Tôi đã viết về những món ăn Tam Kỳ thời thơ ấu, những món ăn giản dị đơn sơ nhưng đã theo tôi suốt cuộc hành trình… Dòng ký ức khiến tôi không thể không viết về những kỷ niệm xa xưa với vùng đất hiền lành dễ thương Tam Kỳ cùng những bạn bè vô tư và đầy những gian truân trong cõi đời người. Trước 1975, dân số TK ước chừng 300.000 người. Là thị trấn chính của tỉnh Quảng Tín nhưng thực chất là một thị trấn làng với hai con lộ chính là Trần Cao Vân và Phan Chu Trinh. Còn lại là những con đường nhỏ, những con đường đất, thị trấn không có vỉa hè, không một ngã tư! Nói là thế, nhưng thị trấn của chúng tôi rất sôi động trong cái tĩnh lặng vì là điểm nóng của chiến tranh. 70 cây số phía Bắc là thành phố Đà Nẵng, thủ phủ quân đoàn 2 VNCH, 30 km về phía Nam là căn cứ quân sự Chu Lai hùng mạnh của Mỹ. Vùng ven cách thị trấn khoảng 5km là làng mạc thuần nông đầy dấu ấn cộng sản. Và lấp ló trong lòng người dân thị trấn cũng là những Việt Minh cũ, cán bộ cơ sở nằm vùng… Đêm đêm, tiếng pháo kích đì đùng, mới đầu còn chạy xuống hầm, sau giật mình thức dậy mở cửa nhìn pháo sáng rồi lại ôm gối ngủ vùi, sáng mai lại chạy đi xem người chết, nhà tan! Tuổi thơ sống trong hồn nhiên và quen thuộc chiến tranh… Trận đánh Mậu Thân 68, xác người nằm dọc đường đi, lấp đầy vườn nhà ông Vĩnh Mậu đầu cầu Tam Kỳ, trên những cánh đồng trống và dọc con đường ra tỉnh đường Quảng Tín. Cả thị trấn bay mùi người chết muốn nôn ọe… Nhắc đến tỉnh đường Quảng Tín, lại nhớ đây là tác phẩm hiếm hoi của KTS tài danh Ngô Viết Thụ với 2 trụ cổng cao vút mang dáng hai thanh kiếm cắm xuống đất, cặp đốc hướng lên trời (*). Trong khu hành chính, có hai cửa sổ lớn hai bên, một tròn, một vuông, chắc tượng trưng cho trời và đất. Ông Thụ được TT Ngô Đình Diệm giao qui hoạch đô thị thị xã TK từ tháng 7/1962 nhưng đã phải dở dang vì thời cuộc. Tỉnh đường Quảng Tín bây giờ vẫn còn nguyên giá trị thẩm mỹ. Sắp tới đây, người ta sẽ xây một trụ sở ủy ban tỉnh mới, không biết số phận của tỉnh đường này rồi sẽ ra sao?! … Thị trấn không có nước máy. Hầu hết là dùng nước giếng. Mỗi vùng dân cư có một giếng nước riêng dùng chung cho cả vùng. Đặc biệt là cái giếng nước Huỳnh Sau (gần tiệm chụp ảnh Huỳnh Sau) bên cạnh đường Trần Cao Vân lối dẫn lên Tiên Phước, phía Tây thị xã. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thấy cái giếng nào to hơn, mạch nước mạnh hơn giếng nước Huỳnh Sau. Nói không ngoa là khoảng 2/3 cư dân thị xã gánh nước ở đây về dùng. Cái giếng xây từ thưở nào không rõ nhưng thành và nền giếng bằng xi măng trơn láng đường kính chừng 7m. Tứ mùa nước tuôn đầy, trong veo và mát lạnh. Bọn con nít chúng tôi cứ chiều là ra đây cởi truồng tắm rửa nô đùa. Người dân quí trọng và tôn thờ giếng như một điểm linh thiêng. Giếng là nơi sinh hoạt của các mẹ, chị trong vùng. Người ta đồn