Monday, July 15, 2013

Tiền và sự kính trọng


    Trong kinh doanh, nhiều người cho rằng kiếm được càng nhiều tiền chứng tỏ một doanh nghiệp thành công. Trong gia đình, nhiều người cho rằng một gia đình tốt được đánh giá bằng kích thước căn nhà gia đình đó đang ở, giá trị chiếc xe người chồng đang chạy, giá học phí một tháng ở trường cho con, giá của chiếc váy và ví người vợ đang mang. Nhưng liệu đó có phải là thước đo duy nhất cho sự thành đạt ?
   Câu hỏi này có rất nhiều câu trả lời, tùy thuộc vào suy nghĩ của người trả lời câu hỏi. Không có câu trả lời đúng, cũng chẳng có câu trả lời sai, nhưng luôn có một câu trả lời hợp lý hơn.
    Tôi không tin với tiền rừng bạc biển của mình, Bùi Tiến Dũng hay Năm Cam có thể mua được sự kính trọng của người khác. Họ có thể mua được sự nể sợ phục tùng của đàn em, tay chân, hay đào kép của họ, nhưng không bao giờ mua được tấm lòng con người. Khi họ sa cơ lỡ vận, ngoài gia đình, chẳng một ai trong số hàng ngàn “người quen” của họ đến thăm nuôi, những người chịu ơn họ, đúng hơn là chịu ơn những đồng tiền của họ. Tất cả những người quen đó hẳn là không nhớ tới những đàn anh của mình, đơn giản là người ta không tôn trọng việc làm gian dối của những đàn anh đó. Họ hùa theo lúc những đàn anh của họ còn trong thời hoàng kim, đơn giản chỉ vì những lợi ích cá nhân cho chính bản thân họ. Đến khi những đàn anh đó không còn giá trị lợi dụng hoặc sa lưới pháp luật thì họ cũng tránh xa. Thế thì Bùi Tiến Dũng và Năm Cam, những con người từng có đủ tiền để đốt, nhưng lại không có sự kính trọng từ người khác, có được coi là người thành đạt?
    Còn người này thì sao?
    Bill Gates, người giàu nhất hành tinh, quản lý công ty phần mềm lớn nhất thế giới. Thế nhưng ông không chỉ đươc biết đến với số tiền 54 Bill$ trong ngân hàng mà còn về lòng tốt và sự hào hiệp của mình. Ông đã trích ra một nửa tài sản khổng lồ của mình cho hội từ thiện do chính ông thành lập để giúp người nghèo và nạn nhân AIDS. Không những vậy , ông còn chu du khắp nơi trên thế giới, giúp lắp đặt máy tính miễn phí cho những nước nghèo, mang kiến thức rộng lớn của mình đi diễn thuyết đó đây. Ông thậm chí còn nêu ra một hướng sản xuất máy tính giá rẻ dưới 100$ cho người nghèo, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận với thế giới máy tính. Ông không muốn giữ cái quyền được hưởng nền văn minh tiên tiến chỉ cho nước Mỹ. Thế giới thật sự kính trọng hành động đó của Bill Gates.
    Đối với gia đình, Bill Gates luôn sống hòa thuận với vợ con nhưng không hề nuông chiều con cái hay phung phí tiền bạc. Bill trợ cấp cho con 50$ mỗi tháng (mỗi bữa ăn tại Danny, một tiệm ăn hạng trung có giá từ 20-30$). Ông vẫn chạy chiếc Mercury 2000 có thể tim thấy tại bất kỳ car dealer nào. Ông chỉ đi làm với chiếc cặp da cũ và không bao giờ cắt tóc quá 20$. Ông nói với con mình sẽ để dành cho nó một khoản tiền khởi nghiệp 1 triệu dollar. Số tiền còn lại của ông sẽ được quyên tặng cho quỹ Gate Foundation. Ông tạo cho con mình biết tự lập và kiếm tiền bằng chính sức mình, không phải từ bản di chúc.
   Ngày nay Bill đã không còn là người giàu nhất thế giới nữa. Thế nhưng mọi người vẫn có thiện cảm với Bill. Đối với mọi người, Bill vẫn là người “giàu” nhất hành tinh và sẽ luôn luôn là người giàu nhất. Giàu tình cảm và lòng nhân ái. Một con người với nhân cách vĩ đại như Bill xứng đáng được mọi người nể phục.
  Vậy tiền bạc có phải là thước đo duy nhất cho sự thành công không? Với những dẫn chứng nêu trên, tôi nghĩ các bạn có thể dễ dàng nhận ra bên cạnh đồng tiền còn có một nhân tố khác quyết định thành công, đó là lòng kính trọng từ những người xung quanh. Không có lòng kính trọng những đồng tiền làm ra chỉ đem lại thành công tạm thời mà thôi. Lòng kính trọng biến sự thành công của một ai đó thành vĩnh cửu.

NQC