Nước Việt ta, sự phân chia 3 miền Bắc, Trung, Nam có lẽ có từ triều Minh Mạng, và rõ nét hơn từ thời Pháp thuộc (?).
Nhìn bản đồ, so sánh với dáng hình các cô người mẫu, thì rõ ràng miền Trung là vòng 2 tuyệt đẹp của nàng hoa hậu Việt Nam chân dài miên man, với số đo 90-56-85, và điểm chốt cái eo là Quảng Bình ở ngang cái rún ( rốn)!...
Đúng là như rứa, nhưng trước 1975, dường như người ta mặc định, nói miền Bắc thì là Hà Nội, nói miền Nam, đích thị Sài Gòn, còn miền Trung, chỉ có Huế mà thôi! Sau 75, được định danh, bắc miền Trung là từ Quảng Trị ra tới Ninh Bình, nam miền Trung là từ Huế vô tới Ninh Hoà (?)...
Mà thôi, không bàn cãi về địa lý, giới gianh nữa, chỉ vì mưa lụt bão giông ở miền trung, lan man dòng suy nghĩ, lan man về những bài hát viết cho miền Trung trước 1975...
...
Nhiều lắm, nhưng với tôi, chỉ có hai ca khúc hay nhất đó là: “Về miền Trung” của nhạc sĩ Phạm Duy và “Tiếng sông Hương” của Phạm Đình Chương. Và người ca hay nhất hai tác phẩm trên, theo tôi, chỉ có Thái Thanh, Lệ Thu (Về miền Trung) và Hà Thanh (Tiếng sông Hương). Còn về nhạc ngữ thì tuyệt vời, khỏi có bàn! (Xin copy dưới đây)
VỀ MIỀN TRUNG (Phạm Duy)
Về miền Trung ! Miền thùy dương bóng dừa ngàn thông
Thuyền ngược suôi suốt một dòng sông... dài
Ôi quê hương xứ dân gầy
Ôi bông lúa, con sông xưa, thành phố cũ
Về miền Trung ! Người về đây sống cùng người dân
Lửa chinh chiến cháy bừng thôn làng điêu tàn
Ðêm hôm nao gió u buồn trên sông vắng
Có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng.
Hò hô hò ! Hò hố hô !
Người đi trên đống tro tàn
Thương em, nhớ mẹ hương vàng về đâu
Chiều khô nước mắt rưng sầu
Tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi
Hò hố ! Hò hô !
Hà hớ hơ... Nhớ thương về chiến khu mờ
Biết bao người sống mong chờ
Hát rằng : Hà há hơ...
Nhớ về cố hương yêu dấu xa xưa !
Về miền Trung ! Còn chờ mong núi về đồng xanh
Một chiều nao đốt lửa rực đô thành
Tay trong tay dắt nhau về quê hương cũ
Không than van, không sầu nhớ.
Về miền Trung ! Người về đây hát bài thành công
Lửa ấm áp bếp nhà ai hồng, đêm trùng
Ðêm hôm nay tiếng dân nồng vang thôn xóm
Có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng
Hò hô hò ! Hò hố hô !
Về đây với lúa, với nàng
Thay bao nỗi khổ tiếng đàn (tôi) mừng reo
Nguồn vui đã tới với dân nghèo
Con sông nước chẩy, tiếng chèo hò khoan !
Hò hố ! Hò hô !
Hà hớ hơ... Tiếng ai vừa hát qua làng
Lúc em gặt lúa trên đồng
Hát rằng : Hà há hơ !
Tiếng cười, tiếng ca trên lúa trên sông.
TIẾNG SÔNG HƯƠNG (Phạm đình Chương)
Miền Trung vọng tiếng
em xinh em bé tên là Hương giang
đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than.
Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ
bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu.
Hỡi hò, hỡi hò.
Quê hương em nghèo lắm ai ơi
mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn
Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi
khiến đau thương thấm tràn
lấp Thuận An để lan biển khơi ơi hò ơi.
Hò ơi! Ai là qua là thôn vắng
nghe sầu như mùa mưa nắng cùng em
xót dân lều tranh chiếu manh.
Hò ơi!Bao giờ máu xương hết tuôn tràn
quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn
cho em vang khúc ca nồng nàn.
Ngày vui, tan đao binh, mẹ bồng, con sơ sinh
chiều đầu xóm xôn xao đón người trường chinh.
Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên .
...
Vậy đó. Miền Trung bây chừ không chỉ là Huế, để nhớ ngày xưa đi học Sài Gòn, mấy em tưởng miền trung là Huế, nói rằng, “người Huế yêu không thật” (xin lỗi bà con Huế nghe, đã sửa lại rất nhẹ rồi đó!). Rồi 30.4. 1975, đi bên em, nghe loa phóng thanh: “ A lô, a lô, đồng bồ đồng bồ, đúng tốm giờ túi ni tập trung tại ven phòng khu phố nghe phổ biến thông bố của ỷ boan quân quảng thành phố...”, cô bạn hỏi, “họ nói tiếng chi em không hiểu”, tôi phải làm thông dịch viên, từ đó dân Quảng lên ngôi và không bị đồng hoá với dân xứ Huệ!...
Lại lạc mất rồi, quay lại chủ đề, khó có bài ca nào về miền Trung hay hơn hai bài nhạc nói ở trên. Xui quá, hai nhạc sĩ đó đã qui tiên, nếu không, nhân mùa lũ này, sẽ cầu xin hai vị sáng tác giùm hai bài về miền Trung đời mới. Và trong lời bài hát, với PD, xin có câu rằng: “Về miền trung, cả hàng trăm thuỷ điện hoành tung, lũ về đây chập chùng diệt dân, ê chề!...” Và với PĐC, xin ông: “Quê hương tôi, thuỷ điện nay nhiều lắm ai ơi, mùa đông xả nước, hè thời cháy khô, rồi thì, lũ xả mỗi năm ới a, khiến đau thương xuống chà dập bà con ới à, ới à...”
Dạ thưa, với tôi. Hai bản nhạc trên vẫn là bất hủ, và mong rằng, miền Trung đã rộng dài hơn trong địa lý, các nhạc sĩ sẽ có nhiều bài hay hơn về miền trung khô cằn, nhỏ bé. Nhỏ như cái eo cô nàng “yêu không có tiền, cạp đất mà ăn?”...
Thuỷ điện trên đầu. Mưa bão liên miên. Năm mô lũ cũng xả. Rừng rú tan hoang. Yêu miền trung vốn tiền không có, chừ đất không còn, lấy chi để cạp mà ăn đây, ơi miền Trung yêu dấu của tôi !!!???
À ơi, ới à!....
Nguyễn Quang Chơn
Lan man, 26.10.20