Thành phố Tam kỳ thuộc tỉnh Quảng Nam nằm đúng giữa trung tâm của chiều dài đất nước. Trước 1975 được gọi là thị xã, thuộc tỉnh Quảng Tín. Thị xã hiền lành với con sông Trường Giang chảy dọc và con sông Tam Kỳ chảy xuôi, với giọng Quảng phát âm rất nặng và hệ thống đường xá bấy giờ chỉ có ngả ba không có được một ngả tư!
Tôi không phải người quê gốc Tam kỳ nhưng thời chống Pháp, Tam kỳ thuộc Việt minh và gọi là vùng giải phóng. Gia đình tôi theo Việt minh nên di cư vào đó. Tôi sinh ra và trôi cả tuổi ấu thơ ở đấy cho đến ngày tốt nghiệp tú tài 1974.
Bây giờ ngồi nhớ lại những ký ức tuổi thơ. Không thể nào quên những món ăn rất bình thường mà rất đặc biệt ở Tam kỳ. Những món ăn, quán ăn đến bây giờ vẫn còn tên tuổi!
Món cơm gà Tam kỳ còn đang vang bóng! Sau 1975, những chú bộ đội đi xe lửa dừng ở ga Tamkỳ đã phải thốt lên: Ồ, nơi đây có gà tám ký! (Ga Tam Ky)
Gà Tam Kỳ cũng được luộc như mọi nơi chốn khác mà sao thịt thơm và ngon đến lạ lùng! Các bác lái xe đường dài ngày xưa thế nào cũng chọn cung đường ghé Tam kỳ buổi trưa hay chiều để làm một dĩa cơm gà!
Cơm gà bà Ký, bà Luận bây giờ vẫn còn nổi tiếng, dĩa cơm gà chặt hoặc xé phay cùng với một dĩa lòng xào thơm phức cay lừng, bụng ăn no cứng rồi mà miệng vẫn cứ thèm thêm! Bà Luận bây giờ đã mở thêm nhiều chi nhánh ở SG và cũng rất là đông khách.
Sài gòn có nhiều quán ghi là cơm gà TK nhưng vô ăn một miếng thì biết ngay là Tam kỳ dỏm!
Mỳ Quảng Tamkỳ thì khỏi chê! Ngày xưa có bà Dõng chuyên gánh gánh mỳ Quảng bán buổi chiều. Nhà bà ở gần vườn lài, cứ đến trưa đúng 2 giờ là bà có mặt tại hiên nhà tôi trước bưu điện thị xã cùng với mấy bà bán chè đậu xanh, đậu ván, mấy bà bán bánh ú, bánh đúc….Bưu điện tam kỳ là nơi để các chuyến xe Tam kỳ-Tiên Phước –Trà My đón và trả khách, khách đi chơi thì ít mà giao lưu hàng họ thì nhiều. Họ ghé vào hàng hiên chờ xe, người làm tô mỳ quảng, kẻ ăn chén chè đậu xanh có đá, người cái bánh đúc chắm mắm cái…, tôi thì, chắc cả đời tôi chẳng bao giờ quên những buổi trưa ngủ dậy, bước ra cửa sà xuống gánh bà Dõng là được bà múc cho một tô mỳ. Tôi chỉ ăn rồi mẹ tôi sẽ trả tiền sau!
Mỳ của bà là mỳ nhưn tôm thịt, gánh của bà một đầu là cái nồi đồng đựng nước lèo luôn sôi âm ỉ. Một đầu là mì, bánh tráng và nồi nhưn, rau sống! Rau sống bà sạch mà ngon. Nhưn của bà thì tuyệt cú mèo, cứ như mỳ gốc Phú Chiêm còn phải chào xa!
Bà bỏ rau sống vào bát, lấy mì trụng vào nồi nước lèo, chan nước nhưn, bẻ một trái ớt xanh, một chút đậu phộng, một cái bánh tráng. Cái màu vàng, trắng của mỳ, màu nước nhưn gạch tôm, trứng gà vàng vàng đo đỏ, con tôm luộc màu hồng và mấy lát thịt ba chỉ phơn phớt màu mỡ tươi, điểm xuyết thêm mấy hạt đậu phộng, bên miếng bánh tráng nướng dòn…, chỉ chừng nớ thôi mà cả tuổi thơ tôi gắn chặt, bây giờ kể chuyện vẫn rưng rưng thèm, đi khắp nơi ăn mỳ Quảng, vẫn không đâu bằng mỳ gánh của bà Dõng ngày xưa!
(Ôi bà Dõng, bây giờ bà còn không? Con cháu bà có ai theo nghề mì Quảng của bà? Bà có biết con nhớ bà xiết bao, và cái tô mỳ Quảng mỗi buổi chiều của bà đã giúp cho con sáng chữ mỗi ngày để bây giờ vẫn nhớ và biết ơn bà!)