đại giếng này được người Chăm xây dựng và là nơi cúng tế của dân tộc Chăm. Vì thế, tương truyền dưới giếng có rất nhiều vàng bạc, châu báu do người Chăm dâng cúng. Cũng vì tò mò và lòng tham, có lần một vị quận trưởng TK đã ra lịnh vét giếng. Ông dùng 3 máy bơm hút nước ngày đêm mà nước không cạn được, chỉ lộ ra những mạch nước to như nắm tay. Nước tuôn xối xả từ những mạch nước này reo tiếng ầm ầm cách xa hàng trăm mét vẫn còn nghe. Càng bơm, nước càng chảy. Cuối cùng, có lẽ do sợ, ông quận trưởng phải đình việc vét giếng tìm của. Sau 1975, chính phủ mở đường và lấp giếng! Ngày về thăm lại thị xã tôi đã tiếc ngẩn ngơ cái giếng nước này. Chợt nghĩ tại sao không giữ nó lại, đậy nó lại rồi làm di tích như cái giếng trên đường Vương Tỉnh mà thành phố Thượng Hải đã làm? Hồi nhỏ chúng tôi học tiểu học (cấp 1) ở trường tiểu học TK (**) và đó là trường công duy nhất của thị xã mà tất cả bọn trẻ con chúng tôi đều đã trải qua. Trường nằm ở gần một trại lính và trong khuôn viên trường còn có 2 cái thành xây theo hình chữ U ngược. Hai mép thành xây từ thấp lên cao khoảng chừng 2 mét cao, 3 mét dài (***). Nghe rằng ngày xưa nơi đây là thao trường, Pháp xây thành này để huấn luyện binh lính. Nay chúng thuộc sở hữu của anh em chúng tôi trong giờ ra chơi. Giờ ra chơi, mấy đứa con gái giả bộ hiền lành chơi xóc đũa, chơi ô, còn bọn tôi thì đá kiện, ví đuổi nhau, nhưng thách thức nhất vẫn là trò “xô thành”. 2 đứa đi hai bên thành với bề rộng chỉ chừng 2 tấc, rồi gặp nhau trên bờ thành ngang rồi vật nhau, xô nhau, đứa nào đứng vững trên thành là kẻ chiến thắng, lại tiếp tục chiến đấu với địch thủ khác muốn trèo lên. Những bọn nhát gan thì đứng dưới đất reo hò cổ vũ. Vật ngã được hết các đối thủ trong giờ ra chơi là số một. Vào lớp dương dương tự đắc, bọn con gái nhìn nhìn lấm la lấm lét (ý là coi thường những thằng nghịch ngợm, nhưng chắc trong lòng thần tượng ghê lắm!) Ký ức của trường hằn sâu trong tôi rất rõ. Cho đến giờ, đôi khi nằm mơ thấy mình đi qua một vùng rất lạ, thức giấc suy nghĩ không biết ở đâu, mãi mới nhớ ra đó là con đường mà những năm tiểu học, ngày ngày, tôi ôm sách vở đi bộ qua đây…Con đường đất đi qua một nhà thờ tin lành nho nhỏ, một rạch nước không biết từ đâu cứ chảy vắt ngang mà tôi rất thích dầm chân xuống đó … Rồi thì lại nao nao nhớ. Nhớ cái êm đềm thuở ấy, nhớ những bạn bè thuở xưa. Đâu thằng Phước hay cùng tôi chia phe đánh lộn. Đâu con Bích Vân nói giọng Huế ngồi ở bàn thứ 3, đôi mắt to tròn xoe hay nhìn tôi len lén mà làm bộ kiêu kỳ? … Sau 75, người ta đập trường, xây trung tâm dạy nghề hay sinh hoạt thanh thiếu niên gì đó, chẳng còn một dấu vết gì của ngày tháng cũ… Lên trung học đệ nhất cấp (cấp hai), thị xã chỉ có 01 trường công duy nhất phải thi vào đó là trường trung học Trần Cao Vân. Còn lại là các trường tư