Monday, October 21, 2013

Anh Tư Xin,


Anh tên Nguyễn Văn Xin, thường được gọi anh Tư, làm nghề điện từ thời Pháp thuộc. 
Khi tôi mới ra trường, nhận nhiệm vụ phụ trách điện ở phòng kỹ thuật Cảng ĐN, thì anh đã là thợ bậc cao nhất 7/7, tổ trưởng tổ điện của xưởng cơ khí với gần 20 công nhân. 

Anh Tư thấp, nhỏ con nhưng nhanh nhẹn, rắn rỏi. Trong tổ còn có anh Xuân, tổ phó, nói giọng Huế. Anh Xuân to cao, hát hay, từng được tu nghiệp ở Mỹ trước 1975. 

Mỗi anh có một sở trường riêng. Anh Xuân chuyên về điện tự động, máy phát. Anh Xin chuyên về mạng, động cơ, điện ô tô..., anh còn có khả năng thử điện bằng hai ngón tay thay vì bút thử mới kinh!...
Chúng tôi nhanh chóng kết thân và trở thành "ekip" làm ăn.

Thời bao cấp lương không đủ ăn. Áo không đủ mặc đừng nói nhậu nhẹt. Nhưng chúng tôi thì không. Một tháng 30 ngày. Một năm 12 tháng. Chúng tôi có mặt trên từng cây số quán nhậu. Ở ĐN chỉ có hai nhóm nhậu thường xuyên, nổi tiếng và cũng là bạn bè quen biết nhau nhưng đường ai người nấy đi. Việc ai người nấy làm. Đó là nhóm điện lạnh tư nhân không làm nhà nước. Và nhóm điện hệ thống, máy phát chúng tôi vừa nhà nước vừa tư nhân. 

Thời đó vừa sau chiến tranh nên điện đóm rất thiếu. Những máy móc của Mỹ viện trợ đã bắt đầu hư hỏng, cần sửa chữa, thay thế, nên chúng tôi mặc sức "độc quyền". 

Tôi còn trẻ non nớt mới ra trường, nhưng các anh rất tôn trọng. Cái chữ kỹ sư như là những gì to tác trong suy nghĩ các anh từ lúc nào,  nên các anh rất quí tôi. Luôn gọi tôi là sếp, anh, kỹ sư, mà thực ra tôi chỉ đáng học trò! 
Một cái thời mà người công nhân cũng đã có một văn hoá ứng xử đáng trọng!
Mới  bước vào đời nên tôi học hỏi ở các anh rất nhiều. Học trong nghề. Học trong giao tiếp xã hội. Và nhất là cách sống nhân văn!

Nhờ lanh lẹ. Có mác kỹ sư. Có tài ăn nói. Tôi luôn được nhận phần  giao tiếp khách hàng có nhu cầu, rồi lên dự toán, rồi ký hợp đồng, nghiệm thu quyết toán, nhận tiền. Hồi đó làm ăn như vậy gọi là chạy mánh. Thông tin khách hàng thì thường là từ các quán nhậu. Xí nghiệp nào đang cần máy phát công suất bao nhiêu? Công ty nào đang có thiết bị chi hư hỏng. Tất tần tật là đến chúng tôi. Kiếm được một ca làm ăn thì gọi là vô mánh. Mà nhiều mánh lắm. Làm hoài không hết. Trong đó cũng cả mánh lới nữa. Tỷ như một bộ điều khiển chỉ hỏng một điện trở, chúng tôi khám bệnh thành hỏng một transitor và phải mua thay thế..., kho nhà nước thì không có, mà giá chợ trời thì...,vô giá!

Nhậu thời đó chủ yếu là nhậu quốc doanh bia kèm mồi. Ba chai bia kèm một dĩa mồi. Tôi quen biết nhiều trong ngành du lịch nên thường được các cửa hàng trưởng duyệt bia không mồi. Mỗi bữa khoảng mươi chai. Các anh tự hào về khoản này của nhóm lắm!

Anh Tư có một câu nói mà sau này thành cửa miệng của mọi người   Đó là mỗi chiều tan sở gặp nhau: có chi khô.ô.ô.n?? Rồi rủ nhau ra quán. 

Anh Tư uống xịn lắm. Anh luôn là chủ xị trong  bàn. Chưa bao giờ thấy anh say nói bậy. Té xe. Ói mửa hoặc gây gỗ đánh nhau. Cái trật tự và nề nếp trong tổ điện chúng tôi như tự phát. Có một vài công nhân ra ngoài cũng ồn ào lắm nhưng khi ngồi vào tổ nhậu thì hiền khô! 

