Wednesday, July 3, 2013

Vẽ & Viết: Chân dung văn nghệ Huế

Hoạ sĩ Phạn Ngọc Minh

Từ lâu, tôi mong ước có một chuyến đi xem và vẽ Kinh Thành Huế. Ý tưởng ấy đã thực hiện vào Thu 1995. Lần ấy, được trên mười bức ký họa, những cơn mưa cứ kéo dài, cuối cùng, tôi đành rời Huế trong tâm trạng đầy lưu luyến.

Phan Ngọc Minh qua nét vẽ của Nguyễn Quang Chơn
Lần này trở lại Huế, chuyến đi kéo dài hơn một tháng (từ 2 - 5 đến 12 - 6 - 2009), vẽ được trên ba mươi ký họa về chân dung, phong cảnh. Đặc biệt, một loạt ký họa chân dung văn nghệ: Nghệ nhân, Nhà thơ, Họa sĩ… mà tôi yêu mến.  


1. Nguyễn Đính (Nhà thơ Trần Vàng Sao). Một buổi chiều, cùng nhà thơ Nguyễn Đông Nhật, tôi đến thăm anh Nguyễn Đính (nhà thơ Trần Vàng Sao), ở một con ngõ quanh sâu, vùng Vỹ Dạ. Căn nhà hẹp, trong khu vườn nhỏ, đơn sơ nhưng treo đầy tranh.

Hôm ấy, anh, cùng một người bạn của anh tiếp chúng tôi. Vừa uống cùng các anh vài hớp bia Huda, bất chợt tôi nhìn vào góc tường có một bức chân dung Bồ Đề Đạt Ma. Như hiểu được ý khách, anh liền nói: “Bức ấy mình vừa vẽ xong”. Với cái nhìn của người trong nghề, bức chân dung đó đã mách bảo với tôi nhiều điều. Nhất là đôi mắt, ẩn chứa đầy tâm trạng của người vẽ. Tôi nhìn Bồ Đề Đạt Ma. Nhìn anh, rồi rút bút, mở kẹp giấy, vẽ chân dung anh.

Anh làm thơ rất sớm, những câu thơ quen thuộc: “Buổi sáng, tôi mặc áo, đi giày, ra đứng ngoài đường/ Gió thổi những bông mía trắng bên sông/ Mùi toóc khô còn thơm lúa mùa qua/ Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà(...)” (Bài thơ của một người yêu nước mình - 1967), từng tham gia đấu tranh trong phong trào SVHS ở Huế, rồi theo Cách mạng vào rừng năm 1965, khi đang là chàng sinh viên của Đại học Văn khoa. Anh tuổi Tân Tỵ (69 tuổi), công việc thường ngày bây giờ của anh là đọc sách, làm thơ, đặc biệt là vẽ lại những mặt người trong bộ bài Tới: Thầy, Trò, Quan, Ngủ, Bóng... và chân dung Bồ Đề Đạt Ma chỉ để tặng bạn bè chơi. Giờ, nhìn bức chân dung ký họa anh, tôi nhận ra trong đôi mắt ấy, như có một điều gì đó anh chưa nói!?

2. Trần Kích (Nghệ nhân Nhã Nhạc Cung Đình). Kiệt 320 nằm ở cuối đường Bạch Đằng, tôi men theo ngõ, ngách và cuối cùng cũng gặp được ông lão nghệ nhân trong sổ tay của mình. Đó là bác Trần Kích, nghệ nhân chơi nhạc cụ “Nhã nhạc Cung Đình” rất nổi tiếng, sử dụng điêu luyện nhiều nhạc cụ: Đàn Tỳ Bà, Nguyệt, Nhị, Sáo. Anh Trần Thảo, con trai bác hiện là giảng viên hướng dẫn môn nhạc cụ Nhã nhạc Cung Đình tại Học viện Âm nhạc Huế, nói: “Ba tôi sức khỏe yếu lắm, anh cần gì, cứ hỏi tôi”.

