Tuesday, July 9, 2013

Giao lưu với sinh viên đại học Đà Nẵng về chủ đề : Sống Với Sách



Thưa các bn,
Nói về đọc sách, theo tôi, đó là sự cần thiết, rất cần thiết cho tất cả mọi người.
Hôm nay trong hội trường này, với thời lượng hạn hẹp, tôi chỉ muốn tâm sự với các bạn về sự  đọc sách của tôi.
Tôi không nhớ mình  mê đọc sách từ lúc nào nhưng có lẽ từ ngày tôi biết đọc.
 Những câu chuuyện  cổ tích mẹ hay kể tôi nghe thuở nhỏ đã làm tôi  mê thích những cuốn truyện  cổ tích mỏng tại quán sách gần nhà mà tôi nhớ lúc đó giá 2 đồng sau đến 3 đồng. Tôi mê đến nỗi, cứ ước mơ sau này lớn lên có nhiều tiền để mua nhiều cuốn 3 đồng ấy. Những cuốn truyện nhỏ đó đã được tôi đóng lại thành tập rất kỹ, mãi sau này bạn bè mượn nhiều rồi mới thất lạc….
Bảo rằng cuốn sách nào là anh yêu thích nhất và cuốn sách nào  ảnh hưởng đến cuộc đời anh nhất thì đối với tôi, không có cuốn  nào là tôi yêu thích nhất và cũng không riêng một cuốn sách nào làm ảnh hưởng đến nhân cách, nhân tính của tôi cả mà với từng độ tuổi, tôi mê từng loại sách khác nhau và sách đã đi theo tôi từ lúc biết đọc cho đến bây giờ và chính những cuốn sách đó trong từng thời kỳ theo sự lớn lên của tôi, đã rèn giũa nhân cách, tính cách tôi. Cho đến tuổi này, sách vẫn tiếp tục dạy dỗ tôi những triết lý, những quan niệm sống trên đời.
Khi còn bé thơ, như đã nói với các bạn. Tôi mê những câu chuyện cổ tích. Và dường như tất cả câu chuyện cổ tích thần tiên đều kết thúc có hậu.  Cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác. Người tài giỏi, nhân hậu, thủy chung bao giờ cũng được trời Phật giúp đỡ thành công. Và từ những câu chuyện trong trang sách ấy tôi đã biết ghét cái ác và thích làm việc trượng nghĩa.
Lớn hơn một chút, khoảng lớp nhì lớp nhất, tức lớp 4 lớp 5 bây giờ, anh trai tôi mang về cho tôi những cuốn sách trong tủ sách hồng (hay mây hồng) , sách viết cho trẻ thơ nhưng do những nhà văn lớn biên soạn như Khái Hưng, Thạch Lam trong Tự Lực Văn Đoàn. Tôi còn nhớ những cuốn sách khổ nhỏ cở 15x20 cm, bìa màu hồng nhạt, phía trên có in tủ sách Mây Hồng. Những câu chuyện như Cây tre trăm đốt, Ai mua hành tôi trời thương tôi với v.v được viết trong tủ sách này và giá mỗi quyển là 5 đồng.
Lên đến đệ nhị cấp, tức lớp 6, bắt đầu học ngoại ngữ, tôi theo học lớp Pháp văn, lúc này tôi đã được thầy cô cho thuộc lòng  những bài văn thật đẹp  và lãng mạn như  Tôi đi học của Thanh Tịnh, hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường, tôi quên thế nào được những cảm giác sung sướng ấy nẩy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mĩm cười dưới bầu trời quang đãng. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp, con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật quanh tôi đều thay đổi vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn, hôm nay tôi đi học.
