Thursday, October 8, 2020

Mưa, lũ, trôi nhà, lở đường, chết người..., nghĩ gì?

Ba ngày nay, một cơn áp thấp nhiệt đới ở biển Đông đã ảnh hưởng khắp miền Trung nước ta gây ra những cơn mưa, lúc lớn, lúc nhỏ, dường như liên tục...Từ trung ương đến địa phương đều cuống cuồng chống đỡ. Trưa nay, các trường học được nghỉ, cha mẹ líu tíu đón con về. Truyền thông đưa tin, đã có sạt lở đường Trường Sơn, đã có lũ ngập các tỉnh miền Trung, miền cao, đã có chết người...


TV chiếu mấy ông chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, thành phố mặc áo mưa, đội mũ cối lội mưa chống lũ, quân đội được điều ra giúp dân. Cả một hệ thống tỏ ra nhiệt tình chống đỡ, quyết để thiệt hại ít nhất, và ít dân chết nhất!....


Mưa, gió, bão, lụt. Ở quê tôi, tôi nhớ hoài. “ Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Trời hành cơn lụt mỗi năm, với đau thương xuống tràn ngập....” Hồi nhỏ xíu đó, tôi ở Tam kỳ, cứ tháng 10, tháng 11 mưa, là lụt. Lụt ngập cống Quỳnh Châu, đủ để chúng tôi lội nước, bơi thuyền. Lụt cao lắm năm Thìn thì cũng tới ngang văn phòng quận. Hồi đó chính quyền có chương trình xây đập Phú Ninh để ngăn lụt và điều hoà tưới tiêu cho cả vùng nông thôn Quảng Tín. Rồi 75 đến, dự án đó cũng được các vị lãnh đạo đương thời triển khai, tôi cũng góp công sức một ít trong đó, khi đang là sinh viên... Từ đó, lụt không còn về mỗi năm nữa...


Rồi những thập niên 20. Không hiểu sao, phong trào xây thuỷ điện mở ra như nấm. Người người làm thuỷ điện, nhà nhà làm thuỷ điện. Việt Nam ta lúc đó mới có thuỷ điện Đa Nhim do Nhật tài trợ với công suất 160 MW, được xây bồi thường chiến tranh năm 1961, thuỷ điện Trị An 1984, 400 MW, và thuỷ điện Sông Đà dưới thời thủ tướng Võ Văn Kiệt, công suất 1.920 MW, do Nga xô giúp đỡ...


Khoảng năm 2009, bạn tôi lúc đó là sếp của tôi, thấy người ta làm thuỷ điện quá trời, biểu tôi “ Ông lên cao nguyên khảo sát để chúng ta nên làm một cái thuỷ điện”. Tôi cười trong bụng nhưng vẫn chấp hành, vì muốn tìm cho ra cội nguồn thuỷ điện. Nhân có ông bạn tôi, kỹ sư công chánh, đang thi công một thuỷ điện tư nhân ở Ma Đrắc công suất 5 MW, và ông bạn cùng lớp đang lãnh đạo sở Công Thương trên Ban Mê Thuộc. Tôi đi “khảo sát”. Sếp công thương chỉ trên bản đồ. Các con suối lớn nhỏ đã được khoanh dấu đỏ, xanh các dự án. “Còn 3 chỗ này, ông muốn đầu tư thì tôi giúp!”. Rồi tôi lên thực địa thăm ông bạn tôi đang chỉ huy công trường trên ấy!...


Đường lên đến công trường không dễ đi, mặc dầu từ rìa thành phố đến đó, đã có con đường mòn, và vô số rừng đã được chặt phá mở đường. Bạn tôi như một cư sĩ khổ hạnh trong nhóm Kiều Trần Như thời Tất Đạt Đa. Một cây đàn, mấy tập sách, mấy xe ủi..., bạn chờ cho xong công trình như chờ sự giác ngộ!...


