Monday, July 29, 2013

Công ty CP KT Phúc Khang Hưng: Tham gia hành động vì người nghèo tại huyện Đảo Lý Sơn

Một số doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng: ĐI THĂM VÀ TẶNG QUÀ TẠI HUYỆN ĐẢO LÝ SƠN
Vừa qua, đồng chí Lê Văn Sáu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đưa một số doanh nghiệp thân quen ở thành phố Đà Nẵng đi thăm và tặng quà cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sinh sống tại huyện đảo Lý Sơn.
Đoàn doanh nghiệp gồm 10 người do ông Nguyễn Quang Chơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Kỹ thuật Phúc Khang Hưng, một doanh nghiệp chuyên thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cơ điện, hệ thống lạnh dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng dẫn đầu.
Xuất phát từ tình yêu đối với đảo tiền tiêu của Tổ quốc, đoàn doanh nghiệp đã thực hiện một chuyến đi về nơi được các nhà nghiên cứu và giới truyền thông ghi nhận là “bảo tàng sống” về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa với các di tích lịch sử gắn liền với hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa; nơi có những con người kiên cường ngày đêm bám biển trên vùng đảo Hoàng Sa để mưu sinh và để khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa dù bao nhiêu thiên tai và cả nhân tai luôn rình rập.
Người ta nói rằng, An Vĩnh, An Hải đảo Lý Sơn là những phần lãnh thổ nhô ra biển xa nhất, gần với Hoàng Sa nhất. Nơi đây, những con thuyền của ngư dân dễ dàng đi đến vùng biển Hoàng Sa nhờ cự ly gần và những điều kiện thuận lợi về thủy văn. Chính vì vậy, ngư dân Lý Sơn từ xưa đã có truyền thống đánh bắt xa bờ. Họ là những con người giàu kinh nghiệm biển giả và đầy bản lĩnh trước phong ba bão tố, rất phù hợp với những chuyến đi dài ngày tới Hoàng Sa.
Người ta nói rằng, sứ mệnh thiêng liêng của Tổ quốc đã và đang đặt trên vai người dân Lý Sơn trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo. Hiện Lý Sơn có khoảng 500 - 600 thợ lặn chuyên nghiệp ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa để lặn bắt hải sâm, đồn đột và tìm phế liệu từ những con tàu đắm. Mặc dù Trung Quốc đã tìm mọi cách, kể cả việc bắt bớ, đánh đập, đòi tiền chuộc để ngăn cản sự có mặt của ngư dân Lý Sơn tại vùng biển Hoàng Sa, nhưng chúng không thể ngăn được. Những ngư dân Lý Sơn sau mỗi cơn hoạn nạn, lại đứng lên và hướng mũi thuyền về phía Hoàng Sa, mà điển hình là “sói biển” Mai Phụng Lưu từng 4 lần bị Trung Quốc bắt giam, có lần trắng tay vì bị tịch thu tàu, nhưng vẫn không thôi trở lại Hoàng Sa như một sự cuốn hút kỳ lạ.
Những điều đó có sức hấp dẫn với nhiều người, kể cả các doanh nhân tuy hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhưng vẫn không quên để tâm theo dõi nhữngvấn đề thời sự của đất nước, đặc biệt là vấn đề chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã và đang bị Trung Quốc đe dọa chiếm lấy.
Trong khoảng thời gian sáng hôm trước ra đảo, sáng hôm sau về lại đất liền, đoàn doanh nghiệp Đà Nẵng đã đến tham quan bảo tàng Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Nơi đây trưng bày khá nhiều tư liệu, hình ảnh và hiện vật liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, những bằng chứng hùng hồn, góp phần cùng với các dấu tích khác khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Đoàn đã chụp ảnh lưu niệm trước cụm tượng đài bằng đá cẩm thạch cao 4,5m khánh thành từ năm 2009 có gắn biển "Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải" và khắc dòng chữ Hán Nôm: “Vạn lý Hoàng Sa” khẳng định chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.
alt
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa
Đoàn đến viếng Âm Linh tự, nơi thờ các binh phu Hoàng Sa và phối thờ các vị thần khác để ngưỡng vọng những bậc anh hùng, ngư dân đảo Lý Sơn nhận lệnh tòng quân, gia nhập hải đội Hoàng Sa để đi làm nhiệm vụ cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ và canh giữ chủ quyền Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa từ thời vua Minh Mạng triều Nguyễn.
