dài đàng điệu, thưa gởi nhẹ nhàng. Họ đâu phải là lễ nghĩa mới sinh. Cái cốt cách họ như vậy tự thuở nào rồi!

Một ông thầy tôi người Huế, mấy người anh quen biết đã nổi danh trước 75 mà tôi tôn kính. Khi nhận email của tôi luôn trả lời lịch sự, nhã nhặn với lời lẽ khiêm tốn, động viên. Rất trân trọng. Họ đâu có sinh lễ nghĩa. Lễ nghĩa vốn là máu thịt của họ rồi!

Tôi nói với Tâm, bạn em nói sai rồi. Câu nói đó nên dành cho thằng X, con Y, chứ không phải các bạn của em! Hãy cứ làm những điều " lễ nghĩa" như cha mẹ, ông bà , xã hội mình ngày xưa đã dạy dỗ cho mình. 

Em cho là chuyện bình thường. Nhưng họ cho là lễ nghĩa, cũng chuyện thường tình! Còn những chuyện "lễ nghĩa" dùng để đánh bóng cuộc đời thì xin em hãy cứ tránh xa!!!

Sài gòn, 25.12.14, tặng MT và các bạn
NQC