Thursday, October 31, 2013

KỶ NIỆM “MẮT EM DÌU DỊU BUỒN TÂY PHƯƠNG…” VỚI NHÀ THƠ QUANG DŨNG


   Thơ Quang Dũng từ lâu đã thấm sâu trong lòng giới học sinh, sinh viên miền Nam trước 1975. Đặc biệt khi tập Văn học, số dành cho Quang Dũng, với hình chân dung ông ở góc trái bìa tạp chí, trẻ đẹp với hàng lông mày đậm và bộ ria mép rất hào hoa, đã làm những người trẻ tuổi trong một đất nước bị chia cắt, yêu quê hương, yêu cái hào khí bi hùng, mắt trừng gởi mộng qua biên giới, đêm mơ Hà nội dáng kiều thơm (*)…của chúng tôi thêm ngưỡng mộ ông và lòng luôn chờ mong đến ngày "hết rồi chinh chiến cũ", để gặp thần tượng của mình…

   1980, tôi được ra thực tập tốt nghiệp tại  đại học bách khoa Hà nội. Ước mơ sẽ được diện kiến những người mình yêu thích trong giới văn học nghệ thuật nẩy mầm từ đó.

   Qua nhạc sĩ Tạ Tấn, tôi biết nơi ở nhà thơ Quang Dũng tại một căn biệt thự Tây trên đường Bà Triệu.

   Tạp chí văn học trên tay, tôi đến nhà ông một buổi chiều tháng ba, mưa phùn lất phất bụi…, gia đình ông ở tầng trên cùng của căn biệt thự cũ này với diện tích ước chừng 20 m2, có cơi thêm một gác xếp, có màn vải che ngăn với phòng khách bên ngoài...

   Căn buồng ở chật, đơn sơ không bếp, một bức hoành phi thả trên nền nhà làm nơi tiếp khách, trên tường treo hai bức tranh màu nước của ông nhìn rất thích, một bức hình như tên đường làng, một bức hình như tên gốc bàng, mà lâu quá tôi không nhớ rõ.

   Nhà thơ đi vắng. Vợ nhà thơ, một phụ nữ nhỏ bé, hiền lành, dáng lam lũ tiếp tôi. Một lát, người con gái đầu của Quang Dũng mà sau tôi thân, tên Phương Hạ, đi học về, mời tôi dùng nước và tiếp chuyện tôi. Phương Hạ lúc ấy đang học trường sư phạm 10+2.  Căn phòng bay nồng  mùi  thuốc bắc, Hạ bảo người chị dâu mới sinh đứa con đầu lòng, như vậy cả một gia đình 7 người lớn nhỏ tá túc nơi đây….

   Chờ mãi không thấy Quang Dũng về. Chia tay gia đình với niềm thất vọng.

   Vài ngày sau,  một buổi chiều cuối tuần tôi lại đến nhà ông, cũng chỉ Phương Hạ tiếp tôi, ông lại đi vắng, tôi gởi lại tập Văn học mang theo cùng bài thơ mộc mạc, ngô nghê của mình viết cho nhà thơ, thổ lộ nỗi lòng của người trẻ tuổi miền Nam ngưỡng mộ đến thăm mà không gặp, ngoài trời vẫn mưa bay….

   Và lần thứ ba tôi tới nhà thì được gặp ông. Quả không phụ lòng ước mơ. Quang Dũng đẹp người và cao to như một ông Tây. Ông hiền hậu, điềm đạm pha trà mời tôi. Tôi liến thoắng nói về những say mê của giới trẻ miền Nam đối với thơ ông. Q.D dường như muốn lãng tránh đề tài này. Tôi ái ngại về sinh hoạt của ông trong căn phòng chật hẹp. Ông bảo, bức hoành phi này vừa là nơi tiếp khách vừa là chỗ ông nằm. Xưa cũng có bàn, có ghế nhưng dần dần phải chẻ làm củi đun. Tôi hỏi bếp thì bếp dùng chung ở phía sân thượng trước căn phòng. Muốn hỏi với ông nhiều về những “nghi án” thơ ông mà trong miền Nam nhiều sách báo đề cập nhưng ông đều né tránh. Ông tặng tôi tập thơ in chung với Trần Lê Văn, trong đó có bài Mây đầu ô và bài Đôi mắt người Sơn Tây nhưng đã sửa câu “mắt em dìu dịu buồn Tây phương” thành “mắt em trong như nước giếng làng”.
   Tôi hỏi nhà thơ Quang Dũng về dìu dịu buồn Tây phương là gì, ông không trả lời mà mắt nhìn xa xăm như “u uẩn”…