thục; Trường Bồ Đề do giáo hội Phật giáo Tam Kỳ thành lập. Trường Đức Trí do nhà thờ công giáo và một số tư nhân lập nên, Trường Hưng Đạo của Cao Đài, trường Nguyễn Dục do hội Khổng học TK bảo trợ, trường Thiên Ân thuộc Caritas … Chúng tôi rất tự hào được học trường trung học Trần Cao Vân. Trường này là trường nam sinh. Bọn con gái thì có trường nữ trung học Quảng Tín ở phía ngoài bến xe, gần bệnh viện Tam Kỳ cách trung tâm thị xã khoảng 3km. Bấy giờ Đà Nẵng có trường Phan Châu Trinh. Hội An có Trần Quí Cáp. Điện Bàn có Nguyễn Duy Hiệu, còn Tam Kỳ thì có Trần Cao Vân. Đó là các trường gắn liền với tên tuổi các thị trấn, thành phố. Trần Cao Vân tọa lạc ở đường Trần Cao Vân. Trường rất đẹp với sân trường rộng lớn. Bên phải trường có cây đa cổ thụ rất to. Rễ cây thòng xuống tới mặt đất mà chúng tôi hay dùng làm dây để leo thi mỗi lúc ra chơi. Và sau này nhà trường cũng dùng luôn cây đa này để làm nơi tập leo dây trong giờ thể dục. Cũng như PCT, TQC, trường Trần Cao Vân đã đào tạo rất nhiều người con tài danh cho xứ Quảng. Tiếc là sau 1975, không biết vì lý do gì, các nhà quản lý giáo dục thị xã đã đổi tên trường thành trường Trần Quốc Toản, và chuyển thành trường cấp một. Còn trường nữ trung học cũ lại đổi thành trường cấp ba Trần Cao Vân. Vậy là tréo ngoe cẳng ngỗng! Học sinh trường cũ muốn về thăm trường, muốn thành lập hội cựu học sinh không biết về đâu. Lại phải về trường TCV mới, nơi mà chúng tôi chẳng có kỷ niệm học tập gì, chỉ có kỷ niệm bám đuôi các em nữ sinh ngày xưa áo trắng. Hoặc những chiều chờ trước sân trường ngẩn ngơ… Trường TCV thì nằm trung tâm thị xã, còn trường nữ thì nằm khá xa. Lũ con gái hầu hết là đi xe đạp hoặc đi bộ. Thuở ấy học sinh trung học đã phải mặc đồng phục. Con trai áo trắng quần xanh. Con gái áo dài trắng, quần trắng. Giờ đến trường, giờ tan học, con đường PCT trắng cánh áo bay. Mấy em vừa tụm hai tụm ba, kéo nón che nghiêng tám chuyện, vừa liếc mắt nhìn theo mấy anh chàng quần xanh áo trắng lượn lờ…(hồi đó học trung học là oai lắm, lớn lắm, lớp bảy lớp tám là đã biết làm thơ, viết nhật ký, viết lưu bút…, biết yêu thầm) Đường đến trường nữ mới làm nên khô khốc nắng, không một bóng cây. Phải đi ngang một nhà thờ đạo Cao Đài phía trước có vẽ một con mắt rất to nhìn rất sợ và một cái am cổ, nghe nói rất linh thiêng. Lũ con gái mỗi lúc qua đây buổi trưa đều nghe tim đập thình thịch muốn chạy cho mau, kéo nón che không dám nhìn vào. Vậy mà con đường đó vẫn là con đường đẹp nhất thị xã trong cái tâm hồn sớm biết mơ mộng, yêu đương của cái thằng tôi cho đến bây giờ… TIỂU HỌC YÊN LÀNH Ký ức tiểu học của tôi là những buổi chiều qua nhà thằng Lợi (con ông Tửu) hái dừa. Leo qua vườn nhà bà Quang hái ổi. Trèo qua nhà ông Mân bẻ mía… Hồi đó không có học thêm, không có đeo cặp trĩu vai như bây chừ. Tôi còn nhớ chữ tôi viết rất xấu do cẩu thả, lén nhìn mấy đứa con gái như con Bích Vân, con Thanh Thu…sao chữ viết sạch sẽ và đẹp thế. Cố nắn nót, nhưng được vài chữ là viết ẩu. Nhưng nhờ cái lanh lẹ, thông minh, giỏi toán, giỏi văn nên được thầy cô yêu mến (và các em để ý).