Bài La rentre’ Ngày tựu trường của Anatole France với chú bé chính là tác giả   nhớ lại trong buổi tựu trường ngày xưa ngang khu vườn Luxemburg có những chiếc lá vàng rơi  trên vai thân tượng trắng, con vụ trong túi quần, cặp sách trên lưng, vừa đi vừa nhảy nhót như một con chim sẻ…
Bài Cây thông mà tôi không nhớ tác giả là ai với những câu tuyệt cú, cây thông cằn cỗi, cành thông xương xương, lá thông tỉ mỉ nhưng ai dám liệt thông xuống ngang hàng với muôn loài cây cỏ, da thông khô  xốp nhưng  nhựa thông dồi dào. Mình thông tuy già nhưng hồn thông vẫn trẻ. Thông khinh thường những nơi phồn hoa náo nhiệt, thông xa lánh những nơi cát vẩn bụi lầm, có ai muốn được như thông sống một cuộc đời cao cả hãy lặng lặng mà nghe tiếng thông reo trước gió đồi, than thở cho cuộc thế lầm than!
Rồi những áng văn tuyệt bút của Alphonse Daudet trong Les etoiles (những vì sao), câu chuyện kể  về một chàng  chăn cừu trên đồi cao, mỗi tuần có bà dì từ trang trại dưới làng mang thức ăn lên cho chàng. Một hôm, bà dì bị ốm. cô chủ nhỏ Stephanette phải mang đi thế. Cô chủ nhỏ dễ thương mà thỉnh thoảng về làng chàng chăn cừu vẫn thầm thương nhớ. Và rồi, khi nàng xuống núi, chàng nhìn theo , những hòn sỏi lăn theo gót chân nàng làm chàng chăn cừu nghèo khó tưởng những hòn sỏi đang rơi vào trái tim đang yêu của chàng. Hình ảnh và suy nghĩ  lãng mạn này dường như cũng đã được nhạc sĩ  tài hoa Trịnh Công Sơn ghi lại trong ca từ bài hát Biết đâu nguồn cuội “ Em đi qua chốn này í a sao em đành vội, tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài…”  Và rồi  cơn mưa giông buổi sáng đã làm những con suối đầy nước khiến Stephanette không về được đã phải quay lại căn lều.
Đêm đó, bầu trời trong vắt và đầy sao. Hai người ngồi bên đống lửa nhìn trời. Chàng chăn cừu chỉ cho Stephanette những chòm sao và nàng hỏi những vì sao có yêu nhau không, chàng chăn cừu chỉ dãi ngân hà và bảo rằng đó là đám cưới của những vì sao rồi chàng bỗng nghe vai mình nặng nặng, thì ra cô chủ đã đã ngủ quên tựa trên vai chàng để rồi một câu kết của Alphonse Dauet vô cùng lãng mạn là “chàng nghĩ có một vì sao sáng nhất, mỏng manh nhất đang rơi xuống ngủ trên vai mình”.
Trời đất, những áng văn đó với cái tuổi đó đã làm tôi say đắm và dạy cho tôi sự mơ mộng, sự lãng mạn trong tâm hồn ngây thơ và khát khao cái đẹp...
Thuở đó  tôi cũng mê say cuốn Le grand coeur của Edmond de Amici Hà Mai Anh dịch là Tâm hồn cao thượng với những câu chuyện nhật ký đến trường của một cậu bé viết về lớp học, về bè bạn thầy cô, về những bài đọc thêm cuối tháng.  Tâm hồn cao thượng đã dạy cho tôi biết đến tình bạn chân tình, đến sự sẻ chia đồng đội và tình yêu tổ quốc  không phải chỉ dành cho người lớn mà trẻ thơ cũng có  như câu chuyện cậu bé đánh trống vượt vòng vây tìm quân cứu viện bị thương ngã xuống dưới loạt đạn của kẻ thù, vẫn cố hoàn thành nhiệm vụ của mình, để sau khi thắng giặc, vị đại úy chỉ huy gặp cậu bé trong bệnh viện với cái chân bị cưa, ông đã đứng nghiêm chào cậu bé, và cậu bé hỏi, sao đại úy chỉ huy lại chào con, một chú lính đánh trống? Vị đại úy đã thẳng thắn trả lới, ta chào con bởi vì ta chỉ là một viên đại úy, còn con, con là một vị anh hùng!