Còn đi vào phía Nam khoảng 17km, các bạn sẽ gặp một quán mỳ Quảng đã làm nức danh thị xã Tam kỳ, đó là mỳ Cây Trâm. Cái quán ở thôn Cây Trâm, sát bên giòng sông Tràng Giang. Đặc biệt của quán này là những con tôm được vớt lên từ dòng sông Trường Giang bên cạnh, tươi rói, rất ngon và bao giờ cũng có một con cua lột. Trời ơi, con cua lột không biết họ làm ra sao mà cắn vào nghe mằn mặn, ngọt ngọt, thơm thơm, con mỳ thì vương vương mùi dầu phụng. Tô mỳ ở đây đắc gấp đôi tô mỳ bà Dõng nhưng giới lái xe mê lắm. Xe lam chạy Chu Lai, xe đò chạy Quảng Ngãi. Thể nào cũng dừng đây để làm một tô, miếng thịt, sợi mỳ còn trong kẽ răng thơm phức cuộc hành trình!..., mấy anh chị yêu nhau cũng thường đèo nhau vào đây để đãi nhau một tô mỳ thắm thía, lại còn được cuốc chơi xa.
Quán mỳ Cây Trâm và gánh mỳ bà Dõng đã mất hẳn sau 1975. Bây giờ thì khó tìm thấy một quán hay một gánh mỳ Quảng nào bằng! Ở ngoài Kỳ Lý, cách Tam Kỳ khoảng 5 cây số về phía Bắc, hiện có một quán cũng ngon nhưng hỡi ôi, đâu còn đúng chất vị ngày xưa!
Nói về bún bò thì chắc trên đời này không đâu có bún bò bình dị mà ngon như bún bò Tamkỳ. Bún TK có thể chấp bún Huế bởi cái sự giản dị của nước bún và đặc biệt là của cục giò! Người Huế làm bún cầu kỳ, có một chút câu nệ hình thức, màu mè. Nhìn nồi nước lèo bún Huế thì thấy đẹp mắt, nghe có một chút mùi mắm ruốc. Còn TK thì không. Nồi bún rất đơn sơ nhưng nước chan thì đắm thắm ngọt ngào, ăn xong cái hương còn theo mãi. Còn cục giò thì khỏi nói. Nhỏ và thơm! Tôi đồ rằng người ta chỉ dùng giò của mấy con heo cỏ nho nhỏ mà thôi. Cục giò nơi khác to đùng, dẫu có nhiều nạt cũng thấy ớn, còn ở TK thì mỗi tô 2 cục, lại một cục xương, ăn vẫn thấy còn thiêu thiếu! Ăn tô bún Huế có cảm giác như đọc bài thơ của bà Huyện Thanh Quan, đúng niêm luật và trang trọng, còn ăn tô bún Tam Kỳ ngỡ như đang thưởng thức bài thơ của bà Hồ Xuân Hương, nghe như chơi chơi mà đằm thắm. Càng nhâm nhi càng thấy đã đời! Ăn xong đứng dậy đi mà vẫn còn nhơ nhớ!
Không tin thì hãy ghé TK buổi sáng, đến quán Dạ Hương ngay bên đường quốc lộ. Quán bán đến chừng 8h30 là hết!
Muốn thưởng thức một tô bún bò buổi sáng bình dân hơn mà ngon không kém thì phải chịu khó dậy sớm. Quán bán vỉa hè trên đường qua Kỳ Phú, xuống biển Tam Thanh. 6:00, quán chỉ có bàn ghế, chén đũa, mắm, ớt, chanh…, khách đến tự ngồi vô bàn, lấy chén dằm ớt theo khẩu vị, hòa nước mắm với chanh rồi…chờ! 6:30, bà chủ quán gánh gánh ra và bắt đầu…múc. Bà biết mặt tất cả những người khách đang háo hức chờ bà, ai ăn giò, ai ăn xương, ai ăn nạt…, bà biết hết. Khách lạ qua đường bà mới hỏi. Người trước người sau trật tự…, bà bán chừng đến 7:30 là hết. Dọn bàn dọn gánh đi về!
Còn buổi tối thì xin mời đến quán bà Lan cũng trên đường quốc lộ xéo xéo quán DH buổi sáng. Bà Lan cở khoảng 60 nhhưng khuôn mặt phúc hậu hiền lành nên tô bún của bà cũng phúc hậu ngon lành. Có đi công tác ở đâu về ngang TK buổi tối, còn một tiếng nữa là về đến nhà Đà nẵng, tôi cũng vẫn phải dừng lại làm một tô bún bà Lan, nếu không, về nhà thèm thuồng làm sao ngủ được?!…
Các bạn hãy thử ghé ăn một lần thì mới thấy cái đặc biệt của bún bò giò heo Tamkỳ yêu thương của tôi!
Tam Kỳ còn món nem nướng bà Ký nữa! Nem nướng thì quí vị biết rồi, thịt heo giã nhuyễn rồi cuốn vào một đầu que tre, rồi nướng lên, rồi quấn với bánh tráng ướt, rau sống, thế thôi! Vậy nhưng khó nơi nào qua được quán bà Ký ở Tam Kỳ! Trước 75, buổi chiều mà đến hơi trễ là phải chờ vì thiếu chỗ. Cánh nhà binh vào đây ăn nhậu ồn ào. Chiêu đãi nhau một bữa ở quán bà Ký là sành điệu, là dân chơi! Quán này cha truyền con nối, bây giờ mấy người con bán vẫn ngon, vẫn đông. Hình như bí quyết nằm ở gia vị cho vào thịt và nước chấm. Đặc biệt là nem nướng TK còn được cuốn thêm với cái ram giòn mà không nơi nào có. Với tôi thì bao giờ nước chấm ở đây cũng được tôi pha thêm một chút nước mắm gin nữa thì mới hợp khẩu vị của mình!