(hic!) Buổi tối về là cả một thiên đường của tuổi thơ tôi. Chơi trốn tìm, chơi chia phe đánh nhau, chạy đến hàng dừa gần nhà ông Xã Trạch để rình các anh chị lớn tuổi hẹn hò (hẹn hò nhưng trong sáng lắm). Buổi chiều, chỉ cần ra sau nhà, lội qua con ruộng nho nhỏ là đã có một sân bóng đá tự nhiên với cỏ đẹp mịn màng (không biết vì sao người ta bỏ hoang không cày cấy nơi đây). Chúng tôi đá bóng xong thì thi nhau chạy băng ruộng về nhà ông Hồ Giám giành giật nhau cái gàu, múc nước giếng nhà ông uống ào ào, dội vào người mát lạnh… Ông Hồ Giám có mấy người con gái rất đẹp. Chị Lệ Ngọc là con đầu, đẹp như tiên nga giáng thế. Chị sang trọng lắm. Chiều chiều chị đi bộ ngang nhà tôi, chiếc áo dài màu vàng nhạt, cái dù che điệu đàng màu hồng phấn có ren trắng… Nước da chị trắng tinh khôi, bước chân thảnh thơi như lướt nhẹ trên đường. Có cảm giác nơi chị đi qua, đá sỏi cũng nở hoa! Mỗi lần chị xuất hiện là mấy ông bạn anh Phước (ông anh thứ ba của tôi) tập trung xì xồ chép miệng. Đồ chừng mấy anh thèm thuồng ghê lắm nhưng có lẽ chẳng anh nào đủ tiêu chuẩn để chị chọn mà yêu! Có anh T. nhà trên quận, thiếu úy bộ binh. Anh hay mặc đồ lính tinh tươm, giày da bóng lộn, tóc chải brillantine bóng nhẫy…, anh hay đi bộ từng bước rất oai hùng để chạm mặt lúc chị quay về (chắc là cách tỏ tình của nhà binh). Một lần thấy anh tề chỉnh đi qua, nhóm bạn anh tôi cũng đang chực chờ trước hiên nhà, bỗng cười ré lên gọi anh vào và chỉ anh cái…phermeture quên kéo! Từ đó không thấy anh đi xuống mỗi chiều để dương oai với chị nữa, chắc là anh ngượng! Mấy người em của chị cũng đẹp tuyệt vời. Con Mai, con Yến, con Tuyết, con Thu…. Mà nghe đâu số phận hồng nhan sau 75 cũng chẳng thảnh thơi gì! Dòng sông Tam Kỳ ở phía nam thị xã cũng là điểm hẹn lý tưởng của lũ con nít chúng tôi. Bờ sông này có một bờ thành nhô ra không biết thời Pháp người ta xây để làm gì, đã trở thành nơi plonger rất tuyệt vời. Khoảng sông tại điểm nhảy này nguy hiểm lắm vì có nhiều sắt thép dưới đó (hình như là xác của một chiếc xe tăng). Chúng tôi thuộc lòng nên không sợ, vậy mà tôi đã một lần tai nạn, sắt cào rách gần lòi xương sườn máu tuôn kinh hãi. Vậy mà chỉ xin mấy điếu thuốc lá đắp lên cầm máu, nằm phơi nắng cho khô rồi mặc áo đi về. Không thấy uốn ván, nhiễm trùng gì ráo trọi (hồi đó trầy trụa mấy cũng được nhưng đừng rách áo quần, không dấu ba mẹ được!). Cái sẹo bây giờ vẫn còn mờ mờ để nhắc tuổi thơ nghịch ngợm của tôi. Sông TK còn có rặng cừa ở phường một tuyệt vời lãng mạn. Hàng cừa đẹp lắm, nghiêng mình rủ bóng xuống dòng sông. Các