Và chuyện về bức thư người cha gởi cho con nói về lòng yêu nước. 
Bây giờ còn bé, con chưa hiểu thấu được thế nào là lòng yêu nước. Rồi ra con sẽ biết. Khi du lịch xa về, một buổi sáng đứng tựa trên lan can tàu con thấy một dãy núi xanh của quê hương con hiện ra ở đường chân trời, con sẽ thấy lệ cảm trong lòng con dâng lên và con buộc miệng kêu những tiếng kêu mừng rỡ.
Con sẽ thấy tình yêu nước khi con đang phiêu bạt ở nước ngoài chợt  nghe trong đám thợ thuyền ai đó nói tiếng nước con, lúc đó tự nhiên con sẽ đến hỏi chuyện người không quen biết ấy.
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi một người ngoại quốc nào đó lăng mạ đất nước con, lòng tức giận sẽ làm con nóng mặt.
Con sẽ thấy tình yêu nước mạnh mẽ hơn nếu một ngày kia quân địch vô cớ dày xéo đất nước ta, lúc ấy con sẽ thấy ba hôn con khuyên con “dũng cảm”, mẹ tiễn con hẹn lúc “khải hoàn”.
Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con trông thấy lá cờ tổ quốc bị bắn tả tơi dẫn đầu đoàn quân nghĩa dũng kẻ đầu băng, người tay bó trong đám đông dân chúng hân hoan chào đón ném hoa mừng và hô to những lời chúc tụng.

Và ví dụ một ngày kia, ta trông thấy con từ chiến trận về được an toàn, nhưng biết là con đã hèn nhát, đã lẩn lút để tránh cái chết, thì cha đây, người vẫn thường đón con đi học về với tiếng cười vui vẻ, thì bấy giờ, cha sẽ đón con bằng tiếng khóc xót xa. Cha sẽ không thương con được nữa và muốn đâm vào tim mình mà chết cho rồi….
Có bài giảng nào về lòng yêu nước cho lớp trẻ hay hơn?!
Sau này, năm Quang Dũng, con trai tôi học lớp 8, nhà nước cũng in cuốn Le grand coeur này  với bản dịch tên là Trái tim cao cả, tôi cũng mua tặng con tôi với lời đề tặng: Thương yêu tặng con cuốn sách ba yêu dấu ngày xưa để mong con luôn có một tâm hồn cao thượng…
Lớn hơn một chút tôi đọc Tự lực văn đoàn với Khái Hưng, Thạch Lam, với Anh phải sống, Gió đầu mùa….,tôi thích Khái Hưng và Thạch Lam hơn vì văn của các ông này nhẹ nhàng lãng mạn hơn người chủ soái Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Khoảng thời gian lớp đệ tứ đệ tam tức lớp 8 lớp 9 bây giờ, tôi đã say đắm với Nam Cao, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Nhật Tiến  với những tác phẩm thấm đẫm tình quê hương, đất nước, tình người. Những Vũ Bằng với thương nhớ 12, Thạch Lam với Hà nội băm sáu phố phường cũng đã làm tôi hướng  nhớ thương về những vùng đất cổ tích và đầy huyền thoại thoại bên kia giới tuyến.
Thời gian này, những tác phẩm văn học lớn cũng được thầy cô, anh chị giới thiệu đọc như Sans famille Vô gia đình của Hector Malot, Les miserables những người khốn khổ, Thằng gù trong nhà thờ đức bà của Victor Hugo …
Chính sách vở và nền giáo dục chân chính chứ không ai khác đã dạy dỗ tôi, rèn giũa tôi  ngay từ tuổi thơ ngây chập chững nhìn đời biết yêu người,  biết quí cái đẹp, biết mộng mơ và biết yêu đất nước, yêu tổ quốc của mình…Tôi muốn khẳng định điều đó!
Lên đến trung học đệ nhị cấp tức cấp 3 bây giờ, chúng tôi được học triết, lúc này chúng tôi đã biết đến chiến tranh và đã chập chững nghĩ ngợi về thân phận con người.