Mấy bà mấy cô thích ăn hàng vặt thì rất khoái món bánh ướt gói ram của Tam Kỳ. Cái món cực kỳ đơn giản và vô cùng rẻ. Thế mà TK chỉ có 2 người bán và muốn ăn thì chỉ phải từ 6:30 đến 7:30 là hết! Cái gánh hàng rong này ở gần chùa Tịnh độ. Bà này còn bán thêm món mít trộn và bánh đúc chấm mắm nêm! Ram của bà làm cực kỳ thanh nhã, mỏng mảnh, giòn tan, được cuốn với lá mỳmềm mại mỏng dánh, rồi chấm với nước chấm đặc biệt của bà, hoặc với mắm nêm có một chút tương ớt cay cay…khỏi phải nói! Ăn no, mồ hôi rịn đầy trên trán, cũng chỉ khoảng 20 ngàn với thời giá bây giờ!
Tam kỳ còn có dãy quán lòng heo và cháo lòng An Thổ mà anh bạn tôi, học giả Huỳnh Ngọc Chiến đã có nhắc tới trong một bài viết đăng trên Kiến Thức Ngày Nay. Vùng này hồi xưa là lò mổ heo, rồi nhân tiện người ta mở luôn mấy quán bán lòng và cháo gần đó, vì vậy lòng ở đây tươi và origine, không chất tẩt rửa, không để ôi thiu. Nồi cháo thì nước xương nước thịt rất ngọt, không phải thêm mì chính (hồi xưa mì chính không phổ biến như sau 75, rất it người ăn). Buổi sáng xuống An Thổ ăn một tô cháo lòng với dĩa lòng nho nhỏ cũng thì tuyệt cú mèo. Mà nếu đừng vì bài học lịch sự, ăn xong, cầm cây tăm xỉa xỉa mấy miếng lòng mắc ở chân răng nghe tách tách thì mới đúng bài! Hồi xưa ăn lòng ào ào mà có thấy ai nói đến cholesterone với gout giếc gì đâu! Sao bây giờ người ta cảnh giác với món lòng heo lắm vậy?! Tôi vốn không thích lòng và cháo nên món này tôi chỉ nhắc cho đủ chứ tôi không có kỷ niệm với món này!
Chợt nhớ có một lần tháp tùng cùng một vị bộ trưởng quê ở Tam Kỳ về quê. Ăn cái gì ông cũng “double” cả. Bún ông ăn hai tô, mì hai tô, gà ông ăn gần một con. Nhìn ông ăn thích lắm. Gương mặt ông háo hức, tươi vui như một đứa trẻ con được mẹ đi chợ về dúi cho cái bánh, cây kẹo ngày xưa. Sếp tôi vối là người ác ý và định kiến. Sau lần đi đó ông nói với tôi. Mày thấy mấy cha bộ trưởng ăn ghê không! Ăn như….,Trời, vậy là sếp không hiểu chi hết rồi. Tôi đã đi với vị bộ trưởng này nhiều nơi, ăn nhiều quán. Ông là một con người bình dị, dễ mến và ăn uống rất chừng mực, kỹ càng. Bao nhiêu thứ cao lương mỹ vị, người ta chiêu đãi ông, có bao giờ ông quá chén. Ông ăn theo phép lịch sự mà thôi. Nhưng sao về quê ông laị ăn nhiều thế. Ăn ngon lành thế? Thưa sếp, đó là ông đang ăn ký ức tuổi thơ ông. Ông đang hoài nhớ về cái thời tuổi nhỏ được mẹ cha cho ăn một miếng gà, một tô bún thì như một đại tiệc, bởi cái tuổi thơ vất vả của xóm nông nghèo cát trắng quê ông. Ông ăn là ông đang nhớ đó, thưa sếp!
Cũng như tôi, vốn chỉ uống là giỏi chứ không ăn được nhiều, mà sao vô TK, đứa bạn nào cũng khen (hay chửi), mẹ, thằng này ăn dữ! Này, tau đang ăn kỷ niệm của tụi mình ngày xa xưa đó. Tau đang ăn buổi sáng thằng Đỉnh, buổi trưa thằng Tuấn, buổi chiều thằng Chiến, buổi tối thằng Quyền… bây cứ đi xa như tau rồi bây mới biết, không đâu đẹp bằng không gian tuổi thơ, không bè bạn nào bằng bè bạn thời thơ ấu, không nơi đâu ngon bằng Tam Kỳ, không gánh mỳ nào bằng gánh mỳ bà Dõng ngày xưa!...
tháng 4, 2012,
Thân tặng những người bạn Tam kỳ
| |
Nguyễn Quang Chơn |