anh chị lớn tuổi hay hẹn hò ở đây, còn chúng tôi thì hay leo lên rặng cừa pờ lông nhông xuống nước. Ở đây cũng có dãy sưa vàng, mùa hè hoa sưa nở vàng rực, gió thổi bay tràn mặt đất, vàng cả lối đi… Cuối năm lớp nhất (lớp năm bây giờ), tôi được đứng nhất lớp, mẹ hứa thưởng một cây viết pilot (cỡ như mont blanc bây giờ). Trưa hè, tôi lên thành cầu TK nhảy thi với mấy đứa bạn, gặp bà chị thứ sáu đi Chu Lai ngồi xe lam thấy, về méc mẹ. Mẹ bảo chị xuống chở về. Cây roi mây để sẵn. Bà bắt nằm úp mặt xuống giường mà đét. Mỗi phát roi bà lại nói Pilot nè, Pilot nè…, trận đòn đầu tiên mẹ tôi đánh, bây giờ vẫn nhớ như in. Sau đó tôi viết vào cuốn vở. Không đi tắm sông nữa, không đi tắm sông nữa…thế mà cho đến bây giờ, bơi lội vẫn là sở thích của tôi!... Trò chơi thời tiểu học nhiều lắm, chơi suốt ngày suốt tháng không sao hết được. Nào là đá kiện phạt, đứng vòng tròn và đá kiện chuyền nhau. Đá vào trúng người một thằng nào mà thằng đó không đá đỡ được là bị phạt. Phạt thì phải cầm kiện mà ném cho những người khác đá. Đôi khi đá ra thật xa cho người thua chạy đi lượm và hầu mình. Trò ném lon. Trò bắn sùng bù lời. Trò ném banh…, đa số là chúng tôi, bọn chủ mưu hay xăng tăng với nhau bắt nạt những thằng khù khờ khác. Cuộc chơi vui bất tận. Chỉ có hai môn mà tôi không bao giờ thành công đó là câu cá và bắn chim. Có lẽ tôi không có số sát ngư, sát điểu. Không biết sau này có số sát…mỹ nhân không! (hic!) Chúng tôi trôi cả tuổi thơ mình trong học hành, nghịch ngợm, chơi đùa. Không một gợn đục, không một buồn phiền. Ôi, ngày tháng ấm êm… Bạn bè tiểu học sau này tan tác, với lại hồi đó còn nhỏ quá nên không nhớ hết được, chỉ vài đứa thân nghịch ngợm cùng nhau là còn nhớ tên, nhưng chúng bây giờ cũng phiêu bạt thăng trầm với bao biến cố đời người!... TRUNG HỌC MỘNG MƠ, TÌNH YÊU HỌC TRÒ Thi vào trung học đệ nhất cấp là kỷ niệm thi cử đầu đời của tôi. Tôi còn nhớ bài toán thi đi xe hai đầu đường với vận tốc đều của mỗi người. Hỏi gặp nhau lúc nào và ở đâu. Bài toán dễ ẹt. Tôi làm rẹt một cái là xong. Phải ngồi chờ nộp bài. Thằng Phước “ghè” bảo đưa bài cho hắn chép, không thì hắn rảy mực. May mà ông thầy cho tôi nộp bài sớm. Ra khỏi lớp tôi méc anh Phước đang đứng chờ, anh xách tai, đá nó một đá làm thằng con chết khiếp! Mới trung học đệ nhất cấp thôi mà chúng tôi thấy mình lớn lắm, oai phong lắm. Bảng tên Trần Cao Vân là một niềm tự hào tuyệt đối (****). Bọn học sinh trường tư bị chúng tôi xem bằng nửa con mắt! Sau này mới biết ở trường tư nhiều đứa học rất giỏi nhưng vì nhiều điều kiện, chúng không thi vào trường công được. Như thằng Lương Đức Trí, thằng Việt Hưng Đạo, thằng Nghĩa, thằng Năng Bồ Đề…, cuối năm đệ nhất cấp (lớp9), tỉnh tổ chức thi Hương, thi Hội, thi Đình 3 môn Toán Lý Hóa, bọn Trần Cao Vân chúng tôi chỉ có tôi môn Toán được giải