Từ nhỏ đã nghe mấy anh chị đùa nhau bằng giọng Quảng rất vui: “Làm ăn như c.., mà thấy mặt là đòi tiền!”...
Chừ mùa covid, học sinh cả thế giới học online. Ở VN, lũ trẻ con được một mùa nghỉ thiệt dài từ tết đến hè, rồi chẳng biết từ hè đến ngày nào...Giữa khi dịch bùng phát nguy hiểm, chỉ vì nguồn kinh phí thi cử quá lớn mà tay thượng thư bộ học cứ phải “nguyện vọng học sinh là được thi THPT”, rồi thì thi đợt một, đợt hai, tốn kém vô bờ, rồi thầy nhiễm, trò lây, làm cả một địa phương cuống quít...Ngoài tiêu tiền tốn kém ra, chẳng có gì mới mẻ, chẳng có gì tốt hơn. Rồi lại bắt tập trung khai giảng, sách giáo khoa lại đổi mới và tăng giá...
Nói ra thì nhiều người bảo tôi ác cảm cá nhân, bảo tôi “thổi tù và hàng tổng”, nhưng thực tế, từ khi tay này mới lên bộ học, phát biểu linh tinh, nhìn cái mặt, phong cách, lối nói, tôi đã...không ưa. Khi nghe giới thiệu chức vụ, tôi càng ngã ngửa. Đúng là hồi đó “nhìn cái mẹt thấy ghét”, rồi thì chừ, “lồm eng như kẹt, mà giữ ghế chẹt, không biết dị mẹt rứa mi?”...
( Làm ăn như c., mà giữ ghế chặt, không biết xấu mặt vậy mày?”) (Thông dịch viên “tiếng Quảng” ở “VPCP”)
Tôi cũng “sân si” thật, nhưng tính tôi hay nói thẳng, nên bị nhiều người ghét lắm! Thì thôi, “Trời sinh con mắt là gương. Người ghét ngó ít, người thương ngó nhiều!” (ca dao)..., ghét quá thì đừng ngó, cũng chẳng cần!...
Rồi lan man chữ “con c”, lại nhớ đến chữ “cái húm”. Hai anh chị Quảng Nam đi làm ăn xa ở tận miền Nam, tết về ngồi bên nhau trên một chuyến xe đò. Đường dài bắt chuyện làm quen: “ Chị năm ni lồm eng ra reng?”. “Năm ni mất mùa, dịch bệnh, tui lỗ to anh ơi. Còn anh reng, có đỡ hơn tui?” “Dạ không, chị lỗ to còn tui đây cũng kẹt cứng!”..., “lỗ to, kẹt cứng” cũng không bằng ông (nguyên) chủ tịch, bí thư thành phố của tôi. Hồi đang lừng lẫy, ổng chủ trì giao ban xử lý một toà nhà công nghệ thông tin đang xây dựng. Ổng muốn có một phòng họp khoảng ngàn người. Chủ đầu tư báo cáo , “dạ thưa anh, phòng họp công trình mình không chứa được ngàn thì cũng được tám trăm”, ông biểu đưa bản vẽ xem, rồi “phán”: “Diện tích nhỏ như cái húm ni mà đòi tám trăm với ngàn!”. Cả hội trường ai cũng cười vui, và phải công nhận ông đúng!...
“Nước Quảng” tôi còn có cái từ “nhăn húm” nữa. “Nhăn húm” thì tôi rất ok, nhưng bảo “cái húm” mà nhỏ là tui không chịu à nghen. Hãy nghe nữ sĩ H.X. Hương mô tả trong “Vịnh cô dệt vải”, và “Vịnh cái quạt” của bà:
“Thắp đèn lên thấy trắng phau phau
Con cò mấp máy suốt đêm thâu
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc
Một suốt đâm ngang thích thích mau
Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả
Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ
Chờ đến ba thu mới dãi màu”
“Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dáng tự bao giờ
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi nắng gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa …”
“Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả. Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau”, và” một lỗ xâu xâu, mấy cũng vừa”.., thì...còn lâu mà...nhỏ, đúng không, thưa bà con?...
Rồi lan man tiếp kiểu nói của dân Quảng tôi. Số là hiện nay phong trào thơ phú xuất hiện nhiều quá. Người người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Quan lớn, quan nhỏ nào cũng làm thơ, cũng thích trích dẫn thơ... Đến nỗi mấy ông tổng thống Hoa Kỳ, từ Dân chủ đến Cọng hoà, khi thăm VN, tưởng dân này nghiện thơ, nên ông nào cũng bảo đàn em phải trích xuất vài câu Kiều vào trong bài phát biểu của ông...cho hợp “thổ nhưỡng”!...
Ngồi cà phê vỉa hè. Một cụ già cỡ cha tôi, cầm trên tay tờ báo, đọc tới đọc lui, rồi lẩm bẩm:
“ĐM, dân ta cái mẹt khờ khờ
Lồm eng như kẹt, lồm thơ thì tài!...”
Tôi may quá, đã bỏ làm thơ mấy chục năm nay, từ ngày lấy vợ!...
09.9.20
Nguyễn Quang Chơn, rảnh rỗi nói xàm