   Tôi thưa với nhà thơ. Nếu sau này em có con trai đầu lòng, xin cho em đặt tên cháu là Quang Dũng. Tôi thấy mắt ông sáng lên niềm vui. Ông cám ơn tôi. Trời. Tôi phải cám ơn ông mới phải khi con trai tôi được vinh dự mang tên ông, nhà thơ tài hoa bậc nhất trong tâm hồn tuổi trẻ thế hệ chúng tôi!...

   Một chiều thứ bảy ông rủ tôi đạp xe về Sơn Tây. Ông nói chỉ cách Hà nội khoảng 30 cây số. Hồi đó tôi chỉ mang xe đạp ra Hà nội, nhưng với sức thanh niên mà lại được nhà thơ rủ về nơi đầy mơ ước trong tâm hồn trong trắng của kẻ ngưỡng mộ ông thì còn gì bằng. Và chúng tôi mỗi người đạp xe đi. Đường lên Sơn Tây hồi đó còn…hiền lắm . Quán sá thưa thớt. Xe cộ không nhiều…

   Ông hướng dẫn tôi lên chùa Tây phương. Chùa lúc đó rất cổ kính, hoang sơ, tĩnh mịch, trên một ngọn đồi giữa một vùng quê yên lắng. Vị sư trụ trì quen biết ông lắm, mời chúng tôi uống trà và ăn kẹo lạc. Trên đồi cao. Chiều xuống nhanh. Những ngọn khói lam chiều giăng giăng. Trên cổng tam qua nhìn xuống cánh đồng xa xa mờ buồn. Mấy con trâu đang thong thả về chuồng… Quang Dũng khẽ nói bên tôi. Chiều Tây phương…. Lòng tôi bàng hoàng…., man mác một cái buồn Tây phương rất lạ…

   Chúng tôi đạp xe về đến Hà nội thì phố đã lên đèn, những con đường đêm Hà nội lúc đó còn đẹp lắm với những hàng cây đậm màu cổ tích. Tôi mời ông một bát phở bên đường rồi chúng tôi đạp xe bên nhau. Tôi không nhớ có phải đường Hoàng Diệu không với các hàng cây cổ thụ, nhạt nhòa trong sương đêm và ánh đèn vàng mờ mờ…

   Dáng ông cao to dềnh dàng trên chiếc xe đạp cũ kỹ làm tôi rưng rưng thương kính…

   Hơn 33 năm rồi. Những kỷ niệm trong trí nhớ cũng phai nhòa không đầy đủ. Đã thay đổi nhiều lắm rồi Hà Nội. Tây Sơn. Chùa Tây Phương và Ông…

   Sau đó tôi ra trường, lập gia đình, cuộc đời cuốn trôi với bề bộn mưu sinh, tôi đã không gặp lại ông.

   Mới đây, một lần gặp Bùi Phương Thảo, con gái út nhà thơ trên trang mạng Văn học và Nghệ thuật mới biết thêm về ông sau này và hiện tại gia đình. Biết Phương Hạ cũng đã đi xa. Tôi kể chuyện xưa, Phương Thảo nói có tìm thấy trong lưu cảo bài thơ tôi viết tặng ông năm đó.

   Lòng rưng rưng muốn khóc!...

Nguyễn Quang Chơn,
30/10/13, một chiều với những kỷ niệm,
(*), những chữ in nghiêng là chữ Q.D