Wednesday, July 3, 2013

Triết lý quản trị từ trái banh nỉ



Tôi bị chấn thương gối chân phải do chơi tennis. Chụp phim, bác sĩ bảo rách các dây chằng chéo trước và bên, giống như tuyển thủ Phan Văn Tài Em, Michael Owen, phải mổ!

Vì nhiều lý do, tôi không muốn mổ. Thế là suốt bốn tháng phải đi nạng, uống các loại thuốc Đông-Tây y, nay tôi đã đi lại được nhiều nhưng vẫn phải bó chân và hết sức cẩn thận. Không biết có phải do ngẫu nhiên hay không mà kể từ khi tôi bị chấn thương, sân tennis ở công ty vắng hoe. Anh em trong công ty ai cũng uể oải, không biết làm gì ngoài việc rủ nhau đi nhậu. Vừa mệt vừa tốn tiền! Làm việc bằng đầu óc nhiều mà không vận động thật dễ bị stress! Nhìn khung cảnh trầm lắng đó, tôi quyết định xách vợt ra sân!

Băng gối chân phải bằng hai băng, còn gối trái là một băng, tôi tập đánh banh với một chân trái làm chân trụ. Anh em hóm hỉnh gọi đó là “thế cò”, còn tôi gọi là thế “độc cước độc vợt”. Đứng đôi với anh phó giám đốc, lần đầu chúng tôi chọn đội khá yếu của công ty và đã thắng 6-2. Ở trận đó, anh em bất ngờ có được những trận cười muốn vỡ bụng với thế đánh độc cước của tôi.

Đến trận sau, đối thủ là cặp có tay nghề kha khá hơn, tôi phải băng thêm vai phải. Vì chơi thế độc cước, lực không phân bổ toàn thân nên khớp vai đau nhừ, nếu không băng vai thì không thể nhấc tay lên được! Trận này, chúng tôi lại thắng 6-3! Lâu ngày không ra sân tennis, bây giờ mọi người đều cảm thấy thật khỏe khoắn sau một buổi vận động!

Ba tuần sau đó, cặp chúng tôi lần lượt tiễn các tay vợt mạnh khác ra sân, với kết quả đánh 18 trận, chúng tôi thắng 17 và thua một trận. Càng đánh càng kỳ thú, càng hấp dẫn.

Đã có sự bất bình thường xảy ra?

Phải chăng các anh em nhường thắng lợi cho tay vợt “tàn tật” nhưng lại là giám đốc? Anh trưởng phòng kỹ thuật, người cũng nếm mùi thất bại, đã nhiều lần thốt lên: “Thật không thể nào hiểu nổi”! Vâng, thật không thể nào hiểu nổi vì các anh ấy thật sự muốn hạ đối phương nhưng kết quả lại thảm bại.

Thật ra, trước đây khi còn khỏe tôi cũng thường bắt cặp với anh phó giám đốc, dẫu khá hợp ý trong chiến thuật, chiến lược nhưng đôi khi vẫn giành nhau, vẫn lấn sân và đổ lỗi cho nhau sau mỗi trận đánh. Ai cũng nghĩ: thua là do đồng đội chứ không phải do mình! Về nhà còn hậm hực!

Bây giờ thì thật phân minh! Anh giám đốc là tôi chỉ đứng trên lưới và đứng gần ngang giữa sân. Ai đánh banh qua gần thì đỡ, xa thì bỏ, dễ thì chơi, hiểm hóc quá thì… đứng nhìn! Ai neo lên đúng tầm thì đập banh, banh cao quá thì thả ra phía sau, không ham banh, không giành giật, không lấn sân… Khi xẹt thì tùy vị trí đối phương mà cố gắng xẹt banh qua trái hay phải, xa hay gần. Banh đưa qua thì chỉ nhẹ nhàng bỏ những chỗ hiểm, trống, họa hoằn lắm quả nào đối phương đưa ngon ăn mới đập và đập là chắc thắng! Không nóng giận, không mưu mẹo, không vội vàng...

Với vị trí của mình, anh phó giám đốc tha hồ tung hoành ngang dọc! Anh phải chịu những cú mạnh nhất, những cú lốp, những cú tạt, anh chạy khắp sân vì cố gắng cứu đường banh hiểm. Anh thật sự dùng hết sức mình, khá vất vả! Khi tôi xẹt, anh sẵn sàng đón những đường banh trả về phía tôi và thường thành công!

Nhờ phối hợp nhịp nhàng và hiểu ý, tôi thường buộc đối phương phải trả những quả banh mồi cho anh đập! Nhờ đứng yên một khu vực, tôi nhìn bao quát được lối đánh, thế mạnh, điểm yếu của đối phương trong ngày hôm đó, vì vậy dễ dàng khống chế cái sở trường mà ép người ta dùng sở đoản.

Và, rõ ràng chúng tôi đã chiến thắng!

Bài học từ trái banh nỉ

Trên sân bóng, khi cả hai đối tác đã phân công công việc, phải hoàn toàn tin vào nhau để cùng đạt được mục tiêu thành công.

Chiến thuật đánh banh như thế nào, bỏ nhỏ ở đâu, đập banh lúc nào… hãy để cho người được ủy quyền, được giao nhiệm vụ suy nghĩ và tùy theo thực tế mà hành động! Người đánh cặp, không nên can thiệp quá sâu và cũng không nên phê phán quá nặng mỗi khi bóng ra ngoài hoặc vào lưới.

Tennis là thế và trong cuộc sống, trong công ty cũng thế. Giám đốc ủy quyền hoặc giao nhiệm vụ cho phó giám đốc hay những người dưới quyền khác mà không cụ thể, không rõ ràng thì làm việc gì cũng dễ đụng đến sếp cả. Lúc thành công thì chỉ thấy công của sếp, còn thất bại thì rõ ràng là do cấp dưới.

Nếu tình hình cứ thế tiếp tục thì cấp dưới dần dần sẽ mất đi sự năng động, thiếu sáng tạo, và nếu sếp có giao việc thì cứ “sai đâu đánh đó” cho chắc ăn!

Vậy, nếu bạn là sếp, khi đã giao cho cấp dưới việc gì thì hãy tin vào họ! Hãy để họ hành động theo cách của mình. Đức Phật từng dạy các đệ tử, nếu nhìn ngón tay chỉ mặt trăng mà cho rằng ngón tay là mặt trăng thì không thể nào nhận ra được chân lý.

Trở lại chuyện đánh tennis, vừa khỏe, vừa vui, vừa ngẫm nghĩ đến đôi điều triết lý, cũng là một chút thú vị ở đời!

Nguyễn Quang Chơn


Nguồn : vnEconomy