Monday, February 3, 2014

Siem Riep tân niên du ký

Tết chẳng làm gì. Con cái xa. Ở nhà thì cũng rượu bia ngật ngưỡng suốt mấy ngày lễ, càng buồn...

Lo bàn thờ ông bà, mồ mả ba má, tổ tiên xong là lên máy bay đi. Lần này chọn Siem Riep tự túc 3 ngày. Mồng một tới mồng bốn. Nhớ năm kia đi Hồng kong bị lạnh với tết Tàu rộn ràng. Năm ngoái ăn tết ở Mỹ với con cái ấm áp. Năm này, chắc sẽ vui với nụ cười niêm hoa vi tiếu của thần bốn mặt Bayon...

Chuyến bay Silk Air bay thẳng từ ĐN đến SR. Giá rẻ hơn VNAir lines và bay chỉ 1:15' nhanh hơn đến 25'. Giở bản đồ SR và chọn khách sạn. Đăng ký qua mạng Agoda giá giảm 50%, mọi việc thực hiện nhanh chóng và thuận lợi. Thời buổi internet thật thuận tiện. Có internet, việc gì cũng xong!..

Sân bay nhỏ mà dễ thương. Người và thành phố Siem Riep cũng vậy. Như đứa trẻ đang muốn học làm người lớn, nhưng vẫn còn cái hồn nhiên con trẻ. Đón chúng tôi là cậu tài xế đen nhẻm ăn mặc luộm thuộm nhưng nhanh nhẹn. Lên xe là cậu hỏi cuộc hành trình du lịch của tôi. Rồi giới thiệu  và ra giá xe tút tút sẽ đưa tôi đi các điểm du lịch nổi tiếng ở SR. 

Từ sân bay về đến trung tâm thành phố chưa đến 15'. KS chúng tôi chọn  ở ngay trung tâm. Chung quanh ồn ào đông đúc. Quán sá rộn ràng. Xe cộ miên man. Dân du lịch nườm nượp, đặc biệt là dân mắt xanh mũi lõ. Đông lắm. Lộn lên lộn xuống suốt  ngày...

Người Cambodge dùng tiền riel và đô la Mỹ nhưng hầu hết đều trả bằng tiền Mỹ. Đã tham khảo trên mạng nên tôi đổi tiền lẻ. Chủ yếu tiền một usd cho tiện. Chuyên chở, khuân vác, phục vụ..., chỉ tip một usd là vui . Tiệm ăn,  hàng quán, massage, mở khắp nơi giá rất cạnh tranh, rẻ và nghiêm túc nhiều so với VN. Đặc biệt có cá massage chân rất lạ và hấp dẫn, giá chỉ một usd cho 20'. Ngâm chân trong bồn nước với bầy cá nhỏ bu đông nghịt, rỉa những mảng tế bào chết trên bàn chân rất chi là hấp dẫn...

Buổi chiều đầu tiên lang thang viếng thành phố. Chúng tôi đi qua một công viên được gọi là công viên hoàng gia nhưng thật đơn sơ với một ít cây cao và một đài phun nước nhỏ.  Dọc theo đoạn sông Siem Riep hiền hoà nước đục ngầu, chúng tôi đến chợ cũ. Đây là một địa điểm nổi tiếng, bán đủ các loại hàng hoá như chợ Bến thành Sài gòn, với các cửa hàng ăn đầy khách. Trời sập tối. Chúng tôi bước vào "khu phố Tây" gần đó được giăng đèn rực rỡ với hàng chữ "pub street" rất bắt mắt . Khu phố thật sự hấp dẫn du khách với san sát quán ăn và tấp nập khách phương xa. Những món ăn chào mời với giá chỉ vài usd và bia một vại chỉ 50 cents. Chúng tôi gọi món đồ nhắm uống bia, hoà vào cái không khí vui nhộn thư giãn của du khách. Thấy lòng thật thoải mái và bình yên. Cảm giác một thành phố thanh bình, hiền hoà. Một khu phố du lịch thật sự, khác với khu phố tây Phạm Ngũ Lão Sài gòn bất an và quá nhiều tệ nạn xã hội ...