Đoàn đã đi thăm hai ngôi chùa lâu đời, thắng cảnh nổi tiếng của Lý Sơn để tâm hồn thêm một lần lắng đọng với mảnh đất và con người Lý Sơn và để ngắm nhìn những bức tranh thủy mạc của núi, của trời, của biển đảo Lý Sơn. Sau khi “xuống núi” tham quan chùa Hang, nơi thờ Phật và các vị tiền hiền đã có công khai hoang, dựng xây huyện đảo, đoàn dừng chân nơi quán Sơn Thủy để “tắm biển” dù ở đó không thể bơi lội tung tăng, nhưng nước biển mặn mòi, trong vắt và để ăn trưa dưới bóng cây bàng vuông đang độ lớn. Buổi chiều Đoàn “lên núi” men theo hơn 100 bậc đá để tham quan chùa Đục với các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi sau khi ngắm nhìn tượng Quán Thế Âm cao 27 mét ngay tiền sảnh. Theo tương truyền, Quán Thế Âm từng chọn ngự ở nơi này để trấn giữ bình yên cho người dân trên đảo tránh những thiên tai. Anh em trong đoàn gần như tất cả đều leo lên tận đỉnh Liêm Tự để nhìn thấy miệng núi lửa giờ chỉ là một lòng chảo cỏ mọc xanh rờn và để ngắm nhìn bao quát biển trời Lý Sơn. Quán Sơn Thủy đã một lần đến, đoàn không thể không đến thêm lần nữa vào buổi tối vì món ốc cừ xào, món cá dìa nướng, món rong biển trộn, món cháo nhum… và nhất là ngọn gió mát lành thổi từ biển bao la vào một không gian tưởng như nằm giữa lưng chừng biển và trời.
Tối hôm ấy, đoàn doanh nghiệp Đà Nẵng được tiếp xúc với đồng chí Võ Xuân Huyện, Bí thư Huyện ủy và một số vị lãnh đạo khác của Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lý Sơn. Ông Nguyễn Quang Chơn, thay mặt anh em đã bày tỏ niềm vui và xúc động khi được ra thăm huyện đảo và hứa sẽ có những hành động cụ thể để giúp đỡ cho một số gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ông đã trao số tiền 5 triệu đồng của cá nhân để Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chuyển đến giúp đỡ gia đình ông Phạm Hỷ là hộ nghèo lại có con gái 9 tuổi bị bệnh tim đang phải điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông Phạm Nghĩa, Giám đốc Bán hàng Miền Trung Công ty TNHH Cơ điện APS cũng bỏ tiền riêng 1 triệu đồng để giúp đỡ hộ nghèo này.
Tạm biệt Lý Sơn khi chưa được đến thăm Miếu thành hoàng ở đình làng An Hải cũng thờ lính Hoàng Sa; thăm mộ cai đội Phạm Quang Ảnh ở thôn Đông xã An Vĩnh; thăm nhà thờ họ Phạm và nhà thờ họ Võ ở thôn Tây, xã An Vĩnh, nơi lưu giữ nhiều tài liệu, gia phả liên quan đến cai đội Phạm Quang Ảnh và lính Hoàng Sa; thăm Dinh ông Thắm thờ cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết và ngôi mộ của ông…, nhiều anh em trong đoàn cảm thấy tiếc nuối. Nhưng biết đâu đấy là lý do lôi cuốn anh em thêm một lần trở lại Lý Sơn trong tương lai gần để thắt chặt thêm tình cảm của đất liền với biển đảo quê hương./. LVS)
Theo thông tin UBMT TQVN- Tỉnh Quảng Ngãi