Con người ta luôn có hai cái tâm. Tâm Thiện và Tâm Ác. Hai cái tâm này hay đối kháng, có khuynh hướng lấn lướt lẫn nhau, dày xéo lòng người. Khi làm được việc thuận với đạo lý, nghĩa tình, thì lòng vui, thanh thản. Khi làm những việc sai với nhân nghĩa lễ trí tín, thì lòng dạ bồn chồn, ray rức không yên...
Đó là nói về những con người có kiến thức, có lương tâm. Loại người này luôn muốn trau giồi, rèn giũa bản thân để cái tâm thiện ngày càng lớn lên, triệt tiêu cái tâm ác, để sống đời hạnh phúc với mình, với người. Còn những kẻ ích kỷ, tham lam, luôn muốn chiếm đoạt của cải người khác, giành thế thượng phong và lợi lộc cho mình, hạng người này tham lam ích kỷ đến nỗi sẵn sàng bán đổ bạn bè, giết người, hại vật, thì không bàn đến!...
Trong cuộc mưu sinh. Có rất nhiều nghề. Nhưng xét cho cùng cũng có thể gom lại trong ba nghề chính. Đó là nghề Kinh Doanh, Nghề Y và Nghề Giáo.
Nghề Y và nghề giáo là hai nghề phải có cái tâm thiện mới hành nghề được.
Một thầy thuốc mà cái tâm không thiện. Khám chữa bệnh nhân mà lòng chỉ mong sao lấy thật nhiều tiền, vừa khám bệnh, vừa bán thuốc. Thậm chí nuôi bệnh để kiếm tiền....Y đức không có, thì người thầy thuốc ấy không thể là lương y được mà có thể gọi là ác y, y tham, lang băm... Bởi, lương y phải có tấm lòng như từ mẫu, phải ghi nhớ nằm lòng lời thề Hippocrates, Qui Ước Đạo Đức Ngành Y của WMA. Tâm thiện và nghề Y không được cách xa nhau mà phải luôn trao dồi để sát cánh bên nhau. Có như thế cái sứ mệnh thiêng liêng của người làm nghề y mà đời trang trọng dành cho chữ THẦY, Thầy thuốc, mới được thực hành xứng đáng.
Nghề giáo cũng thế. Người thầy trên bục giảng mà cái tâm không thiện. Không hết lòng với học trò, thì họ không thể xây dựng cho xã hội những con người trí tuệ, tài năng, đạo đức. Cái tâm bất thiện của họ chỉ đào tạo ra một lũ người ăn bám, phá hoại, một xã hội mất lương tri...
Còn nghề kinh doanh với tâm thiện thì trái ngược nhau, mâu thuẫn nhau. Kinh doanh có nghĩa là lợi nhuận, lợi nhuận là tiêu chí đầu tiên. Làm ra lợi nhuận nghĩa là "một vốn bốn lời", nhiều khi phải "treo đầu dê bán thịt chó". Làm ra lợi nhuận thì phải đóng thuế cho nhà nước. Phải tuân thủ những luật lệ trong kinh doanh nhà nước đặt ra. Mà thuế thì quá chặc, quá cao nên mới phải "lách thuế", "trốn thuế", "lậu thuế"...
Đã muốn có lợi nhuận thì phải mua một bán mười, thậm chí bán một trăm. Càng lợi càng tốt, bất chấp giá trị thật của sản phẩm là bao nhiêu, bất chấp người mua giàu hay nghèo. Chúng ta thấy rất rõ trong các hãng sản xuất thuốc. Giá trị thật của một viên thuốc chữa các bệnh hiểm nghèo khoảng vài xu. Nhưng được bán ra trên thị trường hàng chục, hàng trăm đô la Mỹ, như các thuốc chữa ung thư, chữa Aids... Ở đây rất rạch ròi việc bán thuốc và người bệnh. Không có tiền mua thuốc thì chết. Vậy thôi!
Trong thương trường. Cùng tranh giành một việc kinh doanh, một sản phẩm, một dịch vụ, thì cái anh được, chính là cái người khác mất. Anh thành công, tức người khác thất bại. Vậy là hằm hè. Vậy là oán thù. Đã có không biết bao nhiêu vụ án hại người cũng vì tranh giành lợi nhuận trong việc kinh doanh. Người ta nói thương trường là chiến trường quả thật không sai. Mà chiến trường nào không đổ máu, không chết chóc, đau thương! Chiến trường làm gì có tâm thiện. Tôi không giết anh thì anh giết tôi. Lạnh lùng là vậy. Ác tâm là vậy!...
Có những người bước vào đường kinh doanh khởi đầu với tánh thiện. Tuy nhiên, thương trường không đơn giản với họ, nên khi rơi vào mất mát, thua lỗ, buộc nhà doanh nghiệp phải trốn thuế, phải lừa lọc, phải gian dối..., cái thiện đã mất tự lúc nào một cách tự nhiên...
