Tuesday, July 9, 2013

Nỗi buồn mùa đông,

Miền Trung tôi thật là buồn! Cứ vào tháng 9 tháng 10 lại nghe bão táp, mưa sa… Mới đó mà đã là một năm thảm họa Sangxane. Nhớ lại những ngày này năm ngoái, không khỏi hãi hùng. Nhưng rồi cái gì cũng qua đi. Con người luôn có chiều hướng hướng về tương lai tươi sáng hơn là trầm ngâm u buồn với dĩ vãng không vui!

nhà sách Đà Nẵng sau bão Sanxane



Nhớ hồi thơ ấu, ở trong cái thị trấn nhỏ miền trung, khi chưa có con đập thủy nông ngăn nước đầu nguồn, hễ có mưa là có lụt, mà lũ trẻ con chúng tôi rất thích mưa, gió, lụt, bão! Mưa thì tồng ngồng chạy ra đường tắm mưa, gió bão thì núp trong nhà nhìn cát chạy đá bay, tan bão thì lông nhông khắp chốn để điểm tình hình. Lụt thì khỏi nói. Sướng nhất là lội nước lụt, chèo ghe hái trộm ổi nhà người hoặc ngồi thu lu trên giường kê cao, nước tràn dưới chân, ăn cơm nóng với mắm nướng hoặc cá lờn bơn mẹ  kho với nghệ tươi thơm phức. Bão lụt thì được nghỉ học chạy chơi, đó là niềm vui vô cùng thời thơ ấu!


Chừ, nghe tin báo bão từ xa đã lo ngay ngáy. Ngồi nhìn những cơn gió mịt mùng, từng đợt mưa tơi tả, thấy công việc làm ăn trì trệ, lòng ngán ngao!

“Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn!” Câu ca ấy giờ không đúng nữa!

Hè thì vào mùa du lịch, trời nắng nóng cháy thịt cháy da, các bà các cô ra đường trùm khăn kín mặt chỉ còn chừa con mắt. Nhưng Tây Tàu lại thích, lại đổ về đây. Máy bay tăng chuyến, khách sạn tăng giá, nhà hàng tăng món, biển nghẹt người, giá cả trên trời, nhà nhà làm du lịch, người người làm dịch vụ. Ai ai cũng vui, đâu có thiếu ăn!

Còn đông về thì thật là ảm đạm! Mưa gió dầm dề vần vũ, những chuyến bay hàng không hoãn tới, hoãn lui. Thuyền câu nấp bão về neo đậu đầy bến sông bến cảng, những ngư dân xa nhà  chẳng biết làm chi, sáng ra đã mời nhau chén rượu quên ngày!  Quán xá ể ẩm, các chủ quán mở cửa  ra là lo thắp hương bàn thờ ông địa cầu may. Các bà các chị bán hàng rong thì bó gối nhìn trời, cầu cho mưa bão đi qua. Doanh nghiệp thì lo chống bão, lo mua bảo hiểm. Các công trình xây dựng dở dang thì chỉ còn ông bảo vệ trông coi, ra đường thấy toàn công ty cấp thoát nước đào xới, xử lý những cung đường nước ngập như sông!

Các nhà đầu tư vào vệt biển miền Trung thường kêu trời khi mùa đông đến. Các cuộc họp bị trì trệ,các chuyến bay bị delay, các dự án bị kéo dài, không thể nào chủ động được công việc. Vào miền Trung thì phải xuống ĐN Huế rồi phải đi đường bộ đến các vùng lân cận, mà bão thì thường cứ chạy dài từ Hoàng Sa Khánh Hòa ra hướng Tây, Tây Bắc, kéo dọc theo các tỉnh, chẳng biết đâu mà lường. Lỡ bay ra rồi, đành nằm khách sạn mà chờ, mà thời gian chờ thì cũng là tiền là bạc chứ phải chơi đâu!

Hè về, đưa khách đi ăn hải sản, than phiền các quán bên bờ biển sao mà chặt chém, họ bảo chúng tôi chỉ kinh doanh được có một mùa phải lo hoàn vốn chứ, thật là hết biết!

Làm sao chừ đây? Làm sao cho miền Trung này về đông lại thành ưu thế như hè?

Hay ta kêu gọi các nhà văn, nhà thơ dồn về đây mùa đông với chủ đề “ mùa đông của ta” để nghe mưa, ngóng gió, uống rượu, uống trà, bó gối nằm dài, sáng tác những trường thiên bất hủ?

Hay là ta sáng kiến những du lịch mùa đông như những thế vận hội mùa đông ở xứ người với các tour du lịch mạo hiểm trong bão, bóng chuyền nữ bãi biển dưới mưa với các em bận bikini thật mỏng??


Mình có chuyến công tác dự tính đi các tỉnh miền Trung rồi ra HN, Hải Phòng, chừ chờ hoài mấy ngày rồi mà cơn bão số 5 Lekima vẫn hăm he đổ bộ, “mưa cứ rơi và gió cứ bay…”, bó gối nhìn trời, than vắn thở dài.

Không biết đến khi nào những “thiên tai địa họa” mới thôi về trên dãi mảnh đất miền Trung…???

Nguyễn Quang Chơn,

Bắt đầu mùa bão, 2/10/07