Tôi say sưa những tác phẩm của Eric Maria Remarque khi ông viết về thân phận những người Do Thái ruổi rong trốn chạy dưới thời Đức quốc xã, hoặc giờ thứ 25 của Gheorghiu khổ đau oan ức trong những nhà tù lao động khổ sai, rồi lao vào đọc như điên những Andre Gide, Maugham, Hermann Hesse, với những Khung cửa hẹp, Câu chuyện dòng sông. Đôi bạn chân tình, .. nhiều , nhiều lắm. Tôi cứ ngỡ thời buổi này, những năm 72, 74 là thời điểm vàng son nhất của văn học miền Nam lúc ấy. Những tác phẩm đoạt giải Nobel, những tác phẩm văn học nổi tiếng nước ngoài đều được  dịch cẩn thận và in ấn đẹp mắt cùng những lời giới thiệu đầy trách nhiệm. Chúng tôi đã đọc Hemingway với Ngư ông và biển cả, Saint Exupery với  Vol de nuit Chuyến bay đêm, Hoàng tử bé Le petit prince, Terre des hommes mà Bùi Giáng dịch là Cõi người ta, Alexis Zorba Con người chịu chơi của Nikos Kazantzaki. Những tác giả trong nước cũng được phát huy tối đa văn tài của mình, và chúng tôi, những thanh niên  đứng giữa chiến tranh hầu như tẩu hỏa nhập ma với sách, chúng tôi đọc đủ thể loại, đủ dòng văn học, nhiều khi đọc trắng đêm  và nghiền ngẫm những triết lý, những thân phận đời người…
Chiến tranh cũng góp phần làm cho tâm hồn chúng tôi lớn nhanh hơn, già nhanh hơn, chúng tôi đã biết đến hiện  sinh của Sartre, Nietzsche, biết đến Goeth, biết đến Bùi Giáng, Phạm công Thiện, đến Tuệ Sĩ, Nhất Hạnh,  cùng những bài ca đầy khắc khoải về thân phận con người, về quê hương chiến tranh đổ nát của Trịnh Công Sơn…
Phải chăng giai đoạn này sách đã dạy cho tôi những nhận thức  về đời người. Những quan  điểm về  sự sống và cái chết, những sự ra đi và những cõi trở về…  
Sau 1975, tôi cũng như những người bạn khác hăng say lao vào tìm hiểu tủ sách của các nước cọng sản xô viết và văn học Nga mà trước đó ở miền Nam chúng tôi đã biết với Anna Katerina, với Chiến Tranh và Hòa bình của Leon Tolstoi, với anh em nhà Karamazop của Dostoiepski …
Chúng tôi đọc Người mẹ  Marxim Gorky, đọc Andrey  Toistoi, Trekhop, Đọc Thép đã tôi thế đấy, Con đường đau khổ, Sông đông êm đềm, v.v .Những văn học hiện thực về chiến tranh cách mạng, đấu tranh giai cấp và  và xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng gieo trong chúng tôi những nét mới về một dòng văn học khác lạ.
Những năm tháng đó chúng tôi đã thực sự là người lớn nên sách vở bắt đầu là những suy ngẫm, những nhận định, đánh giá.
Tôi cũng đọc nhiều tác giả miền Bắc và đã nhận biết một đời sống văn học khác. Sách vẫn là một đam mê của tôi nhưng lúc đó hiếm hoi mới có những cuốn sách dịch hay như Ruồi trâu, Tiếng chim hót trọng bụi mận gai v.v…
Cho đến bây giờ, tuổi kề cận 60, sắp được gọi là hưởng thọ, tôi vẫn không thể xa sách. Tuy nhiên, chủ yếu là đọc sách bạn bè sáng tác, in rồi gởi tặng, đọc sách Phật, đọc kiếm hiệp, đọc Kim Dung.
