Friday, October 23, 2020

Mưa lũ đi qua chưa, nghĩ gì về các hoạt động từ thiện và các động thái của chính quyền?

Đã hai ngày yên ắng. Không còn thấy những trận mưa như thác đổ, không còn nghe những cơn gió rít kinh hồn. Đâu đó ở Hà Tĩnh lũ vẫn lên, còn các nơi đã rút. Nghe thông tin ngoài xa, một cơn bão mới đang hình thành... 


Dẫu gì, thì biến nạn “lũ lụt miền Trung” cũng đã tạm dừng. Không gian trên mạng cũng tạm yên ắng, trong “khoảng lặng” này, ta nghĩ gì qua trận tan hoang từ Quảng Nam ra tới Nghệ An về các hoạt động cá nhân, đoàn thể, chính quyền?...


Thứ nhất, lũ là do thiên tai hay nhân tai thuỷ điện? Rõ ràng là do xây dựng thuỷ điện đầu nguồn, phá núi, phá rừng, xả đáy, khi mưa về tràn hồ chứa nên gây lũ quét. Vậy mà ngành kiểm lâm vẫn đổ là do biến đổi khí hậu. Truyền thông vẫn không đả động gì đến thuỷ điện. Trách nhiệm vẫn đổ lên đầu ông trời!


Thứ hai sự hy sinh của đoàn cán bộ chiến sĩ tử nạn ở Rào Trăng, trong đó có cả vị tướng chỉ huy quân khu, cả chủ tịch huyện...Họ đã chết rồi, đúng ra không nên nói đến nữa, nhưng sự mất mát như vậy thật sự đáng tiếc! Một đoàn như hành quân ra trận với một vị tướng chỉ huy mà chẳng biết phía trước có gì, đồn trại dừng ở đâu, phải phá cửa một trạm kiểm lâm để dùng cơm chiều và nghỉ qua đêm để rồi lũ xuống cuốn trôi. Phải chăng đoàn quân ra trận chỉ biết hướng của địch mà tiến, chẳng có thông tin, kế hoạch tác chiến gì, chẳng biết gì về đối phương? Phương tiện đầy đủ trong tay, sao không chủ động do thám đầy đủ dữ liệu trước lúc hành quân???...


Thứ ba về việc cứu trợ, chính phủ chi tiền cho các tỉnh với số tiền 300 tỷ đồng. Các cơ quan đoàn thể của chính quyền cũng trích lương lập quỹ. Cá nhân, tập thể nhân dân các nơi quyên góp, cùng đổ về miền Trung. Riêng cá nhân của một cô ca sĩ trẻ xinh đã kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng. Việc gì đã xảy ra?


Thùng tiền quyên góp của quốc hội ghi “Ủng hộ bão lụt miền Trung”. Sao lại ủng hộ bão lụt mà không ủng hộ đồng bào bị lũ lụt? Vấn đề chỉ là từ ngữ, nhưng ở đây là từ ngữ của một cơ quan quyền lực bậc nhất, nơi soạn ra hiến pháp, pháp luật. Nơi kiểm soát văn hoá giáo dục nước nhà. Nên từ ngữ không thể trật, sai....Phải chăng vì thế mà nơi đây đã có những kẻ soạn ra sách học “cánh diều” bá láp cho học sinh lớp 1 mà xã hội đang râm ran?


Thứ tư, những thông tin trên báo chí như “đừng để những kẻ xấu lợi dụng lũ lụt để nói xấu đảng, bôi bác chính quyền”. Đảng mà tốt thì sợ gì ai nói xấu. Sẵn sàng tranh luận với những kẻ nói xấu mình. Chính quyền mà “khoẻ mạnh” thì ngại gì ai bôi bác! Đưa thông tin như vậy, phải chăng là ta (đảng) lo và sợ?


Thứ năm, cái cô ca sĩ, hoặc ai ai đó, quyên góp được tiền bạc trong nước, ngoài nước uỷ thác cho họ đi cứu trợ. Họ làm được cái gì thì kệ họ, họ cho ai nhiều ít cũng tuỳ tâm. Là chính quyền thì hướng dẫn họ an toàn đi đến nơi về đến chốn. Tại sao phải viện nghị định này nọ để bảo họ phải nộp cho mặt trận tổ quốc, cho hội chữ thập đỏ phân chia? Việc cứu trợ cần phải được trật tự, có tổ chức, đúng rồi. Chính quyền sắp xếp, bố trí đoàn này đoàn nọ theo chương trình đăng ký để đảm bảo trật tự, an toàn, chứ không thể dành phần phân phát, dẫu lấy lý do là để công bằng, ai cũng có đủ, thậm chí thu lại để rồi tái phát, là trật lất! Người cho thì có quyền cho. Kẻ nhận người nhiều, người ít là cái số mỗi người. Chính quyền muốn công bằng, lấy tiền hỗ trợ của chính quyền ra phân phát, đừng động đến của dân! Hãy giám sát, nếu ai đó dùng tiền để phát tán thông tin xấu, kích động người dân chống đối chính quyền, thì stop, bắt giam, dễ ợt!...Từ những ý thức sai trái đó, không ít địa phương đã có những hành động, chính sách thật là phản cảm, để cho xã hội lên án ì xèo, có cần thiết phải vậy không?


Thứ sáu, trong biến nạn này, không ít cá nhân, tập thể đánh bóng tên tuổi, đồng thời cũng không ít cá nhân, tập thể lừa đảo, lợi dụng, bòn xén tiền cứu trợ của dân. Thật là khốn nạn. Thật là đau lòng!


Thứ bảy, tại sao không bắt những tư nhân xây thuỷ điện phải bỏ tiền ra, phải trích doanh thu, lợi nhuận để đền bù cho chính quyền, cho nhân dân? Đó là chưa nói đến việc truy cứu những quan chức, bộ ngành đã cấp phép tràn lan cho các thuỷ điện này được ra đời? Tại sao, tại sao họ được bình yên nhìn những gì họ đã gây ra, và hàng ngàn người lương thiện khác lại phải lăn xả vào chia sẻ, cứu nguy, và, chết?...

....

Ở trên là những cảm nghĩ nhanh, giản đơn, cạn cợt, chưa phân tích sâu xa, mà sao đã thấy đau lòng!


Xét cho cùng, khi xảy ra biến cố, thiên tai, ở đâu, cũng phải có chính quyền ra tay và luôn luôn có những tấm lòng từ thiện của người dân sát cánh. Tất cả là đẹp. Là đúng. Còn xấu hay sai, cũng bởi chính quyền, cũng bởi người dân. Mà chính quyền thì chỉ có một, còn người dân thì vạn trạng, thiên hình!....


Nguyễn Quang Chơn

Lan man, tản mạn

22.10.20