Thursday, November 13, 2014

Bất hạnh hay hạnh phúc

Tôi bất hạnh hay tôi hạnh phúc? Khi tôi chưa kịp lớn thì cha đã qua đời vì rượu triền miên. Còn mẹ tôi một thân nuôi 2 con nhỏ, nuôi mẹ chồng già yếu,  nuôi em chồng tật nguyền...

Chúng tôi sống với một nỗi buồn của con nhà nghèo khó, với nỗi mặc cảm của đứa trẻ không cha, với mẹ đầu tắt mặt tối tự sáng tinh mơ đến tận giữa khuya...

Tôi thương chị tôi vừa học, vừa quần quật giúp mẹ. Tôi hận gia đình nội tôi giàu có nhưng luôn miệt thị mẹ tôi như người ở đợ. Tôi xót mẹ tôi nước mắt lưng tròng, còng lưng đút từng miếng cơm cho mẹ chồng, chăm sóc em chồng dưới sự chì chiết của người cô, ông chú...

Tôi tự nhủ mình phải vượt lên số phận. Phải học. Phải thành người. Phải giúp cho mẹ được một ngày sung sướng. Phải cho gia đình nội không dám coi thường...

Có những đêm, hai chị em chúng tôi ôm nhau mà khóc. Khóc vì sao mình bất hạnh. Khóc vì sao mẹ mình khổ thế...

Nhưng mỗi khi nhìn ánh mắt mẹ sáng lên niềm vui khi chúng  tôi mang về cho mẹ những mảnh bằng danh dự về kết quả học tập. Những cuối năm mang phần thưởng về nhà. Mẹ mắt rưng rưng,  hôn lên trán, lên tóc, chúng tôi lại tràn ngập niềm yêu thương và mãnh lực sống...

Tôi yêu mẹ. Mẹ thấp bé. Nhưng tình mẹ to lớn xiết bao. Tôi yêu mẹ. Mẹ nghèo. Nhưng lòng mẹ bao la hơn biển cả!...

Vào lớp mười. Tôi được chọn vào trường chuyên. Biết mẹ sẽ không lo nỗi học phí. Tôi tự liên hệ với những chương trình hỗ trợ học sinh miền trung nghèo khó. Và, từ đó, tôi được sự tài trợ hằng năm của những tấm lòng từ thiện. Và, từ đó, tôi cũng biết yêu cuộc đời hơn, yêu con người hơn...

Một câu chuyện mà có lẽ sẽ đi theo tôi suốt cả cuộc đời, là ngày tôi vào đại học với điểm thủ khoa của sinh viên nghèo. Làm sao có thể vào Sài gòn học được với gia cảnh của tôi. Nhưng những tấm lòng nhân ái của đời đã giúp tôi. Tôi lại được học bổng. Giúp tôi tự tin mà bước lên đường!...

Chuyện kể này chỉ xảy ra trong khoảnh khắc nhưng chẳng bao giờ tan được trong hồn tôi. Đó là ngày nhận tiền hỗ trợ. Không hiểu sao, người ta đưa cho tôi hai phong bì dính đôi. Vậy là tôi có được số tiền gấp đôi. Tôi biết đây là sự nhầm lẫn. Tay tôi run. Lòng tôi hoảng loạn, giằng xé. Trả lại hay không trả lại? Lấy hay không lấy? Chúng tôi từ nhỏ đã được mẹ dạy không lấy cắp, không tham lam, không làm hại người..., nay, tôi lấy số tiền này, thì liệu một người bạn nghèo như tôi có bị thiệt hay không? Trí óc tôi  kêu gào. Lương tâm tôi dày xéo.... Nhưng, với một thằng học trò nghèo như tôi lúc đó. Ngày mai lên đường vào Sài gòn biết bao trắc trở, khó khăn, không mẹ cha, không hàng họ..., món tiền trên là một gia tài... Lại thêm mẹ. Mẹ tảo tần!...

Vậy là tôi chọn sự im lặng. Nhưng tôi chờ đợi. Nếu người bạn nào đó trong 10 người chúng tôi không được nhận, tôi sẽ đến sẻ chia cho bạn. May thay, người ta đã có dự phòng bổ sung. Tất cả đều ổn. Chỉ lòng tôi không ổn!...

Số tiền đó tôi về tặng mẹ một nửa. Còn lại, làm hành trang cho cuộc trường chinh. Trước khi lên đường, tôi ghé ngôi chùa gần nhà. Thắp hương quì trước đức Thích Ca Mâu Ni. Lạy Phật. Chắc người thương nên đã cho con thêm ít lộc. Con xin hứa với người sẽ sống tốt. Sẽ làm việc thiện và sẽ giúp người nghèo để trả món nợ này!...

Những năm tháng học tập tại Sài gòn. Chị tôi sáng bánh mì khô. Trưa bánh mì không. Tối bánh mì lạnh. Vậy mà chị cũng ra trường với điểm tối ưu. Và mỗi tháng gởi cho mẹ được mấy triệu đủ cho mẹ sinh sống. Rồi chị được học bổng học  cao học ở châu Âu...

Đến lượt tôi. Nếu không có những tấm lòng hảo tâm, chắc tôi không theo hết chương trình đại học. Tôi được học bổng. Tôi vừa học vừa làm. Vừa tham gia chương trình hổ trợ học sinh nghèo của một giáo sư trong trường. Nỗi ám ảnh của lần cầm tiền người cứ mãi theo tôi...

Tôi ra trường. Một công ty lớn nước ngoài tiếp nhận. Tôi làm việc ngày đêm. Cuộc sống tôi đã ổn. Chương trình từ thiện của giáo sư tôi cũng phát triển mạnh. Tôi lại có nhiều dịp trao học bỗng cho những học sinh nghèo hiếu học. Tôi thay chị mỗi tháng gởi tiền cho mẹ chi tiêu. Sự băn khoăn, trăn trở trong tôi cũng đã nguôi dần...

Mai đây chị tôi sẽ về. Chị sẽ có công việc tốt. Tôi cũng sẽ có một chút vị trí trong công ty. Chú Út tật nguyền đã được chú cô bảo lãnh sang Mỹ. Bà nội già yếu rồi sẽ chết. Bên nội sẽ bán nhà chia nhau. Mẹ sẽ cô quạnh...

Nhưng mẹ ơi. Lúc đó con và chị sẽ xin chuyển công tác về quê hương. Sẽ xây cho mẹ một căn nhà. Căn nhà nhỏ vừa cho mấy mẹ con mình sinh sống!

Và, một chiều nào đó chúng con về. Trên tay một nụ hoa hồng thắm. Sẽ nói với mẹ. "Mẹ có biết hay không?  Biết gì? Biết là, biết là, CON YÊU MẸ KHÔNG?!!"