nhì, thằng Chiến Mười Ất giải nhất Hóa mà thôi, còn lại là mấy đứa trường tư thục. Cay cú lắm! Thời này không khí học tập thật là sôi nổi. Chúng tôi luôn tìm những bài toán khó để lên lớp đố lẫn nhau. Lớp tôi có thằng Hải và thằng Thông là một cây ganh tị (tội nghiệp hai thằng đều đã mất), chúng chăm chỉ cày bừa và chuyên so sánh kiện tụng điểm thi. Hồi đó mỗi kỳ thi lục cá nguyệt, được làm chemise (nhất một môn) là oai lắm. Cô đưa cho một chồng bài và sổ ghi điểm cả lớp để về nhà vào sổ giúp cô. Chiều tan học ôm trong tay mà cái mặt kiêu kiêu dễ ghét. Bắt đầu đệ thất, chúng tôi đã được học ngoại ngữ, hoặc Pháp văn hoặc Anh văn. Tôi, thằng Đỉnh, thằng Bính,Tuấn, Đức, Hải, Thông.. học lớp Pháp văn. Pháp văn chỉ có một lớp còn Anh văn thì hai lớp. Hồi đó vì ghét Mỹ nên chúng tôi coi bọn Anh văn không ra gì (còn tự xem Pháp văn là Tây, quí tộc, hic!) Tam Kỳ lúc ấy có gia đình bác Mười Ất có năm người con trai nổi tiếng học giỏi, tài hoa. Anh đầu đỗ tú tài hạng thứ, anh thứ hai bình thứ, anh thứ ba bình, anh thứ tư đậu tối ưu, còn thằng thứ năm là bạn tôi Huỳnh Ngọc Chiến, thằng này học lớp Anh văn, chăm chỉ học hành. Không biết hắn có mê đá banh, tắm sông, đánh lộn, trèo cây hái trái không mà ba tôi hay biểu tôi lấy hắn làm gương! Gia đình bác Mười và gia đình tôi là chỗ thân thiết bởi cùng đều là dân Việt Minh di tản, tôn trọng và thân quí nhau lắm. Hai gia đình đều coi bọn trẻ hai bên như con cháu trong nhà! Sau này người con thứ hai bác Mười đậu bách khoa Phú Thọ ngành Hóa. Người con thứ ba đậu Nông Lâm Súc, người thứ tư đậu Nông nghiệp, còn thằng Chiến thì trở thành nhà nghiên cứu kinh Phật, Kim Dung…., đi dạy vi tính, phiêu bạt Sài gòn, lãng đãng khói mây… Nhắc lòng vòng vậy bởi giờ đây tôi đang nhớ lũ bạn cũ và thấy từng đứa rõ mồn một trước mắt mình trong các cuộc vui, trong các giờ học tập, trong các niềm vinh dự lãnh phần thưởng cuối năm. Nói đến phần thưởng cuối năm thì ghê lắm. Thời đó giải nhất là những chồng quà cao to, gồm sách vở, vải đồng phục, tự điển…chúng tôi mang đâu nổi, phải ngồi xích lô để đem quà về nhà. Vinh dự lắm. Kiêu hãnh lắm! Năm lớp chín, tôi và thằng Chiến được đề cử giải danh dự toàn trường, Cuối cùng Chiến được chọn vì ngoan ngoãn hiền lành, ít nghịch ngợm hơn tôi (*****). Ngoài trường nữ ai được danh dự toàn trường tôi không nhớ chỉ nhớ con Lâm (bây giờ vợ thằng Đỉnh) được phần thưởng…hạnh kiểm toàn trường (hic!). Như nói ở trên, không biết sao thời đó mới trung học đệ nhất cấp mà đã già dặn lắm. Bởi chiến tranh chăng? Vì qua đệ nhị cấp, lơ tơ mơ là đi lính. Không trung sĩ thì cũng sĩ quan. Lớp 9, chúng tôi đã tập tành cà phê thuốc lá. Hồi đó hút Capstan là mode, capstan sản xuất ở SG, mấy chữ cái phiên âm “con anh phá sản tại anh ngu”, “vì anh phá sản tim anh nát”, v.v…, vui lắm. Tôi còn nhớ giờ ra chơi chúng tôi xuống quán ông cai trường tên Thỏn để mua thuốc lá tập hút. Tôi với thằng Sỹ “diện” thi nhau rít! Bị say thuốc, hết giờ chơi lảo đảo về lớp, nôn thốc nôn tháo, vậy mà không kinh, vẫn tập tành quyết làm người lớn. Rồi biết…yêu! Tình yêu đầu đời của tôi lãng đãng từ ai và lúc nào tôi không biết, có thể là chị H., bạn anh tôi, có thể là con L. bên cạnh nhà, chị N…,nhưng tình yêu thực sự là năm tôi học đệ tam (lớp 10). H.Nh lúc ấy là một hoa khôi của TK, học sau tôi 2 lớp (hic!). Nàng là tình đầu của tôi nhưng tôi không phải đầu tiên của nàng! Yêu được một năm thì bị gia đình ngăn cản vì nàng quá nổi tiếng và chúng tôi bị xì căng đan trong một buổi cắm trại chung với trường nữ, một nhóm nam nữ rủ nhau tắm biển riêng, bị mấy thầy cầm roi kiếm về và đòi kỷ luật! (khiếp, làm chi mà nghiêm dữ vậy, hãy coi bọn con nít bây giờ xem!). Đầu Đệ nhất cấp vẫn còn nghịch ngợm nhưng đã chừng nào người lớn, lớp 9 đã bắt đầu thuốc lá, cà phê, đi xe máy, đã chuyển từ đọc sách “hồng” với cây tre trăm mắt, dọc bằng đòn gánh củ bằng bình vôi ai mua hành tôi trời thương tôi với…sang đọc Tâm hồn cao thượng, Alphonse Daudet, Tự lực văn đoàn, Tiểu thuyết thứ bảy, Nam Cao…, đã biết viết thư tình, hẹn hò bạn gái những trưa bình yên ở khu vườn An Thổ… Chiến tranh cũng leo thang. Giai đoạn này chúng tôi cũng chứng kiến những cuộc biểu tình Phật giáo, cuộc lật đổ Ngô Đình Diệm, gánh chịu cơn lụt năm Thìn, biến cố Mậu Thân. Người Mỹ cũng đổ bộ vào VN, những đoàn công voa liên tục di chuyển. Lính Mỹ lấp đầy căn cứ Chu Lai. Đêm đêm tiếng pháo kích nhiều hơn, cảnh sát quân cảnh cũng ràn rụa ngoài đường. Không khí chiến tranh rõ rệt trên đường phố. Thị trấn nhỏ cũng đã bớt yên lành. Gần nhà tôi có anh S. chạy theo xe Mỹ nhặt đồ hộp chúng ném xuống đường bị bắn trúng cột sống, liệt mãi cho đến lúc qua đời hơn mười mấy năm sau. Anh Phước tôi thi hỏng tú tài toàn phần phải vào lính, ở binh chủng pháo binh đến cấp bậc trung úy cho đến ngày 30/4/1975. Anh Đăng thằng Đỉnh, anh Minh thằng Chiến cũng vào quân đội. Thỉnh thoảng lại nghe tin những người bà con bạn bè chết trận, lại thấy đám lính hành quân về nhậu nhẹt rút súng bắn nhau ồn ả phố phường. Những buổi đại nhạc hội bị ném lựu đạn, đặt bom chết người không ít. Tôi bị mẹ cấm không được đến các chương trình đại nhạc hội (thường là xem cọp), mỗi năm trị trấn tổ chức một vài lần với những danh ca từ Sài Gòn về biễu diễn. Cuối Trung học đệ nhất cấp cũng là giai đoạn hình thành nhân cách của chúng tôi. Chúng tôi cũng đã biết yêu đất nước, chán chiến tranh, cũng đã biết hát nhạc Trịnh và ủng hộ các phong trào tranh đấu. Cũng đã biết buồn phiền về thân phận con người và đã bắt đầu mon men với những Nitzch, J.P.Sartre, A. Gide, A. Camus… ĐỆ NHỊ CẤP VỚI THÂN PHẬN CON NGƯỜI Lên đệ nhị cấp chúng tôi đã thấy mình