Thursday, July 4, 2013

Nỗi buồn Trần Cao Vân

Năm Quang Dũng, con trai tôi 11 tuổi, 1998,  tôi đưa cháu vào chơi Tam kỳ, muốn đưa cháu đến thăm trường tiểu học Tam kỳ, nơi ba cháu đã từng có những năm tháng học tập đầu đời với những kỷ niệm không thể nào quên thì trường đã không còn nữa mà thay vào đó là là một trung tâm đào tạo nhếch nha nhếch nhác gì đó của thành đoàn…
Tôi đưa cháu đến thăm trường trung học đệ nhất cấp Trần Cao Vân, muốn nhắc cho cháu nơi tôi đã bắt đầu học làm người, đã hình thành một phần nhân cách tự nơi này, thì trường đã đổi tên thành trường trung học cơ sở Trần Quốc Toản!
Tôi dắt cháu đi dạo sân trường. Lòng bâng khuâng với bao hoài niệm. Nhớ từ cái cột cờ mà đầu mỗi tháng mình được vinh danh thứ tự nhất nhì trong lớp, nhớ những bậc tam cấp đuổi bắt nhau té rách quần trầy đầu gối, nhớ cây đa cổ thụ rễ lòng thòng làm sợi dây đu… nhớ, nhớ đủ thứ và thầm trách chí sĩ Trần Cao Vân người Điện Bàn Quảng Nam từng tham gia Việt Nam Quang Phục hội để đánh Tây rồi bị Pháp chém ở An Hòa Thừa Thiên Huế có gì sai với đất nước mà trường phải bị  đổi tên  thành Trần Quốc Toản, Hoài Vương Hầu  người đâu tận Nam Định, Hải Dương????


Đưa con đến thăm trường Trần Cao Vân đệ nhị cấp, trường đã biến thành trường cấp 2 Lý Tự Trọng. Lại chắc bởi công đánh Tây của ông anh du kích Lý Tự Trọng lớn hơn công cụ nho sĩ, đạo sĩ Trần Cao Vân!
Con trai tôi bảo ba học Trần Cao Vân kia mà! Ừ cũng có trường Trần Cao Vân đó con, nhưng trường này hồi xưa ba không học mà chỉ dành cho bọn con gái gọi là trường Nữ Trung Học Quảng Tín sau đổi thành trường nữ trung học Trưng Vương sau 75 lại là Trần Cao Vân!
Thật là tréo ngoe! Hết biết!
Năm 2005, thương các con em nghèo mà vượt khó đến trường để tìm cái chữ. Nhóm bạn TCV của chúng tôi lập một quỹ học bổng gọi tên Quỹ Những Người Bạn Tam Kỳ.  Quỹ tự nguyện và phi chính trị,  giúp cho một số các em nhà nghèo, khó nhưng hạnh kiểm tốt và luôn cố vươn lên trong học tập, với những món quà thiết thực hằng năm cho các trường Lý Tự Trọng, trường Trần văn Dư, Lý thường Kiệt, Trần Phú, số học sinh được trợ cấp lên trên 30 em.
Cũng tặng 3 xuất cho trường cấp ba TCV nhưng gặp ông hiệu trưởng nói giọng Bắc lơ lơ là là không nhiệt tình lắm nên  anh em định cắt hai năm sau đó. May sao ông này nghỉ hưu và hiệu trưởng mới là một cựu học sinh TCV và tổ trưởng bộ môn Toán là một người trong nhóm “những người bạn” đề nghị vẫn giữ nên quĩ  vẫn duy trì cho đến cuối cùng.
Mà suy cho cùng, chúng ta làm từ thiện là cho các em học sinh nghèo, khó chứ phải cho một hai thầy giáo nào đâu!
Quĩ huy động được bạn bè anh em khắp nơi cả những người bạn tôi ở Mỹ như anh Long (Thanh Châu, San Jose), anh Minh (Bán, Santa Anna), ở Sài gòn như anh Tuấn (Bích) và giao tôi quản lý, giúp các em đi lên từng năm với tiêu chí rõ ràng và số tiền học bỗng đáng kể. Đáng tiếc là đến hè 2011 là mùa cuối cùng do tình hình kinh tế khó khăn, các mạnh thường quân cũng mất mát dần nên quỹ đành giải tán…
Mỗi lần về Tam Kỳ, chúng tôi, những cựu học sinh Trần Cao Vân thực sự bơ vơ bởi không còn trường xưa nữa. Một số các anh chị lớn hơn cũng lập hội cựu sinh viên TCV và thi thoảng cũng về trường Nữ Trung Học cũ tặng quà nhưng thấy…hơi vô duyên!



Về trường cũ. Đâu có phải chỉ để tặng quà mà còn tặng cho chính mình những không gian xưa cũ. Cái thời mà tâm hồn trong sáng chưa vẩn đục bụi đời…, để thấy lại những gốc cây, những góc trường với bao kỷ niệm riêng tư!
Những ai đó đã vô tình hay cố ý. Sơ suất hay ngu dốt. Đã cướp đi mất những kỷ niệm êm đềm nhất của bao con người! Những kỷ niệm mà cứ đằng đẳng đi theo họ. Trong một chốc nghe tiếng nói quen. Trong một thoáng bóng dáng học trò tươi vui cũ. Hay la đà trong giấc mộng bất chợt một đêm nào, rồi thức giấc ngẩn ngơ và nhớ.
Và nhớ và buồn. Nỗi buồn Trần cao Vân…

Nguyễn Quang Chơn,

04/02/2013, viết để nhớ về trường và tặng các bạn TCV của tôi