Qua anh, tôi biết: Ông đã từng giảng dạy bộ môn “Nhã nhạc Cung Đình” tại trường Quốc gia Âm nhạc Huế từ năm 1963 đến 1984, dù đã nghỉ hưu, nhưng bác vẫn tiếp tục thỉnh giảng cho đến nay. Gần đây, sức yếu, không tự đi xe đạp được, đến giờ dạy, anh Thảo chở bác đến trường. Là một nhà giáo tận tụy truyền nghề, một nghệ nhân sử dụng nhạc cụ truyền thống, bác đã từng là thành viên trong đội Hòa thanh (Nhạc Cung Đình) dưới thời Vua Bảo Đại, không chỉ biểu diễn trong nước, mà ông đã mang tiếng đàn truyền thống dân tộc mình đi sang Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippine. Năm 1995, bác được mời đi diễn tại các nước Châu Âu: Pháp, Bỉ, Hòa Lan,... Trần Kích - nghệ nhân Nhã nhạc Cung đình, đã nhận được nhiều bằng khen tặng của Bộ Văn hóa, Viện Âm nhạc Việt Nam. Năm 2007, được Bộ Văn hóa phong Nghệ sĩ ưu tú và nhiều bằng khen. 2008, được Bộ Văn hóa và Thông tin Pháp phong tặng bằng: Hiệp sĩ Văn hóa.

3. Hoàng Đăng Nhuận (Họa sĩ). Nhà anh đẹp hơn trí tưởng tượng của tôi, đó là căn nhà vườn, nằm ngay dốc cầu Lim 2, (đường lên đồi Thiên An), trong vườn nhiều hoa lan khoe sắc, nhiều cây xanh bóng mát. Nơi đây cũng là quán cafe, trên tường treo đầy tranh, khách vừa uống cafe, vừa xem tranh của Nhuận vẽ về phố cũ, thành xưa, với tông màu gris điểm chút đỏ son, rất Huế, mà cũng rất sang trọng và ấn tượng.

Anh vừa trải qua cơn bệnh tai biến máu não, chỉ cử động được tay trái, chân đi lại khó khăn, dù vậy, anh vẫn say sưa nói chuyện vẽ tranh, triển lãm... Anh nói: “Mình cầu mong, bàn tay trái cử động được, để mình vẽ là quý rồi!”.

Căn phòng anh ngổn ngang tranh. Tranh treo tường. Tranh đang vẽ dở dang. Ở một góc, có nhiều khung vải chưa vẽ, bên cạnh cọ, palette màu... và trên mảng tường gạch có rất nhiều chữ ký của bạn bè văn nghệ sĩ trong và ngoài nước: Đinh Cường, Đặng Tiến, Lê Văn Ngăn, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Thương Hỷ... Họ đến thăm họa sĩ, trước khi rời để lại chữ ký làm kỷ niệm.

4. Nguyễn Thị Mẫn - nghệ danh Minh Mẫn. Kiệt 110 Nhật Lệ, trong Thành nội, căn nhà nhỏ số 21, tọa lạc trong cuối con hẻm, là nơi nữ sĩ - ca Huế danh tiếng mà người dân Huế gọi thân thương hai chữ Minh Mẫn. Hôm tôi đến, căn bệnh của bà do bị té gãy xương chậu, vẫn còn đau, đi lại rất khó khăn, nhưng bà vẫn hân hoan tiếp khách một cách chân tình. Tôi nói: “Cháu từ Đà Nẵng ra Huế, đến thăm bác và xin vẽ một bức chân dung của bác làm kỷ niệm”. Bà cười, rồi đi tựa cây nạng bốn chân, vào trong một lúc, bà trở ra với trang phục rất lộng lẫy không ngờ: tà áo dài lụa xanh lơ tím, cổ đeo dây chuỗi ngọc, tay cầm cặp phách (bộ gõ), rồi bà chậm rãi ngồi xuống ghế, đôi tay gõ phách và hát rằng: “Nét xuân nay đã phai rồi/ Mấy người chìu chuộng/ Ai là kẻ tìm hoa trong đám hoa rơi...” (điệu Nam ai); bà kể tiếp: Tôi yêu lời ca, tiếng hát, từ thuở nhỏ mà thành cái nghiệp, giờ nhìn lại ngót 60 năm ca hát, đã từng hát cho vua nghe. Rồi sau này, từng đi hát khắp mọi miền đất nước”...

Hiện tuổi già, sức yếu nhưng bà vẫn nhờ con cháu đưa đến Câu lạc bộ ca Huế, trên đường Phạm Ngũ Lão, hát chơi. Có nhiều đoàn khách từ Sài Gòn, Hà Nội, yêu giọng hát của bà, đến mời bà, rồi họ tự nguyện cõng bà xuống thuyền hát cho họ nghe.

