Tuesday, October 13, 2015

Bóng đá Việt Nam (*)

Phùng Nguyễn có một câu viết hay: "cho tôi được hy vọng hướng về quá khứ, để còn có chút niềm tin cho tương lai" 
Con rất thích câu này. 

Phân tích một chút về bóng đá Việt Nam, người ta hay nói nước mình đá dỡ là do tiêu cực, bán độ, bạo lực, lương cao làm mờ chân cầu thủ, không được đào tạo bài bản, thiếu thể lực...

Ôi sao nghe toàn những lý do đầu ngọn.
 
Đội Việt Nam bán độ sao bằng đội Ý, năm 2006 khi Ý vô địch World Cup thì thủ thành Buffon đang chờ án bán độ ở nhà. Các anh vẫn tự tin ra sân và đánh gục tuyển Pháp đang thời hoàng kim với thủ quân Zidane. 

Đội Việt Nam chơi bạo lực sao bằng Colombia. Những năm 1990 sẵn sàng đá bạo lực để lọt vào chung kết world cup. 

Còn nói Việt Nam trả lương cầu thủ trên trời khiến các anh bị bệnh ngôi sao, xin mời xem giải Mỹ nơi các tuyển thủ nhận lương vài trăm triệu dollars, ai cũng được hiển nhiên công nhận là sao nhưng chơi thể thao vẫn hay như thường, huy chương đem về cho quốc gia chắc nhiều nhất thế giới. 

Còn thể lực và kỹ thuật yếu kém? Hãy nhìn Thái Lan, Malaysia, Miến Điện, những hàng xóm thể lực tương đương và có trình độ ngang nhau, lắm khi còn ít được đầu tư hơn mà họ dần dần đều đá hay hơn lên, khoẻ lên. Vậy tại sao đội bóng nhà cứ mãi lẹt đẹt. 

Theo con có một vấn đề ít được nhắc tới là ở mình thiếu cái văn hoá thể thao. 
Các cầu thủ ghen ăn tức ở lẫn nhau, thiếu sự đoàn kết keo sơn trong đội bóng, coi thường huấn luyện viên cố tình không tập theo giáo án hoặc nghỉ tập để tỏ thái độ. 

Một ví dụ nhỏ là trường hợp Lee Nguyễn, cầu thủ Việt kiều thần đồng năm 19 tuổi đã được vào tuyển Mỹ. Anh về Việt Nam đá bóng và bị xếp vào ngồi dự bị là chính. Các cầu thủ chơi chung ghét cái mác thần đồng nên cố tình không chuyền bóng, để xem thần đồng không bóng làm nên trò trống gì. 
Các huấn luyện viên dường như vì chiều ý số đông cũng không sắp xếp cho anh hợp lý. Đối thủ cũng ghen ghét nên không đá bóng mà chủ yếu đá chân tay. Vậy nên anh đành thất thểu về Mỹ để... làm vua phá lưới, cầu thủ xuất sắc nhất năm và sắp tới nghe đâu sẽ đeo băng đội trưởng tuyển Mỹ. Ôi, như vậy có phí phạm nhân tài, cũng vì cái văn hoá ghen ăn tức ở mà ra. 

Rồi Thái Sung, cầu thủ được đào tạo bài bản ở Aspire cùng nhiều danh thủ hiện thời. Được cả CR7 và Messi khen ngợi khi em chơi bóng tại giải trẻ Liên Âu và là cầu thủ xuất sắc nhất giải. Nhưng khi về nước thì bị vùi dập, có lúc phải đi xách nước lau giày cho đồng đội, nay phải đá cho tuyển hạng nhất Gia Lai. Ôi, sao phí tài năng. 

Sự thiếu vắng một thứ văn hoá vì tập thể cống hiến hết mình, trân trọng tài năng, đoàn kết vì mục tiêu lớn đã đánh gục đội Việt Nam. Ta lại có cái mặc cảm nhược tiểu sợ đối đầu với đội mạnh, không biết rằng khi ta tự tin chiến đấu và cố gắng hết mình thì điều đó sẽ làm đối thủ chồn chân, dù không chiến thắng cũng không dễ bị khuất phục. 

Huấn luyện viên Thái lan Kiatisuk sau thời gian chơi bóng ở Việt Nam đã bắt được các nhược điểm đó vì vậy đội ông đá với Việt Nam chỉ có thắng mà thôi. 

Ngày nào văn hoá bóng đá chưa có thì dù có đổ tiền rừng bạc biển vào đào tạo nhân tài cũng khó xây dựng đội bóng hay được vì những tài năng ít ỏi được tạo ra nhưng thiếu support và ở trong môi trường luôn bị ghen ghét chắc cũng khó vùng vẫy. 

Mà văn hoá bóng đá nó sinh ra từ văn hoá học đường vì các cầu thủ ai vốn cũng là học sinh, cũng từng đi học. Họ được đào tạo chuyên môn nhưng không được bồi dưỡng nhân cách, đạo đức tốt (hoặc chỉ học đạo đức Hồ Chí Minh) nên sau này bị thiếu hụt văn hoá, không biết cách ứng xử. Điều này HAGL đã cố thay đổi. Họ tạo được lứa cầu thủ hay và có ít nhiều văn hoá, tuy nhiên có vẻ như các em sau khi chơi trong V-league và tiếp xúc với sự vô văn hoá 1-2 năm qua cũng đang dần lụi tàn. 

Thôi đành hy vọng hướng về quá khứ vậy. 

Nguyễn Quang Dũng
13.10.15, trả lời bài thơ bóng đá của ba
(*) tựa đề do NQC đặt