Từ một đất nước xa xôi,
Con trai tôi gọi điện về thăm hỏi,
Cháu ái ngại khi nhận những hung tin,
Về gã khổng lồ anh em đang lên gân, bẻ cốt, vặn mình,
Đang chỉ tay xuống biển Đông vẽ đường lưỡi bò nham nhở,
Đang thả Thần Châu bay lên trời, đẩy Hải Nam ra biển,
Đang cho Hải Giám hải quân vây chặc biển đông,
Thành lập Tam Sa binh lính sẵn sàng, với tàu ngầm với dàn khoan dầu to đại…
Con trai tôi ngập ngừng ái ngại,
Liệu đất nước mình có còn nữa biển Đông?
Liệu ngư dân mình còn được ra biển hay không?
Liệu giặc Tàu tràn qua ta có thành bại quốc???
Và ta sẽ làm gì với những nguy cơ phía trước,
Trước lũ hung tàn bạo ngược mà nhà nước mình mười sáu chữ vàng nhận nhân nghĩa anh em?...
Tôi hỏi con tôi, còn thuộc sử Việt hay đã quên?
Như bao người lớn, trẻ con trong nước chỉ biết nhà Thanh, nhà Minh nhờ phim Tàu hàng đêm trên truyền hình dạy dỗ.
Chúng nhầm lẫn Lý thường Kiệt với Lý Liên Kiệt,
Chúng nhầm lẫn Quang Trung với Quan Công…
Chúng nhầm lẫn cả tên đất, tên sông…
Chúng nhầm lẫn cả tiếng Tàu, chữ Việt…,
Rồi tôi nhắc lại một chút với con tôi về lịch sử
đất nước VN từ thuở Vạn Xuân,
Về Bà Triệu, Bà Trưng,
Về Ngô Quyền, Lê Lợi, Quang Trung..
Mà nghe máu trong tim cha con tôi ngạo nghễ…
Này con thân yêu đã bao đời dâu bể,
Bọn giặc Tàu có bao giờ là kẻ chiến thắng đâu con!.
Dẫu một ngàn năm chúng giày xéo mõi mòn
dân tộc Việt và xóa sạch sành sanh hết cả nền văn hóa!
Chúng cứ nghĩ sẽ dần dần thuần hóa,
Được cái lũ An Nam nhỏ bé như ta,
Chúng có ngờ đâu một dân tộc tài hoa,
Một dân tộc hay cười mà không bao giờ chịu gục đầu trong đớn hèn nhục nhã.
Và chúng đã phải trả:
Thằng chìm sâu trên trận tuyến sông Cầu,
Thằng chôn thân trong Bạch Đằng cọc dữ,
Thằng chui ống đồng mất vía, thằng mất đầu vĩnh viễn núi Mã Yên.
Thằng treo cổ đồi Đống Đa,
Thằng vứt bỏ cả ấn tín vua ban,
Để cả lũ cuống cuồng cầu phao đi tìm đường sống…
Ha, ha, ha, con của ba, chúng ta vui lắm!
Bọn tự xưng thiên triều kia, cứ theo thói quen, hơi bình an lại nhìn xuống phương Nam,
Chúng căm thù VN tới óc tới gan,
Chúng nhục nhã vì cứ luôn tưởng mình vĩ đại.
Kể từ Hán Tống Nguyên Minh Thanh Mao trở lại,
Có bao giờ chúng để cho ta yên?
Chúng bao giờ cũng tráo trở lưu manh,
Chúng luôn muốn chúng ta là đầy tớ,
Chẳng bao giờ chúng coi mình là bạn tốt.
Hễ chực trật ra là chúng hốt, hễ chực trật ra là chúng thò tay,
Đã là dân ăn cướp thì có bao giờ chừa ai,
Và đặc biệt với Việt nam chúng đã quen đuờng, quen lối.
Bởi cũng có những thằng người như Trần Ích Tắc,
Những thằng người như Lê Chiêu Thống sẵn sàng bán nước nhà vì chút lợi vinh riêng…
Nhưng con ơi, xin chớ đừng quên,
Đất và trời của phương Nam này rất khác!
Đất và nước luôn đẻ ra từ đời này, đời khác,
Nhiều vô cùng Trần Hưng Đạo, Quang Trung,
Nhiều vô cùng bà Triệu, Bà Trưng,
Nhiều vô cùng Ngô Quyền, Trần Quốc Toản…
Con đừng sợ bọn giặc Tàu dẫm nát,
Đất đai mình cùng mồ mả tổ tiên.
Con hãy nhớ và đừng bao giờ quên,
Cái đất nước mà cả bô lão, trẻ con cũng đồng lòng sẳn sàng đứng lên đánh giặc,
Sẽ luôn luôn là người chiến thắng!
Và ba hứa với con nếu bọn Tàu kia xâm chiếm,
Ba dẫu có 90 cũng cầm súng đứng cạnh con!
Con đừng buồn khi có những lũ vô hồn .
Đang chực chờ bán tổ quốc để vinh thân làm nô lệ,
Con chớ buồn. Vì không bao giờ một bè lũ nào có thể,
Xóa nhòa trang sử Việt đâu con!
Hãy tu thân, rèn chí, luyện gan,
Để đợi một ngày đứng lên cùng đất nước,
Khi thằng mặt dày kia ngang tàn bạo ngược,
Dám kéo biển người ào ạt dọa nước ta,
Hãy vững tin vào một tổ quốc tài hoa,
Từng tĩnh tại ung dung vừa làm thơ vừa đánh giặc,
“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư!”
“Ta ra đi kỳ này không quá mươi ngày là trừ hết giặc, hãy nhớ lấy lời ta!”,
Giết giặc xong rồi lại sai chặt một cành hoa,
Gởi tặng vợ mình đang ở nhà ngóng chờ tin chiến thắng…
Con yêu của ba, cám ơn con đã gọi điện về lo lắng,
Nhưng hãy cứ yên tâm tu chí, luyện tài,
Để sẵn sàng, nếu có một mai,
Đất nước gọi, hãy trở về, hai cha con mình cùng đứng trên chiến tuyến,
Và nếu đã quá già,
Ba sẽ ở nhà chờ con từ chiến trường gởi một cành hoa,
Để cắm lên bản đồ tổ quốc…,
Ba yêu con!
Tháng bảy, 2012
Ba Nguyễn Quang Chơn, gởi con trai NQD,
| |
Nguyễn Quang Chơn |