Cụ bà Nguyễn Thị Mẫn đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian vào năm 2007 và nhiều Bằng khen của Huế.

5. Léopold Cadière (Cố cả). Tại Đại Chủng Viện Kim Long - Huế, tôi được một chủng sinh đưa tôi ra khu vườn phía sau Giáo đường của Chủng Viện xem mộ. Có khoảng trên 40 mộ của các Cha cố chôn cất ở đây, và xây theo một mẫu giống nhau rất đơn sơ. Người chủng sinh, đưa tay chỉ: “Đó là mộ của Cha cố, Cadière”. Nhờ tấm bia đá nhỏ, tôi đọc được tên: Léopold Cadière (1869 - 1955, Cố cả...)

Léopold Cadière, sinh tại Aix - en - Provence (Pháp) năm 1869 đến Việt Nam 1892, lúc 23 tuổi, là một Linh Mục thuộc Hội Thừa sai Paris, ngài làm việc ở Giáo phận Huế, ngoài việc đạo, ngài đã dành nhiều thời gian công sức nghiên cứu về Huế. Ngài chính là người sáng lập và chủ biên tập san “Bulletin des Amis du Vieux Huế” (Tập san những người bạn hiếu Huế xưa), viết tắt là BAVH, ra mỗi năm 4 số, có rất nhiều cộng tác viên người Pháp - Việt tham gia viết bài, từ năm 1914 đến 1944, ra được 122 tập. Nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An, nói: “L. Cadière, là nhà nghiên cứu đầu tiên về Huế, công trình của ngài để lại là tư liệu rất quý báu. Để tỏ lòng tri ân ngài, chúng tôi và đồng nghiệp mong muốn lãnh đạo Huế sẽ đặt tên ngài cho một con đường”.

Tạm biệt khuôn viên Đại Chủng Viện lúc bóng tà dương sắp khuất, thấp thoáng bóng dáng các Soeurs vẫn còn nhẫn nại chăm sóc những cây bưởi cuối góc vườn, nhìn vài chú chim đang lượn lờ trên nấm mộ - nơi lòng đất ấy có hình hài của một người tha hương, một vị Cố cả người Pháp - L.Cadière đang yên nghỉ - nơi mảnh đất mà ngài yêu trọn đời.

Giờ, ngồi vẽ lại bức di ảnh của ngài do vài người bạn Huế gửi, bức ảnh một vị cố Linh Mục, có râu quai nón bạc phơ, dài tới ngực, đôi mắt sâu sáng ngời, trông rất nhân từ. Tôi nhìn bức ảnh, cảm nhận rằng, dường như ngài đã “hóa thân” thành người Việt từ bao giờ” - Xin cầu nguyện cho linh hồn ngài luôn vui hưởng hạnh phúc nơi thiên đàng.

Tôi đã từng vẽ chân dung một số văn nghệ sĩ: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San (Nhà thơ), Nguyễn Đắc Xuân (Nhà nghiên cứu), Bửu Ý (Nhà Văn - Dịch giả),...

Chuyến đi lần này, tôi được gặp gỡ và vẽ chân dung một số văn nghệ Huế, mà tôi yêu mến: Cụ La Cháu (Nghệ nhân Hát bội, 99 tuổi), Nhà nghiên cứu Phan Thuận An, Nhà văn Trần Thùy Mai, Nhà thơ Lê Văn Ngăn, Phạm Tấn Hầu, Kỳ Hữu Phước (Nghệ nhân tranh Dân gian làng Sình)... Ngoài ra, tôi còn vẽ được những bức phong cảnh từ phố cổ Bao Vinh, cầu Ngói Thanh Toàn (Thanh Thủy), Đình Dương Nỗ (Phú Dương, Phú Vang) đến Phủ Tuy Lý Vương (Nhà thơ Vỹ Dạ), La Hán (Chùa Diệu Đế), thuyền trên sông Gia Hội,...

Bộ tranh ký họa không chỉ giúp tôi hiểu thêm về con người và cảnh vật của một vùng đất đầy dấu ấn và dấu tích văn hóa mà còn là tư liệu quý, gợi nguồn cảm hứng cho tôi tiếp tục vẽ cái gì đó trong cảm nhận của tôi về Huế - một địa danh mà tôi hằng ngưỡng mộ.

Huế - Đà Nẵng, tháng 9/2009
P.N.M
(SDB8/3-13)


nguồn: sông hương