Và chính tôi mới là người giác ngộ, khi tôi hiểu ra chính sách “thuỷ điện” đại trà của quốc gia. Rừng bị phá. Thiết bị toàn made in China từ tourbine cho tới thiết bị điều khiển, giá rẻ bằng 1/3 so với Nhật, Tây âu. Và, đặc biệt là những quả bom nước. Những quả bom nước, nếu không cho nổ hoàn toàn một lần, thì đều phải cho xả một ít, khi mưa đổ trên rừng!....


Đương nhiên tôi đã không cho bạn tôi làm thuỷ điện nhưng lòng tôi buồn rười rượi...Và cái gì đến sẽ phải đến. Điện thì vẫn thiếu, tiền điện thì vẫn cao, ngành điện thì vẫn lỗ, và mỗi năm, thành phố chưa mưa, lũ đã tràn về!... 

...

Tôi biết Tập đang mỉm miệng cười mỗi khi mưa đổ xuống phương Nam. Nắng, Tập ngăn sông Lan Thương, miền hạ du khô cháy, nước mặn tràn vào, cả đồng bằng sông Cửu long khốn khổ. Mưa, Tập ngồi uống rượu, mở cống miền cao, và tự người dân Việt xả lũ hoà theo để tránh vỡ đập... Lũ chồng lũ, các cơ quan đoàn thể chính quyền xắn tay cứu nước, cứu dân, thiệt hại tốn kém còn hơn hàng ngàn bom tấn lúc chiến tranh!...

...

Ta đang bạn bè với một tay anh chị giang hồ thâm hiểm lưu manh loại đại ca thế giới. Trời đã đặt ta vào vị trí này rồi thì làm sao cải được. Nhưng đã hơn bốn ngàn năm, xứ sở này vẫn “Nam quốc sơn hà nam đế cư, tiệt nhiên định phận tại thiên thư...”, nên ta đã dùng giòng Như Nguyệt để phá quân Nam Hán, dùng Bạch Đằng để phá bọn Nguyên Mông. Núi và sông cũng đã từng giúp Hồ Chí Minh lập nên nước VNDCCH. Và bây giờ, cũng núi và sông đó, chúng ta lại đưa thân mình ra gánh tai hoạ, con cháu ta phập phồng lo sợ, mỗi mùa mưa nước trở về, vì sao vậy?


Ôi, mưa lũ là qui luật của thiên nhiên. Mưa và lụt đem lại sự màu mỡ, phù sa cho đất, sản vật cho nông, ngư dân. Mưa và lụt cũng là những kỷ niệm thân thương của những con người miền trung mỗi độ Đông về. Chúng tôi nhớ mình đón lụt, bão, như một qui luật, thói quen. Bởi ông bà đã đúc kết quá rõ ràng, “Ông tha mà bà chẵng tha, làm cho cái lụt hăm ba tháng mười!”...Đến tuổi này, tôi vẫn còn nhớ những bữa cơm mùa lụt ngồi trên phản nước ngập đến chân, mẹ kho mặn mấy con cá lòng tong, hay mấy con cá thính với trứng gà...


Nay thì tháng nào cũng có thể có lũ, mưa thành lụt thì chẳng kể tháng mười. Ngập bất kể lúc nào. Chết bất kể lúc nao!


Nghĩ cho cùng, thâm nho khó qua quân tử tàu. Và tàu cọng lại càng điếm đàng hơn. Còn ta. Lịch sử bốn ngàn năm. Từ giặc Ân, Phù Đổng Thiên Vương mới thiếu niên đã biết dùng tre Là Ngà đánh đuổi. Chừ chẵng lẽ thời nay, lũ ta già như ri mà cứ ngu đần cúi đầu, quì gối làm ngơ!...


Muốn hết những cơn lũ hại quốc, giết dân. Phải dẹp bỏ những thuỷ điện lao nhao, bá láp bá xàm. Hãy để thiên nhiên thuận với tự nhiên!...


Nguyễn Quang Chơn

08.10.20