Hôm sau, bắt một tour du lịch trong ngày, chúng tôi đi thăm các đền đài nổi tiếng. Đó là Angkor Wat, Angkor Thom và lên đền Bakheng  ngắm mặt trời lặn. Angkor Wat và Angkor Thom thật sự vĩ đại làm ngỡ ngàng du khách. Những tảng đá to được khép chồng lên nhau khắc chạm  những đường nét kỷ hà và những hình hoa lá, người, thú, chim muông thật đa dạng và đặc sắc, tạo nên những tháp cao sừng sững vừa ngạo nghễ, vừa thiêng liêng, làm ta liên tưởng đến một triều đại hùng mạnh huy hoàng, đến một dân tộc cần mẫn, tài hoa. Lại nhớ đến những kim tự tháp Ai cập ta đã đi qua. Lại nhìn những hoàng thành, đền đài nhỏ bé của đất nước mình mà không khỏi chạnh lòng...

Tất cả rồi cũng điêu tàn sụp vở với thời gian. Những cây cổ thụ cao to gốc ngoằn nghèo như những con mãng xà tinh phủ chụp lên những bức tường rêu gãy đổ. Bóng dáng kinh thành đâu? Hình ảnh quân vương đâu? Chỉ còn những vị thần bốn mặt, với những phiến đá ghép tạo nên trên khuôn mặt người để lại nét hoang phá, mà nụ cười bí hiểm vẫn còn mãi với thời gian....

Trong bóng chiều vừa xuống như nghe có tiếng đàn réo rắc, khúc nghê thường điệu apsara với những cô gái Miên đen dòn đằm thắm trong lễ hội phồn thực,  những linga vươn cao ngạo nghễ như tượng hình  vị vua uy nghi ngự tận đài cao!...

Bước chân tôi chầm chậm dưới bóng chiều trong khu vực hoàng thành  hoang vắng. Tiếng chim kêu trong rừng chiều buồn não nuột. Một vị sư áo vàng cúi đầu bước chậm bên tôi. Hư không thoang thoảng điều cô tịch, kìa  bóng huy hoàng tắt lịm sâu...

Đền Bakheng được xây trên một đỉnh đồi cao trăm mét để vua lên ngự ngắm hoàng hôn. Không biết bao nhiêu người dân xưa đã ngã xuống nơi này để xây nên một đài cao thăm thẳm phục vụ trò  tiêu khiển một quân vưong? Người người đổ về đông như kiến. Tôi chọn một góc thấp đón ánh dương tàn. Mặt trời từ từ lặn xuống dưới cánh đồng mờ sương. Bỗng sáng rực khác thường rồi đỏ ối và lặn tắt. Như tắt một trời rực lửa. Như tắt một thể chế huy hoàng...

Có người rủ tôi đi thăm làng nổi trên biển Hồ  Tonle Sap. Tôi từ chối vì biết đó là nơi tụ hội của cộng đồng người Việt tự bao giờ. Họ nghèo đói. Cực khổ hơn cả những người dân cực khổ Việt nam. Những đứa trẻ trần truồng chơi đùa bên dòng sông nhơ bẩn với những con chó gầy giơ xương. Những người Việt già còng lưng trong túp lều tranh rách nát, mắt mờ nhìn xa vô vọng...
Tại sao đây lại là một điểm thăm quan du lịch để khách thập phương tới xem? Để rồi những đoàn người Việt nam giày cao áo đẹp đến thăm, ứa nước mắt tặng những thùng mì tôm bố thí? Phải chăng là sự lăng nhục một cộng đồng đại diện một dân tộc? Hay một làng VN hành khất kiểu hành xác khổ nhục???

Rời Siem Riep lòng còn quyến luyến. Thành phố còn hoang sơ như Đà nẵng những năm 80-90. Thiếu vỉa hè, thiếu điện đường. Xe cộ lưu thông tự do đủ kiểu. Mà sao không thấy những chú công an mặt mày lấm lét thổi còi. Mà sao không thấy tai nạn giao thông. Không thấy kẹt xe. Không thấy những chiếc xe phóng nhanh đánh võng và lũ thanh niên lấn chen móc ví giật tiền? Chỉ có những police du lịch hiền lành rải rác những chỗ đông người như Angkor Wat, Angkor Thom...Bởi người dân họ vốn hiền lành và họ hiểu rằng du lịch đem lại cho họ cuộc sống nên họ chạy xe chậm, nhường nhịn nhau. Nên họ tự nguyện giúp thành phố thân thiện để du khách yên tâm mà nhàn tản, mà ăn uống, mà vui chơi. Như Hội an của Quảng nam. Nhà nhà người người làm du lịch vậy!...

NQC
Siem Riep, 3/2/14, những ngày đầu năm Giáp Ngọ