Bởi tâm thiện với kinh doanh luôn đối nghịch nhau nên nhiều người, khi giàu có trong kinh doanh rồi hay...nghĩ lại. Họ sợ cho việc gian dối, lừa gạt của mình nên... làm từ thiện, mong tâm hồn được cứu rỗi. Làm từ thiện mà cái tâm như thế thì cũng chẳng thiện chút nào!...
Kinh doanh là sát cánh với tiền bạc. Mà "tiền "thì "bạc" lắm. Bao nhiêu cha xa con, anh xa em, bạn bè xa nhau cũng bởi chữ tiền...
Nói vậy, không thể nào kinh doanh với một cái tâm thiện ư? Chỉ người ác mới giàu có, còn người hiền, tâm thiện thì suốt đời nghèo khổ sao?
Không. Kinh doanh có cái đạo đức của kinh doanh, có cái văn hoá của kinh doanh. Nhiều ngành nghề làm giàu dựa trên kiến thức của mình, như những anh "Hai Lúa" ở miền Tây. Thấy bà con gặt đập vất vả, vậy là anh nghĩ ra máy gặt đập, bán rẻ cho bà con, còn bày cho những cơ sở khác làm. Anh có tiền, nhưng niềm vui khi giúp đồng bào cởi bỏ được sức lao động, giúp cơ sở cơ khí khác có công ăn việc làm, còn vui hơn những đồng tiền anh kiếm được! Và anh tiếp tục suy nghĩ, sáng chế những máy móc khác, trong công việc khác, để giúp đỡ người dân. Anh bán hàng vẫn có lãi, đủ lo chu toàn cho gia đình, xã hội, nhưng việc kinh doanh của anh đầy ắp tính nhân văn đó chứ. Một cái tâm không thiện sao làm được những điều này!
Tôi quen một người bạn là một nhà thầu rất nổi tiếng. Công trình của anh rải khắp nơi trên đất nước. Người ta nói những nhà thầu xây lắp thường làm ẩu, "ăn" bớt vật tư thiết bị công trình nên để lại những sản phẩm kém chất lượng. Thế nhưng ông bạn tôi lại khác. Anh luôn lấy chất lượng và uy tín làm đầu. Có những công trình anh bị lỗ do nhà đầu tư kéo dài thời gian, do biến động giá cả bất thường. Thế nhưng. Đối với anh. Sự cam kết ban đầu và chất lượng là trên hết. Và cuối cùng. Tổng hoà tất cả. Anh vẫn là người thành công. Lợi nhuận hàng năm anh vẫn tăng đều ngay cả khi kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng. Tôi hỏi anh. Lý do vì sao anh thành công. Anh bảo. Đó là cái tâm trong kinh doanh, là sự chân tình và chữ tín! Tôi hỏi. Còn lợi nhuận thì sao? Anh bảo. Công ty hay gia đình. Cũng như đất nước này vậy. Lúc thịnh. Lúc suy. Nhưng phải có cái cốt lõi, đó là văn hoá và đạo đức, nếu mất đi, chỉ có lụi tàn. Làm kinh doanh không chỉ luôn thuần lợi nhuận. Có những lợi nhuận vô hình sẽ đưa lại những lợi nhuận hữu hình to lớn...
Tâm thiện và kinh doanh trong xã hội. Xét cho cùng cũng như tâm thiện và tâm ác trong một con người. Nó luôn đối chọi lẫn nhau. Nó luôn tìm cách lấn lướt lẫn nhau. Nếu chúng ta mê muội. Chúng ta để ác tâm chế ngự thì việc kinh doanh cũng có thể thành công nhưng chắc chắn chẳng thể lâu bền, và thường gây cho ta sự stress, dứt day. Nếu chúng ta tỉnh táo và biết nghĩ suy. Tâm thiện sẽ là một nguồn sáng giúp chúng ta tự tin, nhẹ nhàng trong cuộc làm ăn. Và, điều tuyệt vời sẽ đến với ta là, sự thành công không vội vã nhưng lâu bền. Nếp văn hoá của tâm thiện trong kinh doanh sẽ là nền móng vững chắc cho một doanh nghiệp trường tồn! Bởi. Tài sản kết sù bây giờ đang có, anh giữ được bao lâu khi anh sống đời không đến trăm năm? Sự duy trì và phát triển không nằm ở anh nữa mà là những con người kế nghiệp. Đất kia, biển nọ cũng mất nếu con người không có văn hoá giữ gìn. Tiền bạc sẽ như thế nào nếu đàn em, con cháu không có một cái tâm. Tâm thiện!
Ôi. Đã có biết bao doanh nhân giàu nứt vố, đổ vách phải xộ khám, tử hình. Có biết bao sự nghiệp ngút ngàn, hoành tráng, rồi đời con, đời cháu lại phải tủi hổ ngậm ngùi làm thuê cuốc mướn, lây lất mỗi ngày...Sự trường tồn cho sản nghiệp chỉ có được trong một môi trường kinh doanh có văn hoá, có đạo đức, tâm thiện và nhân văn!...
NQC, 15.10.15