Hơn hai mươi năm tôi quen biết anh khi ra Hà nội mở đường phát triển cho công ty. Tôi tìm đến anh như một người từng được thơ anh dạy tôi sống chân thực, yêu ghét phân minh. “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu, dù ai ngon ngọt nuông chiều, cũng không nói yêu thành ghét…”(*), bài Lời Mẹ Dặn của anh mà tôi đã học thuộc lòng năm tôi mới lớp nhì (lớp bốn bây giờ)
Đêm đó, trong nhà anh, trên “chòi ngăn sóng” bên Hồ Tây, vốn là góc nhà xe trường Chu Văn An, nơi chị Bội Trâm, vợ anh dạy học. Nghe hình như cái chòi này, căn nhà này là do Nguyễn Trung Dân (**) xây cho anh, lúc đó Dân đang là GĐ công ty xây dựng Thanh Niên Xung Phong ĐN ra xây văn phòng Bộ Y tế. Trên nóc chòi có cẩn một chai rượu như cái hồ lô.
Chị Bội Trâm dịu dàng, hiền hậu, và như vẫn nhìn chồng với lòng yêu đam mê, say đắm ngày xưa! Chúng tôi ngồi uống rượu với cá mua từ chợ Châu Long gần nhà anh.
Bộ đồ nâu sồng với đôi guốc gỗ. Anh chở tôi trên chiếc xe đạp Liên Xô. Suốt trên đường đến chợ anh vẫn ngâm thơ. Giọng Huế anh buồn và ấm. Tôi như người lãng du….
Anh tự tay làm cá, anh làm cá nhanh và ngon lắm. Vừa làm cá vừa ngâm thơ…
Đêm đó có nhà thơ Hoàng Cầm, Nguyễn Trọng Khôi (kịch sĩ), Phạm Văn Hạng (điêu khắc gia)…chúng tôi ngồi uống rượu đọc thơ và nghe thơ. Tôi lơ mơ lấy giấy bút vẽ. Những nét vẽ trong say…
Hai mươi mấy năm mà như còn mãi đến giờ. Những kỷ niệm bên anh. Gia đình anh. Những câu chuyện anh kể về thời cá trộm rượu chịu văn chui… Những câu thơ với niềm u uất bên bến Nghi Tàm “Đêm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe” (*), câu chuyện anh tìm đường giải thoát cho mình.
Người ta định nếu bắt được anh câu trộm cá Hồ Tây thì sẽ dong anh trên phố với tấm bảng đề mang trên cổ “ Phùng Quán, nhà thơ phản động. Kẻ chuyên trộm cá Hồ Tây”. Như vậy sẽ nhục. Như vậy sẽ đường cùng. Lối thoát cuối cùng là tự tử. Nhưng tự tử thể nào cho xứng đáng. Anh định tròng dây vào cổ và tự kéo cho đến chết...
Bỗng trong đêm dự định đó, chị Bội Trâm qua thăm chồng.. Anh đọc cho chị nghe thơ Đỗ Phủ. Bỗng một cơn gió lớn thổi qua làm trốc bay mái tranh của căn lều cô đơn bên bến Nghi Tàm. Hai vợ chồng ôm nhau khóc và anh nghĩ. Anh phải sống. Và anh đã “vịn câu thơ mà đứng dậy…” (*)
Nhà Phùng Quán không khóa. Có một cái cổng nho nhỏ và một vườn rau nho nhỏ. Lũ trẻ con hàng xóm thường chạy sang nhà hỏi ông có nhờ đi mua rượu không rồi xin ông quả cà trái ớt...
Phùng Quán như một đạo sĩ râu dài tóc bạc hiền hậu, khoan thai. Lúc nào cũng đọc thơ. Nhà anh có hủ rượu khổ sâm lớn hay mời bạn bè và anh rất thích tên rượu khổ sâm này như đời anh một củ sâm khốn khổ.
Rượu luôn đồng hành cùng anh với bạn bè. Hình như anh không ghét ai và ai đối với anh cũng rất là quan trọng. Chị Bội Trâm như một thư ký riêng cẩn trọng. Chị ngăn nắp lưu trữ những bài thơ bài văn anh viết. Chữ anh đẹp và rất thẳng dòng (*).
Tôi hay đến anh vào cuối tuần. Lần nào anh cũng vui. Anh kể cho tôi nghe cuộc đời anh. Bạn bè anh. Nhiều câu chuyện tôi nhớ, Nhiều câu chuyện tôi quên. Nhưng đa số anh đã ghi lại được trong tuyển tập ba phút sự thật của Phùng Quán.
Vật đổi thay dời. Biển xanh biến thành nương dâu…
Lâu ngày không ra lại Hồ Tây. Hồ Tây đã khác. Căn nhà anh xưa. Chòi ngăn sóng ngày nào không còn nữa. Anh chị cũng không còn. Nhưng những kỷ niệm bên anh vẫn còn đây. Những chiều ra chợ Châu Long cùng anh nhìn đời qua góc chợ. Mua cá về làm đồ nhắm. Sóng Hồ Tây lăn tăn. Đời người cũng lăn tăn…
Hơn hai mươi năm! Anh đã mất. Chị Bội Trâm cũng đã ra đi. Bạn bè kính yêu anh đưa anh chị về quê cũ Thủy Dương, Thừa Thiên xây mộ.
Tất cả đã là hư vô!…
Giờ tôi vẫn còn ngồi đây một mình. Một mình buồn uống rượu. Nhớ ngày xưa và nhớ anh. Tình yêu anh trong tôi vĩnh cữu!
Nguyễn Quang Chơn, Đà nẵng, 25/7/13,
Đêm tìm lại được những kỷ niệm với anh Phùng Quán. Một người anh đáng kính. Nhớ, và uống rượu một mình!
(*) : Thơ và tựa thơ Phùng Quán
(**): Nhà báo, nguyên phó tổng biên tập báo QNĐN, tổng biên tập tập san Du lịch VN