Monday, November 24, 2014

Tháng 11 với những tình thân


Có một tựa đề phim mà người ta hay dùng để nói với nhau về một sự mong đợi:  BAO GIỜ CHO ĐẾN THÁNG 10. Nhưng sao với tôi, tháng 11 thường có những cuộc hạnh ngộ!

Năm 2010 Đinh Cường về chơi. Năm 2011, Đặng Tiến, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Tường Thiết, Bửu Ý ghé thăm, 2013 ĐC triễn lãm tranh ở Huế, Đà lạt với vô số bạn bè. 2014 năm nay, nhà văn Phạm Thành Châu từ VA, blogger Trần thị Nguyệt Mai từ Ohio về...

Phạm Thành Châu, nhà văn mà như ĐC nói, không muốn ai biết mình là nhà văn, nên anh về VN im hơi lặng tiếng. Một chiều nhận cuộc điện thoại lạ, nghe, Phạm Thành Châu đây, mới biết anh về!

Phạm Thành Châu vốn vậy. Hiền lành. Ít nói. Trầm mặc. Anh vốn là quan hành chính của chế độ Cộng Hoà, là phó quận trưởng một quận ven đô Huế. Anh người Hội An lại phải lòng gái Huế nên chọn Huế làm quê hưong và chơi với nhiều văn nhân thi sĩ Huế. Cuối cùng anh định cư ở Virginia. Rảnh, anh tự nhiên viết chơi và bỗng thành văn sĩ. 

Truyện ngắn anh viết hay lắm. Thiệt mà ảo. Giả mà chân. Ai đã từng cầm cuốn sách của Phạm Thành Châu. Mới đầu cứ ngỡ đọc chơi chơi cho vui, mà rồi đố ai dứt ra được. Chuyện này chuyện nọ, chuyện đó chuyện kia, cứ rù rì rủ rỉ bên tai, khiến ta phải đọc một mạch. 

Ai mà khó ngủ. Nghĩ rằng đọc truyện PTC để chán mà ngủ là một sai lầm. Tôi đã thức nguyên mấy tiếng đồng hồ trên chuyến bay từ VA về SFC và rồi đêm đó cũng thức gần đến sáng để đọc hết mấy cuốn sách anh đã tặng, làm  sao mà bỏ dở được nửa chừng! Ở Mỹ mà sách Việt ngữ bán hết và còn được tái bản thì thật là kinh! Hai tập truyện ngắn của anh rất được nhiều người truyền tay nhau đọc. Đó là GỞI HUẾ và LÝ LẼ CỦA TRÁI TIM.



Chị Trần Thị Nguyệt Mai. Lần đầu tiên tôi gặp. Và chắc cũng nhiều vị đầu tiên như Cao Thoại Châu, Lê Văn Trung, Nguyễn Quốc Thái, ... gặp.

Nguyệt Mai nhỏ người. Luôn cười. Đôi mắt cận trẻ thơ. Một người yêu văn chương, hội hoạ một cách vô tư, rất hiếm. Chị giúp anh Trần Hoài Thư làm THƯ QUÁN BẢN THẢO. Việc làm của anh Trần Hoài Thư và chị là một việc làm không kinh tế nhưng thật đáng trân trọng. Vài mươi năm sau, khi đất nước cần đến những tư liệu đầy đủ cho một nền văn học nước nhà, như bây giờ chúng ta sưu tầm những tác phẩm thời đầu thế kỷ 20, thì lúc ấy, mới thấy công lao của anh, chị là rất lớn!

Anh Châu về Hội An, về quê vợ Huế. Rồi ghé ĐN thăm tôi. Tôi đưa anh đi quanh ĐN, ăn tối thật vui với Trần Phương Kỳ. Cứ ở đâu có TPK là ở đó có tranh luận, có rôm rả, ồn ào...

Rồi vẽ anh. Vui. Tiếc là thời gian ở miền trung của anh quá ít. 

Nhà văn. Dường như ưa phiêu bạt. Anh lại lên Đà lạt. Lại xuống Qui nhơn, lại về Phan Thiết ... Thôi, say good bye anh qua phone vậy!

Nguyệt Mai trước khi về VN đã email đầy đủ hẹn gặp nhau sáng thứ hai tại cà phê Bean, công viên Hoà Bình, trước nhà thờ Đức Bà, với đông vui các nhà văn, nhà thơ, đã già, đã cũ của miền Nam trước 1975 như NQT, CTC, LVT, NM, Elena, NSB..., hơn chục người. Có người biết nhau, có người không. Nhưng kêu tên ra thì mọi người đều ngưỡng mộ lẫn nhau. Dễ chi hội ngộ!...

Và, cám ơn TTNM để có buổi cà phê đầu tuần giữa Sài gòn thật dễ thương, thật nhẹ nhàng của những con người cá tính khác nhau, nhưng gần nhau trong văn chương, trong chữ nghĩa, và, một cử chỉ đẹp thường thấy trong giới là, tặng sách cho nhau! 

Cái ba lô của tôi lúc đi thì trống rỗng, lúc về thì đầy ắp, nặng bởi sách. Cái chữ, cái tình bao giờ cũng nặng, không thể nhẹ, không thể hời hợt được đâu!

Chị NM có đặc biệt là không dùng phone, chị chỉ dùng email nên khó cho nhau khi muốn liên lạc tức thì. 

Sáng thứ bảy. Tôi hẹn chị cà phê đường Lê Lợi.  Tôi và chị đến đúng giờ, nhưng mỗi người ngồi mỗi quán hai bên trái, phải của toà nhà và... chờ nhau. Không có phone làm sao gọi chị. Chợt điện thoại lạ reo. Thì ra chị nhờ phone một người khách gọi giùm...

Sáng cuối tuần SG đẹp của mùa nắng, với một chút ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc HN thổi vào nên gió hiu hiu và nắng nhẹ vàng...

Cà phê chỉ có hai người nên nhiều chuyện để hỏi, để nói. Cũng như lâu rồi ĐC nói với tôi. NM là ai moi cũng chẳng biết. Nhưng NM đã lưu trữ tất cả những tranh, bài viết của mình. 

Và, cho đến cuối năm 2013, TQBT in tập CÀO LÁ NGOÀI SÂN của ĐC và TTNM mang lên VA tặng anh. Anh mới nhận biết được người!




Ôi. Những người yêu nghệ thuật, văn chương có đâu bạc bẽo. Thắm đậm cái tình đó chứ!!!

Rồi dùng xe máy chở NM đi giao sách. Lại gặp những cây đa cây đề. Lại cười khoái hoạt với nhau. Lại thấy cuộc đời luôn có những mầm vui!...

Tháng 11. Mong sao những tháng 11 cứ đầy những tình thân. Những tình thân ngày càng hiếm hoi, mỏng mảnh. 

Xin hãy mãi còn. Xin đừng tan biến!...

NQC, thân tặng PTC, TTNM, ĐC