Kiểu đọc sách của tôi trước 75 là hễ sách của tác giả nào mà đọc được một cuốn và thích thú rồi thì cứ theo dõi sự ra đời của những cuốn sách tiếp theo của tác giả đó mà đọc, cho kỳ thấy không còn hấp dẫn nữa, hoặc không xuất bản nữa  mới thôi! Hoặc nhìn nhà xuất bản mà chọn mua sách. Một số nhà xuất bản ngày xưa rất có uy tín và trách nhiệm với độc giả và sách xuất bản của mình. Họ lựa chọn tác giả và tác phẩm rất là kỹ lưỡng nên những sách của họ đưa ra thị trường rất là chất lượng.
Sách bây giờ nhiều quá và cũng hỗn độn quá. Vào nhà sách như lạc vào mê hồn trận, hoa mắt, thật giả khó lường.
Thỉnh thoảng cũng có những cuốn đọc mà thấy giật mình như cuốn  Phải Sống của Dư Hoa (trung quốc)  và Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi vẫn theo dõi những tác giả đó nhưng đọc thêm cuốn Huynh Đệ của Dư Hoa nữa là hết và Nguyễn Ngọc Tư cũng không có cuốn nào vượt qua Cánh đồng bất tận của mình…
Bây giờ có sách mạng cũng tiện. Mua bản quyền rồi là cứ thể down load. Sách cả ngàn bản  đọc mệt nghỉ, nhưng đọc sách mạng không khoái vì thường thiếu những lời dẫn chuyện, thiếu mùi giấy mực, lời giới thiệu tác giả tác phẩm và thường sai chính tả. Tôi vẫn bảo thủ thích đọc báo tờ và thích mua sách in về dành đọc hơn là đọc báo mạng, sách mạng.
Có người sẽ hỏi tôi. Ông là một doanh nhân, vậy sách có ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của ông không?
Tôi xin trả lời ngay, sách không những gọi là ảnh hưởng mà chính sách chứ không phải ai khác đã giúp cho tôi một sự nghiệp kinh doanh khá thành công trong những năm tháng qua và giữ cho tôi sự bình ổn trong tâm hồn trước bao bão táp mưa sa của nền kinh tế phức tạp của nước nhà, trước bao mưu toan, thủ đoạn của con người,  trước bao kế sách của đối tác trong những  mối quan hệ kinh doanh…
Chủ đề này rất rộng, nói thì dài lắm, tôi chỉ muốn  nói với các bạn rằng chỉ cần đọc, suy ngẫm và suốt đời làm theo Ngũ thường:  Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín của thánh nhân thì các bạn sẽ thành công trong bất cứ sự nghiệp kinh doanh nào và các bạn sẽ thấy câu nói ”thương trường là chiến trường” không phải hoàn toàn đúng với ý nghĩa, chiến trường chỉ có máu đổ đầu rơi, hoặc sống hoặc chết mà trên chiến trường, trên thương trường cũng có nhiều điều đẹp đẽ, trân quí lắm!
Các bạn sẽ thấy sách sẽ giúp cho các  bạn sự bình ổn trong tâm hồn, giúp các bạn có những bước đi dõng dạc, đàng hoàng trong sự nghiệp kinh doanh. Biết tiến, lùi đúng lúc và biết biến những khó khăn thành cơ hội, biến những thất bại thành thành công, biết sử dụng đồng tiền một cách nhân hậu, tử tế và đúng mực. Và lúc đó, sự thành công tự nhiên sẽ đến với các bạn…
Cuối cùng của buổi nói chuyện này, tôi muốn cám ơn đến mẹ tôi, các anh chị tôi, thầy cô giáo tôi thời trung học, tiểu học, những người đã chỉ bảo, truyền thụ cho tôi sự đam mê đọc sách, đã lựa chọn cho tôi những câu chuyện, những áng văn thích hợp ở tuổi đầu đời để rồi tôi biết yêu  sách, đắm say với sách  và cám ơn sách đã cùng với gia đình, nhà trường định cho tôi lối sống , giũa cho tôi nhân cách và mang đến cho tôi lòng yêu thương cuộc sống, yêu thương con người , bạn bè, đất nước…
Xin cám ơn các bạn ,
Nguyễn Quang Chơn, tháng 4/2013