thật sự là người lớn. Bắt đầu được phân các ban A, B, C. học thêm ngoại ngữ phụ Anh và Pháp (Anh học Pháp, Pháp học Anh). Bắt đầu năm này Tam Kỳ cũng đã có trường đệ nhị cấp Trần Cao Vân mới. Trường được xây sát bên trường tiểu học (bây giờ là trường cấp hai Lý Tự Trọng). Chúng tôi được lên học trường mới toanh. Năm này cũng có mấy đứa từ Thăng Bình vào học như thằng Hoán, thằng Chánh, thằng Việt, thằng Ý. Đa số bọn con gái đều học trường nữ cũ. Một vài đứa học ban B Pháp văn, hoặc học ban C thì được học ở trường tôi ( như con Lâm, con Nguyệt, con Sương, con Dung, con Bích Đào…) . Chúng tôi cũng bắt đầu học triết, và được học với các thầy từ Đà Nẵng vào, dạy rất giỏi như thầy Minh dạy Pháp Văn, thầy Tro dạy Hóa, thầy Mậu dạy Toán, … Một vài đứa trong chúng tôi đã biết lấy xe hơi của ông già đi chơi như thằng Tuấn, thằng Đỉnh. Tôi cũng có thêm một tình yêu mới lãng mạn và nổi đình đám ở TK. Cô nàng với mái tóc đen dài, làn da trắng mượt, đôi mắt tròn to. Học giỏi, ngoan hiền trong một gia đình lương y nho giáo… Chiến tranh đã lan rộng. Chúng tôi đã phải sửa căn cước, mang giấy tờ tùy thân để tránh bắt lính. Mùa hè 72 đã làm nóng thị xã. Bạn bè cũng đã có đứa bỏ học vào bưng. Nhìn nhau không biết ai quốc gia, ai cộng sản. Những ngày thi lấy tú tài cũng đã gần kề. Con đường chia tay bạn hữu, chia tay thị xã cũng sắp đến. Nỗi buồn chiến tranh. Nỗi đau thân phận cũng đã dằn vặt một số thằng với những bài thơ không đoạn kết, không tương lai… Thời gian này chúng tôi thân nhau hơn. Đã phân thành những nhóm bạn mà chơi. Mỗi đứa cũng đã có những kỷ niệm riêng tư trong tâm hồn mình. 1974. Chúng tôi thi tú tài hai. Năm thi IBM đầu tiên và cũng là cuối cùng của chế độ. Đa số chúng tôi chia tay nhau mùa hè năm đó, Đứa vào Sài Gòn, đứa ra Huế. Đứa vào Qui Nhơn. Đứa vào quân đội…, Và cuối mùa Xuân 1975. VNCH bỏ chạy. Quân Giải phóng, quân Miền Bắc tràn vào. Tất cả đổi đời. Một trang mới hình thành trong thế hệ chúng tôi. Tam Kỳ cũng thay đổi. Thuộc Quảng Nam Đà Nẵng. Trường trung học Trần Cao Vân thành trường cấp một Trần Quốc Toản. Trường nữ trung học thành trường cấp ba Trần Cao Vân. Trường cấp ba Trần Cao Vân thành trường cấp hai Lý Tự Trọng. Trường tiểu học Tam Kỳ bỏ hoang hóa và đập bỏ xây trung tâm sinh hoạt tỉnh đoàn. Bạn bè còn lại TK đa số đi dạy học. Nhẫn nhục buồn thiu. Bạn bè SG đứa vượt biên chết trên biển. Đứa qua Mỹ tưởng không bao giờ gặp lại chừ thành Việt kiều yêu nước. Bọn con gái thì bây giờ gặp nhau cười, đuôi con mắt đã nhăn nheo!... tháng tư, 2012 Tặng bạn bè TK với nhớ nhung nhiều (*) : có người nói biểu tượng cổng này là 2 con rắn hổ mang. (*): còn gọi là trường tiểu học Châu Thành Tam Kỳ (***): có người bảo đây là 2 ụ pháo của trại lính Pháp ngày xưa (****): đệ nhất cấp màu xanh, đệ nhị cấp màu đỏ | |
Nguyễn Quang Chơn |