Có một lần nhậu ở nhà tôi, uống rượu Rị Vô Lề (Rivolet). Đang dô 100% ồn ào, thì nghe tiếng xô cửa sắt. Tôi nhìn ra ngoài vội sửa áo lại ngay ngắn. Ông già vợ qua thăm con gái mới sinh cháu. Tôi mời vô nhà thì nghe. Anh Bốn! Anh Tư! Rồi hai ông ôm nhau. Anh Bốn là ông già vợ. Té ra hai ông là bạn từ thời  còn làm toa xe lửa cho Pháp. Ông già tôi có nghề mộc nên làm gỗ nội thất toa xe. Anh Tư thì dĩ nhiên làm điện. Vậy là tiếp tục 100%. Anh Tư đa đã: anh là ông gia kỹ sư Chơn, mà kỹ sư Chơn là sếp tui. Mà tui là bạn ông. Vậy chúng ta là bạn. Dzô cái. Ông già tôi cũng là dân nhậu. Ừ. Chúng ta là bạn. Dzô!! Bà xã tôi nằm trong phòng nghe mà lắc đầu!..

Chúng tôi thân thiết anh em với nhau trong 8 năm đến khi tôi chuyển công tác nơi khác. Không công việc chung riêng nữa nhưng vẫn tìm nhậu mỗi khi có dịp. Các anh vẫn quí tôi và tôi vẫn coi các anh là thầy. Sau anh Tư nghỉ hưu. Anh Xuân lên thay làm tổ trưởng nhưng sức khoẻ anh không còn như xưa,  cái nếp cũ cũng tan dần nhường cho cái nếp mới với văn hoá mới xhcn hơn...

Vợ anh Tư đi trước từ lâu. Đám con anh Tư đông nhưng tự ai làm, nấy ăn. Nhà anh ở ngay chợ trời mà con cái không ai hư hỏng. Cả đời anh Tư hồ như làm chỉ đủ nuôi mình. Nhớ khi nghỉ hưu, anh đến nhà hỏi vốn mở cửa hàng sửa chữa điện gia dụng. Tôi giúp anh. Anh ghi giấy đàng hoàng. Vợ tôi quí lắm, giữ kỹ tờ giấy nói để làm kỷ niệm đời anh với anh Tư.
Anh vẫn cần mẫn làm việc mỗi ngày. Không thấy anh đau ốm. Làm gì thì làm. 4:30 đóng cửa. Lai rai vài chai trong một quán quen nghèo gần Cảng. Thỉnh thoảng tôi tạt qua cửa hàng anh. Anh lại đóng cửa dù đang bận bịu bao nhiêu. Gởi cái xe cà tàng cho hàng xóm rồi hai anh em đi nhậu. Ôn chuyện cũ. Nhắc chuyện đời. Nhớ anh Xuân anh Khoái đã ra đi. Chỉ còn anh Tư cựu trào trụ lại..., hình ảnh nhỏ bé, nhanh nhẹn của anh vẫn luôn trong tôi. Cái tính nhân hậu  được mọi người yêu mến của anh vẫn làm tôi kính trọng. Ngày xưa thi thoảng anh cũng có một vài góp ý chân tình cho tôi về người bạn này, bạn nọ. Tôi thường không tin. Đến khi về già, rõ ai là bạn, ai là bè, mới thấy anh Tư nói đúng!

Hôm kia đang ở Sài gòn bỗng nhận cuộc gọi số lạ. Cậu con trai anh gọi báo anh vừa đi. Trời. Hơn một năm với những thay đổi trong cuộc đời. Tôi không gặp lại anh. Cứ nói sẽ tới thăm anh mà chưa có dịp. Để rồi chừ nghe anh đi xa! Anh Tư. Cái mũ trắng cầu đường MRK của Mỹ ngày xưa, cái mũ phớt cũ kỹ sau này anh đội, cái vóc dáng nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn của anh lại hiển hiện trước mắt em. Vậy là hết. Người anh cuối cùng trong những người anh, người thầy cùng đi với em trong bước khởi hành đầu đời cũng đã ra đi. Em viết bài này như một nén hương thành kính tiễn đưa anh. Ở nơi ấy. Anh gặp anh Xuân, anh Khoái, kiếm một quán ngồi chờ em. Có chi khô.ô.ô..n? Có chi không anh Tư kính mến!

Sài gòn, 22/10/13